"Hỏa diệm sơn" của Tây Du Ký có phải là vì nguyên nhân trước đó sinh ra hậu quả sau này?

"Hỏa diệm sơn" của Tây Du Ký có phải là vì nguyên nhân trước đó sinh ra hậu quả sau này?
Phía bắc sa mạc Taklamakan ở Tân Cương cũng có một ngọn núi Hỏa Diệm Sơn, nhưng ngọn núi này không phải là ngọn núi kia. (Ảnh: Public Domain)

Câu chuyện về “Hỏa Diệm Sơn” trong “Tây du ký” kể về bốn thầy trò Đường Tăng, Chu Bát Giới, Tôn Ngộ Không và Sa Tăng trên đường tới Tây Thiên bái Phật thỉnh kinh gặp Hỏa diệm sơn dài 800 dặm chặn đường.

Tôn Ngộ Không ba lần nghĩ kế mượn quạt. Phần này của câu chuyện chiếm trọn ba chương, bao gồm ba nạn trong chín chín tám mốt nạn của thầy trò Đường Tăng bao gồm: "Tam Tạng gặp Hỏa Diệm Sơn nghẽn lối, Hành Giả lần đầu mượn quạt ba tiêu", "Ma Vương ngừng đánh đi tiệc rượu, Hành Giả lần hai mượn quạt ba tiêu" và "Bát Giới giúp sức đánh bại yêu quái, Hành Giả lần ba mượn quạt ba tiêu". Tình tiết có lúc thăng lúc trầm và hấp dẫn; hình tượng các nhân vật vô cùng sống động, khiến vô số độc giả thích thú khi bàn luận về nó.

Bốn thầy trò gặp Hỏa diệm Sơn

Trong hồi thứ 59, "Tam Tạng gặp Hỏa Diệm Sơn nghẽn lối, Hành Gỉa lần đầu mượn quạt ba tiêu", lúc đầu, Bốn thầy trò bước đi, dần dần cảm thấy nóng nực, cảm thấy thời tiết đang mùa thu lạnh sao lại nóng nực như mùa hè mà không biết tại sao. Bát Giới nói đùa rằng đây chính là "cuối chân trời" và không còn đường nào để đi nữa. Sa Tăng tin rằng nguyên nhân là do thời tiết không thuận lợi và mùa màng thất thường. Sau đó, bốn thầy trò hỏi thăm người dân địa phương và biết rằng nơi đây là Hỏa Diệm Sơn dài 800 dặm, trời nóng quanh năm, không có cỏ cây nào mọc được,  chặn đường tới Tây Phương nên không ai có thể đi qua. Năm thầy trò lại nghẽn lối ở Hoả Diệm Sơn: “Lửa bốc ngùn ngụt tám trăm dặm, bốn xung quanh một tấc cỏ cũng không mọc được. Đi qua ngọn núi ấy à, dù có mình đồng da sắt cũng chảy ra nước hết”.

Để dập lửa, Tôn Ngộ Không phải 3 lần lặn lội đi mượn quạt Ba Tiêu từ Thiết Phiến công chúa (còn gọi là Bà La Sát), mẹ của Hồng Hài Nhi, vì căm hận Ngộ Không chia lìa mẹ con bà nên kiên quyết không cho mượn quạt. Tôn Ngộ Không hết đấu sức lại đấu trí với Thiết Phiến công chúa và Ngưu Ma Vương, nếu không nhờ chư Phật chư Thiên tương trợ thì không mượn nổi quạt về. Tại sao Ngộ Không phải nhọc sức như vậy? Đến Nam Hải, cầu xin Quan Âm dùng nước cam lồ dập lửa như lần trước chẳng nhanh hơn sao?

Vì vậy Ngộ Không đã nghĩ kế dùng thần thông của mình để lấy được quạt nhưng hai lần đều thất bại. Trong lần mượn quạt thứ nhất Ngộ Không bị chiếc quạt của Thiết Phiến công chúa quạt bay tới hơn 50.000 dặm bay đến tận núi trái núi Tiểu Du Di của Linh Cát Bồ Tát. Linh Cát Bồ Tát lấy ra viên Định phong đan đã được chuẩn bị sẵn từ trước cho Ngộ Không mượn. Ngộ Không dùng nó để đối phó với Bà La Sát và cầu xin cho mượn quạt nhưng không thành. Vì vậy lại biến thành côn trùng nhỏ chui vào bụng của Thiết Phiến công chúa, uy hiếp cho mượn quạt nhưng bị cho mượn quạt giả.  

Trong hồi thứ 60 "Tôn Ngộ Không lần thứ hai lừa Thiết Phiến công chúa", Ngộ Không cải trang thành Ngưu Ma Vương và lừa gạt chiếc quạt thật của Bà La Sát, nhưng Ngưu Ma Vương khi đó vừa về kịp đã biến thành Trư Bát Giới cũng dùng chiêu tương tự để lấy lại chiếc quạt thật.

Trong hồi thứ 61 "Tôn Ngộ Không lần thứ ba ", Ngưu Ma Vương, Ngộ Không và Trư Bát Giới cùng nhau thi triển thần thông để có được quạt ba tiêu nhưng không phân thắng bại. Cuối cùng, các thiên binh thiên tướng theo sự sắp xếp và chỉ đạo của Phật Tổ cũng như Ngọc Hoàng thượng đế đã xuống trần gian để giúp đỡ bốn thầy trò Đường Tăng và cuối cùng đã chế ngự được Ngưu Vương, mượn được quạt dập lửa ở Hỏa Diệm Sơn.

