Họ, tên, tên tự, biệt hiệu của người xưa (2)

Họ, tên, tên tự, biệt hiệu của người xưa (2)
Họ, tên, tên tự, biệt hiệu của người xưa (2). (Ảnh: Public Domain)

Nói đến Danh (tên gọi) và Tự (tên chữ) của người xưa thì càng bao la, bởi vì Tính hoặc Thị vốn sẵn có từ tổ tiên truyền lại (ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt), thế nhưng Danh và Tự là người ta sau khi sinh ra rồi mới mang, cho nên việc đặt tên tương đối tự do, nhưng cũng không phải tùy tiện chọn bừa một chữ đẹp đẽ nào đó.

Người xưa đặt tên là cũng có quy tắc tương đối, ở đây chỉ giới thiệu các nguyên tắc lớn chủ yếu.

Nguồn gốc của Danh, hay Tên

Thường nói rằng, người xưa sau khi chào đời được 3 tháng thì được đặt tên (Danh), con trai 20 tuổi làm lễ đội mũ thì được đặt tên Tự, con gái 15 tuổi làm lễ cài trâm thì có Tự.

(Ảnh: Public Domain)

Trước khi chính thức có tên, thường thường đều đặt cho trẻ con một “tiểu danh” hay còn gọi là “nhũ danh”. Nhũ danh này thường được trưởng bối dùng để xưng hô với đứa bé (thậm chí đến sau này khi đã trưởng thành), thí dụ như con trai Lưu Thiện của Lưu Bị, nhũ danh A Đẩu, về sau cho dù Lưu Thiện đã trưởng thành, thậm chí đã làm Hoàng đế Thục Hán, mọi người lại chỉ nhớ đến “đớn hèn như A Đẩu”.

Danh tướng Bắc phạt thời Đông Tấn là Lưu Dụ (sau soán ngôi Tấn, thành lập chính quyền Lưu Tống ở phía Nam), nhũ danh Ký Nô, rất nhiều văn bản đều dùng "Lưu Ký Nô" để gọi Lưu Dụ. Không chỉ người Hán như vậy, rất nhiều người dân tộc Hồ ở phương Bắc cũng có nhũ danh, như Mộ Dung Hoàng - người thành lập chính quyền Tiền Yên của dân tộc Tiên Ti - có nhũ danh là Vạn Niên; Mộ Dung Thùy - quân chủ khai quốc Hậu Yên của dân tộc Tiên Ti - nhũ danh là A Lục Đôn, cái tên "A Lục Đôn" này nhiều khả năng có nghĩa là vàng (Altun) trong tiếng Tiên Ti; Phùng Bạt người Bắc Yên, mặc dù là người Hán, nhưng đã Tiên Ti hóa, ông cũng có nhũ danh theo tiếng Tiên Ti là "Khất Trực Phạt"; ví dụ tương tự có thể nói là nhiều không kể xiết.

Thậm chí có thể nói, hầu như tất cả người Hán đều có nhũ danh. Người xưa đặt nhũ danh cho đứa bé, thường là thông tục dễ gọi, cũng có khi đặt theo tên loài động vật, như A Ngưu, A Cẩu, Tiểu Hổ Tử v.v…; lại như đẻ toàn con gái, mong sinh thêm được con trai, thì thường thường đặt cho con gái nhũ danh là Chiêu Đệ (mời em trai tới) hoặc Khiên Đệ (dắt em trai) gì đó; hoặc như không muốn mà lại sinh ra con gái, liền gọi là Võng Thị (âm Mân Nam, ý tứ là nuôi tạm thời thôi). Nhũ danh của người Hán có thể nói là muôn hình muôn vẻ, thậm chí kỳ quái đến đâu cũng có.

Trẻ con sinh hạ được 3 tháng, cần đặt một tên chính thức, thông thường do trưởng bối cùng huyết thống phụ trách, nếu như gia đình này không phải trí thức gì, thì sẽ thỉnh giáo người có học vấn đặt tên cho đứa bé. Người xưa đặt tên cũng có vài quy tắc, ở đây chỉ có thể giới thiệu sơ lược.

