Làm thế nào để chọn được một người bạn đời phù hợp?
Quan niệm về hôn nhân của người xưa và người nay có sự khác biệt lớn. Người xưa chủ yếu dựa vào "mệnh cha mẹ, lời mai mối", trong khi người hiện đại lại coi trọng việc lựa chọn bạn đời dựa trên sở thích cá nhân.
Trong những năm gần đây, các hình thức mai mối như xem mắt trên truyền hình, mai mối trực tuyến, mai mối tập thể,... đã trở nên phổ biến, nhưng tỷ lệ ly hôn lại ngày càng tăng. Điều này có nhiều nguyên nhân, một trong số đó liên quan đến việc người trẻ thiếu kinh nghiệm sống và sự suy đồi đạo đức xã hội nói chung.
Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu hai câu chuyện để thấy cách người xưa sử dụng những phương pháp tinh tế để chọn lựa con rể và con dâu lý tưởng.
Vương Trạm "ngốc nghếch" chọn vợ
Vương Trạm, quan coi quận Nhữ Nam, vì ít nói và không thích giao du, bị mọi người lầm tưởng là ngốc nghếch. Khi còn trẻ, không ai đến hỏi cưới, ông tự mình đề nghị cha đến cầu hôn con gái Hác Phổ. Cha ông, Vương Xưởng, cũng cho rằng ông ngốc nghếch, lại chưa có vợ, nên đồng ý theo ý ông. Sau khi kết hôn, quả nhiên Hác thị vừa xinh đẹp vừa hiền thục, sinh ra Vương Thừa (Vương Thừa được ca ngợi là danh sĩ số một thời Đông Tấn), trở thành mẫu mực của nhà họ Vương.
Có người hỏi Vương Trạm: "Làm thế nào ông biết được nàng?" Vương Trạm nói: "Ta từng thấy nàng lấy nước ở bên giếng, cử chỉ dung mạo không có gì khác thường, không có chỗ nào không đoan trang, vì vậy biết nàng rất tốt."
Người xưa rất coi trọng đức hạnh, dù là kết bạn hay kết hôn, đều phải chọn người có phẩm chất tốt. Thoạt nhìn, Vương Trạm có vẻ khờ khạo, nhưng thực ra lại rất tài giỏi, điều này thể hiện rõ trong việc chọn vợ của ông: ông đã quan sát và đánh giá kỹ lưỡng hành vi hàng ngày của Hác thị trước khi đưa ra quyết định.
Vương Trạm xuất thân từ một gia đình danh giá, cha ông là Vương Xán từng giữ chức Tư không, đi đến đâu ông cũng là tâm điểm chú ý. Nhưng điều khiến Hác thị chinh phục được ông chính là sự điềm tĩnh, tao nhã toát ra từ công việc lao động của bà, đây chính là đức tính tốt đẹp mà người xưa đề cao ở người phụ nữ.
Con rể nằm giường phía đông
Thái úy Tạ Giám phái người đưa thư cho Thừa tướng Vương Đạo, muốn tìm một chàng rể trong gia đình ông. Vương Đạo nói với sứ giả của Tạ Giám: "Anh hãy đến phòng phía đông, tùy ý anh chọn."
Sứ giả trở về nói với Tạ Giám: "Các công tử nhà họ Vương đều rất tốt, nghe nói có người đến phủ chọn rể, ai cũng ngồi ngay ngắn, nghiêm trang câu nệ. Chỉ có một chàng trai nằm ngủ ở giường phía đông, để lộ bụng, như thể chưa từng nghe nói về chuyện này."
Tạ Giám nói: "Chính là người này tốt nhất!" Lập tức cho người đi tìm hiểu, hóa ra là Vương Hi Chi, bèn gả con gái cho chàng.
Thái phó Tạ Giám là một trọng thần của Đông Tấn, thời trẻ từng theo học bậc thầy Nho học Trịnh Huyền, đọc rộng kinh sách, nổi tiếng là người thanh liêm, nho nhã. Câu chuyện ông chọn rể cho con gái yêu đã tạo nên giai thoại "Đông sàng khoái tế", lưu truyền ngàn đời.
Nhà họ Vương có nhiều con cháu ưu tú, tại sao ông lại chọn Vương Hy Chi đang nằm hóng mát trên giường phía đông? Phải biết rằng, lúc đó Vương Hy Chi còn chưa là "Thánh thư"! Thực ra, Tạ Giám đã quá quen với cảnh xu nịnh, a dua trên triều đình, ông coi trọng sự điềm tĩnh, phóng khoáng, tự nhiên, độc đáo của Vương Hy Chi.
Sử sách ghi lại rằng Vương Hy Chi tin theo Đạo giáo, tôn sùng tự nhiên. Cách sống và tác phẩm thư pháp của ông suốt đời đều hòa hợp với Đạo. Các tác phẩm thư pháp của ông, như "Khoái tuyết thời tình thiếp", "Lan đình tự" được mệnh danh là thiên hạ đệ nhất hành thư, đều là biểu hiện của chân tình, mang lại cho người ta cảm giác thanh thoát, tự nhiên, thuần khiết. Mọi người ca ngợi tác phẩm của Vương Hy Chi "thiên chất tự nhiên, phong thần cái đại".
Sau này, Vương Hy Chi đã dùng thành tựu của mình để chứng minh rằng ánh mắt chọn rể của nhạc phụ Tạ Giám thực sự rất tinh tường!
Theo Secretchina
Minh Nguyệt