Làm người cần phải biết suy nghĩ

Lớn lên rồi mới phát hiện, cuộc sống chưa bao giờ đơn giản như vậy. Nếu chúng ta luôn suy nghĩ quá ít, đôi khi sẽ phải chịu đựng một số đau khổ. Vì vậy, muốn trở thành một người khôn ngoan, sống suôn sẻ, hãy mở mang đầu óc, suy nghĩ nhiều hơn.
Nhà triết học Cicero từng nói: "Người khôn ngoan được lý trí dẫn dắt, người thường được kinh nghiệm dẫn dắt; còn loài vật được bản năng dẫn dắt." Nếu con người muốn thể hiện sự khôn ngoan trong cuộc sống, không để người khác có quá nhiều ý kiến về mình, đồng thời tự bảo vệ bản thân tốt hơn.
Vậy thì đừng dựa vào trực giác để sống, hãy học cách suy nghĩ trước khi làm bất cứ điều gì. Như thế, chúng ta mới có thể không ngừng rèn luyện bản thân, nâng cao bản thân, để mình trở thành chủ nhân của chính cuộc đời mình.
Nói năng, phải động não
Trong giao tiếp, đôi khi thành bại được quyết định bởi lời ăn tiếng nói. Nếu bạn ăn nói khéo léo, biết chừng mực, bạn sẽ dễ dàng hòa nhập trong các môi trường xã giao và được mọi người yêu quý.
Ngược lại, nếu bạn luôn thẳng thắn, nói năng không suy nghĩ, thì có lẽ những gì bạn nói ra sẽ không được nhiều người ưa thích. Cũng giống như trong cuộc sống, không ai thích những người nói năng thiếu tế nhị hoặc thích khoe khoang quá mức.
Người xưa có câu: "Vô nghiệm nhi ngôn chi vị vọng" (Nói mà không có bằng chứng gọi là vọng ngữ). Nghĩa là trước khi nói, chúng ta cần phải suy nghĩ, không được nói bừa.
Thật vậy, một người nếu nói năng mà không suy nghĩ, nghĩ gì nói nấy, hoàn toàn không quan tâm đến sự thật và cảm nhận của người khác, thì lời nói của người đó sẽ khiến người nghe cảm thấy kiêu ngạo và nhàm chán.
Cato từng nói: "Ngôn ngữ vừa có thể che giấu tư tưởng, vừa có thể bộc lộ tư tưởng." Thực tế, những lời nói ra từ miệng chúng ta không chỉ thể hiện suy nghĩ mà còn bộc lộ tư duy, cho thấy chúng ta là người như thế nào.
Vì vậy, nếu bạn không muốn người khác dễ dàng đánh giá xấu về mình hoặc gặp phải những rắc rối do lời nói gây ra, cách tốt nhất là cẩn trọng trong lời nói, không nên nói những điều không nên nói.
Xét cho cùng, những người nông cạn mới thích nói năng bừa bãi. Nếu chúng ta muốn trở thành người thành công, người trí tuệ, hãy nắm bắt chừng mực trong lời nói, để vun đắp cho các mối quan hệ của mình.
Làm việc, phải động não
Krylov từng nói: "Sự vĩ đại không chỉ nằm ở những thành tựu vang dội, mà còn ở sự suy tư thầm lặng." Thực tế, hầu hết những thành công đều bắt nguồn từ sự suy nghĩ và nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi bắt đầu.
Không có thành công nào tự nhiên mà có, những thành công bạn nhìn thấy đều là kết quả của sự nỗ lực và suy nghĩ miệt mài của người khác. Cũng giống như trong cuộc sống, những người làm việc xuất sắc chắc chắn là những người đã động não. Vì động não nên họ có kế hoạch, có ý tưởng, có mục tiêu.
So với những người đầu óc trống rỗng, không bao giờ biết mình nên làm gì, họ sẽ không bao giờ lãng phí thời gian và sức lực vào những việc kém hiệu quả.
Như Edison đã từng nói: "Làm việc phải động não trước, sau đó mới động tay." Đúng vậy, chỉ khi động não, chúng ta mới biết phương pháp, mới tìm ra lối tắt, mới nâng cao tốc độ làm việc. Nếu không, chúng ta sẽ chỉ tự đặt mình vào tình thế ngu ngốc, khó có thể nâng cao năng lực lên một tầm cao mới.
Vì vậy, sau này khi làm việc, đừng nghĩ gì làm nấy, bởi vì làm như vậy không những hiệu quả thấp mà cuối cùng còn lãng phí thời gian của chính chúng ta. Tóm lại, trước khi làm bất cứ việc gì, chúng ta nên quan sát, suy nghĩ và lập kế hoạch nhiều hơn. Như vậy, khi thực sự bắt tay vào làm, chúng ta sẽ có thêm sự bình tĩnh và tự tin.
Nhìn người, phải động não
Shakespeare đã từng nói trong vở kịch Hamlet: "Người ta thường dùng vẻ ngoài chân thành và hành động sùng đạo để che giấu một trái tim ma quỷ, có quá nhiều ví dụ như vậy."
Trong cuộc sống quả thực như vậy, nhiều người bề ngoài có vẻ tốt bụng, thân thiện, nhưng thực chất sau lưng không biết có đâm sau lưng hay hãm hại bạn hay không.
Nhưng cuộc sống, chúng ta chắc chắn phải sống chung và giao tiếp với người khác. Vì vậy, nhìn người bằng cái đầu gần như đã trở thành phương pháp tất yếu để chúng ta tồn tại. Nhìn người bằng cái đầu có nghĩa là chúng ta không thể dễ dàng tin tưởng người khác.
Tục ngữ có câu: "Biết người biết mặt không biết lòng", trên đời này không ai có thể chỉ thông qua vẻ bề ngoài mà nhận ra được toàn bộ con người của một người.
Người xưa có câu: "Nhân chi hư thực chân ngụy tại hồ tâm, vô bất kiến hồ tích" (Thực hư, chân giả của một người nằm ở trong lòng, không gì không thể hiện ra ngoài).
Chúng ta muốn hiểu một người, đừng chỉ nhìn bề ngoài mà hãy quan sát kỹ những hành vi chi tiết, lấy cái nhỏ để thấy cái lớn. Kiên trì lâu dài, chúng ta sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm nhìn người, biết người.
Như vậy, cho dù là kẻ gian xảo nhất có cố gắng ngụy trang, che giấu bản thân trước mặt chúng ta, thì chúng ta cũng có thể dựa vào kinh nghiệm của mình để nhận ra và nhanh chóng tránh xa. Xét cho cùng, gần gũi với những người này không có lợi ích gì, họ chỉ biết lợi dụng và làm tổn thương chúng ta.
Tóm lại, sống trong một thế giới đầy rẫy người như vậy, chúng ta phải luôn cảnh giác, sử dụng trí tuệ của mình để nhìn nhận mỗi người. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể tự bảo vệ mình, giữ cho thế giới nhỏ bé của mình được thanh tịnh và tốt đẹp.
Theo 163.com
Minh Nguyệt