Liệu ông Trump có bảo vệ Đài Loan không?

Liệu ông Trump có bảo vệ Đài Loan không?
Đài Loan "cách Hoa Kỳ 9.500 dặm", thì nó chỉ "cách Trung Quốc 68 dặm" ​​trong tầm bắn của pháo binh (Ảnh: Tri Thức Mới

Với những diễn biến trên chính trường nước Mỹ và thế giới hiện tại, một câu hỏi đang được đặt ra là liệu ông Trump có bảo vệ Đài Loan khi đắc cử Tổng thống hay sẽ chỉ xem vấn đề này là đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden từ bỏ nhiệm kỳ thứ hai và Đảng Dân chủ vẫn đang loay hoay tìm kiếm chiến lược mới cho cuộc bầu cử tổng thống ngày 5 tháng 11. Chỉ còn hơn ba tháng nữa là đến ngày bỏ phiếu, và dường như cựu Tổng thống Donald Trump đang “tận hưởng” động lực mới cho chiến dịch của mình.

Trong khi thế giới bị cuốn hút bởi các cuộc đua khác nhau, những bình luận của ông Trump về Đài Loan đã gây xôn xao. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg được công bố vào ngày 16 tháng 7, ông Trump cho biết Đài Loan đã là nhà cung cấp lớn cho ngành công nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ, và rằng hòn đảo này nên trả tiền thêm cho Hoa Kỳ để nhận thêm sự bảo vệ hòn đảo này khỏi Trung Quốc.

Tất nhiên Ông Trump cũng cho biết rằng trong khi Đài Loan "cách Hoa Kỳ 9.500 dặm", thì nó chỉ "cách Trung Quốc 68 dặm" ​​trong tầm bắn của pháo binh (1 dặm gần bằng 1,6 kilomet).

Đài Loan hiện sản xuất khoảng 90% chip máy tính tiên tiến của thế giới. Không phải lần đầu tiên người ta được nghe những phát biểu tương tự như vậy từ ông Trump. Điều này cho thấy sự không hài lòng với thực tế này. Cũng không thể phủ nhận rằng việc bảo vệ Đài Loan, xa bờ biển Hoa Kỳ, đặt ra những thách thức và chi phí đáng kể cho Washington.

Mặc dù vậy, những phát biểu của cựu Tổng thống vẫn gây lo ngại, vì chúng làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của chính quyền Trump trong tương lai nhằm bảo vệ hòn đảo tự trị này trước ĐCS Trung Quốc  trong trường hợp xảy ra khủng hoảng an ninh.

Chính quyền Bắc Kinh hẳn đã rất vui mừng trước những bình luận của ông Trump. Trong một màn thể hiện sự hài lòng có thể phản ánh quan điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc, phiên bản trực tuyến của tờ Global Times, một tờ báo lá cải có liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã nói trong ấn bản ngày 17 tháng 7 rằng những phát biểu của ông Trump đã vạch trần "cái gọi là cam kết của Hoa Kỳ đối với Đài Loan chỉ là một lời hứa suông".

Và nếu ông Trump tiếp tục đưa ra những quan điểm như vậy, Trung Quốc rất có thể sẽ trở nên quyết đoán hơn ở Eo biển Đài Loan và Biển Hoa Đông. Điều này càng làm gia tăng căng thẳng vốn có ở châu Á.

Theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ năng lực tự vệ của Đài Loan và đã cung cấp vũ khí cho Đài Loan để đạt được mục đích đó. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1 năm 2021, ông Biden đã bốn lần cảnh báo Bắc Kinh rằng nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, Hoa Kỳ sẽ bảo vệ hòn đảo này.

Câu hỏi đặt ra là liệu thái độ miễn cưỡng của ông Trump trong việc hỗ trợ Đài Loan có phản ánh cảm xúc thực sự của ông hay chỉ là một động thái chính trị. Những gì diễn ra từ nhiệm kỳ trước của ông Trump  cho thấy khả năng cao là như vậy. 

Mọi chuyện dường như bắt đầu vào tháng 12 năm 2016, một tháng trước lễ nhậm chức của ông Trump. và Ông đã gọi điện cho Tổng thống Đài Loan lúc bấy giờ là Thái Anh Văn.

Trung Quốc đã tức giận vì sự vi phạm tiền lệ này. Kể từ khi Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan vào năm 1979, không có hồ sơ công khai nào về một tổng thống đắc cử hoặc tổng thống Hoa Kỳ đã nói chuyện qua điện thoại với một người đồng cấp Đài Loan.

Cuộc điện đàm khiến Bắc Kinh nổi giận vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi đây là hành vi vi phạm chính sách "Một Trung Quốc". Trung Quốc đã từ chối sắp xếp cuộc gọi giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình. Việc từ chối này diễn ra cho đến tận sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức vào tháng sau đó.

