Làm thế nào để ít mắc lỗi hơn? Khổng Tử nhấn mạnh điều này nhất
Trong cuộc sống, ít nhiều gì con người cũng sẽ phạm sai lầm. Bởi vì, người không phải là bậc thánh hiền, ai mà không có lỗi lầm. Nhưng nếu có thể ít mắc lỗi hơn, đó là điều may mắn trong cuộc sống.
Làm thế nào để ít mắc lỗi hơn, bậc thầy Khổng Tử yêu cầu các đệ tử phải "Tam giới" (ba điều cần tránh), phải "Cửu tư" (chín điều cần suy nghĩ), kiểm soát tốt bản thân.
1. Quân tử “Tam giới” đời viên mãn
Mạnh Tử cho rằng bản tính con người là thiện, Tuân Tử lại nói bản tính con người là ác, hai trường phái này đều có người ủng hộ.
Trong đời người, phát huy điều "thiện" dễ, kiểm soát điều "ác" khó, mỗi giai đoạn tuổi tác đều có những vấn đề riêng phải đối mặt.
Khổng Tử trong "Luận Ngữ - Kỷ thị" có đoạn nói: "Quân tử có ba điều cần kiêng: Khi còn trẻ, huyết khí chưa ổn định, cần kiêng ở sắc dục; đến khi tráng niên, huyết khí đang mạnh, cần kiêng ở tranh đấu; đến khi về già, huyết khí đã suy, cần kiêng ở tham lam".
"Quân tử" mà Khổng Tử nói đến, chỉ những người đang "quyết tâm trở thành quân tử"; "giới" có thể hiểu là kiểm soát.
Con người có huyết khí, sẽ có những thôi thúc và dục vọng bản năng, sẽ mang đến những vấn đề tương ứng.
Khi còn trẻ, huyết khí chưa ổn định.
Người trẻ tuổi, đang trong quá trình trưởng thành, huyết khí chưa ổn định, rất dễ bị cám dỗ bởi sắc đẹp, cả ngày mơ mộng viển vông.
Khổng Tử khuyên các đệ tử, lúc này không nên ham mê sắc dục.
Tại sao? Vì sắc đẹp sẽ khiến người ta hoa mắt, suy nghĩ viển vông.
Trong lịch sử, cả hoàng đế Chính Đức nhà Minh - Chu Hậu Chiếu, lẫn hoàng đế Hàm Phong nhà Thanh - Dịch Trữ, đều vì khi còn trẻ không kiểm soát được bản thân, quá mức ham mê sắc dục dẫn đến đoản mệnh.
Suy nghĩ sâu xa hơn, chữ "sắc" còn có thể hiểu là thế giới vật chất mà nhà Phật nói đến, là một loại cám dỗ.
Vì còn trẻ, nhìn thấy gì cũng tò mò, cái gì cũng muốn thử, cộng thêm xã hội ngày nay đầy cám dỗ, khi "tuổi trẻ" gặp "cám dỗ", rất khó kiểm soát.
Đến tuổi trung niên, huyết khí đang mạnh mẽ.
Người đến tuổi trung niên, trong xã hội thường phải phân định cao thấp, ai có thể thăng tiến, ai chỉ có thể dậm chân tại chỗ hoặc thụt lùi, cạnh tranh rất khốc liệt.
Lúc đó cần phải cẩn thận, đừng tranh đấu với người khác, hậu quả có thể gây tổn thương cho cả hai bên.
"Giới đấu" mà Khổng Tử nói đến, không chỉ giới hạn ở đấu sức, đấu dũng, mà còn bao gồm đấu trí, đấu tiền tài, đấu sắc, đấu địa vị, đấu quyền thế, v.v.
Còn "lão niên giới đắc", không chỉ là về vật chất, mà còn về tinh thần, lòng tự trọng, danh dự, v.v.
"Giới đắc", chính là giảm bớt dục vọng, trở về bản chất, như vậy vừa có lợi cho sức khỏe, vừa không còn bị danh lợi, quyền thế, địa vị trói buộc, mới có thể tự tại.
Người đến tuổi già, cần buông bỏ tham lam, xem nhẹ được mất, mới có thể vui vẻ.
