Lạc Sơn Đại Phật dự báo gì về tương lai Trung Quốc và nhân loại?

Lạc Sơn Đại Phật dự báo gì về tương lai Trung Quốc và nhân loại?
(Ảnh: Tri Thức Mới)

Tứ Xuyên - đất Thục, núi cao chất ngất, sông dài miên man.

Tứ Xuyên hiểm trở, từ xa xưa đã là vùng đất trấn thủ của nhiều tập đoàn quân sự nổi tiếng. Từ Hán Cao tổ Lưu Bang, Hán Chiêu Liệt Lưu Bị đến Tưởng Giới Thạch của Quốc Dân Đảng… đều lấy địa bàn Tứ Xuyên làm nơi củng cố và phát triển lực lượng trước khi đủ mạnh để tiến ra thu phục Trung Nguyên. Sở dĩ họ chọn vùng đất này một phần vì địa thế dễ phòng thủ, khó tấn công của nó. Nơi đây núi cao trùng điệp, sạn đạo cheo leo, sảy chân là tuyệt mệnh, nơi mà thi tiên Lý Bạch từng miêu tả:

Đường Thục khó, khó hơn lên trời xanh;
Khiến người nghe nói héo mặt son.
Núi liền cách trời chẳng đầy thước;
Thông khô vắt vẻo vách cao ngất.

Chẳng phải chỉ có núi cao vực thẳm gió gào, còn có sông sâu sóng gầm nước xiết, trong bài “Thục đạo nan”, Lý Bạch viết tiếp:

Thác đổ dồn mau tiếng rộn ràng,
Vỗ bờ, tung đá, muôn khe vang.
Hiểm nghèo là như vậy,
Đường xa, thương cho ai,
Vì sao lại đến đây?

Chính ở Tứ Xuyên dưới chân núi Lăng Vân, là nơi hợp lưu của 3 con sông Mân Giang, Đại Độ, Thanh Y, thế nước hung mãnh, sóng lớn vỗ bờ, xô thẳng vào chân núi Lăng Vân, khiến thuyền bè qua lại thường xuyên bị đắm. Hẳn là ở dưới những con sóng cao ngất kia có thủy quái tác họa. Cuối thời Đường, một vị hòa thượng đầy lòng từ bi đã phát nguyện xây dựng một công trình vĩ đại để trấn yêu, trừ hại, điều hòa dòng nước, giúp người dân qua lại khúc sông này được bình yên. Đó là hòa thượng Hải Thông và công trình tượng Lạc Sơn Đại Phật nổi tiếng.

Lai lịch của pho đại tượng Lạc Sơn Đại Phật

Hòa thượng Hải Thông trải muôn vàn khổ cực mới hóa duyên được rất nhiều ngân lượng để tạc một pho tượng Phật khổng lồ từ đá núi Lăng Vân, bách tính cảm động cũng hăng hái góp công góp của. Thủy quái nổi sóng lớn dưới sông để phá, thì đá lớn từ trên rơi xuống giáng trả. Sách "Phật Tổ thống kỷ" kể lại cảnh tượng lúc ấy: "Nhân công tận lực, hàng ngàn chiếc búa cùng giáng xuống, từng tảng đá lớn rơi như sấm, thuồng luồng kinh sợ ẩn mình, thung lũng lấp đầy, thủy quái không còn". 

Một viên quan tham địa phương muốn trấn đoạt số tiền tạc tượng nên đe dọa móc mắt Hải Thông, nào ngờ cao tăng tự móc hai mắt để bày tỏ sự cương liệt, mà mắt lại nhanh chóng phục hồi như cũ, còn viên quan tham rơi mất xác dưới đáy vực sâu. Tượng Phật được tạc từ trên xuống dưới, khi đến vai thì sư Hải Thông viên tịch, lại có Tiết độ sứ Tây Xuyên, Kiếm Nam là Chương Cừu Kiêm Quỳnh kế tục, bỏ ra 20 vạn lạng bạc để tiếp tục tạc tượng, triều đình cũng ban ân giảm thuế cho địa phương. Nhưng phải đến đời Tiết độ sứ Vi Cao - tương truyền chính là hậu thân của Gia Cát Lượng - quyên góp được thêm 50 vạn lạng bạc để thi công, công trình mới hoàn thành vào năm 788. Mất 90 năm, 3 thế hệ mới thành tựu bức tượng kỳ vĩ, cao 71m tạc vào đá núi, toàn thân dát vàng, uy nghiêm tráng lệ, là bức tượng tạc vào đá cao lớn nhất thế giới. Từ đây, sóng nước hiền hòa, thủy quái biệt tích, người người hoan hỉ. Tượng Phật khổng lồ trải hơn nghìn năm đã chứng kiến bao lần giang sơn đổi chủ, song đã nhắm mắt và khóc tới 4 lần chỉ trong khoảng hơn 60 năm nay.

