Lã Động Tân luận về rượu và họa thủy

Lã Động Tân luận về rượu và họa thủy
Lã Động Tân luận về rượu và họa thủy. (Ảnh: Public Domain)

Ông Đặng, không rõ tên họ, bán rượu ở chợ Hàm Đan. Một hôm, lúc chạng vạng, có một người đầu bù tóc rối, dung mạo xấu xí, tay cầm bầu rượu đến mua rượu của ông.

Ông Đặng nhìn chằm chằm vào anh ta hồi lâu rồi nói: "Chúng ta là hàng xóm gần nhau mà, anh không nhận ra tôi sao?" Người kia không để ý đến lời ông Đặng hỏi. Hơn một tháng sau, anh ta không quay lại nữa.

Về sau, họ gặp nhau ở dưới miếu thờ Lư Sinh, ông Đặng cố mời anh ta vào quán rượu, hỏi han chuyện nhà, chuyện chia ly sum họp, rồi lấy ra rượu ngon Lê Hoa Xuân trong vò mời anh ta uống. Người đầu bù tóc rối vội vàng đứng dậy ngăn lại, cười nói: "Ông đừng hiểu lầm tôi nữa, tôi không nghiện rượu. Nói thật với ông, tôi là Liễu Tiên hầu hạ dưới trướng Thuần Dương Tử (tức Lã Động Tân).

Trước đây, khi theo chủ nhân đến Nhạc Dương, tôi thấy ngài ấy ba lần say bí tỉ, nhớ đến rượu ngon, nên cổ họng tôi cứ ngứa ngáy. Chủ nhân rất keo kiệt trong chuyện này, không cho tôi nếm thử một giọt nào, nên hôm đó tôi mới đến chỗ ông mua rượu để giải cơn khát, đúng lúc chủ nhân đi dự tiệc tẩy hoa ở thành Phù Dung, lệnh cho tôi trông coi lò thuốc.

Tôi không chịu nổi sự tịch mịch, cô độc, bèn uống cạn bầu rượu ngon mua được, rồi say mèm, nằm ngủ gục bên lò thuốc. Chủ nhân trở về thấy vậy, liền trách tôi lơ là nhiệm vụ. Tôi lấy cớ say rượu, chủ nhân nổi giận. Tôi nói: "Chủ nhân ngày ngày chìm đắm trong men rượu, tại sao lại cấm riêng tôi uống rượu?"

Người chủ nói: "Ta uống là rượu, thứ ngươi mua về để uống không phải rượu, mà là 'họa thủy' đấy!" Tôi hỏi: "Có gì khác biệt sao?"

Người chủ nói: "Rượu ta uống, hạt kê dùng để ủ, lấy từ ruộng của Nhan Tử (Nhan Hồi) ở gần thành, loại bỏ hạt lép, vỏ trấu, là dùng cối đá thuê của vợ chồng Lương Hồng, Mạnh Quang để giã, rồi dùng đấu tài năng để đong, dùng túi trí tuệ để đựng, tích trữ nhiều năm trong kho sách họ Tào, sau đó ngâm trong suối liêm khiết và nước nhường nhịn, rồi cho vào nồi lớn sạch sẽ của nhà họ Phạm, dùng lửa tam muội để chưng cất, dùng thuốc tốt làm men, dùng gỗ thẳng làm bồn rượu. Đợi đến khi ủ xong, xem tình hình rồi thêm vào một chút âm thanh chuông 'Thời Nghiêu Thuấn', chén 'Khổng Tử', bầu rượu của 'môn đệ Khổng Tử', cho nên rượu trong uống vào có thể đạt đến cảnh giới của bậc thánh nhân, rượu đục uống vào có thể trở thành bậc hiền nhân.

