Làm thế nào để sống một đời không hối tiếc? 42 chữ kỳ văn khiến bạn tự vấn
Cuộc đời dài như vậy, ai mà chẳng có vài điều hối tiếc trong lòng. Danh tướng Bắc Tống, Khấu Chuẩn, có một bài kỳ văn lưu truyền hậu thế. Toàn văn chỉ vỏn vẹn sáu câu, bốn mươi hai chữ, nhưng lại nói hết sáu nỗi hối tiếc lớn của đời người, khiến người ta đọc xong không khỏi rơi lệ.
Vị đại thần bậc nhất cuối đời nhà Thanh, Tăng Quốc Phiên, cực kỳ ngưỡng mộ bài văn này, coi nó như kinh điển, luôn dùng để tự vấn bản thân. Sáu nỗi hối tiếc này, hãy xem bạn đã mắc phải bao nhiêu?
Khấu Chuẩn sinh ra ở huyện Thái Cốc, Sơn Tây, thời trẻ phóng khoáng thích rượu, tính tình hào phóng, thích mở tiệc lớn tại nhà. Ông đỗ tiến sĩ vào niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc, được bổ nhiệm làm Đại Lý Bình Sự (quan bậc tám), rồi làm Tri châu các huyện Ba Đông, Thành An. Sau khi Chân Tông lên ngôi, ông lần lượt giữ chức Công Bộ Thị Lang (quan bậc bốn), Hình Bộ Thị Lang, Binh Bộ Thị Lang, rồi Tam Ty (chức vụ). Năm Cảnh Đức thứ nhất (1004), ông cùng với Tham tri chính sự Tất Sĩ An cùng làm Tể tướng. Năm Hoàng Hữu thứ tư, vua ban chiếu cho Hàn lâm học sĩ Tôn Khoát soạn bia thần đạo, vua tự tay viết chữ "Tinh Trung" lên đầu bia. Khấu Chuẩn giỏi thơ văn, đặc biệt là thơ thất ngôn, nay còn lưu truyền "Khấu Trung Mẫn thi tập" ba quyển. Sau đây là "Lục hối minh" của ông, một bài kỳ văn lưu truyền chỉ vỏn vẹn 42 chữ:
1. Quan hành tư khúc, thất thời hối (Làm quan tư lợi, đến khi mất chức mới hối hận)
Làm quan mà tư lợi, lạm dụng chức quyền để làm việc phi pháp, đến khi mất chức mới hối hận, e rằng đã quá muộn. Nhiều người ôm chí hướng cứu dân giúp đời mà dấn thân vào con đường quan trường, lại vì không chịu nổi cám dỗ mà đi vào con đường sai trái, thật đáng buồn!
2. Phú bất kiệm dụng, bần thời hối (Giàu sang không tiết kiệm, nghèo khó mới hối hận)
Lúc giàu sang không biết tiết kiệm, suốt ngày phung phí, đến khi khuynh gia bại sản, nghèo rớt mồng tơi mới hối hận lúc đầu không biết lo xa. Làm người phải biết lo trước cái họa lúc còn yên ổn, giàu sang không quên đức tính cần kiệm. Nên nhớ rằng, chăm chỉ tiết kiệm thì gia nghiệp mới hưng thịnh, phung phí thì chỉ có nước ăn hết vốn liếng!
3. Nghệ bất thiếu học, quá thời hối (Không học một nghề lúc trẻ, đến khi già mới hối hận)
Không tranh thủ học một nghề khi còn trẻ, đợi đến khi có tuổi mới biết hối hận. Nhiều người lúc trẻ không làm gì, đến trung niên vẫn tay trắng, lúc này mới tỉnh ngộ, hối hận lúc đầu nếu chịu khó học một nghề, cũng không đến nỗi thê thảm như vậy.
4. Kiến sự bất học, dụng thời hối (Thấy việc không học, đến khi cần dùng mới hối hận)
Đời người mấy chục năm, ai dám chắc không phạm sai lầm, nhưng biết sai sửa sai mới là tốt. Tục ngữ nói, đi một ngày đàng học một sàng khôn, nhưng có những người, phạm sai lầm không rút kinh nghiệm, liên tục rơi vào cùng một cái bẫy, không có chút tiến bộ nào.
5. Túy phát cuồng ngôn, tỉnh thời hối (Say rượu nói càn, tỉnh rượu mới hối hận)
Tục ngữ nói, rượu vào lời ra. Nhiều người say rượu, không kiềm chế được cảm xúc, nói năng lung tung, thậm chí gây ra hậu quả khó cứu vãn. Ngày hôm sau tỉnh rượu, nhớ lại những gì đã làm hôm qua, không khỏi xấu hổ.
6. An bất tương tức, bệnh thời hối (Không chăm sóc sức khỏe, đến lúc bệnh tật mới hối hận)
Bình thường không chú ý giữ gìn sức khỏe, bệnh đến như núi lở, lúc đó có hối cũng không kịp. Điều này đặc biệt cần lưu ý với người hiện đại, nhiều người vì công việc mà làm việc ngày đêm, kết quả là kiệt sức. Bây giờ đánh đổi sức khỏe lấy tiền bạc, sau này có nhiều tiền cũng không mua lại được sức khỏe.
Lời kết
Cuộc đời, rất khó để sống không hối tiếc. Trong đời chúng ta có những điều tiếc nuối, tiếc không kiên trì tình yêu đó, tiếc không thi vào trường đó, tiếc đã dễ dàng từ bỏ công việc đó. Nhưng, sau những tiếc nuối, hối hận, chúng ta càng nên suy nghĩ cách tốt hơn để đối mặt với cuộc sống tương lai.
Theo Secretchina
Minh Nguyệt biên dịch