Khổng Tử dạy bảo: Thế nào là "dũng của bậc thánh nhân"?

Khổng Tử dạy bảo: Thế nào là "dũng của bậc thánh nhân"?
Khổng Tử dạy bảo: Thế nào là "dũng của bậc thánh nhân"? (Ảnh: Public Doamain)

Tử Lộ, học trò của Khổng Tử, là người có sức mạnh và am hiểu quân sự. Khi Khổng Tử và các học trò đàm đạo, Tử Lộ luôn giành nói trước, nói nhiều nhất về lòng dũng cảm, chiến đấu, làm việc cũng hấp tấp, Khổng Tử bèn tìm cách giáo dục anh ta.

Có lần, Tử Lộ hỏi Khổng Tử, nếu để Khổng Tử dẫn quân đánh trận, ông sẽ mang theo học trò nào? Tử Lộ rất tự tin, cho rằng Khổng Tử nhất định sẽ mang anh ta theo. Khổng Tử lại nói: "Bạo hổ phùng hà, tử nhi vô hối giả, ngô bất dữ dã. Tất dã lâm sự nhi cụ, hảo mưu nhi thành giả dã." (Luận Ngữ - Thuật Nhi). Tạm dịch: "Kẻ (ngu dại) tay không đánh hổ, lội sông không dùng thuyền, chết mà không hối hận, ta không dùng người như vậy. Nhất định phải là người khi gặp việc thì biết lo sợ, suy tính kỹ càng rồi mới hành động."

Hóa ra, Khổng Tử cho rằng, tay không đánh hổ, không dùng thuyền bè qua sông Hoàng Hà, đó là sự liều lĩnh, không biết sống chết mà mạo hiểm, ông sẽ không cùng làm việc với người như vậy. Ngược lại, gặp chuyện biết sợ hãi, mới cẩn thận mưu tính, người như vậy làm việc mới thành công.

Về sau, Khổng Tử giảng về lòng dũng cảm và sự mạnh mẽ sâu sắc hơn. Ông từng nói với học trò về lòng dũng cảm chiến thắng trong thiên hạ: "Tri cùng chi hữu mệnh, tri thông chi hữu thời, lâm đại nạn nhi bất cụ giả, vi thánh nhân chi dũng dã."

Theo Khổng Tử, một người bách chiến bách thắng là nhờ nội tâm của anh ta, mà nội tâm mạnh mẽ là do anh ta thấu hiểu ý nghĩa của thiên mệnh, có thể rèn luyện tính kiên nhẫn chờ đợi thời vận, cuối cùng tu dưỡng được tâm cảnh tĩnh lặng như nước.

1. Làm hết sức mình rồi nghe theo mệnh trời

Nội tâm mạnh mẽ, nói cho cùng là dám đối mặt với hiện thực, có thể làm hết sức mình khi gặp chuyện, nhưng cũng biết tiết chế vì hiểu được thiên mệnh.

Chương "Luận Ngữ - Nghiêu viết" có câu: "Bất tri mệnh, vô dĩ vi quân tử dã". Thiên mệnh - dù là Đạo gia chủ trương xuất thế hay Nho gia nhấn mạnh nhập thế, đều không hẹn mà cùng coi đó là học thuyết tối cao. Khổng Tử thường nói "Ngũ thập nhi tri thiên mệnh" nghĩa là đến năm mươi tuổi, trải qua đủ mọi cay đắng ngọt bùi trên đời, biết điều gì nên làm điều gì không nên làm, đồng thời khuyên mọi người biết thiên mệnh mà hành sự, không nên mạo hiểm cưỡng cầu.

"Quân tử chúc dị dĩ tị mệnh, tiểu nhân hành hiểm dĩ hiếu hạnh." (Trung Dung - Thập tứ chương) nói rằng người quân tử làm nên đại sự, phần lớn đều an tâm ở vị trí bình dị, chờ đợi thiên mệnh đến; còn kẻ tiểu nhân lại mạo hiểm cầu lợi bất chính, cuối cùng chẳng được gì. Con người khi đối mặt với khó khăn sở dĩ có lòng sợ hãi, chủ yếu là do vẫn còn ham muốn đồng thời sợ mất mát, mà Khổng Tử đưa ra phương thuốc chữa trị tâm bệnh cho mọi người chính là học cách "làm hết sức mình rồi nghe theo mệnh trời".

