Khi cuộc đời cho bạn trăm lý do để khóc, hãy cho đời thấy bạn có ngàn lý do để cười
Vượt lên nghịch cảnh, vui cười từ tận đáy lòng. Một nụ cười có thể làm bừng sáng một ngày cực kỳ đen tối…
Nhà văn Nhật Bản Kenzaburo Oe, người đoạt giải Nobel Văn học năm 2023, nổi tiếng với những tác phẩm khó đọc, nhưng tính tình lại hiền lành, hài hước. Cuộc đời của ông sáng sủa, trong khi những tác phẩm của ông mang đậm màu sắc u buồn. Sự giao thoa giữa hai phẩm chất hoàn toàn khác nhau này bắt nguồn từ việc ông có một cậu con trai chậm phát triển trí tuệ tên là Oe Hikari.
Trong nghịch cảnh ngộ được ý nghĩa kiếp nhân sinh
Nhà văn Oe Kenzaburo ngay từ khi còn trẻ đã lấy “văn học” làm mục tiêu theo đuổi đầu tiên trong cuộc đời, và ông đã nhận được sự chú ý, quan tâm của giới văn học Nhật Bản ngay từ khi còn trẻ. Thật bất ngờ, ở tuổi 31, ông có đứa con đầu lòng là Oe Hikari, một đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ nặng với hộp sọ không hoàn chỉnh.
Theo hồi ức ông Kenzaburo, Oe Hikari chào đời ở Hiroshima. Khi đó, Hiroshima đang tổ chức một cuộc diễu hành phản đối vũ khí hạt nhân, và ông Kenzaburo đã hòa vào dòng người với bao cảm xúc hỗn loạn. Sau đại hội, một nhóm người thân của các nạn nhân bom nguyên tử đã tụ tập bên cạnh bờ sông để tưởng nhớ những người đã khuất, và thả đèn lồng trên sông cho những người đã khuất đó. Họ viết tên người đã khuất lên đèn và thả chúng trôi theo dòng nước.
Khi đó, ông Kenzaburo nhìn theo dòng sông và bị cảm xúc tuyệt vọng bủa vây. Ông cũng viết một chiếc đèn lồng cho “Oe Hikari” và thả nó trôi theo dòng nước, trong lòng mong sao con mình cũng sẽ ra đi như vậy.
Không lâu sau đó, ông Kenzaburo đến thăm Bệnh viện Nạn nhân Bom nguyên tử. Giám đốc bệnh viện nói với ông rằng có một số bác sĩ trẻ trong bệnh viện đã tự tử vì trầm cảm khi họ tận mắt chứng kiến những bệnh nhân muốn sống không được, muốn chết cũng không xong, còn bản thân lại không thể giải trừ nỗi thống khổ cho bệnh nhân; điều này đã tạo nên một tình huống hoang đường là những bệnh nhân đau đớn tột cùng phải vật lộn để giành giật sự sống, còn những bác sĩ không ốm đau gì, nhưng quá nghiêm túc này ngược lại đã tự sát.
Sau khi nghe điều này, ông Kenzaburo đã chợt bừng tỉnh. Sau khi trở về Tokyo, ông lập tức nhờ bác sĩ phẫu thuật cho con trai mình và đặt ra chí nguyện thứ hai trong đời: sống cùng với con trai cho đến cuối cuộc đời.
Hikari tuy là một đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ, lại mắc chứng động kinh nặng, nhưng dưới sự chăm sóc chu đáo của cha mẹ, cậu không chỉ có được tâm hồn thuần tịnh, mà còn rất có tài năng về âm nhạc. Anh đã xuất bản hai album nhạc cá nhân là "Âm nhạc của Hikari Oe" và "Mou Ichido Oe Hikari”, và chúng đã gây chấn động nền âm nhạc Nhật Bản, thậm chí còn được gọi là "kỳ quan của nền âm nhạc cổ điển Nhật Bản".
Nhà văn Oe Kenzaburo trong bài phát biểu của mình sau khi đoạt giải Nobel Văn học, ông đã hài hước nói với khán giả: “Nghe nói sở dĩ âm nhạc của con trai tôi nổi tiếng như vậy, là vì nó có tác dụng ru ngủ. Nếu ai đó nghe nhạc của Hikari vẫn chưa ngủ được, thì xin hãy đọc sách của tôi đi!”.
Sau khi đọc bài viết của ông Kenzaburo, trong tâm tôi chợt hiện lên câu nói “nghiêm túc là một căn bệnh”. Cũng giống như những bác sĩ đã tự sát trong Bệnh viện Các nạn nhân Bom nguyên tử, thiệt hại do sự nghiêm túc của họ mang đến còn nghiêm trọng hơn rất nhiều so với những bệnh nhân bị nhiễm phóng xạ kia. Nếu một người quá nghiêm túc với cuộc sống, anh ta thậm chí có thể mất đi niềm vui sống một cách trầm trọng!
Mang lại niềm vui cho mọi người là điều tốt
Diễn viên hài Tiêu Phương Phương, người vừa đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Berlin, cô cho rằng ngay cả những chủ đề nghiêm túc nhất cũng cần có khiếu hài hước. Cô nói: “Tôi rất thích hài kịch, vốn dĩ cuộc sống này đã đủ đau khổ rồi, có thể mang đến niềm vui cho người khác, đó thật sự là một điều tốt”.
