Hóa ra câu 'Giàu không quá 3 đời' còn có câu trước, đó mới là kinh điển

Hóa ra câu 'Giàu không quá 3 đời' còn có câu trước, đó mới là kinh điển
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung quốc gia Đài Loan)

Người xưa có câu: "Phú bất quá tam đại" (Nghĩa là: Giàu không quá ba đời), liệu đây có phải là quy luật bất di bất dịch?

Ví dụ như trong xã hội hiện đại, cha ông kiếm được đầy bát đầy bồn, con cái tiêu xài hoang phí, chưa đến đời cháu đã bị phá sản, hoặc vì lý do nào đó mà trở nên nghèo khó. Tuy nhiên, thời xưa cũng có những gia đình giàu có hàng trăm năm, ví dụ như gia đình của danh tướng thời Xuân Thu là Quản Trọng, sau tám trăm năm, đến thời Đông Hán, gia tộc ông vẫn giàu có, hơn nữa Âm Lệ Hoa (1) còn làm hoàng hậu.

Nhưng ít ai biết câu nói đầy đủ là: "Truyền thừa đạo đức thì kéo dài hơn mười đời, truyền thừa nghề nông và học vấn kém hơn, truyền thừa thi thư lại kém hơn, truyền thừa giàu sang thì không quá ba đời"

Nguyên văn: "Đạo đức truyền gia, thập đại dĩ thượng, canh độc truyền gia thứ chi, thi thư truyền gia hựu thứ chi, phú quý truyền gia, bất quá tam đại"

Tại sao lại có câu nói "Phú quý truyền gia, bất quá tam đại"?

Truyện xúc động của Triệu Thái Hậu Một giả thuyết cho rằng câu nói này xuất phát từ "Chiến Quốc Sách". Khi Triệu Thái Hậu mới lên nắm quyền, nước Tần đã tăng cường tấn công nước Triệu. Nước Triệu cầu cứu nước Tề, nước Tề đồng ý xuất binh nhưng có một điều kiện là con trai của Triệu Thái Hậu là Trường An Quân phải đến nước Tề làm con tin. Triệu Thái Hậu nghe xong liền nổi giận, bà làm sao có thể để con trai mình sang nước khác làm con tin?

Xúc Long (2) lớn tuổi đến cung điện và trò chuyện với Triệu Thái Hậu, chủ yếu là về sức khỏe, ăn uống của bà, v.v. Xúc Long nói rằng ông thương con trai mình hơn cả phụ nữ, câu nói này khiến Triệu Thái Hậu bật cười.

Hai người tiếp tục trò chuyện, nói qua nói lại, chủ đề chuyển sang con cái của Triệu Thái Hậu. Xúc Long nói rằng Triệu Thái Hậu yêu thương con gái Yên Hậu (gả cho Yên Vương làm hậu) hơn Trường An Quân. Triệu Thái Hậu phản bác rằng "Không đúng".

Vậy Xúc Long đã nói gì? Ông nói rằng mỗi khi cúng tế, Triệu Thái Hậu đều cầu nguyện cho con gái Yên Hậu đã xuất giá: "Đừng bao giờ bị đuổi về nhé." Xúc Long cho rằng Triệu Thái Hậu đang lo lắng cho tương lai lâu dài của con gái mình, hy vọng con cháu của bà sẽ làm vua từ đời này sang đời khác. Triệu Thái Hậu nghe đến đây, vui vẻ đồng ý: "Đúng vậy."

Những lời tiếp theo đi vào trọng tâm, Xúc Long nói: "Từ đời này trở về trước ba đời, thậm chí đến thời lập quốc của Triệu, con cháu của Triệu quốc quân được phong hầu, con cháu của họ còn có ai được thừa kế tước vị không?" Triệu Thái Hậu nói: "Không có." Xúc Long nói: "Không chỉ có Triệu, con cháu của các chư hầu khác được phong hầu còn có người kế vị không?"

Triệu Thái Hậu nói: "Tôi chưa nghe nói." Xúc Long chỉ ra lý do tại sao con cháu của các chư hầu không giàu có quá ba đời, nói: "Đó là vì họ có địa vị cao quý mà không có công lao, bổng lộc hậu hĩnh mà không có lao động, lại còn chiếm hữu nhiều châu báu (khiến người dân oán hận)! Nay bà đặt địa vị của Trường An Quân rất cao, còn phong cho đất đai màu mỡ, nhưng không nhân cơ hội này để cho chàng lập công cho nước, một khi bà qua đời, Trường An Quân lấy gì để đứng vững ở nước Triệu?"