Ngọn lửa bùng cháy mạnh mẽ ẩn giấu nguyên nhân và hậu quả

Ba chương này chứa đựng nhiều điều bí ẩn về tu luyện. Tại sao cơ thể mình đồng da sắt nước lửa không thể làm tổn thương của Tôn Ngộ Không lại không thể chịu được ngọn lửa của Hỏa Diệm Sơn? Trên thực tế, Hỏa Diệm Sơn chính là viên gạch dưới lò luyện kim của Thái Thượng Lão Quân, thứ đã gần như luyện thành Tôn Ngộ Không năm trăm năm trước. Tôn Ngộ Không đá đổ lò luyện đan, gây ra ngọn lửa dữ dội lan rộng tám trăm dặm ở thế gian. Đây chính là gieo nhân nào gặp quả đó. Ngộ Không phải lao nhọc mấy phen, kỳ thực cũng là an bài để Ngộ Không tiêu trừ tội nghiệp gây ra từ trước. Tội nghiệp đó là gì?

“Thổ địa nói:
– Lửa ấy chính là do Đại Thánh gây ra đấy. Hành Giả tức giận, nói:
– Ta có ở đấy đâu mà nhà ngươi nói bậy như vậy? Ta mà lại là cái phường phóng hỏa à?
Thổ địa nói:  Chính Đại Thánh cũng không nhận ra cả tôi đấy thôi. Vùng này vốn không có quả núi ấy, năm trăm năm về trước, hồi Đại Thánh đại náo thiên cung, bị Hiển Thánh bắt, mang giải tới chỗ Lão Quân. Lão Quân quẳng Đại Thánh vào lò bát quái nấu luyện. Luyện xong mở vạc ra, bị Đại Thánh đạp đổ cả lò luyện đơn, mấy viên gạch có dính ít lửa bị rớt xuống và những tàn lửa ấy rơi xuống đây biến thành Hỏa Diệm Sơn. Còn tôi vốn là đạo nhân giữ lò ở cung Đâu Suất, bị Lão Quân trách tội không giữ nổi lò, bèn đẩy tôi xuống đây làm thổ địa núi Hỏa Diệm Sơn vậy"'.

Lửa ấy chính là do Ngộ Không gây ra, nên chính Ngộ Không phải đi dập lửa. Thế nên giới tu luyện có câu rằng: Tội nghiệp gây ra thì tự mình gánh chịu, Thần Phật cũng không gánh đỡ hết cho được. Nếu Quan Âm Bồ Tát lại dốc nước trong bình tịnh thuỷ dập lửa cho, thì còn đâu cơ hội để Ngộ Không trả món nợ ngày xưa?

Truyện viết: “Ngưu Vương bản thị tâm viên biến” (Ngưu Ma Vương vốn do tâm biến hoá ra); con trai Ngưu Ma Vương là Hồng Hài Nhi cũng tượng trưng cho tâm hỏa; vợ của Ngưu Ma Vương là La Sát phu nhân giữ Hỏa Diệm Sơn cũng là chỉ về tâm hỏa. Có thể thấy gia đình nhà Ngưu Ma Vương đều có liên quan đến tâm. Kinh Hoa Nghiêm chép: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”. Như vậy, ma nạn ở Hoả Diệm Sơn là phản ánh của quá trình người tu luyện diệt trừ lửa sân hận, tu tâm dưỡng tính mà thôi.

“Tây Du Ký” miêu tả hành trình tu luyện theo Phật gia, nhưng lại hàm chứa rất nhiều điều của Đạo gia, ví như bắc lò luyện đơn, thông chu thiên, v.v. Còn nhớ khẩu quyết của Thiết Phiến công chúa dùng để biến lớn quạt Ba Tiêu là “xi-hư-ha-hấp-hi-suy-hô”. Mấy chữ này tương đồng với một cách hô hấp nạp thải khí trong tu Đạo gọi là “lục tự ca quyết”, gồm có “hư, ha, hô, xi, suy, hi”, ứng với tạng phủ kinh lạc lần lượt là “can, tâm, tì, phế, thận, tam tiêu”. Trong tu luyện đều cần phải “đáp Thước Kiều” (nối cầu Hỉ Thước), chính là lưỡi đặt hàm trên. Khi hít khí vào lưỡi chạm hàm trên, khi thở khí ra bởi vì phải làm khẩu hình tương ứng với âm thanh phát ra, nên đầu lưỡi tự nhiên cũng rời khỏi vị trí hàm trên. Uy lực của quạt Ba Tiêu lớn như thế, kỳ thực cũng là chỉ bộ phận lưỡi của người. Lưỡi được mệnh danh là ‘tâm chi miêu’ (gốc của tâm), trong ngũ hành thuộc tâm, thuộc tính hỏa, do đó nói dùng quạt Ba Tiêu quạt tắt ngọn lửa Hỏa Diệm Sơn chính là mượn điều tức để đạt đến ‘bình tức tâm hỏa’ (khiến lửa giận lắng lại).

Dùng quạt Ba Tiêu để quạt nước mưa dập tắt lửa Hỏa Diệm Sơn, điều này lại vừa phù hợp với câu nói trong tu luyện của Đạo gia là “thủy hỏa ký tế” (nước lửa đã xong). Cho nên khi câu chuyện này kết thúc, trong “Tây Du Ký” có viết rằng: “Bốn thầy trò Đường Tam Tạng đi riêng một con đường, nước lửa đã cứu xong, tiết trời trở nên mát lạnh, mượn được quạt quý thuần âm, quạt hơi lửa nóng để qua núi”.

Theo Soundofhope
Bình Nhi

Đọc tiếp