Họ, tên, tên tự, biệt hiệu của người xưa (1)

Họ, tên, tên tự, biệt hiệu của người xưa (1)
Họ, tên, tên tự, biệt hiệu của người xưa (1). (Ảnh: Public Domain)

Tục ngữ có câu: “Đại trượng phu đi không đổi họ, ngồi không đổi tên”, họ tên đối với người xưa là cực kỳ quan trọng. Nhưng căn nguyên do đâu mà con người ta có họ thì có lẽ không nhiều người biết. Người người đều có họ, cho rằng đây là chuyện đương nhiên từ xưa, thực ra “Họ” (Tính) của con người đã trải qua nhiều biến hóa, chúng ta sẽ từ từ làm rõ.

Phần I — Nguồn gốc của Họ

Chữ Họ (Tính - 姓) nhìn từ kết cấu chữ Hán, là do chữ "Nữ - 女" và chữ "Sinh - 生" cấu thành. Cái này có thể là vì thần thoại Nữ Oa tạo ra con người, hoặc do một thời kỳ chế độ mẫu hệ, cho nên từ các văn vật cổ có thể thấy Họ thời đại Tiên Tần, hầu như đều có chữ Nữ, như các họ Cơ - 姬, Diêu - 姚, Tự - 姒, Quy - 媯, Nhâm - 妊, Khương - 姜, Doanh - 嬴, Phi - 妃, Lạc - 嫪 v.v...

Về nguồn gốc của Họ (Tính), nói chung có 2 loại giả thuyết.

Giả thuyết thứ nhất cho rằng, lấy đặc trưng địa lý địa phương của nơi sinh trưởng làm họ.

Theo “Quốc ngữ - Tấn ngữ”, họ Cơ thuộc dòng dõi Hoàng Đế có thuỷ tổ cư trú bên bờ sông Cơ Thủy, cho nên lấy Cơ làm họ; còn họ Khương thuộc dòng dõi Viêm Đế thì cư trú ở Khương Thủy. Kiểu giả thuyết này, đương nhiên có đạo lý của nó, hơn nữa cũng đưa ra được ví dụ thực tế, cho nên có thể tin tưởng.

Đặc điểm này cũng được người Nhật áp dụng. Xưa người dân thường Nhật Bản chỉ có tên mà không có họ. Sau thời Duy tân Minh Trị, người Nhật đa phần lấy địa danh làm họ. Ví dụ, ngôi sao, ca sĩ nổi tiếng Nhật Bản những năm thập niên 70, 80 thế kỷ trước là Yamaguchi Momoe (Sơn Khẩu Bách Huệ), tổ tiên của cô lấy họ theo địa danh cư trú Yamaguchi (Sơn Khẩu)

Một giả thuyết khác, sau khi phát triển các lĩnh vực dân tộc học, xã hội học, văn hóa học cận đại, trải qua nghiệm chứng khoa học, cho rằng nguồn gốc họ của con người đến từ sự sùng bái “Totem” của tổ tiên.

Totem, nguyên là ngôn ngữ bản địa Nam Mỹ, họ cho rằng tổ tiên họ là do một loại động vật, thực vật hoặc hiện tượng tự nhiên khác biến hóa mà thành, bởi vậy sùng bái đối với loại động vật, thực vật hoặc hiện tượng tự nhiên này, một cách tự nhiên lấy đó làm đại biểu cho bộ lạc của mình, cũng chính là họ của bộ lạc.

Theo khảo sát văn vật, Trung Quốc cổ đại cũng có hiện tượng như thế, cho nên nói rằng họ đến từ totem cũng tương đối có đạo lý. Nói chung, hai kiểu giả thuyết đều có lý, đều có thể tham khảo.

Nhưng bất luận họ người là đến từ giả thuyết nào, lúc ban đầu chỉ có nữ giới là có họ. Tuy nhiên, văn hóa lịch sử nhân loại không ngừng diễn hóa (chú ý, chỉ là diễn hóa, không phải tiến hóa. Chưa chắc nay đã hơn xưa, xưa chưa chắc đã kém nay, chỉ là khác biệt mà thôi), khi phương pháp hái lượm của nhân loại dần dần không cung ứng đủ thức ăn nữa, ắt phải dùng đến hình thức săn bắt giết chóc các loại động vật hung mãnh thì mới no bụng, lúc này cần phải có nam giới khỏe mạnh, cũng bởi vậy mà dần dần thoát khỏi xã hội mẫu hệ, xuất hiện xã hội phụ hệ do nam giới làm chủ gia đình.

