Ít tiền nhờ trí, nhiều tiền nhờ đức, giữ tiền nhờ buông
Nếu không có gì bất ngờ xảy ra, ai cũng mong muốn mình trở nên giàu có và sống một cuộc sống như ý muốn. Thế nhưng, chúng ta phải làm thế nào để làm giàu? Đây thực sự không phải là một chuyện dễ dàng, rất nhiều người bôn ba hơn đời người, vẫn mang dáng vẻ nghèo khổ.
Thế Thuyết Tân Ngữ có viết: "Tiểu thắng kháo trí, đại thắng kháo đức." Phàm là những người có thể làm nên đại sự, đều là người có đủ cả đức lẫn tài, nếu muốn đại sự được tiếp tục làm tốt, thì phải chấp nhận những thăng trầm của cuộc đời, tổng phải trải qua vài lần chạm đáy.
Làm giàu và làm người, là hai việc bổ trợ cho nhau, làm tốt ba điều sau đây, là điều rất cần thiết.
1. Tài sản nhỏ nhờ trí tuệ, tập hợp trí tuệ mở rộng lợi ích
Tục ngữ có câu: "Trong sách tự có nhà vàng". Những người không có trí tuệ nhất định, chỉ biết dựa vào sức lao động chân tay để kiếm tiền, chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Cùng một nhà máy, lương của nhân viên quản lý, nhân viên bán hàng, kỹ thuật viên và công nhân phổ thông là khác nhau.
Những người có thể đảm nhận vị trí quản lý, kỹ thuật phần lớn là những người học rộng, hoặc có kinh nghiệm xã hội phong phú. Tỷ phú Hồng Kông Điền Bắc Thần từng nói: "Nếu bạn có ý chí phấn đấu, bạn sẽ luôn đạt được thành tựu nhất định."
Sau đó, ông tham gia chương trình Cuộc chiến giàu nghèo, tự mình đến vị trí lao động phổ thông, làm việc trong hai ngày. Ăn những món ăn rẻ nhất, sống trong căn phòng chưa đầy hai mét vuông, nhận mức lương ít ỏi.
Ngay cả khi bị cấp trên khiển trách, ông cũng không dám hé răng, vì bản thân không có kỹ năng chuyên môn, sợ mất việc. Sau chương trình, ông đã rút lại lời nói trước đây của mình, thay vào đó nói: "Xã hội này đang trừng phạt nặng nề những người không chịu học hành."
Học hành chưa chắc đã làm giàu, làm ông chủ lớn, nhưng có thể cho bản thân có thêm quyền lựa chọn, có thể tìm thấy con đường sống thoải mái hơn. Cùng là người giao hàng, một người tốt nghiệp cấp hai, một người tốt nghiệp đại học, tương lai của họ sẽ khác nhau.
Trong quá trình giao hàng, người tốt nghiệp đại học có thể thử thi công chức, ứng tuyển vào các doanh nghiệp lớn. Nhưng người tốt nghiệp cấp hai thì không thể.
Tất nhiên, bằng cấp là một trong những biểu hiện của trí tuệ, không bao gồm toàn bộ trí tuệ. Nếu một người có bằng cấp không cao, nhưng có thể liên tục học hỏi, thì cũng có thể làm giàu cho bản thân.
Ví dụ, sau khi bước vào xã hội, học nghề mộc, sau đó thi lấy chứng chỉ liên quan. Trong lĩnh vực đồ gỗ, điêu khắc, có thể tạo dựng được tên tuổi.
Đọc sách, suy ngẫm, điều tra, tổng kết kinh nghiệm,... đều có thể giúp bản thân dần thoát khỏi lao động phổ thông. Cái gọi là tập hợp trí tuệ mở rộng lợi ích, không chỉ là để bản thân thông suốt, giải quyết khó khăn, mà còn có thể thu được nhiều lợi ích.
Trong Thuyết văn giải tự có nói: "Ích, nhiêu dã." Nhận được lợi ích một cách nhẹ nhàng, đó chính là đặc điểm của sự giàu có.
2. Đại phú nhờ đức, hậu đức tải vật.
Trong Kinh Dịch có câu: "Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức; địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật." Có nghĩa là: Trời vận động mạnh mẽ, người quân tử lấy đó làm gương để tự cường không ngừng; đất thế vững chãi, người quân tử lấy đó làm gương để lấy đức dày nâng đỡ vạn vật.
Một người có nền tảng kinh tế nhất định, muốn tiếp tục phát triển thì phải dựa vào đức hạnh. Người không có đạo đức, dù có thắt lưng buộc bụng, cũng sẽ thất bại. Đặc biệt là những người kiếm tiền bằng các hoạt động vi phạm pháp luật như trộm cắp, ngay từ đầu đã có nghĩa là thất bại.