Ba câu nói này của Khổng Tử đã quan sát toàn diện cuộc đời con người, cho thấy con người sống trên đời, dù trẻ, trung niên hay già, mỗi giai đoạn đều phải đặc biệt cẩn thận, đừng vì không kiểm soát tốt bản thân mà phạm sai lầm.
Tăng Sâm, học trò của Khổng Tử, khi nhìn lại cuộc đời mình, đã trích dẫn câu trong "Kinh Thi", nói rằng để tránh phạm sai lầm, cả đời ông "run rẩy sợ hãi, như đứng trước vực sâu, như đi trên băng mỏng".
Khổng Tử chỉ nói với chúng ta phải "tam giới", vậy giới như thế nào?
Bắt đầu từ hai chữ "huyết khí".
Tiên sinh Tiền Mục nói, "Huyết khí, sinh lý con người thay đổi theo thời gian. Giới giống như 'trì chí' mà Mạnh Tử nói".
Dùng lý trí để dẫn dắt "huyết khí" không ổn định, mới có thể kiềm chế và kiểm soát dục vọng sinh lý phát triển theo hướng không kiềm chế.
Con người muốn ít phạm sai lầm trong đời, phải hành động thận trọng, luôn không được buông lỏng sự kiềm chế và tu dưỡng bản thân.
Như vậy, cuộc đời mới có thể viên mãn.
2. Chín điều bậc quân tử cần suy nghĩ trước khi hành động
Trong tác phẩm Luận Ngữ - Kỷ thị, Khổng Tử đã đề cập đến "tam giới" (ba điều cần tránh) của bậc quân tử, sau đó tiếp tục nói về "cửu tư" (chín điều cần suy nghĩ), thiết lập một loạt quy tắc ứng xử để quân tử ít phạm sai lầm trong suốt cuộc đời.
Khổng Tử nói: "Quân tử có chín điều cần suy nghĩ: Nhìn thì nghĩ xem có sáng suốt không, nghe thì nghĩ xem có thông minh không, sắc mặt thì nghĩ xem có ôn hòa không, thái độ thì nghĩ xem có cung kính không, lời nói thì nghĩ xem có trung thực không, việc làm thì nghĩ xem có kính cẩn không, nghi ngờ thì nghĩ xem có hỏi han không, tức giận thì nghĩ xem có khó khăn không, thấy lợi thì nghĩ xem có hợp nghĩa không."
Chín điều cần suy nghĩ mà Khổng Tử nói với quân tử là để nhắc nhở chúng ta trong cuộc sống thực tế phải chuẩn bị trước, cẩn trọng trong lời nói và hành động, quản lý tốt bản thân, ít phạm sai lầm.
Đối với quân tử, "suy nghĩ" là sự cảnh giác cao độ.
Để ngăn ngừa bản thân phạm sai lầm, "cửu tư" chính là tự đặt ra cho mình một chiếc vòng kim cô, luôn đối chiếu kiểm tra xem lời nói và hành động của mình có phù hợp với yêu cầu của "cửu tư" hay không.
Thị tư minh: Cân nhắc xem có thực sự nhìn rõ một người hay không.
Khi nhìn người, nhìn vật, cần nhìn một lần, hai lần, ba lần, suy nghĩ xem có nhìn rõ chưa, đừng vội đưa ra kết luận.
Chúng ta thường mắc phải sai lầm này, chưa nhìn rõ sự thật đã đi khắp nơi nói lung tung.
Nhìn người đừng chỉ nhìn họ làm việc như thế nào, mà còn phải xem họ làm người ra sao. Nhìn rõ một người cần thời gian, làm tốt một việc cũng cần rèn luyện nhiều lần.
Thính tư thông: Cân nhắc xem có thực sự nghe rõ hay không.
Sau khi nghe, hãy kiểm tra cẩn thận xem có nghe rõ chưa.
Thường có người, việc giao cho họ còn chưa hiểu rõ đã vội vàng đi làm. Như vậy, làm sao không sai được!