Xuất hiện xã hội phụ hệ, thì có thể bắt giết hoặc nuôi dưỡng nhiều động vật hơn, bước vào xã hội nông nghiệp sơ kỳ, có thể thu hoạch được nhiều nông sản, thức ăn không còn thiếu thốn nữa, dẫn đến nhân khẩu sinh sôi đông đảo. Số lượng Họ (Tính) vốn có trở nên không đủ để sử dụng, nên đối với thế hệ sau đã trở nên đông đảo này cần dùng các loại phương thức để cho bọn họ một đại biểu, đó chính là "Thị" (Thị tộc). Thị xuất hiện vào cuối thời Tam đại Hạ, Thương, Chu.

Nhân loại trong quá trình diễn hóa hơn 10 vạn năm, thậm chí lâu hơn, đã phát hiện giao phối cận huyết sẽ sinh ra đời sau bị khuyết tật dị dạng, vì để tránh hôn phối họ hàng gần, Tính và Thị liền mang tác dụng nhận biết, phân biệt, mà Thị là từ Tính phân ra. Thời thượng cổ, chỉ quý tộc mới có Tính, hậu duệ của quý tộc có Thị, bình dân không có Tính hoặc Thị, cho nên cái gọi là bách tính cổ đại là chỉ quý tộc, bình dân chỉ được gọi là "kiềm thủ", "lê dân" .

Đến thời đại Xuân Thu Chiến Quốc, bởi vì tình hình các chư hầu thôn tính nhau vô cùng kịch liệt, rất nhiều quý tộc chư hầu do nước nhà diệt vong mà lưu lạc làm bình dân. Vậy là rất nhiều người bình dân có Thị cho riêng mình (chính là Tính, Họ mà chúng biết ngày nay), rất nhiều bình dân vốn không có họ cũng bắt chước làm theo, nhận cho mình một họ.

Tính vào thời Xuân Thu Chiến Quốc thực ra đều là Thị trước đây. Cho nên những Tính thời thượng cổ như Quy, Doanh, Tự, Lạc, Nhâm v.v.. đến hiện nay là hầu như không còn thấy nữa.

Theo “Quốc ngữ” quyển 10, “Tấn ngữ tứ - Văn Công”:

“Con cái Hoàng Đế tổng cộng 25 người, mang họ có 14 người, trong đó có 12 họ là Cơ, Dậu, Kỳ, Tị, Đằng, Châm, Nhâm, Tuân, Hi, Cát, Hoàn, Y v.v…”

Cố Viêm Võ thời cuối Minh đầu Thanh trong “Nhật tri lục” cho rằng:

"Nói về họ, vốn từ Ngũ Đế. Xem ‘Xuân Thu’ thì thấy có 22."

22 họ này là: Quy, Tự, Tử, Cơ, Phong, Doanh, Kỷ, Nhâm, Cật, Kỳ, Mị, Tào, Vân, Đổng, Khương, Yển, Quy, Mạn, Hùng, Ngỗi, Tất, Duẫn v.v…, nếu như xem xét chữ khắc trên đồ đồng thời Tây Chu thì số lượng họ đương thời không quá 30, dù nhận định thế nào, thì vào thời đại Tiên Tần, họ cũng không có nhiều lắm, cho nên để có "bách tính" thì hẳn phải là một quốc gia mênh mông.

Thế nhưng đến cận hiện đại, số lượng họ thấy được từ văn vật trong Trung Quốc đã có 5662 họ, trong đó họ đơn có 3484, họ kép có 2032, họ ba chữ có 146; trong 5662 họ này còn chưa kể đến họ bốn chữ, hay họ phiên âm chữ Hán của người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, Mông Cổ, Hắc Tát Khắc, Ô Tư Biệt Khắc... Xem ra, họ của người Trung Quốc ít nhất phải hơn 7-8 ngàn, vậy rốt cuộc là từ đâu ra?

