Hoa Kỳ tăng cường ứng phó với Trung Quốc và Nga ở Bắc Cực

Hoa Kỳ tăng cường ứng phó với Trung Quốc và Nga ở Bắc Cực
Lầu Năm Góc tuyên bố trong một báo cáo mới rằng Hoa Kỳ sẽ tăng cường khả năng sẵn sàng quân sự và hoạt động giám sát ở Bắc Cực trước sự quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga (Ảnh: Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ)

Lầu Năm Góc tuyên bố trong một báo cáo mới rằng Hoa Kỳ sẽ tăng cường khả năng sẵn sàng quân sự và hoạt động giám sát ở Bắc Cực trước sự quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga ở khu vực này, cùng với những rủi ro mới do biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

Theo Chiến lược Bắc Cực năm 2024 của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ được công bố hôm thứ Hai (22/7), cần có các biện pháp "để đảm bảo Bắc Cực không trở thành điểm mù chiến lược" vì băng tan khiến khu vực này dễ tiếp cận hơn về mặt kinh tế và quân sự.

Các ưu tiên bao gồm giám sát tốt hơn khu vực rộng lớn, cũng như nghiên cứu về hệ thống cảnh báo tên lửa trên không gian, phối hợp sâu hơn trên khắp NATO và với Canada thông qua Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ, và cải thiện truyền thông vệ tinh và dữ liệu. 

Lầu Năm Góc cũng cho biết họ cần mô hình hóa và dự báo tốt hơn về môi trường thay đổi nhanh chóng để chuẩn bị cho khả năng chiến đấu trong điều kiện ngày càng khó lường ở phía Cực Bắc xa xôi.

Lầu Năm Góc nhấn mạnh mối quan ngại về "sự liên kết ngày càng tăng" giữa Trung Quốc và Nga, hai đối thủ cạnh tranh an ninh quốc gia hàng đầu của Washington.

Kathleen Hicks, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai: “Các khối băng Bắc Cực tan chảy đang mở ra các tuyến đường vận chuyển mới và thu hút sự quan tâm và hoạt động ngày càng tăng từ cả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Nga”. 

Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược duy nhất có ý chí và ngày càng có đủ khả năng để tái thiết trật tự quốc tế” trong khi Nga “tiếp tục gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và ổn định trong khu vực”.

Cuộc chiến tại Ukraine của Nga đã cô lập nước này khỏi bảy quốc gia khác bao quanh Bắc Cực, tất cả đều là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, và khiến nước này phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, quốc gia đang theo đuổi chương trình nghị sự riêng của mình trong khu vực. 

Các quốc gia Bắc Cực ở Bắc Mỹ và Châu Âu cũng thấy mình phải đối mặt với những mối đe dọa mới, từ việc gây nhiễu GPS đến những quả bóng bay do thám.

Trung Quốc, mặc dù không phải là quốc gia Bắc Cực, nhưng họ đang cố gắng giành ảnh hưởng, tiếp cận "và đóng vai trò lớn hơn trong việc quản lý khu vực". Lầu Năm Góc cho biết nước này vận hành ba tàu phá băng trong khu vực để phục vụ nghiên cứu dân sự-quân sự kép và đã thử nghiệm các phương tiện không người lái dưới nước và máy bay cánh cố định có khả năng hoạt động ở vùng cực.

Bắc Cực đang nóng lên nhanh hơn gấp nhiều lần so với bất kỳ khu vực nào khác trên Trái Đất, tạo cơ hội cho các quốc gia có bờ biển Bắc Cực khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng vẫn còn trên lý thuyết.

Theo báo cáo Tầm quan trọng chiến lược của khu vực này cũng đang thay đổi khi băng biển tan chảy, nghĩa là Eo biển Bering giữa Alaska và Nga và Biển Barents phía bắc Na Uy "đang trở nên dễ điều hướng hơn và có ý nghĩa hơn về mặt kinh tế và quân sự".

Nga tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng quân sự mới và tân trang các cơ sở thời Liên Xô trong khu vực. Ngoài ra, Hạm đội phương Bắc của nước này có trụ sở tại Bán đảo Kola, cùng với tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

Báo cáo từ Lầu Năm Góc nhận định, Nga có "một con đường rõ ràng để tiếp cận đất nước Hoa Kỳ thông qua Bắc Cực" và có thể sử dụng khả năng của mình ở đó để ngăn chặn Hoa Kỳ phản ứng với các cuộc khủng hoảng ở châu Âu hoặc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cơ sở hạ tầng hàng hải của nước này cũng có thể cho phép họ kiểm soát Tuyến đường biển phía Bắc, ngay cả ở những khu vực mà họ không có yêu sách hợp pháp.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết trong một bản ghi nhớ đính kèm: “Hoa Kỳ là một quốc gia có lãnh thổ ở Bắc Cực, và khu vực này rất quan trọng đối với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia của Hoa Kỳ và các cam kết hiệp ước quốc phòng của chúng tôi”. Ông nói thêm: “Những thay đổi địa chính trị lớn đang thúc đẩy nhu cầu về cách tiếp cận chiến lược mới này đối với Bắc Cực.”

Theo ADN/Bloomberg News
Bảo Thư