4 lần mắt nhắm lệ rơi của bức tượng Lạc Sơn Đại Phật

Cuộc vận động Đại nhảy vọt gây ra nạn đói lớn ở Trung Quốc từ năm 1959 đến năm 1961. Người Tứ Xuyên cũng chết đói la liệt, thi thể của rất nhiều người được bó rơm và thả trôi sông. Hàng ngày, vô số những xác chết trôi lềnh bềnh qua tượng Phật khổng lồ ở dưới hạ lưu. Một đêm, đôi mắt tượng Phật đột nhiên nhắm lại, hẳn là vì không cầm lòng được trước cảnh tượng thương tâm, ấy là người dân địa phương nói thế.

Điềm xấu này khiến Đảng Cộng Sản Trung Quốc (CCP) lo sợ, họ đã ra lệnh "tái thiết" đôi mắt bức tượng. Ảnh chụp tượng nhắm mắt vẫn được lưu giữ trong Phòng triển lãm Lạc Sơn.

Lại đến năm 1966, khi Mao Trạch Đông phát động cuộc Đại Cách mạng văn hóa trong 10 năm lật tung nền tảng đạo đức của đất Thần Châu, từ đó bắt đầu có con tố cha, trò đấu thầy, trên dưới hỗn loạn, máu đổ thây phơi, không khí sặc mùi khủng bố, như nhà thơ Lưu Quang Vũ từng viết rằng:

Cố cung xưa bao đảo lộn kinh hoàng
Như sóng biển không ngừng một phút
Dưới liễu xanh, lũ quỷ đổi thay màu
Trong chiêng trống, tiếng loa gào thét
Chín trăm triệu người ồn ào mà nín lặng
Trung Hoa muốn gì
Nhân dân đi về đâu?

Trong khoảng thời gian này, đôi mắt của bức tượng Phật nhắm nghiền, lệ tuôn lai láng. Một lần nữa CCP hoảng sợ đã phải chi ra 6,8 triệu đô la Mỹ để làm sạch và tái tạo tượng Phật, song không thể xóa được những giọt nước mắt trên khóe mắt pho tượng.

Lần thứ 3 tượng Phật nhắm mắt là vào tháng 7 năm 1976, sau trận động đất mạnh 7,8 độ Richter ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. Địa chấn khiến toàn bộ thành phố đã bị san bằng và hàng trăm nghìn người chết. Sau trận động đất này, người địa phương nhận thấy rằng đôi mắt của Lạc Sơn Đại Phật đã nhắm lại một lần nữa. Lần này, bức tượng Đức Phật trông giận dữ và khóc.

Lần thứ 4 tượng Phật rơi nước mắt là vào ngày 7 tháng 6 năm 1994. Dựa trên lời kể của các nhân chứng, du khách trên một con tàu du lịch đã chứng kiến cảnh tượng Phật khóc. Lúc này, trên tàu cũng có một đạo sĩ và đệ tử. Người đệ tử hỏi sư phụ của mình: "Tại sao Lạc Sơn Đại Phật lại rơi lệ?" Vị sư phụ trả lời: “Thế gian không biết kính Phật và Phật lo cho thế gian”.

Chính là:

Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng


Song, những điều trông thấy nào đã hết.

Người hết tiền đem Phật đi bán, kẻ thiếu trò mang Phật ra đùa

Chỉ mấy chục năm và bằng mấy cuộc vận động chính trị phá hủy văn hóa và đạo đức truyền thống, CCP ngày nay đã tạo ra những thế hệ người như thế nào? Chẳng thiếu những kẻ không tiết chế sống đời buông thả; không tin gì chỉ tín kim tiền; quá khứ quên, tương lai mù mịt… chỉ nói lợi không nói đạo nghĩa, việc gì cũng dám làm. Trong hoàn cảnh ấy, tượng Lạc Sơn Đại Phật cũng như các công trình tín ngưỡng linh thiêng mang giá trị tâm linh cổ xưa đều gặp tai vạ.