Nói một cách sơ lược, sau Xuân Thu Chiến Quốc, người Trung Quốc nhận được Tính (kỳ thực cũng chỉ là Thị từ thời cổ) với các hình thức sau:

Một, lấy biểu tượng thị tộc làm họ

Biểu tượng thị tộc, hay totem đã đề cập ở trên, như dân Thương tự nhận là do "Huyền điểu" diễn hóa, “Kinh Thi - Thương tụng” có đoạn: "Thiên mệnh huyền điểu, giáng nhi sinh Thương, trạch Ân thổ mang mang..."

Có thể thấy, dân triều Thương lấy huyền điểu làm biểu tượng thị tộc (cũng chính là totem).

Vậy huyền điểu còn là gì nữa? Theo giáo sư Triệu Thiết Hàn thời nay khảo chứng, huyền điểu là chim yến, văn tự cổ đại giống như chữ "Tử", cho nên dân Thương mang Tính là "Tử".

Tương truyền mẹ của thủy tổ dân Thương là Giản Địch, có lần khi ra ngoài tế bái Trời, vừa lúc có một con chim yến (huyền điểu) bay tới, đồng thời đẻ một quả trứng, Giản Địch nuốt quả trứng vào bụng, liền mang thai, sinh ra thủy tổ triều Thương là Tiết.

Lấy tri thức ngày nay để xem xét truyền thuyết này, đương nhiên sẽ cho rằng quả thực bất khả tư nghị, thế nhưng với tổ tiên 3000 năm trước thì nó là chuyện hoàn hoàn có thể. Ví dụ cùng loại về việc lấy totem thị tộc làm Tính như câu chuyện này thì vô cùng nhiều.

Hay như sự tích “Hạ Vũ trị thủy” vẫn được truyền tụng từ lâu trong lịch sử thượng cổ Trung Quốc, dân Hạ cho rằng mình có quan hệ nào đó với rắn, có thể nói lấy rắn làm totem, cho nên Vũ - người kiến lập vương triều Hạ - mang Tính là Tự 姒, bộ thủ Nữ 女 là chữ hội ý, chữ Dĩ 以 (hay còn viết 㠯) căn cứ theo thuyết văn giải tự là "viết ngược chữ Tị", mà Tị chính là rắn, có thể thấy được dân Hạ mang Tính là Tự, cũng là từ totem diễn hóa ra.

Những thứ khác như Long, Ngưu, Dương, Mã, Hùng, Lộc, Chu, Lôi v.v…, đều có thể nói là nhờ totem mà mang Tính.

Hai, nhờ nước phong hoặc thái ấp mà mang họ

Vào thời nhà Chu trước đây, thiên tử vì để củng cố vương quyền đã phong cho con em trong họ hoặc công thần khác họ một khối lãnh thổ, để họ trở thành chư hầu, tức là phong quốc bảo vệ thiên tử. Những chư hầu này có thể cai trị người dân trên lãnh thổ được phong, mà chư hầu lại có thể phân phong đất đai của mình cho khanh tướng, đại phu - gọi là thái ấp. Kiểu phân phong này thường được gọi là thời đại phong kiến hoặc xã hội phong kiến.

Trên cơ bản đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, bỏ phong kiến thiết lập quận huyện, thời đại phong kiến kết thúc, sau thời Tần chỉ có thể nói là đế chế hoặc thời đại tập quyền.

Những chư hầu phong quốc thời Chu, hoặc các khanh tướng, đại phu, thường thường lấy nước phong hoặc thái ấp làm Tính. Tỷ như thiên tử Chu phong con cháu cùng họ (họ Cơ) làm chư hầu, kể đến có: Lỗ, Vệ, Thái, Tào, Đằng, Yên, Trịnh, Hàn, Hà, Quắc, Hoạt, Ung, Phong, Hình, Tùy, Hồ, Ba... - tổng cộng 48, thế là 48 chư hầu vốn mang Tính là Cơ lấy tên nước phong làm Thị, thời gian trôi qua, Thị đã trở thành Tính.

Lại như thiên tử Chu phong công thần khác họ làm chư hầu, kể đến có: Tề, Sở, Tống, Kinh, Trần, Triệu, Chu, Trâu, Tức, Đặng, Lương, Tiết, Từ, La, Thân, Chương, Cát... - tổng cộng 60, vậy là thêm 60 chư hầu lấy những Tề, Sở, Tống... làm họ.