Triệu Thái Hậu nghe xong liền hiểu ra, vội vàng để Xúc Long sắp xếp cho Trường An Quân đến Tề làm con tin.

Ân trạch của bậc quân tử chỉ kéo dài năm đời Cũng có người cho rằng câu "Phú quý truyền gia, bất quá tam đại" được phát triển từ một câu trong "Mạnh Tử".

Trong "Mạnh Tử - Ly Lâu Hạ" có câu "Quân tử chi trạch, ngũ thế nhi trảm", nghĩa là sự nghiệp mà bậc quân tử vất vả gây dựng, lợi ích và phúc trạch mà người đó mang lại, nhiều nhất là kéo dài năm đời, dù tổ tiên có hiển hách một thời, nhưng sau năm đời, ân huệ phúc lộc để lại cho con cháu đã cạn kiệt, con cháu đều trở thành thường dân.

Trong lịch sử Trung Quốc, không thiếu những gia đình tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Ví dụ, gia tộc Khổng Tử đã có hơn 2500 năm truyền thừa; gia tộc của Trương Đạo Lăng, người sáng lập Đạo giáo, cũng có lịch sử hơn 2000 năm; gia tộc Phạm Trọng Yêm thời Tống cũng truyền thừa gần một nghìn năm. Những gia đình này đều là hình mẫu của giáo dục đạo đức. Gia đình của Âm Lệ Hoa mà tôi đã đề cập ở đầu bài, những người quen thuộc với lịch sử đều biết rằng Âm Lệ Hoa là một vị hoàng hậu hiền đức, anh em trong gia đình đều khiêm tốn và hòa nhã, đủ thấy gia phong gia giáo là tấm gương mẫu mực.

Việc có truyền thống gia phong tốt, nuôi dạy con cháu có đạo đức tốt là chìa khóa giúp gia đình hưng thịnh. Nếu không, dù giàu có đến đâu cũng chỉ là phù du.

Vì vậy, truyền thừa đạo đức, con cháu chú trọng nâng cao phẩm hạnh, tự nhiên có thể truyền thừa lâu dài; truyền thừa nghề nông và học tập, lao động chân tay, hiểu được danh tiếng và tài sản của gia đình không dễ dàng có được, cũng sẽ truyền thừa lâu dài hơn; truyền thừa thi thư, sau khi học tập kiến thức sẽ hiểu được đạo lý, nhưng lý thuyết rốt cuộc không bằng thực tiễn, vì vậy kém hơn canh độc một chút; còn phú quý truyền gia, con cháu không biết công lao của người đi trước, chỉ biết hưởng thụ, dù có nhiều vàng bạc châu báu, cuối cùng cũng sẽ tiêu tan hết, đúng như câu "Phú bất quá tam đại". Đây là đạo lý từ xưa đến nay, ở thời nào, quốc gia nào đều không sai lệch.

Chú thích:

  1. Âm Lệ Hoa là hậu duệ của Quản Trọng, một danh tướng thời Xuân Thu. Người con trai thứ bảy của Quản Trọng là Quản Tu đã di cư từ nước Tề đến nước Sở và được phong làm Âm đại phu, vì vậy họ lấy "Âm" làm họ. Vào cuối thời Tần và đầu thời Hán, gia đình Âm di cư đến Tân Dã. Gia tộc họ Âm rất giàu có và là một gia đình nổi tiếng trong vùng.
  2. Xúc Long hay Xúc Điệp, các tài liệu cổ có các phiên bản khác nhau. Từ năm 1973 trở đi mới có kết luận, dựa trên bộ sách lụa được khai quật từ ngôi mộ số 3 ở Mã Vương Đôi, Hồ Nam, một trong số đó được đặt tên là "Chiến Quốc Tung Hoành Gia Thư", chương thứ mười tám của cuốn sách này có "Xúc Long thuyết Triệu Thái Hậu", nguyên văn nói "Xúc Long ngôn nguyện kiến", chứ không phải "Xúc Điệp nguyện kiến". Người xưa khi sao chép câu "Xúc Long ngôn nguyện kiến", đã xem chữ "Long" và chữ "ngôn" là một chữ, viết thành chữ "Điệp", dẫn đến sự nhầm lẫn.

Theo SOH
Tùng Anh biên dịch

Đọc tiếp