Liệu vụ ám sát ông Haniyeh có châm ngòi cho Thế chiến 3 từ ‘lò lửa’ Trung Đông?
Như chúng ta đã biết, vào ngày 27/7 vừa qua, khoảng 30 quả rocket đã bay từ Lebanon vào vùng đất mà Israel đang kiểm soát trên cao nguyên Golan, cướp đi sinh mạng của 12 người Israel, phần lớn là thiếu niên, đồng thời khiến nhiều người khác bị thương. Israel cáo buộc lực lượng Hezbollah thân Iran thực hiện vụ tấn công này.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phải cắt ngắn chuyến công du nước Mỹ và tức tốc quay trở về Tel Aviv để họp bàn kế hoạch đối phó.
Ông Daniel Hagari, người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), gọi đây là "cuộc tấn công chết chóc nhất vào thường dân Israel kể từ ngày 7/10/2023". Ông cũng tuyên bố rằng: "Đây là sự việc rất nghiêm trọng và chúng tôi sẽ hành động phù hợp".
Hành động ấy đến sau 3 ngày. Vào ngày 30/7, Israel đã tiến hành một cuộc tấn công vào Beirut, thủ đô của Lebanon, khiến ít nhất một người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Nhân vật thiệt mạng là Fuad Shukr, "cánh tay phải" của thủ lĩnh nhóm vũ trang Hezbollah.
Khi cả thế giới chưa hết sửng sốt, chỉ vài giờ sau, vào sớm ngày 31/7, một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào nơi ở của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran đã sát hại ông này cùng với một cận vệ. Trước đó, ông Haniyeh đã có mặt tại Iran để dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Masoud Pezeshkian.
Phía chính quyền Israel không bình luận về vụ tấn công, nhưng các phương tiện truyền thông quốc gia đã tuyên bố, có trích dẫn các quan chức Iran giấu tên, rằng tên lửa tấn công dinh thự của ông Haniyeh có thể đã được bắn từ bên trong biên giới Iran. Trước đó, Israel đã tuyên bố sẽ tiêu diệt các nhà lãnh đạo của Hamas.
Còn các lãnh đạo cao nhất của Iran, như thường lệ, thề sẽ trả thù cho đồng minh bị ám sát ngay trên đất Iran, rằng Israel sẽ phải trả giá rất đắt. Lò lửa chiến tranh Trung Đông đang bốc lên ngùn ngụt, liệu có nguy cơ bùng nổ Thế chiến 3 sau những sự kiện này hay không và các bên đang mưu tính điều gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong chương trình hôm nay.
Iran & Israel - nói và làm
Trước hết xin nói rõ, phần phân tích sau đây không thể hiện sự ủng hộ với hành vi gây chiến của bất cứ bên nào, bởi vì giải pháp chiến tranh nói cho cùng, không phải là giải pháp nhân đạo hay tối ưu mà nhân loại nên tìm kiếm. Phần phân tích sau là đứng từ góc độ kỹ thuật.
Như chúng ta đã biết, sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023 gây ra cái chết của khoảng 1200 người Israel, cũng như bắt cóc và giam giữ khoảng 200 người nữa ở dải Gaza, chính quyền Israel đã thề sẽ tiêu diệt Hamas và những kẻ đứng sau vụ này. Kể từ đó, chính quyền ông Netanyahu đã săn đuổi Hamas, tiêu diệt phần lớn lực lượng của họ, bất chấp áp lực của trong và ngoài nước.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phát biểu trên truyền hình tối 31/7 rằng: "Israel đã tung đòn nghiền nát toàn bộ kẻ thù. Chúng ta đang trong cuộc chiến sống còn nhằm chống lại Iran và trục ma quỷ của họ"
Trong bài phát biểu này, ông Netanyahu đề cập vụ tập kích Mohammed Deif, người đứng đầu cánh vũ trang của Hamas, ở Gaza cách đây vài tuần; đòn không kích cảng Hodeidah do nhóm Houthi ở Yemen kiểm soát; và đòn tấn công nhằm vào tòa nhà ở thủ đô Beirut của Lebanon làm thiệt mạng Fuad Shukr, "cánh tay phải" của thủ lĩnh nhóm vũ trang Hezbollah - người chỉ huy cuộc tấn công bằng rocket nhằm vào Israel hôm 27/7 vừa rồi.
Hamas, Hezbollah, Houthi đều nằm trong liên minh được Iran hậu thuẫn.
Ông Netanyahu nói tiếp: "Chúng ta đã giải quyết xong ân oán với Hajj Mohsin. Chúng tôi sẽ xử lý món nợ với tất cả những ai làm tổn thương đất nước và buộc họ trả giá đắt vì hành vi hung hăng nhằm vào Israel".
Hajj Moshin là tên giả của Fuad Shukr.