Người bạn mua rượu, chẳng qua chỉ là lấy gạo mà Đạo Chích (bọn trộm cướp thời Xuân Thu) trộm dưới gốc cây, dùng nước suối Tham Tuyền mà kẻ tham lam hay uống để ngâm (xem 'Tấn thư - Ngô Ẩn Chi truyện'), lại dùng bếp của Vương Tôn Dương, kẻ bất tài vô dụng, cùng với cái bô tiểu của đứa trẻ ngây dại để đựng mà ủ nên. Uống nhầm thứ rượu này, người thanh liêm sẽ hóa tham lam, kẻ cẩn trọng sẽ hóa cuồng vọng, người sa cơ lỡ vận sẽ mất mạng, kẻ mở miệng mắng chửi người sẽ gặp tai họa liên lụy, rồi mất hết lý trí: bên cạnh bếp lò nhà mình lại nghi có gián điệp, trước vò rượu lại nhận giặc làm cha... Chẳng lẽ đây là chuyện nhỏ nhặt, không đáng nói hay sao? Ngươi không lấy đó làm gương, lại còn lấy cớ chủ nhà cũng thường say để bao biện!"

Nghe xong, tôi bỗng nhiên tỉnh ngộ, hối hận vô cùng. Chủ nhà lại nói: "Gốc rễ u mê của ngươi chưa được nhổ bỏ, e rằng về sau sẽ lại tái phạm." Nói rồi, ông rút bảo kiếm, mổ bụng tôi, moi ruột gan ra, lấy nước rửa sạch sẽ, rồi lại đặt vào bụng tôi như cũ, tôi cũng chẳng thấy đau đớn gì. Sau đó, ông ban cho tôi uống "Kim Bàn Lộ" do chính tay ông ủ, tôi quỳ xuống kính cẩn uống, cứ thế say mèm bảy ngày. Từ đó về sau, đi qua quán rượu, hàng cơm, ngửi thấy mùi rượu thơm nức từ những vò đầy ắp, tôi cũng chẳng biết đó là thứ gì nữa, nên không đến chỗ ông nữa.

Ông lão nghe xong thì kinh hãi, vội vàng quỳ lạy, nói: "Chủ nhân của ngài đã có phương pháp ủ rượu tuyệt diệu như vậy, sao không ban cho tôi?" Liễu Tiên lấy ra một túi gấm đưa cho ông ta, rồi lắc đầu cười lớn bỏ đi. Ông lão mở ra xem, trong túi gấm chỉ viết một chữ Nước thật to. Ông lão vội vàng đứng dậy nhìn lại số rượu bày trong quán của mình, tất cả đều hóa thành nước. Từ đó, ông lão bỏ nghề bán rượu, vào miếu thờ Lư Sinh làm người trông coi hương khói.

Xem ra, hai chữ họa thủy này, tuyệt đối không chỉ để nói về hồng nhan, người phụ nữ xấu xa, nhìn rượu trần gian từ trên trời mới thực sự là "họa thủy"! Cho nên, mọi thứ thể hiện ở nhân gian đều trái ngược với cõi trời cao, vì vậy cứ chấp mê truy cầu thì lại không có, ngược lại còn hại mình hại người; chỉ có buông bỏ mới có được, giống như Liễu Tiên, sau khi bị Lã Động Tân mổ bụng rửa ruột, ngược lại mới được uống rượu ngon thật sự mà say mèm bảy ngày!

Lại xem cách ủ rượu kia? Từ việc chọn nguyên liệu đến giã gạo, đong đếm, chọn dụng cụ đựng, cất giữ ngâm ủ, chưng cất lên men... tất cả các công đoạn, tỉ mỉ, toàn diện, đều phải thêm vào những gì mà các bậc thánh hiền xưa kia sở hữu, những nét đẹp về đạo đức cao thượng và phẩm hạnh tốt đẹp, ví dụ như: tài trí, thanh liêm, lễ nhường, ngay thẳng, học thức... những yếu tố tốt đẹp này, mới có thể tạo nên được, mới coi như đại công cáo thành, mới có thể vui vẻ uống mà không hại, mới có thể say sưa mà thăng hoa, không hề đơn giản! Xem ra, những ai ham rượu chè, nên lấy đó làm bài học mới phải.

Theo The Epoch Times
Minh Nguyệt

Đọc tiếp