Làm gì có phép màu, chỉ là không bao giờ từ bỏ

Làm gì có phép màu, chỉ là không bao giờ từ bỏ
Làm gì có phép màu, chỉ là không bao giờ từ bỏ. (Ảnh: Public Domain)

Vào cuối thế kỷ trước, các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard đã thực hiện một cuộc khảo sát ngẫu nhiên với 10.000 người xoay quanh câu hỏi: 'Điều bạn khao khát nhất trong đời là gì?', kết quả là 100% những người được hỏi đều lựa chọn 'Sự nghiệp có thành tựu'.

Ai mà không khao khát thành công? Con người luôn mong muốn khẳng định giá trị bản thân, tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Chính vì vậy, trên thực tế, những cuốn bí kíp thành công thường nằm trong danh sách sách bán chạy, trên mạng xã hội cũng không thiếu những món súp gà cho tâm hồn được chia sẻ rộng rãi.

Có người nói, "Bất kỳ môn học nào, nếu có thể dùng toán học để mô tả, thì mới có thể gọi là khoa học". Điều này khiến tôi không khỏi suy nghĩ: Liệu thành công có thể được mô tả bằng những con số hay không?

Hãy cùng xem xét ba phép tính sau đây.

Nếu xác suất thành công của một việc chỉ là 1%, lặp đi lặp lại 100 lần, xác suất thành công ít nhất một lần là bao nhiêu? Theo công thức tính xác suất, kết quả là 63%. Một việc có xác suất thành công cực kỳ nhỏ, thử 100 lần, xác suất thành công một lần lại tăng vọt lên 63%, điều này cho chúng ta thấy rằng, "Làm gì có phép màu nào, chỉ là không bao giờ bỏ cuộc".

Nobel nghiên cứu thuốc nổ, đã trải qua hàng nghìn lần thất bại; Edison phát minh ra bóng đèn, đã kiểm chứng hàng vạn lần không thành công. Anh em nhà Wright phát minh ra máy bay, Bell phát minh ra điện thoại, Tu Youyou chiết xuất artemisinin... tất cả họ đều là những người đã chiến thắng nỗi đau của thất bại hết lần này đến lần khác, cuối cùng tìm thấy ánh sáng của chiến thắng.

Người bỏ dở giữa chừng sẽ không có công trạng, người làm ruộng lười biếng sẽ không có thu hoạch. Một khi đã xác định mục tiêu thì sẽ kiên trì thực hiện cho đến cùng, những người như vậy, muốn không thành công cũng khó.

Nếu coi năng lực hiện tại của bạn là 1, mỗi ngày bạn nỗ lực thêm 1% dựa trên 1 đó, và kiên trì trong một năm, thì 1 sẽ trở thành 1.01 mũ 365, xấp xỉ bằng 37.7834. Ngược lại, nếu mỗi ngày bạn lười biếng 1%, thì sau một năm, 1 sẽ giảm xuống còn 0.99 mũ 365, xấp xỉ bằng 0.0255.

Sự chênh lệch giữa 101% và 99% chỉ là 2%, nhưng kết quả sau một năm lại khác biệt một trời một vực. Điều này minh chứng rõ ràng cho câu nói: "Bước chân nhanh nhất không phải là bước nhảy vọt, mà là tiếp tục; bước chân chậm nhất không phải là bước nhỏ, mà là dậm chân tại chỗ".

Tích tiểu thành đại, gom góp từng chút một, kiên trì bền bỉ, lâu dài mới có thể đạt được sự thay đổi về chất. Nếu không, dù có tài năng thiên bẩm, có môi trường ưu việt đến đâu, cuối cùng cũng khó tránh khỏi việc trở nên tầm thường như bao người khác.

Nếu một người đảm nhận công việc, đạt chất lượng 90% đã là rất tốt rồi, nhưng nếu có 5 công đoạn, thì tiêu chuẩn cuối cùng sẽ là bao nhiêu? 90% mũ 5 xấp xỉ 59%, vậy mà còn không đạt đến điểm đạt, chưa nói đến việc có thêm nhiều số 90% nhân với nhau.

Thành công cần 100% nỗ lực, thất bại chỉ cần 1% sơ hở. Con đê ngàn dặm bị phá hủy bởi tổ kiến, trên con đường tiến tới thành công, bất kỳ tư tưởng qua loa nào cũng không được phép tồn tại. Người có chí thì việc gì cũng thành. Tập trung tận tâm, tỉ mỉ cẩn thận, không ngừng vươn tới sự hoàn hảo, mới có thể đạt đến cảnh giới "tâm tâm nhất nghệ, kỳ nghệ tất công; tâm tâm nhất chức, kỳ chức tất cử" (tâm luôn hướng về một nghề, ắt nghề ấy sẽ tinh thông; tâm luôn hướng về một chức vụ, ắt chức vụ ấy sẽ thành công).

Einstein cho rằng "Thành công = Chăm chỉ + Phương pháp đúng đắn + Ít nói lời sáo rỗng", Kazuo Inamori cảm thấy "Kết quả = Cách tư duy × Nhiệt huyết × Năng lực", Franklin tin chắc rằng "Thành công = Phẩm chất tốt + Thói quen tốt + Ý chí kiên cường".

Nhìn bề ngoài, thành công có thể được tính toán bằng công thức, nhưng về bản chất, thành công là phải làm ra. Giải mã thành công, những phép cộng trừ nhân chia này mang đến cho chúng ta những bài học đáng để suy ngẫm.

Theo Soundofhope
Minh Nguyệt