"Tôi đã và sẽ không nhượng bộ những tiếng nói đó. Tất cả thành quả trong những tháng gần đây đạt được vì chúng ta không nhượng bộ, sẵn sàng đưa ra các quyết định dũng cảm trước áp lực nội địa và từ nước ngoài. Chúng ta sẽ chiến đấu và cùng chiến thắng", ông nói.
Tuy nhiên, ông Netanyahu cũng cảnh báo người dân Israel rằng những ngày khó khăn còn đang ở phía trước, ông kêu gọi người dân Israel sự bền bỉ vì nước này đang đối mặt với hàng loạt mối đe dọa từ khắp nơi. "Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản, cũng như đồng lòng và quyết tâm chống lại tất cả hiểm nguy", ông cho biết.
Như vậy, có thể thấy Israel đang thực hiện các tuyên bố của mình, thậm chí, họ làm xong rồi mới tuyên bố.
Còn Iran thì sao?
Ngày 3/1/2020, một cuộc không kích của quân đội Mỹ vào Sân bay quốc tế Baghdad đã giết chết tướng Qasem Soleimani - nhân vật cực kỳ quan trọng trong lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và lực lượng Quds Force bí mật. Soleimani từng được coi là một trong những người quyền lực nhất ở Iran với tên gọi "tư lệnh ngầm" hoặc "bậc thầy tình báo". Ông ta chịu trách nhiệm cho cái chết của 608 lính Mỹ trong Chiến tranh Iraq.
Sau vụ ám sát này, các lãnh đạo cấp cao của Iran đã tuyên bố “khét lẹt” về việc trả thù.
"Nếu ông Trump và (cựu ngoại trưởng Mỹ Mike) Pompeo không bị xét xử tại một tòa án công bằng vì tội ám sát tướng Soleimani, người Hồi giáo sẽ thực hiện cuộc trả thù tử vì đạo", Hãng tin Reuters dẫn lời tổng thống Iran lúc đó là ông Ebrahim Raisi khi phát biểu trên truyền hình địa phương ngày 3/1/2020.
Còn trên mạng xã hội Twitter lúc ấy, đề cập tới tướng Soleimani, Đại giáo chủ Khamenei viết rõ: “Tử vì đạo là phần thưởng cho những nỗ lực không ngừng của ông ấy trong tất cả những năm qua. Với sự ra đi của ông ấy, Chúa phù hộ, công việc và con đường của ông ấy sẽ không dừng lại, nhưng sự trả thù khốc liệt chờ đợi những kẻ tội phạm đã kích động những bàn tay nhơ bẩn bằng máu của ông ấy và những người tử vì đạo khác trong vụ việc đêm qua.”
Đã hơn 4 năm trôi qua, rốt cuộc chưa thấy động tĩnh gì.
Vào ngày 3/1/2024, đúng vào lễ tưởng niệm 3 năm ngày mất của tướng Soleimani, đã xảy ra một vụ đánh bom kép khiến 84 người thiệt mạng và 248 người Iran khác bị thương. Tổ chức nhà nước Hồi Giáo IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã lên án "tội ác ghê tởm và vô nhân đạo". Còn giáo chủ Khamenei nói: "Những kẻ tội phạm tàn ác… phải biết rằng kể từ bây giờ chúng sẽ bị xử lý mạnh mẽ và chắc chắn chúng tôi sẽ có phản ứng gay gắt".
Đã 7 tháng trôi qua, đến nay cũng chưa thấy Iran có phản ứng gay gắt gì với IS như đã tuyên bố.
Vào tối thứ Bảy 13/4/2024, Iran đã phóng hàng loạt drone và hỏa tiễn hướng tới Israel. Theo Tehran, đợt không kích này là hành vi trả đũa đúng luật cho vụ Israel đánh bom vào lãnh sự quán Iran tại Damascus, Syria hồi đầu tháng 4/2024 khiến bảy sĩ quan cao cấp của Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran thiệt mạng. Vụ tấn công được báo trước dềnh dàng đã không gây được thiệt hại gì đáng kể cho Israel. Còn phía Iran đánh giá là hoạt động này đã đạt được mức độ thành công vượt quá mong đợi.
Thực tế cho thấy, có một khoảng cách giữa những gì Iran tuyên bố và thực hiện. Dường như họ quen thuộc với việc đứng sau hậu thuẫn Hamas, Houthi và Hezbollah để quấy rối hơn là trực tiếp ra tay. Có thể chính quyền Israel cũng cho là như vậy, và kế hoạch hạ sát lãnh đạo Hamas ngay trên lãnh thổ Iran là nước cờ gợi nhớ đến một tình tiết trong phim và truyện Bố Già (tức The Godfather)
Câu hỏi của Bố Già Vito Corleone: Mày thấy thằng đó có cứng thật không?
