Kẻ xấu do người lương thiện dung túng mà ra, nhún nhường quá mức sẽ hủy hoại chính mình

Kẻ xấu do người lương thiện dung túng mà ra, nhún nhường quá mức sẽ hủy hoại chính mình
Đừng trách kẻ tiểu nhân vô sỉ. Sự được voi đòi tiên của kẻ tiểu nhân, đều là do người thật thà dung túng mà ra. (Ảnh: Public Domain)

Giáo sư Dương Giáng trong tác phẩm Cảm Ngôn Trăm Tuổi đã viết: "Trong cái thế gian vật dục hoành hành này, sống một đời thực sự là quá khổ. Bạn có lòng muốn làm một người lương thiện không tranh với đời, người ta sẽ lợi dụng bạn mà bắt nạt. Bạn hơi có chút tài đức, phẩm hạnh, người ta sẽ ghen ghét bạn mà bài xích. Bạn rộng lượng nhường nhịn, người ta sẽ xâm phạm bạn mà làm hại.

Muốn không tranh với đời, bạn phải không cầu gì ở đời, đồng thời phải giữ vững thực lực, sẵn sàng đối diện thử thách. Muốn chung sống hòa bình với người khác, trước hết bạn phải khéo léo ứng xử với họ, và phải luôn sẵn sàng chịu thiệt."

Bạn là người lương thiện, người khác sẽ bắt nạt bạn; bạn là người rộng lượng nhường nhịn, người khác sẽ lấn lướt bạn; bạn là người ưa chuộng hòa bình, người khác sẽ được nước lấn tới.

Cái ác của nhân tính, từ xưa đến nay chưa bao giờ thay đổi. Chịu ảnh hưởng của dòng chảy vật dục, cái ác của nhân tính, dường như còn bị kích động.

Từ "người lương thiện", trước đây, là một từ mang nghĩa tốt. Nhưng ngày nay, nó lại là một từ mang nghĩa xấu. Có thể thấy, người lương thiện rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống càng thêm khó khăn.

1. Cách đây một thời gian, tôi có thấy một câu hỏi: Mọi người đều là người tử tế, chẳng phải sẽ chung sống hòa thuận với nhau sao? Tại sao luôn có người trở thành kẻ xấu, kẻ gian, người ác?

Nghe xong câu chuyện này có thể bạn sẽ hiểu.

Anh Trần mở công ty, tuyển dụng 6 nhân viên. Ban đầu, với tư cách là ông chủ, anh đối xử với nhân viên rất tốt, chỗ này thì nhường nhịn, chỗ kia thì mắt nhắm mắt mở cho qua.

Nhân viên thấy ông chủ dễ tính, liền làm loạn đủ kiểu. Không phải đi làm muộn thì cũng về sớm (quy định 6 giờ tan làm, nhưng 4 giờ họ đã chuồn rồi), hoặc là lười biếng trong giờ làm việc, thậm chí có nhân viên còn viện đủ loại lý do để xin nghỉ phép.

Một tháng trôi qua, nhân viên chẳng làm được bao nhiêu việc, công ty cũng chẳng kiếm được bao nhiêu tiền, chỉ có anh Trần là chịu thiệt hại nặng nề. Anh ấy không hiểu, mình đã hết lòng nhường nhịn nhân viên, đối xử khác với những ông chủ khác, tại sao nhân viên lại làm loạn như vậy?

Có một người đồng nghiệp nói với anh Trần: Con người là sinh vật cần được huấn luyện. Anh hơi dễ tính một chút, người khác sẽ lợi dụng sự dễ tính của anh, anh hơi nghiêm khắc một chút, người khác ngược lại sẽ tôn trọng anh.

Sau sự việc này, anh Trần sa thải những nhân viên đó, rồi tuyển nhân viên mới, thay đổi hoàn toàn thái độ dễ tính trước đây. Những nhân viên mới này, không ngờ lại càng kính trọng anh hơn, làm việc không dám có bất kỳ hành vi nào quá đáng.

2. Điều này muốn nói gì?

Con người đều là sinh vật "ức hiếp kẻ yếu, sợ kẻ mạnh". Bạn mềm mỏng một chút, cứng rắn một chút, thái độ của người khác đối với bạn đều sẽ khác nhau. Người hiền lành thường bị bắt nạt, ngựa hiền thường hay bị cưỡi.