Một, chứa đựng mong nguyện hoặc ghi dấu kỷ niệm

Như thời Xuân Thu Chiến Quốc, Thúc Tôn Đắc Thần đánh thắng địch, bắt được tướng bộ lạc Trường Địch tên là Kiều Như, liền đem đặt tên cho con trai mình là Kiều Như. (Chú thích: Địch, là dân tộc thiểu số ở phương Bắc đương thời, có thể có quan hệ huyết thống với người Dingling sau này. Vì người Địch ở phía Bắc nước Lỗ cao to, nên gọi là Trường Địch.)

Lại như Trịnh Trang Công vì đẻ ngược, nên có tên Ngụ Sinh.

Người Hồ phương Bắc cũng có khi đặt tên theo phương thức này. Như khi dân tộc Mông Cổ mới hưng thịnh, có một vị Hãn gọi là Dã Tốc Cai Bạt Đô (Yesukhei Baatar) đánh nhau với người Tatar, bắt được thủ lĩnh Tatar tên Thiết Mộc Chân Ngột Cách (Temujin Uge), liền đặt tên con là Thiết Mộc Chân - chính là Nguyên Thái Tổ Thành Cát Tư Hãn lừng danh. (Chú thích: Baatar có nghĩa là “anh hùng”, “dũng sĩ” trong tiếng Mông Cổ. Tên thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ hiện nay có nghĩa là “Anh hùng Đỏ”. )

Hai, đặt tên theo vai vế trong gia đình

Gia đình người Hán đặc biệt là trí thức, rất chú trọng đặt tên theo vai vế, để tránh con cháu sau này đông đúc lên rồi thành rối loạn thân phận, thời ban đầu phải đến phân nửa dùng các chữ Bá, Trọng, Thúc, Quý v.v… để phân biệt trình tự ra đời của anh em. Chỉ cần nghe tên là biết vai vế.

Nhưng giống như Bá Di, Trọng Do, Thúc Tề, Quý Trát v.v…, thì chỉ xác định được vai vế người đó trong gia đình, chứ không cách nào biết được vai vế của người đó trong gia tộc họ hàng. Nếu như con cháu sinh sôi nảy nở đông đúc, mà lại phân tán khắp nơi, thì con cháu đời sau lại không rõ vai vế thân phận. Thế là một vài gia tộc lớn vì để cho con cháu đời sau có thể biết rõ vai vế thân phận, liền quy định lấy những chữ nào chữ nào để phân biệt. Con cháu đồng tông sẽ dùng những chữ này trong tên.

Lấy vương thất triều Thanh làm thí dụ, trước thời Thuận Trị, còn chưa tiếp thu phương thức đặt tên này của người Hán, từ Khang Hi về sau mới dùng phương thức đặt tên này, như Khang Hi tên Huyền Diệp (vương thất nhà Thanh có họ Ái Tân Giác La), phàm là anh em hoặc anh em họ cùng thế hệ với Khang Hi đều mang chữ lót là Huyền, với Càn Long là chữ lót Hoằng, với Gia Khánh là chữ lót Ngung, với Đạo Quang là chữ lót Mân, với Hàm Phong là chữ lót Dịch, với Đồng Trị, Quang Tự là chữ lót Tải, với Tuyên Thống là chữ lót Phổ.

Với tên kép, chữ chỉ vai vế thân phận thông thường đặt sau họ, giống như với vương thất triều Thanh ở trên, hoặc như Trương Học Lương, Trương Học Tư, Trương Học Minh ở Đông Bắc; hậu duệ Khổng Tử hậu duệ cũng là như vậy; nhưng cũng có khi là có đặt ở cuối cùng, như Tống Khánh Linh, Tống Ái Linh, Tống Mỹ Linh v.v...