Thực tế thì Tiêu Phương Phương cũng nếm trải đủ mọi đau khổ, cay đắng của cuộc đời. Cha cô qua đời ngay từ khi cô còn nhỏ, khi trưởng thành cô trải qua một cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc, mắc bệnh tai nặng ở tuổi trung niên, và ngay cả khi giành được giải thưởng, cô vẫn phải chăm sóc người mẹ mắc bệnh Alzheimer.
Dù cuộc sống có nhiều thăng trầm như vậy, nhưng vì có khiếu hài hước, nên Tiêu Phương Phương vẫn giữ được khả năng sáng tạo dồi dào. Cô luôn là người vui vẻ, dễ gần và nhã nhặn, vượt xa những diễn viên chỉ dựa vào nhan sắc.
Một cụ bà người Pháp gốc Thụy Sỹ có tên Jeanne Calment được công nhận là người có tuổi thọ được chứng thực cao nhất trong lịch sử, hưởng thọ 122 năm, 164 ngày. Trong lần đón sinh nhật lần thứ 120 của mình, có một phóng viên đã hỏi bà bí quyết sống lâu. Bà nói: “Hãy luôn tươi cười! Tôi nghĩ đây là bí quyết giúp tôi trường thọ. Tôi muốn được rời đi trong nụ cười, đây là một trong những kế hoạch của tôi”.
Bà Jeanne có khả năng chống lại bệnh tật, căng thẳng và trầm cảm rất tốt, với mỗi một việc bà đều cảm thấy hứng thú, bà quan tâm đến mọi thứ nhưng lại không quá chấp trước về chúng. Mãi cho đến năm 120 tuổi, bà vẫn giữ được khiếu hài hước, vui vẻ và hay đùa.
Thật là một điều may mắn khi có thể sống nhẹ nhàng, vui vẻ đến năm 120 tuổi. Hãy thử nghĩ xem, có rất nhiều người đã thấy cuộc sống này thật quá mệt mỏi và áp lực khi mới ở tuổi 20.
Trải nghiệm cuộc sống, vui cười từ tận đáy lòng
Có một kiểu lớp bổ túc đã xuất hiện ở Nhật Bản trong những năm gần đây, được gọi là "Lớp học nụ cười". Nhiều người trả tiền để học cách tươi cười. Đó là bởi vì trong xã hội hiện đại, mọi người từ lâu đã quên mất cách nên cười như thế nào.
Cười vẫn cần phải học ư? Thoạt nghe chúng ta sẽ cảm thấy rất kỳ lạ, nhưng nó thực sự có ý nghĩa sâu xa bên trong, bởi ai cũng có thể cười, nhưng nhiều người vẫn dừng ở “kỹ thuật bề mặt”, có người “ngoài miệng thì cười, trong miệng thì không”, có người thì “trong miệng thì cười, trong tâm thì không”, nếu muốn tươi cười từ tận đáy lòng, thế thì cần phải học.
Muốn “tươi cười từ tận đáy lòng”, đại khái bạn cần phải sở hữu một số phẩm chất cơ bản, một là tâm trạng vui chơi; hai là tấm lòng bao dung; thứ ba là thái độ hài hước.
Nếu không có tâm trạng vui chơi, người ta sẽ quá dính mắc vào những sướng khổ, vui buồn; quan tâm quá nhiều đến chuyện thành bại, sẽ khó có thể tìm được niềm vui trong đau khổ và nếm trải hương vị thật sự của cuộc đời.
Nếu không có tấm lòng bao dung, tư tưởng sẽ cứng nhắc, không thể tiếp nhận các ý kiến bất đồng, khó chấp nhận những lời chỉ trích, coi người khác như kẻ thù, đặt ra giới hạn ở mọi nơi, như vậy rất khó có được hạnh phúc.
Nếu không có thái độ hài hước, bạn không biết cách vui đùa với chính mình, không biết cách vui vẻ với những điều bình dị, bạn không biết cách cười trừ với mọi vấn đề, bạn sẽ tự vẽ ra giới hạn cho chính mình, suy nghĩ không thông suốt.
Nghiêm túc thực sự là một căn bệnh. Những người mà bề ngoài nghiêm túc, nhưng trong lòng chứa đầy sự trách móc, chính là đã mắc bệnh rồi. Những người chấp trước vào tiền tài, địa vị, không thể buông xuống được, cũng là người đã mắc bệnh.
Nếu sự nghiêm túc đúng thật là một căn bệnh, thì hầu hết những người hiện đại đều mắc bệnh, chỉ là mức độ nặng nhẹ, sớm muộn khác nhau mà thôi.
Chúng ta nên nhận biết căn bệnh này, chữa khỏi nó, để chúng ta biết tươi cười, biết vui chơi, biết bao dung, biết thoải mái và có được khiếu hài hước.
Mỗi buổi sáng, hãy tươi cười chân thành với những người quen mà chúng ta chạm mặt; tươi cười với những người xa lạ mà chúng ta đi ngang qua; chỉ một nụ cười thôi, nhưng nó lại mang đến niềm vui cho cả hai bên.
"Cuộc sống vốn dĩ đã nhiều đau khổ, có thể mang lại nụ cười cho người khác, đó thật sự là một điều tốt”.
Có người nói, cà phê tuy đắng nhưng người hiểu nó sẽ cảm nhận được hương thơm và vị ngọt hậu từ vị đắng của cà phê. Dù cuộc đời ngắn ngủi nhưng người thông tỏ sẽ tìm được hạnh phúc trong đau khổ, và họ cũng sẽ lan tỏa hạnh phúc, mang lại niềm vui cho người thân, bè bạn xung quanh mình.
Theo ibooks
Thiện Quân biên dịch