Chư hầu cũng có thể đem lãnh địa của mình phân phong cho khanh tướng, đại phu cùng họ hoặc khác họ làm thái ấp, thế là những khanh tướng, đại phu này lấy thái ấp làm Tính, như Lưu, Bạch, Kinh, Đường, Tước, Lư, Bảo, Phí, Khoái, Phạm... v.v... Vậy là hơn 100 họ là lấy nước phong hoặc thái ấp làm họ.

Ba, lấy chức quan làm họ

Thời đại Tiên Tần quý tộc và bình dân có tính thế tập cha truyền con nối, người làm quan đương nhiên có địa vị kinh tế - xã hội cao hơn bình dân, đồng thời chức nghiệp bình thường cũng có đặc tính lưu truyền lại cho đời sau, bởi vậy lấy tên gọi chức quan hoặc chức nghiệp làm họ. Vế trước có: Sử, Soái, Tông, Quân, Khố, Tư Đồ, Tư Mã, Tư Không, Vương, Công, Bá, Hầu v.v…; vế sau có: Đào, Chúc, Vu, Xa, Cầu, Giả v.v….

Bốn, lấy tước vị tổ tiên hoặc thụy hiệu làm họ

Người xưa cũng có lấy tước vị  tổ tiên làm họ, như tổ tiên đã từng được phong làm vương, hoặc công, như vậy hậu duệ sẽ lấy Vương, Vương Tôn, Công Tôn làm họ; cũng có người lấy thụy hiệu tổ tiên làm họ, như: Văn, Võ, Mục, Trang v.v...

Năm, lấy đức hạnh làm họ

Như Triệu Tương nước Tấn thời Xuân Thu đi theo công tử Trùng Nhĩ (về sau là Tấn Văn Công), phiêu dạt 19 năm, cuối cùng giúp công tử Trùng Nhĩ về nước Tấn đăng quang vương vị (nói chặt chẽ ra, lúc đó nước Tấn vẫn không thể xưng vương, chỉ có tước vị là công). Triệu Tương không chỉ ân trọng tình thâm đối với công tử Trùng Nhĩ, mà đối với người bình thường cũng thích chiều lòng, cho nên mọi người đều thấy ông tựa như mặt trời ấm áp giữa mùa đông, vậy là hậu duệ của ông liền lấy “Đông Nhật" làm họ.

Lại như Thiếu Chính Mão (cùng thời Khổng Tử) rất có tiếng tăm ở nước Lỗ, có thể nói là người nước Lỗ mà ai cũng nghe tiếng, bởi vậy hậu duệ của ông liền lấy "Văn Nhân" làm họ. Lại như Hoài Nam Vương Anh Bố đầu thời Hán, lúc còn trẻ từng vì phạm tội mà phạt thích chữ lên mặt, loại hình phạt này gọi là “kình hình”, hậu duệ của ông không những không coi đó là sỉ nhục mà còn lấy Kình làm họ.

Sáu, lấy nơi cư trú làm họ

Sau khi một số thị tộc di chuyển đến nơi ở mới thì sử dụng địa danh hoặc đặc trưng địa phương làm họ, ví dụ như Trần Trọng Tử nước Tề thời Chiến Quốc, vốn là người có gia thế ở nước Tề, sau ông từ bỏ tước vị, chuyển nhà đến Ư Lăng đọc sách và làm ruộng, do đó hậu duệ ông dùng “Ư Lăng” làm họ.

Hay như đại phu Tử Sản nước Trịnh, cư trú tại Đông Lý, con cháu của ông dùng "Đông Lý" làm họ.

Trong xã hội người Hán rất nhiều khi là lấy đặc trưng của nơi cư trú làm họ, như Đông Quách, Nam Cung, Tây Môn, Bắc Khâu, Bách Lý, Trì, Thành, Liễu, Lý, Lâm, Dương, Quan, Đồ v.v...

Bảy, lấy tên hoặc tên tự của ông nội làm họ

Theo chế độ tông pháp thời Chu, chắt của quân chủ các nước chư hầu không được xưng là Công Tôn, mà lấy tên tự của ông nội làm họ, như Thi, Du, Khổng, Nhan, Đổng, Viên v.v…; nếu như ông nội không có tên tự, thì lấy tên của ông nội làm họ, như: Kim, Thiếu, Thang, Đồng, Triển, Cẩu, Khánh Phụ, Cao Dương v.v...