Đạo đức và của cải, về bản chất là một thể thống nhất. Ví như một cái cây, đạo đức là rễ cây, của cải là thân cây. Vào thời Khang Hy, có một người bình thường tên là Tả Văn Thăng. Một hôm, một vị hương thân địa phương đưa cho ông hai mươi quan tiền, ủy thác ông bán hàng. Sau khi bán hết hàng, ông có thể nhận được hai phần lợi tức.
May mắn thay, lần đó, thị trường biến động nhanh chóng, Tả Văn Thăng kiếm được số tiền gấp nhiều lần so với dự kiến. Nhưng khi quyết toán, ông kiên quyết chỉ lấy hai phần lợi tức, số tiền dư ra nhất quyết không nhận.
Từ đó, sự trung thực của ông được nhiều người khen ngợi, làm ăn gì cũng thành công, lúc nào cũng có thể vay được tiền. Cũng có người giàu nhờ ông giúp bán hàng.
Mặc Tử nói: "Người trung thực là mối kết nối của thiên hạ." Một khi một người đã được gắn mác trung thực, thì có thể kết giao bạn bè khắp thiên hạ. Bốn biển đều là anh em, không lo làm ăn không tốt, không lo không tìm được việc làm, thiếu quý nhân.
Ngoài sự trung thực, còn có việc giúp đỡ người khác, nâng đỡ người yếu thế, quan tâm người già, xây dựng kênh làm giàu, xây dựng nền tảng làm giàu... đều là biểu hiện của việc nâng cao đạo đức.
Cần phải nói rõ, nâng cao đạo đức mà bị ép buộc thì không có tác dụng gì. Ví dụ, trong vấn đề cân thiếu, bị người ta phát hiện mới sửa chữa, người ta sẽ không tin vào cái gọi là "lãng tử hồi đầu", mà sẽ nghi ngờ "không biết hối cải".
Đức hạnh thực sự là một loại tự giác trong cách làm người, bản thân có thể kiên trì, con cháu cũng có thể kiên trì.
3. Giữ gìn của cải dựa vào chữ buông xả
Khi chúng ta giàu có, nhưng sau đó vẫn có thể trở nên nghèo khó, thậm chí gặp phải cảnh "giàu không quá ba đời". Vậy nên cần phải bàn đến vấn đề làm sao để giữ gìn của cải. Người xưa có câu: "Có xả mới có được, xả nhỏ được nhỏ, xả lớn được lớn".
Nhìn vào hành động của Thần Tài Phạm Lãi, ông đã nhiều lần từ bỏ của cải, giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn, nhưng bản thân lại nhanh chóng giàu có trở lại. Điều này chứng tỏ, những gì mình xả bỏ, sẽ bằng cách này hay cách khác, quay trở lại với mình.
Nhiều người giàu có, keo kiệt bủn xỉn, nhưng gia đình họ lại rất tồi tệ, thậm chí xuất hiện con cháu phá gia chi tử.
Người giàu khôn ngoan sẽ cùng con cháu làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo khó, tạo dựng con đường làm giàu. Trong quá trình bố thí, con cháu được khai sáng tâm hồn, trở nên tích cực cầu tiến, từ đó của cải của gia đình mới được bảo vệ.
Dù vì bố thí mà bản thân chịu thiệt thòi cũng không sao, bởi vì "chịu thiệt là phúc", giúp tâm hồn mình phong phú hơn.
Một nhà tư tưởng học từng nói: "Bất mãn là bánh xe tiến lên, có thể chở những người không tự mãn, tiến về phía nhân đạo."
Bố thí đồng nghĩa với thiếu hụt, của cải bị giảm bớt. Từ đó khiến cuộc sống, gia đình có những điểm chưa trọn vẹn, đó chính là cái đẹp của sự chừa chỗ trống. Hãy thử nghĩ xem, trong nhà cái gì cũng đầy đủ, mấy đời người có thể sống nhàn hạ, đều có cuộc sống sung túc, đó là điều đáng sợ biết nhường nào.
Con người không có không gian để tiến bộ, đó chính là đạo lý "không tiến thì lùi". Nhà tư tưởng đời Minh, Viên Liễu Phàm từng nói: "Hưởng thụ gia sản trăm lạng vàng, ắt hẳn là người có giá trị trăm lạng vàng, hưởng thụ gia sản ngàn lạng vàng, ắt hẳn là người có giá trị ngàn lạng vàng."
Một người sở hữu khối lượng tài sản khác nhau, chứng tỏ người đó có trí tuệ, tầm nhìn, đức hạnh, giáo dục gia đình... khác nhau. Khi muốn kiếm nhiều tiền, đừng chỉ chăm chăm nhìn vào tiền, mà phải suy xét đến những thứ ngoài tiền bạc, dùng cái gì để chống đỡ, giữ gìn của cải. Hãy nhớ rằng, quý giá hơn tiền bạc chính là tinh thần.
Theo Aboluowang
Minh Nguyệt