Tuy nỗ lực làm việc, nhưng không mong cầu kết quả, tuy phấn đấu quên ăn quên ngủ, nhưng đã sớm xem nhẹ vinh nhục, ngộ ra sự diệu kỳ của thời thế.

2. Tuân theo thiên mệnh rồi chờ đợi thời vận

Người xưa thường quy kết thành bại vào ba điểm: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, mà thiên thời thường đứng đầu.

Một người có nội tâm mạnh mẽ thường là người có tầm nhìn xa, anh ta có thể chịu đựng được sự trầm lặng nhất thời, chủ yếu là vì anh ta tin rằng một thời cơ thích hợp nào đó sẽ mang đến cho anh ta một tương lai tươi sáng. Kim Nhân Kiệt đời Nguyên trong tán khúc Truy Hàn Tín đệ nhị chiết có viết: "Thời vận vị lai quân hưu tiếu, Thái Công dã tác điếu ngư nhân." (Vận may chưa đến thì đừng vội cười chê, Khương Thái Công cũng từng làm người câu cá.) Trong đó người buông câu chờ đợi thời vận chính là Khương Thái Công, vị vua khai quốc của nước Tề sau này.

Chỉ tiếc rằng, thời đến vận chuyển không phải chuyện một sớm một chiều, đại đa số mọi người thường đánh mất sự kiên cường trong nội tâm trong quá trình chờ đợi dài đằng đẵng, trở nên lo được lo mất, sợ hãi rụt rè. Trong "Luận Ngữ - Tử Hãn", Khổng Tử có một câu nói nổi tiếng: "Tuế hàn, nhiên hậu tri tùng bách chi hậu điêu dã." (Mùa đông giá rét, lúc ấy mới biết cây thông cây bách rụng lá muộn.) Câu nói này nhằm khuyên răn người đời: thường thì chính những năm tháng gian khổ nhất, kiên nhẫn vượt qua mới biết ai là kẻ mạnh.

Nguồn gốc của nội tâm mạnh mẽ nằm ở sự tin tưởng vào năng lực của bản thân, tất nhiên cũng không thể thiếu sự kiên nhẫn chờ đợi thời vận như câu chuyện nằm gai nếm mật.

3. Ngộ ra thời vận rồi tĩnh tâm

Năm xưa, Phạm Trọng Yêm trong Nhạc Dương Lâu Ký đã viết ra câu nói nổi tiếng "Bất dĩ vật hỷ, bất dĩ kỷ bi" (Không lấy vật ngoài làm vui, không lấy mình làm buồn), nhưng không ai biết rằng, lúc này ông đang đối mặt với giai đoạn thấp nhất trong cuộc đời - bị giáng chức đày đến Đặng Châu, Hà Nam. Tuy nhiên, từ tám chữ ngắn ngủi này không hề thấy được sự khó khăn của ông, ngược lại có thể đọc ra được nội tâm mạnh mẽ của Phạm công.

Các bậc chí sĩ trong lịch sử Trung Quốc, phàm là những người có thể được coi là khoáng đạt, rộng lượng, đều có một tâm cảnh ung dung tự tại. Từ Trang Tử, Bá Lý Hề thời Xuân Thu Chiến Quốc đến Đào Tiềm thời Ngụy Tấn, rồi đến Tô Thức, Bạch Cư Dị thời Đường Tống cho đến Hồ Thích thời cận đại, cuộc đời họ ít nhiều đều trải qua những buổi hoàng hôn u ám, tuy nhiên chính sự siêu nhiên "không lấy vật ngoài làm vui, không lấy mình làm buồn" này đã thắp sáng ngọn nến cuối cùng trong cuộc đời họ.

Tâm cảnh ung dung, là sự quên mình mà Nho gia chủ trương, là sự tiêu dao mà Đạo gia thường nói, là vật không trong kinh Phật, cũng là sự tu dưỡng bản thân sâu sắc, hơn nữa còn là cảnh giới tư tưởng tối cao có thể giúp bạn chiến thắng tất cả.

Sống trên đời, không thể cầu mong mọi việc đều thuận lợi, đường đi đều bằng phẳng, mà khi bạn bước trên con đường chông gai đúng lúc kiệt quệ sức lực, hãy nhớ lời Khổng Tử nói: "Nội tâm thực sự mạnh mẽ, không phải là lòng dũng cảm chiến đấu mà là sự dũng cảm của bậc thánh nhân, thích ứng với thời thế, lâm vào đại nạn mà không sợ hãi."

Theo Secretchina
Minh Nguyệt