Tám, lấy vai vế trong gia đình, dòng họ làm họ

Thời cổ vai vế lớn nhỏ huynh đệ tỷ muội thường thường lấy theo trình tự Bá, Trọng (có lúc cũng dùng Mạnh), Thúc, Quý.

Như đời Thương, con vua nước Cô Trúc có họ Mặc Thai, tên Duẫn, bởi vì ông là anh cả, sau khi mất có thụy là "Di" cho nên về sau mọi người gọi ông là Bá Di, ông từng cùng em trai Thúc Tề khuyên can Chu Vũ Vương không nên thảo phạt Trụ Vương nhà Thương. Chu Vũ Vương chí lớn bao trùm thiên hạ, sao có thể chịu nghe lời như vậy, kết quả diệt Thương chiếm được thiên hạ. Anh em Bá Di, Thúc Tề không chịu làm dân nhà Chu, ăn lương thực nhà Chu, hai anh em vào núi Thú Dương chịu đói mà chết.

Bá Di, Thúc Tề, khuôn mặt gầy guộc, ánh mắt kiên định, tinh thần, phong thái sống động trong “Thái vi đồ” của Lý Đường thời Tống. (Phạm vi công cộng)

Sau khi Bá Di chết, hậu duệ ông lấy chữ "Bá" làm họ. Cũng giống như vậy, thời Xuân Thu, con cháu Trọng Thúc Vu Hề - đại phu nước Vệ - lấy "Trọng Thúc" làm họ.

Chín, hoàng đế ban họ cho

Đế vương thời cổ có lúc để lấy lòng người lãnh đạo các dân tộc thiểu số ở biên cương, hoặc để thưởng cho công thần, mà ban cho được cùng họ với hoàng đế. Như thời Đường sơ công thần khai quốc Từ Tích được ban cho họ Lý, thời Đường mạt ban cho thủ lĩnh tộc Sa Đà họ Lý, như Lý Khắc Dụng, Lý Tồn Úc, cũng từng ban họ Lý cho vua Tây Hạ của người Đảng Hạng, như Lý Nguyên Hạo; triều Tống cũng phỏng theo, ban lại cho vua Tây Hạ họ Triệu, thế là Lý Nguyên Hạo lại biến thành Triệu Nguyên Hạo; thời Minh mạt, để cổ vũ Trịnh Thành Công phản Thanh phục Minh, đã để ông mang họ Chu, cho nên Trịnh Thành Công được gọi là "Quốc tính gia" .

Trịnh Thành Công là bậc kỳ tài hiếm có trong lịch sử Trung Quốc, là nhân vật không thể lãng quên trong lịch sử phát triển Đài Loan. (Phạm vi công cộng)

Phương pháp ban họ này thường được hoàng đế người Hán dùng để ràng buộc, vỗ về hoặc cổ vũ quần thần, nhưng người Hồ khi kiến lập vương triều, cũng thích sử dụng. Ví như thị tộc Vũ Văn của dân tộc Tiên Ti khi kiến lập Bắc Chu, đã từng ban cho Dương Kiên (người kiến lập triều Tùy, được phong là Tùy Công thời Bắc Chu) họ “Tấn Lục Như” (đây là dịch âm tiếng Tiên Ti, nghĩa là gì thì hiện nay chưa khảo cứu được), cũng từng ban cho tổ tiên Lý Uyên (người kiến lập triều Đường, tổ tiên từng làm quan thời Bắc Chu) họ "Đại Dã" (cũng là dịch âm tiếng Tiên Ti). Qua đó có thể thấy rằng người Hồ hay người Hán đều thích dùng chiêu thuật này.

Ngoài ra còn có việc lấy họ gần. Ví như triều Hán và Hung Nô tiến hành kết thân, nói đúng ra là triều Hán triều phong cho nữ giới trong cung (đương thời gọi là lương gia tử) làm công chúa, gả cho Thiền Vu của người Hung Nô (người Hung Nô gọi người đứng đầu là Thiền Vu). Trải qua thời gian lâu, đến đời sau, có một số quý tộc Hung Nô sống lẫn cùng người Hán, tự nhận là cháu đằng ngoại của hoàng đế triều Hán, có thể lấy họ của đằng cậu được, cho nên thời Ngụy Tấn, có rất nhiều quý tộc Hung Nô đều mang họ Lưu, như Lưu Uyên (kiến lập chính quyền cũng gọi là Hán, sử gọi Hán Triệu hoặc Tiền Triệu), Lưu Báo, Lưu Diệu, Lưu Vệ Thần v.v...