Với tên đơn, thường thường chỉ dùng một bộ thủ để phân biệt, như thời Tống có Tô Thức, Tô Triệt (trong tên đều có bộ thủ Xa), hay như trong “Hồng Lâu Mộng” thì Giả Chính, Giả Xá, Giả Mẫn (bộ thủ Xích) là cùng lứa; Giả Trân, Giả Liễn, Giả Châu, Giả Hoàn, Giả Bảo Ngọc (bộ thủ Ngọc) là cùng lứa; Giả Lan, Giả Dong, Giả Vân (bộ thủ Thảo) là cùng lứa.

Còn có trường hợp chặt chẽ hơn nữa, chữ thứ nhất trong tên để chỉ vai vế thân phận, chữ thứ hai còn quy định cần có cùng bộ thủ, như vương thất thời Minh, Thái Xương đế Chu Thường Lạc, em của ông là Phúc vương Chu Thường Tuân (bộ thủ Thủy); Thiên Khải đế Chu Do Hiệu, em trai ông là Sùng Trinh đế Chu Do Kiểm, Hoằng Quang đế Chu Do Tung, Vĩnh Lịch đế Chu Do Lang v.v... (bộ thủ Mộc).

Theo phương thức đặt tên này, dù con cháu đời sau đông đúc hơn nữa, phân tán khắp nơi, thì từ tên gọi vẫn có thể cho biết là người cùng gia tộc, lại còn có thể xác định vai vế thân phận thứ bậc.

Hiện nay hậu duệ Khổng Tử tuy rằng phân bố khắp cá nơi trên thế giới, nhưng từ tên gọi có thể lý giải rất rõ ràng quan hệ vai vế. Đây là một loại phương thức đặt tên rất tốt, cho nên rất nhiều thế gia đại tộc người Hán đều dùng phương thức này đặt tên con cháu.

Tuy vậy, loại phương thức đặt tên này cũng có khuyết điểm. Nếu như một gia tộc con cháu đông đảo, sau khi đã cách đến hai, ba đời, nhân số dĩ nhiên là càng nhiều, chữ và bộ thủ thiếu dần, cho nên có khi sẽ thấy những tên người với chữ lạ lẫm, tạo thành khó khăn cho nhà trường và xã hội.

Ba, hoàng đế ban tên cho

Hoàng đế để ân sủng hoặc vỗ về một thần tử, không chỉ ban họ cho, mà cũng có thể ban tên cho.

Ví dụ như thời Đường Huyền Tông Lý Long Cơ (712-756), để sủng ái Dương Quý phi, để anh trai của nàng là Dương Chiêu thuận lợi phong quan tiến chức, liền ban cho ông ta một cái tên hay là Quốc Trung. Các văn bản và sách vở đến tận ngày này đều hay ghi là Dương Quốc Trung, rất ít nhắc tới Dương Chiêu.

Hay như thời Đường mạt, ban tên cho quyền thần Chu Ôn là Chu Toàn Trung. Dương Quốc Trung hoặc Chu Toàn Trung, người trước xuất phát từ ân sủng, người sau xuất phát từ vỗ về. Tra xét trong văn bản cổ ví dụ về hoàng đế ban tên cho hẳn là không ít.

Bốn, thêm bớt nét chữ trong họ để thành tên

Người xưa đặt tên không chỉ theo 3 phương thức ở trên, mà còn thêm bớt nét chữ trong họ để thành tên, như giữa Đông Hán và Tây Hán có Tân Mãng (Vương Mãng soán ngôi nhà Hán thành lập chính quyền, quốc hiệu là Tân, sử gọi là Tân Mãng), cháu trai ông họ Vương, tên Khuông, Khuông chính là Vương thêm nét, cùng thời Vương Mãng và Vương Khuông, còn có một Vương Khuông khác. Hai Vương Khuông này họ tên tuy giống nhau, lập trường lại hoàn toàn tương phản. Vương Khuông cháu Vương Mãng đương nhiên là bậc tôn quý của vương triều Tân đoản mệnh, còn Vương Khuông kia là thủ lĩnh nghĩa quân chống nhà Tân.