Theo một cựu quan chức chính quyền ông Trump, thì Cựu Tổng thống đã rất ngạc nhiên trước phản ứng của Trung Quốc và nhanh chóng hành động để hàn gắn mối quan hệ. Vào ngày 8 tháng 2/2017, ông đã gửi một lá thư cho ông Tập Cận Bình để nói rõ rằng ông mong muốn được làm việc với nhà lãnh đạo Trung Quốc để "phát triển một mối quan hệ mang tính xây dựng" có lợi cho cả hai nước.

Hai ngày sau, ông Tập Cận Bình đồng ý nói chuyện với ông Trump, vì lời hứa sẽ tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc". Với những hành động hàn gắn này, ông Trump đã làm dịu căng thẳng và giải quyết được tình hình. Sau đó, ông Trump bắt đầu xa lánh vấn đề Đài Loan, ông xem đó là một bãi mìn ngoại giao.

Tuy nhiên, chính quyền của ông Trump chưa bao giờ ngừng thúc đẩy các chính sách có lợi cho Đài Loan, bao gồm việc bán 66 máy bay chiến đấu F-16 và cử các quan chức cấp cao nhất trong lịch sử gần đây đến hòn đảo này.

Những hành động này chủ yếu do các cố vấn của ông Trump dẫn đầu như cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo và Matt Pottinger, một chuyên gia về Trung Quốc và cựu phó cố vấn an ninh quốc gia. 

Cả hai trợ lý trên của ông Trump đều là những người ủng hộ mạnh mẽ lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh. Ông Trump dường như đã chấp thuận bán vũ khí cho Đài Loan và các chuyến thăm của các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ, miễn là những hành động này không cản trở thương mại và các cuộc đàm phán khác với Trung Quốc.

Quan hệ Mỹ-Trung sẽ diễn biến thế nào nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng?

Cựu tổng thống rõ ràng vẫn còn tức giận với Trung Quốc, quốc gia mà ông đổ lỗi cho là đã gây ra đại dịch COVID-19 và gây tổn hại đáng kể cho Hoa Kỳ. Trong bài phát biểu tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa vào ngày 18 tháng 7, ông đã gọi COVID-19 là "virus Trung Quốc".

Điều này cho thấy nếu tái đắc cử, ông Trump có thể sẽ áp dụng lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và có khả năng thay đổi cách tiếp cận của mình đối với vấn đề Đài Loan. 

Có ba kịch bản có thể xảy ra:

Kịch bản đầu tiên, ông Trump sẽ cố gắng tăng cường khả năng tự vệ của Đài Loan thông qua việc đẩy nhanh việc bán vũ khí và các biện pháp khác. Điều này có khả năng xảy ra nhiều hơn nếu cựu cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien và những người theo đường lối cứng rắn chống Trung Quốc khác đảm nhiệm các vị trí chủ chốt trong chính quyền mới của Trump.

Kịch bản thứ hai, ông Trump có thể sử dụng Đài Loan như một con bài mặc cả để giành được sự nhượng bộ từ Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại và công nghệ cao. Phía Nhà Trắng ban đầu có thể tăng cường hỗ trợ cho Đài Loan để gây sức ép với Bắc Kinh, nhưng họ cũng có thể nhanh chóng thu hẹp lại khi các mục tiêu của họ đạt được và phải đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng của Trung Quốc. 

Cách tiếp cận này cho thấy Hoa Kỳ sẽ sử dụng vấn đề này như một công cụ để đạt được các mục tiêu chính sách của mình, với những tác động không mong muốn về an ninh đối với Châu Á.

Kịch bản thứ ba là ông Trump sẽ tìm cách cân bằng giữa hai lựa chọn này bằng cách theo đuổi con đường “trung dung”. Ông Trump có thể “ bỏ ngõ” cho những người theo đường lối cứng rắn trong chính quyền của mình được thúc đẩy tăng cường hỗ trợ cho Đài Loan, trong một số giới hạn nhất định, như đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Nhiều yếu tố sẽ ảnh hưởng đến quyết định của ông Trump, bao gồm động lực quyền lực nội bộ trong chính quyền mới và cách mà ĐCS Trung Quốc phản ứng. 

Trước mắt việc ông Trump được bầu vào nhiệm kỳ thứ hai hay không vẫn còn là một ẩn đố. Dù vậy, trong mọi trường hợp, điều quan trọng đối với các đồng minh của Hoa Kỳ lúc này là tiếp tục nhấn mạnh với ông Trump về tầm quan trọng của sự ổn định ở Eo biển Đài Loan, thông qua càng nhiều kênh càng tốt.

Theo Nikkei Asia 
Bảo Thư