Lại đến khi Bắc Nguỵ Hiếu Văn Đế thi hành Hán hóa toàn diện, thì có một mục là sửa họ Tiên Ti thành họ Hán, thế là có rất nhiều họ đa âm tiết của người Tiên Ti đổi thành họ đơn hoặc họ phức của người Hán, như Khâu Mục Lăng đổi thành Mục, Bộ Lục Cô đổi thành Lục, Hạ Lại đổi thành Hạ, Độc Cô đổi thành Lưu, Hạ Lâu đổi thành Lâu, Vật Nữu Vu đổi thành Vu, Hột Hề đổi thành Kê, Uất Trì đổi thành Úy, Thác Bạt đổi thành Nguyên v.v… - kiểu đổi họ này cũng tương đương với được vua ban họ cho.

Mười, để tránh họa mà đổi họ

Ví dụ như Trần Hoàn con của Trần Lệ Công thời Xuân Thu, vì nước Trần phát sinh nội loạn nên phải chạy trốn tới nước Tề, làm tới đại phu nước Tề, bèn sửa họ Trần thành họ Điền, văn vật cổ gọi là Điền Kính Trọng.

Lại như nhà quân sự Hàn Tín đầu thời Hán, bởi vì công cao lấn chủ, hơn nữa bệnh đa nghi của Lưu Bang khá nặng, liền mượn cớ đem Hàn Tín giết đi. Hậu duệ Hàn Tín để tránh phiền phức, liền đổi thành họ Hà.

Trong lịch sử Trung Quốc có rất nhiều ví dụ giống như chuyện hậu duệ của Hoàng Tử Trừng đầu thời Minh đổi thành họ Điền, đến nỗi đã trở thành mô-típ trong tiểu thuyết, rằng người nào đó tránh họa hoặc tránh kẻ thù truy sát, mà đổi họ và lưu lạc tha hương.

Mười một, con cái vị thành niên theo mẹ tái giá mà đổi họ

Con cái vị thành niên được mẹ đưa theo khi tái giá để tiện nuôi nấng, do đó đổi theo họ của người chồng mới. Loại sự việc này thì trong lịch sử có quá nhiều, tới thời hiện nay cũng là việc thường thấy.

Thời cổ con cái vị thành niên theo mẹ tái giá, thường thường sau khi thành niên, nếu như có công danh, sẽ đổi lại họ nguyên gốc, để làm rạng rỡ tổ tông, như Phạm Trọng Yêm thời Tống, khi còn bé mất cha, theo mẹ tái giá với nhà họ Chu, liền mang họ Chu, về sau đỗ đạt công danh, liền nhận tổ quy tông, khôi phục họ Phạm.

Mười hai, vì ở rể mà đổi họ

Người Trung Quốc, nhất là người Hán, đặc biệt coi trọng quan niệm dòng dõi, cho rằng ‘bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại’, cho rằng kế thừa hương hỏa tổ tông là trách nhiệm trọng đại của con cháu, mà trách nhiệm này phải do con trai gánh vác. Nếu như người nào đó chỉ sinh con gái, nhưng phải thừa kế hương hỏa tổ tông và tài sản, thì sẽ dùng phương pháp ứng biến, cưới chồng cho con gái và bắt ở rể, gọi là "Chuế phu" hoặc "Chuế tế”. Người ở rể này phải đổi sang họ vợ, như vậy con cái sinh ra là theo họ nhà gái, có thể kế thừa hương hỏa tổ tông.

Mười ba, vì xuất gia mà đổi họ

Ban đầu khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc thì không có bao nhiêu tín đồ. Trước thời Tam Quốc còn không có người xuất gia làm sư, đến sau thời Nam Bắc triều, bắt đầu mới có người Trung Quốc thí phát quy y. Đương thời các vị cao tăng hơn phân nửa là từ Tây Vực tới, như Phật Đồ Trừng, Cưu Ma La Thập v.v… Theo tập quán của người Trung Quốc, đối với những người từ ngoại quốc đến thì đều lấy quốc gia nguyên quán làm họ.