Hay như năm đầu Dân Quốc, chủ tịch chính phủ quốc dân (thời gian kháng chiến) họ Lâm tên Sâm, Sâm là Lâm thêm nét; Vu Hữu Nhâm từng đảm nhiệm Viện trưởng Viện Giám sát Trung Hoa dân quốc thời gian dài, có bút danh Vu Hu (ý là ưu sầu cảm thán), Hu cũng là Vu thêm nét.

Còn bớt nét trong họ để thành tên, trong văn tịch cổ cũng có sẵn ví dụ, như đại thần Y Doãn thời đầu triều Thương (từng phò trợ Thương Thang diệt Hạ Kiệt), Doãn chính là Y giảm nét.

Hay như Thái học sinh Trần Đông, người chủ trương dùng võ lực kháng Kim thời Bắc Tống, Đông là Trần bớt nét, mà thời Minh Thế Tông Chu Hậu Thông (1522-1566), cũng có một Trần Đông cấu kết hải tặc Nhật Bản quấy rấy vùng duyên hải Đông Nam; danh nho Nguyễn Nguyên đời Thanh, Nguyên là Nguyễn bớt nét; nhạc sĩ nổi tiếng cận đại Niếp Nhĩ (1912-1935), Nhĩ là Niếp bớt nét… Nhìn chung phương thức thêm bớt nét để thành tên là không hiếm.

Năm, chiết tự họ thành tên

Chữ Hán là do một vài bộ thủ cấu thành, như chữ Giang là do 2 chữ Thủy và Công kết hợp mà thành, chữ Cá là do 2 chữ Nhân và Cố kết hợp mà thành, thành ra có người chiết tự họ của mình ra làm thành tên. Giống như nhà văn dân tộc Mãn Châu nổi tiếng Lão Xá. Lão Xá là bút danh của ông, họ tên ông nguyên là Thư Xá Dư (舒舍予), Xá Dư (舍予) là chiết tự của Thư (舒). Hay như chủ bút tòa báo ở Trung Quốc là Hứa Lệ Ngân, bút danh của ông là Hứa Ngọ Ngôn, Ngọ (午) và Ngôn (言) ghép vào chính là Hứa (許). Hoặc như nhà văn Trung Quốc Trương Trường Cung, Trương (張) chiết tự ra chính là Trường (長) và Cung (弓) [Người xưa đọc từ phải sang]

Theo thế thì khá nhiều họ có thể chiết tự thành tên, như Uông Thủy Vương (汪水王), La Tứ Duy (羅四維 - phồn thể) hoặc La Tứ Tịch (罗四夕 - giản thể), Diêu Nữ Triệu (姚女兆), Hà Nhân Khả (何人可), Phong Nhĩ Phong (酆耳豐) v.v…, nhưng không phải là họ nào cũng tách đôi ra thành chữ có ý nghĩa, cho nên sử dụng phương thức đặt tên này nói chung cần có chút hiểu biết văn tự.

Sáu, lấy tên người xưa để biểu thị ngưỡng mộ

Giống như Nhan Chi Thôi người Bắc Tề thời Nam Bắc triều, vì ngưỡng mộ Giới Chi Thôi người nước Tấn thời Xuân Thu, liền đặt tên là Chi Thôi, lại lấy họ "Giới" của Giới Chi Thôi làm tên tự.

Lại như nhà nghiên cứu văn tự Cố Dã Vương của Nam triều, vì kính phục tiến sỹ Phùng Dã Vương thời Tây Hán, nên lấy tên là Dã Vương, đồng thời lấy tên tự là Hi Phùng; Cố Tổ Vũ thời cuối Minh đầu Thanh vì kính ngưỡng Phạm Tổ Vũ triều Đường, lấy tên là Tổ Vũ, hơn nữa lấy tên tự Cảnh Phạm (“cảnh” có nghĩa kính ngưỡng). Cách đặt tên gọi và tên tự của Cố Dã Vương và Cố Tổ Vũ có thể nói là giống hệt nhau.

Phương thức đặt tên của người xưa đại thể có mấy loại kể trên, đương nhiên cũng không phải chỉ giới hạn trong 5 cách như vậy.

(Còn tiếp)
Hữu Đức

Đọc tiếp