Ngày 4/4/2023, một người phụ nữ Trung Quốc trèo lên đỉnh đầu bức tượng Lạc Sơn Đại Phật để… ngồi thiền. Xưa kia đức Thích Ca đả tọa nhập định dưới gốc cây Bồ Đề mà thành Phật. Ngày nay hậu nhân ngồi hẳn lên đầu Phật để thành gì? Thành Phật hay thành ma?

Đã dám ngồi lên đầu Phật, ắt sẽ có kẻ dám đi xa hơn. Mới ngày 1/2/2024, tại vị trí mà năm trước người phụ nữ kia ngồi thiền, một gã trai tay vạch quần tiểu tiện miệng cười khoái trá. Thật là cạn lời hết ý. 

Ngày 27/6/2023, tỉnh Tứ Xuyên thiếu tiền đã bán quyền quản lý khai thác thắng cảnh Lạc Sơn Đại Phật trong 30 năm cho một công ty tư nhân. Về bản chất, việc này chính là thiếu tiền đem Phật đi bán. Nếu xét theo khía cạnh văn hóa, thì di sản văn hóa là tài sản chung của tổ tiên để lại cho con cháu và nó thuộc về nhân dân hay nhân loại. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, tài sản văn hóa chung đã trở thành của riêng. Còn nói về góc độ đạo đức tín ngưỡng, đây là hành động báng bổ, buôn thần bán thánh theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, là một tội ác kinh động cả Trời Đất. Bầu trời Lạc Sơn tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 15/7/2023 sau khi tượng Phật bị bán trở nên tối mù mịt, quạ kéo từng đàn kêu réo giữa ban ngày.

Báng bổ Thần Phật nhưng chiêu mời ma quỷ

Không phải một mình tượng Lạc Sơn Đại Phật gặp kiếp nạn và cũng không cần phải kể ra vô số những sự việc phá chùa hủy tượng của mấy chục năm trước. Chỉ nói hiện nay từ chính quyền đến một bộ phận người dân Trung Quốc đều đang phá hủy hay đả phá tôn nghiêm của tượng Phật, kể cả những công trình có giá trị văn hóa lịch sử.

Theo Tạp chí Tự do Tôn giáo Bitter Winter, vào ngày 2/2/2019, các quan chức chính quyền địa phương đã dùng mìn cho nổ tung phần đầu của tượng Phật Tích Thủy Quan Âm. Tượng này cao 57,9m, được tạc dựng trên vách núi, hậu điện chùa Hoàng An, thuộc huyện Bình San, thành phố Thạch Gia Trang, Hà Bắc, Trung Quốc. Cho đến nay, đây là tượng Phật Quan Âm bằng đá cao nhất thế giới được điêu khắc trên vách núi. Một tượng Phật khác có tên “Hạ Thuỷ Đại Phật” tọa lạc ở thôn Hạ Thủy, huyện Đô Lạp, được mệnh danh là “bức tượng Phật đá tự nhiên lớn nhất thế giới”, cũng cùng chung số phận, phần mắt, mũi, tai, miệng, gò má của bức tượng được trát xi măng lên với lý do “gia cố công trình”, và nhằm khôi phục lại diện mạo ban đầu của ngọn núi.

Người Trung Hoa xưa tôn kính Thần Phật, xua đuổi ma quỷ; nay thì ngược lại: không ít người báng bổ Thần Phật nhưng chiêu mời ma quỷ.

Ngày 24 tháng 8 năm 2019, một rạp hát ở Vũ Hán đã dàn dựng một vở kịch kỳ lạ có tựa đề "Thần chết đến từ chuyến du lịch Hoàng Tuyền". Nhân vật chính trong vở kịch chính là quỷ "Hắc Bạch Vô Thường", kịch bản là "một ngày du lịch xuống Âm Phủ". Mỗi khi trời tối, trong một công viên giải trí lớn ở Vũ Hán, có hơn trăm người đóng vai u minh quỷ quái, đội hình có thể nói là lớn nhất cả nước.

Vào ngày 12 tháng 6 năm 2020, tại quảng trường Erqi Wanda, thành phố Trịnh Châu, Hà Nam, một chủ quầy hàng đã đóng vai "Mạnh Bà" để nấu "canh Mạnh Bà" miễn phí cho người xem, và nói: "Hy vọng rằng mọi người có thể quên đi những phiền muộn trong đợt dịch". Sự việc đã khiến hàng nghìn người dân xếp hàng để nếm thử và chụp ảnh.

Tháng 8/2023, Trung Quốc biểu diễn võ thuật cương thi ở Giải Taekwondo quốc tế.