Khi mọi người đều là người thật thà, sẽ có người nảy sinh ý đồ lợi dụng, đi chiếm tiện nghi của người thật thà. Người thật thà tỉnh ngộ, kịp thời thay đổi, chắc chắn người thật thà sẽ ngày càng ít đi.

Những người khác bắt chước làm theo, cũng đi bắt nạt người thật thà, dẫn đến vô số người thật thà đều thay đổi bản thân, hoặc sống thành kẻ tiểu nhân, hoặc sống thành kẻ ác, hoặc sống thành kẻ gian xảo.

Còn những người thật thà không thể thay đổi, chỉ có thể tiếp tục thật thà, bị người khác bắt nạt. Họ càng thật thà, người khác càng bắt nạt hăng say. Sự nhường nhịn của người thật thà, lại chính là tiếp tay cho sự hung hăng của kẻ tiểu nhân.

Chỉ cần là người, chắc chắn sẽ có tâm lý "được voi đòi tiên".

Hôm qua chiếm của người thật thà 100 đồng, người thật thà không dám phản kháng; hôm nay chiếm của người thật thà 200 đồng, người thật thà vẫn không dám phản kháng; kẻ tiểu nhân càng thêm hung hăng, ngày mai chỉ biết chiếm của người thật thà nhiều hơn, cho đến khi vắt kiệt người thật thà mới thôi.

Đừng trách kẻ tiểu nhân vô sỉ. Sự được voi đòi tiên của kẻ tiểu nhân, đều là do người thật thà dung túng mà ra.

3. Sếp trở nên vô tình với nhân viên là vì đã từng chịu thiệt thòi

Nhân viên không có thiện cảm với sếp cũng là vì đã từng chịu thiệt thòi. Đoạn trên nói về sự thay đổi trong tâm lý của người làm sếp, bây giờ chúng ta hãy nói về sự thay đổi tâm lý của người làm nhân viên.

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Lý vào làm việc tại một công ty. Anh Lý mới bước chân vào đời, tính tình rất đơn giản, cơ bản là ai nói gì anh cũng tin nấy.

Một hôm, trong cuộc họp bộ phận, cấp trên nói rằng công ty sẽ thực hiện chế độ đào thải, ai có thành tích tốt hơn sẽ được nhận lương cao. Ai làm không tốt sẽ bị đào thải ngay lập tức.

Anh Lý hơi sợ hãi. Để giữ được công việc của mình, cũng vì cái gọi là lương cao, anh ấy làm thêm giờ mỗi ngày, gần như không có thời gian nghỉ ngơi.

Một năm sau, một người quen chẳng có đóng góp gì được thăng chức tăng lương, còn anh Lý thì bị sa thải. Anh ấy rất khó hiểu, không phải nói là làm việc tốt, cống hiến cho công ty thì sẽ được giữ lại sao?

Sau một thời gian, anh Lý mới hiểu ra rằng những lời người ta nói đều là dối trá, đều là lừa gạt. Từ đó, anh Lý cũng thay đổi, không còn thật thà như trước nữa, mà trở nên khôn ngoan hơn.

4. Người xấu đều do người lương thiện dung túng mà ra. Nhún nhường quá mức sẽ tự hủy hoại bản thân mình

Để tôi cho bạn thấy thế nào là “vòng lặp bản chất con người”.

Người lương thiện mới vào đời – bị người ta lừa gạt – người lương thiện chịu thiệt, lại càng làm tăng thêm khí thế cho kẻ xấu – một phần nhỏ người lương thiện thay đổi, phần lớn vẫn giữ nguyên sự lương thiện – kẻ xấu tiếp tục hưởng lợi, càng ngày càng hung hăng.

Đây là một thế đạo “người ăn thịt người, đầy mưu mô xảo trá”, muốn thiện có thiện báo, thật là khó khăn biết bao.

Bạn hơi thật thà một chút, người khác sẽ lừa bạn; bạn hơi dễ nói chuyện một chút, người khác sẽ chiếm lợi thế của bạn; bạn hơi tốt bụng một chút, người khác sẽ được nước lấn tới.

Sống trong đời, không cần phải quá thật thà. Nếu đã thật thà mà không được người khác đối xử tốt, vậy thì hãy cứng rắn lên một chút. Vừa phải có tấm lòng từ bi, vừa phải có nội tâm cứng rắn.

Không có nội tâm cứng rắn, dù có tấm lòng từ bi, cũng chỉ có thể bị người khác ức hiếp, người tốt không được báo đáp.

Theo 163.com
Minh Nguyệt

Đọc tiếp