Nghe lời nghe giọng, nghe trống nghe kèn. Quân tử giỏi lắng nghe. Không thiên vị cũng không tin hoàn toàn, chỉ khi xác minh mới nói.
Sắc tư ôn: Cân nhắc xem có hòa nhã hay không. "Tướng do tâm sinh", có tâm trạng tốt thì nét mặt mới tươi tắn.
Mỉm cười mới khiến người khác dễ gần; tập trung vào cử chỉ của đối phương mới nhận được sự tôn trọng của họ.
Mạo tư cung: Cân nhắc xem dung mạo có khiêm cung hay không.
"Mạo" dùng ngôn ngữ cơ thể để khiến người khác cảm thấy mình rất cung kính.
Cách ăn mặc, đối nhân xử thế, không kiêu ngạo cũng không tự ti, có lễ có độ. Luôn quan tâm đến cảm xúc của người khác, khiến đối phương cảm thấy thoải mái.
Ngôn tư trung: Cân nhắc xem có trung thành với mọi người hay không.
Trung, không làm điều trái với lương tâm; thành, giữ lời hứa là gốc rễ của việc làm người.
Cân nhắc xem lời nói, việc làm của mình có trung thực đáng tin cậy không, không tự lừa dối mình, không lừa dối người khác.
Sự tư kính: Cân nhắc xem làm việc có tận tâm tận lực hay không.
Làm việc phải tập trung cao độ, chuẩn bị chu đáo trước, giải quyết vấn đề trong quá trình làm, tổng kết kinh nghiệm sau khi hoàn thành. Nhìn thấy, nói ra, làm được.
Nếu trân trọng sinh mệnh của mình, làm việc phải nghiêm túc, bởi vì đó là sử dụng thời gian của mình, là một phần của sinh mệnh mình. Kính là coi trọng, có chiều sâu, có chiều rộng, làm việc mới thành công.
Làm việc dù lớn hay nhỏ, đều phải tỉ mỉ. Biết và làm được, học để áp dụng mới là cảnh giới cao nhất.
Nghi tư vấn: Cân nhắc xem có hỏi han người khác hay không.
Học vấn của quân tử là do hỏi mà có. Không xấu hổ khi hỏi mới có thể giải quyết vấn đề.
Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Học mà không suy nghĩ thì mê muội, học rộng hỏi nhiều mới là con đường trưởng thành của quân tử.
Phẫn tư nan: Cân nhắc xem có kiểm soát tốt cảm xúc của mình hay không.
Quân tử cho rằng tức giận, nổi nóng là dùng lỗi của người khác để trừng phạt bản thân, mà "nhịn không được việc nhỏ sẽ làm hỏng việc lớn".
Ai cũng có thể phạm sai lầm, kiềm chế cảm xúc của mình, học cách suy nghĩ trước khi hành động mới có thể ít phạm sai lầm.
Kiến đắc tư nghĩa: Quân tử yêu tiền tài, nhưng lấy một cách chính đáng.
Nhìn thấy lợi ích, phải nghĩ xem mình có nên lấy không, có đủ tư cách để lấy không.
Quân tử sẽ không từ bỏ giới hạn của mình, sẽ không dùng tiền để đo lường giá trị bản thân. Quân tử làm việc trước tiên nghĩ đến hậu quả, nhường lợi ích cho người khác trước. Nhờ đó mới có thể giữ mình trong sạch.
Thực ra, "quân tử cửu tư" là một quá trình tự vấn. Chỉ khi chúng ta "học rộng mà ngày ngày tự xem xét lại mình", mới có thể ngày càng đạt đến cảnh giới "biết rõ mà hành động không sai lầm".
Người tuân theo "cửu tư", suy nghĩ rồi mới hành động, làm sao có thể phân tâm? Làm sao có thể dễ dàng phạm sai lầm?
Mong rằng bạn và tôi cùng nhau thực hiện triết lý nhân sinh chứa đựng trong "tam giới" và "cửu tư" của bậc quân tử, học đức hạnh của quân tử, làm việc của quân tử, phát huy phong cách của quân tử, trở thành người quân tử.
Ít phạm sai lầm, hưởng lợi suốt đời.
Theo Secretchina
Minh Nguyệt