Vào ngày 16/1/2024, Công viên Rừng Quốc gia Trương Gia Giới đã trình diễn điệu nhảy “Tương Tây đuổi cương thi”. Trong video, hơn chục nam nữ diễn viên xếp thành hai hàng, bùa dán phía trước mũ và chiếc khăn quàng đỏ quấn quanh cổ, mặc trang phục cương thi màu đen theo phong cách “Tương Tây đuổi cương thi”. Các diễn viên vặn vẹo, duỗi tay và nhảy bằng chân giống hệt với động tác của “cương thi” trong phim điện ảnh và phim truyền hình.

Sự khác biệt giữa tín Phật và chiêu ma

Tín Phật, tức là phải tâm thành, tâm thành tức là đầu nghĩ, miệng nói, tay làm phải trước sau như một. Tín thì phải làm theo lời Phật dạy, có vậy mới gọi là tín, và Phật mới bảo hộ cho, tín mà nói một đằng làm một nẻo thì đâu gọi là tín. Chẳng hạn như cao tăng Hải Thông phát nguyện tạc tượng Lạc Sơn Đại Phật để trừ thủy quái, cứu dân Tứ Xuyên khỏi họa sông nước, chính là “một niệm thiện ác sinh, cả Đất Trời đều biết”, thiện niệm của Hải Thông cảm ứng Thượng thiên, câu thông Thần Phật, nhờ vậy mà được an bài đủ điều kiện để bắt đầu công việc. 

Hải Thông mất đi, thì lại có Tiết độ sứ Chương Cừu Kiêm Quỳnh, rồi Tiết độ sứ Vi Cao thành tâm kế tục sứ mệnh. Bách tính Tứ Xuyên cũng nô nức đóng góp sức người sức của, triều đình nhà Đường cũng ban ân giảm thuế để dân địa phương đỡ gánh nặng đóng góp v.v. hết thảy đều vì lợi dân ích nước, tâm thành ấy mới có Trời Phật chứng giám. Tượng Lạc Sơn Đại Phật vì thế mới linh thiêng và phát huy tác dụng bảo hộ.

Còn chiêu ma thì chẳng cần nỗ lực gắng gỏi, chỉ cần thừa nhận ma quỷ, truy cầu ma quỷ, thì ma quỷ sẽ đến. Báng bổ Thần Phật cũng mang đến tai họa tương đương với chiêu mời ma quỷ. Vì phủ nhận Thần Phật rồi sớm muộn sẽ dẫn đến thừa nhận quỷ ma, Trung Quốc sau hơn nửa thế kỷ CCP cai trị chính là một ví dụ điển hình.

Ngày 24/8/2019 ở Vũ Hán diễn vở "Thần chết đến từ chuyến du lịch Hoàng Tuyền" với đội hình lớn nhất nước, thì ngày 31/12/2019 có ca nghi nhiễm COVID - 19 đầu tiên, và đến ngày 9/1/2020 thì có ca tử vong do COVID - 19 đầu tiên ở Vũ Hán.

Ngày 12/6/2020, ở Trịnh Châu, Hà Nam nấu "canh Mạnh Bà" cho đông đảo dân chúng xếp hàng nếm thử, thì ngày 20/7/2021 Trịnh Châu gặp thảm họa lũ lụt với con số thương vong không kể xiết.

Sau trận lũ lụt ở Trịnh Châu, một cư dân mạng đã đăng tải video "Canh Mạnh Bà" xảy ra từ hơn một năm trước, và viết: "Mọi người còn nhớ rõ cảnh xếp hàng uống canh Mạnh Bà ở đường phố Trịnh Châu, Hà Nam vào năm ngoái không?"

Nhiều cư dân mạng cho rằng: “Cần phải biết kính sợ! Đây là điềm báo xui xẻo; Chuyện của âm phủ lại đưa đến dương gian, đây là đại nghịch bất đạo.”

Hiện nay, người ta vẫn tiếp tục đóng vai cương thi, giả trang ma quỷ, tương lai sẽ mang đến điều gì? Thời gian sẽ trả lời, nhưng cũng khó mà lạc quan cho được. 

Ý nghĩa của thiên tượng, điềm báo

Vào thời Tây Hán, học giả Đổng Trọng Thư đã nói rõ rằng: "Thiên nhân hợp nhất". Hán Vũ Đế từng thỉnh giáo Đổng Trọng Thư, hỏi rằng: "Thiên mệnh là không thể vãn hồi sao?"