Ví dụ như: Đến từ Thiên Trúc (hay Ấn Độ) thì họ Trúc, đến từ Thạch quốc ở Tây Vực thì họ Thạch, đến từ An quốc họ An, đến từ Cao Ly họ Cao v.v… Những đồ đệ xuất gia sẽ lấy họ của sư phụ làm họ, như Trúc Pháp Nhã, Bạch Pháp Tổ, Khang Pháp Sướng... tương đối hỗn loạn. Mãi cho đến khi đệ tử Đạo An của Phật Đồ Trừng (nguyên là họ Vệ) xuất hiện, ông cho rằng tổ sư sáng lập Phật giáo là Thích Ca Mâu Ni, người xuất gia đều quy y theo Phật tổ, nên lấy họ Phật tổ làm họ.

Cho nên kể từ Đạo An, tất cả tăng ni xuất gia đều lấy Thích làm họ, cho đến ngày nay hòa thượng, ni sư xuất gia ở trước pháp hiệu đều có một chữ “Thích”.

Mười bốn, họ được phiên âm của các dân tộc vùng biên cương

Từ sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, nội địa Trung Quốc quần tụ rất nhiều dân tộc, trong đó do sự dung hợp của Hoa Hạ, Đông Di, Kinh Ngô, Bách Việt mà hình thành nên người Hán chiếm tuyệt đại đa số, hơn nữa hơn phân nửa tụ cư ở lưu vực Giang, Hà, Hoài, Hán, lấy nông nghiệp làm chính.

Ngoài người Hán, còn có rất nhiều dân tộc, hơn phân nửa phân bố ở khu vực biên cương, truyền thống gọi là dân tộc biên cương hoặc dân tộc thiểu số. Những dân tộc biên cương này cũng là thành phần cấu thành Trung Quốc, hơn nữa trong lịch sử cũng từng thành lập rất nhiều vương triều theo phương thức người Hán, thống trị đông đảo người Hán, như Ngũ Hồ thập lục quốc, Bắc Nguỵ, Đông - Tây Ngụy, Bắc Chu, Liêu, Kim, Nguyên, Tây Hạ, Thanh v.v….

Ngoài Nguyên, Thanh thống trị toàn bộ Trung Quốc, nếu như thống kê tỉ mỉ một chút, cộng tất cả thời gian thống trị cục bộ của các vương triều dân tộc Hồ thì còn lớn hơn thời gian thống trị của các vương triều người Hán. Cho nên có thể nói lịch sử Trung Quốc được người Hồ và Hán chung sức mà thành.

Nếu các dân tộc biên cương đã có vai trò quan trọng như vậy trong lịch sử, đương nhiên là có rất nhiều người thuộc dân tộc biên cương di cư vào nội địa. Bởi vì ngôn ngữ của họ và Hán ngữ không giống nhau, đặc biệt là các dân tộc phương Bắc, ngôn ngữ của họ đều là đa âm tiết, so với ngôn ngữ đơn âm của người Hán thì có sai biệt cực lớn. Lấy chữ Hán phiên âm danh tính của họ, có thể thấy rõ sự khác biệt với họ người Hán, như Độc Cô, Hạ Lan, Hô Diên, Uất Trì, Mộ Dung, Bác Nhĩ Tể Cẩm, Da Luật, Hoàn Nhan, Ái Tân Giác La, Diệp Hách Na Lạp v.v...

Nếu họ di cư vào nội địa, bởi vì danh tính của họ không giống với người Hán, tự nhiên sẽ khiến cho người Hán nội địa chú ý, thậm chí tạo thành phiền phức. Vì để tránh tình hình như thế phát sinh, thường thường sẽ lấy âm đầu của họ hoặc chữ nào hài âm, hoặc dịch nghĩa họ của người Hồ sang từ tương đương trong tiếng Hán, ví dụ họ Bác Nhĩ Tể Cẩm của dân tộc Mông Cổ, thường thường dịch âm thành Bao, Bảo, Bạch; họ Mộ Dung đổi thành họ Mộ; Ái Tân Giác La dịch ra là họ Kim; Diệp Hách Na Lạp dịch ra là  họ Diệp hoặc họ Na... Ví dụ như vậy có thể nói là nhiều không kể xiết.

(Còn nữa)
Hữu Đức