Đổng Trọng Thư trả lời: "Quốc gia phát sinh chuyện xấu vi phạm Thiên đạo, Trời trước hết giáng xuống tai hoạ để khiển trách, khuyên bảo. Nếu như không biết tỉnh ngộ, thì lại bày ra một số chuyện quái dị để cảnh cáo. Vẫn không biết cải biến, sau đó tai hoạ mới ập đến".

Những chuyện quái dị có thể là việc trời sinh hay việc người làm, không cần hữu ý phân biệt. Nếu nó cứ lặp đi lặp lại mãi để cảnh cáo mà con người vẫn không tỉnh ngộ, vẫn quy cho biến đổi khí hậu hay thủ đoạn kỹ thuật công nghệ mà chẳng nhìn nhận dưới nhãn quan, tâm thái của văn hóa truyền thống, thì chưa chạm đến gốc rễ của vấn đề, nên tai vạ khó dứt. 

Hãy quay lại với một hiện tượng dị thường xảy ra với tượng Lạc Sơn Đại Phật năm 2020 khi tỉnh Tứ Xuyên phải hứng chịu một trận lũ lụt lớn chưa từng có, khiến xảy ra sự việc hy hữu - chân của tượng Lạc Sơn Đại Phật bị ngập trong nước. Ở Tứ Xuyên có lưu truyền một câu nói: “Đại Phật rửa chân, thiên hạ loạn”, tức là khi nào nước ngập chân Phật thì thiên hạ đại loạn, triều đại thay đổi. Theo ghi chép, lần gần đây nhất bàn chân của Lạc Sơn Đại Phật bị ngập là vào năm 1949. Năm đó, một sự kiện lớn đã xảy ra trên đất Trung Hoa. Đó là sự kiện gì? Triều đại đỏ của CCP bắt đầu. Còn sự kiện Đại Phật rửa chân năm 2020 thì dự báo điều gì đây?

Nhân thế khi nào sẽ hồi tâm?

Không chỉ ở Trung Quốc, trên khắp thế giới, những năm gần đây thường xuyên xảy ra hiện tượng các tượng Thánh rơi lệ, thậm chí là huyết lệ. Theo các báo cáo, sau khi kiểm tra trong phòng thí nghiệm, người ta thấy rằng máu và nước mắt của những tượng Thần này có thành phần giống như máu và nước mắt của con người. 

Vào ngày 3/8/2020, một cậu bé ở thị trấn Carmiano miền Nam nước Ý đã phát hiện thấy bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh chảy máu mắt. Ngày 8/2/2020, tượng Thánh Đức Mẹ trong nhà thờ Thánh Michael tại ngôi làng Urusovo, tỉnh Tula, Nga, đã “rơi lệ” một cách kỳ lạ, một vệt “nước mắt” dài chảy ra. Kể từ đó, tượng Thánh cứ hai ngày lại khóc một lần. Những giọt nước mắt chảy ra từ tượng Thánh Đức Mẹ là một loại thể lỏng như dầu “myrrh”, một dạng chất lỏng nhờn màu sáng, tỏa ra một hương thơm nhẹ dễ chịu, là loại chất liệu không có trong thành phần chế tạo tượng Thánh. Năm 2020 là năm bắt đầu đại dịch COVID - 19.

Ở Trung Hoa trước đây, không chỉ có tượng Lạc Sơn Đại Phật rơi lệ, sách “Lạc Dương Già Lam Ký” có chép chuyện “Tượng Phật ba lần rơi lệ”. Trong thời kỳ Nam Bắc triều, Vũ Mục Vương ở Lạc Dương, kinh thành triều Bắc Ngụy, đã cho xây dựng một ngôi chùa với một bức tượng Phật lớn cao hai trượng tám xích bên ngoài chùa. Ba lần bức tượng này rơi lệ ròng ròng trong các năm 527, 529 và năm 530 thì sau đó đều là những cuộc đại đồ sát gây nên thảm trạng con người tử thương vô số và cuối cùng hủy diệt triều đại Bắc Ngụy.

Thánh giả rơi lệ đã nhiều lần, nhân thế khi nào sẽ hồi tâm? 

Và đến đây thì chương trình của chúng tôi cũng xin phép được tạm dừng. Quý vị hãy để lại quan điểm của mình bên dưới để thảo luận trực tiếp với chúng tôi. Một lần nữa, đừng quên nút like và đăng ký kênh. Hy vọng quý vị đã có những kiến thức bổ ích hôm nay! Hẹn gặp lại trong những hành trình mới!

Nguyên Vũ

Đọc tiếp