Truyện & phim Bố Già mở đầu bằng sự kiện đám cưới người con gái của Bố Già Vito Corleone. Theo phong tục của người Sicily, trong ngày gả con gái, người ta có xin gì mình cũng không được từ chối, vậy nên Bố Già Vito Corleone phải tiếp đón nhiều người khách trong phòng làm việc, một trong số đó là người con đỡ đầu Johnny Fontane.
Johnny là ca sĩ nổi tiếng kiêm diễn viên. Nhưng anh ta phải cầu cứu Bố Già chủ yếu là vì bị đuổi ra khỏi vai trò nam chính trong một bộ phim dự tính sẽ mang lại danh vọng và tiền bạc cho cuộc đời nghệ thuật đang xuống dốc của anh. Johnny bị mất vai diễn bởi quyết định của ông chủ hãng phim Jack Woltz - một nhân vật cực kỳ thần thế ở Hollywood mà theo Johnny thì không gì có thể khiến ông ta đổi ý. Vậy mà, Bố Già Corleone lại dám đảm bảo rằng ông sẽ lấy lại cái vai diễn đó cho anh ta mới kỳ. Xưa nay, Bố Già đâu có bao giờ hứa suông.
Ngay sau đám cưới, người con nuôi và quân sư của ông là Tom Hagen được cử đi Los Angeles để gặp Jack Woltz. Anh ta gặp Jack trong lâu đài của lão, chứng kiến đời sống xa hoa vương giả và cả những sa đọa đồi bại do danh vọng và tiền bạc mang lại cho Jack Woltz ở xứ sở Hollywood. Hagen mang theo đề nghị của Bố Già Vito Corleone với ông chủ hãng phim về vai diễn dành cho Johnny Fontane và bị từ chối. Hagen trở về kể lại câu chuyện cho Bố Già Corleone và ông hỏi anh ta một câu:
Mày thấy thằng cha ấy có cứng thật không?
Hagen suy nghĩ tìm câu trả lời. Ý của Bố Già đó là “Jack Woltz có đủ cứng để dám đem tất cả đặt lên chiếu bạc, đánh liều tất cả để báo thù, vì ngoan cố, vì danh dự không?”
Hagen mỉm cười, anh ta trả lời:
Bác muốn hỏi hắn có phải là dân Sicily không chứ gì?
Bố Già hài lòng gật gù chứng tỏ đã biết ý định của câu đùa và tán thành cách hiểu của Hagen.
Không. Vậy thì không. Hagen nói.
Và thế là một kế hoạch được Bố Già vạch ra, mà Hagen tin chắc nó sẽ thành công. Số là trong chuyến tham quan tư dinh của Jack Woltz, Hagen được Jack đưa đến xem con ngựa đua Khartoum được mua bằng cả đống tiền để làm thứ hàng “độc lạ” trong trang trại ngựa của ông ta. Đó là thứ làm cho Jack tự hào nhất trong cuộc sống hiện tại thừa mứa vật chất, vốn không gì không có.
Sáng hôm ấy, Jack Woltz thức giấc sớm. Trong ánh sáng vẫn còn hơi lờ mờ của phòng ngủ, ông ta phát hiện phía cuối chiếc giường ngủ cỡ đại có một vật gì đó quen thuộc. Nhìn kỹ thì hóa ra đó là cái đầu con ngựa yêu quý Khartoum của ông ta đã bị cắt lìa với bộ dạng kinh khủng nhất. Jack Woltz hét lạc giọng, rụng rời cả chân tay, người nhà ùa vào. Lúc bình tĩnh lại, Jack mới thầm suy tính, và đem các thứ lên bàn cân. Nếu như người ta đủ sức mạnh để vào tận nhà lão như vào chỗ không người, mua chuộc kẻ ăn người làm, cắt đầu con ngựa quý với giá sáu trăm nghìn đô la như đập chết một con ruồi, rồi mang vào tận giường ngủ của lão trong khi lão không biết gì hết, thì kẻ ấy quả thật là đáng sợ, vì cái đầu của Jack cũng nằm trong tay họ. Jack Woltz đang có một cuộc sống đầy lạc thú, muốn gì được nấy, lão nghĩ rằng có họa là điên mới đặt tất cả lên chiếu bạc để đấu nhau sống chết. Tội giết ngựa nếu truy ra được cũng chẳng làm tổn hại gì mấy cho thủ phạm, trong khi cái mạng của Jack mới đáng lo ngại hơn.
Thế là sau vụ việc ấy, Johnny Fontane được hãng phim của Jack gọi đến để nhận vai.
Câu chuyện đầy chất giang hồ này có thể lại đang là chuyện thời sự giữa Iran và Israel. Một chiếc hỏa tiễn được các quan chức Iran giấu tên cho rằng đã được phóng lên từ ngay trong lãnh thổ Iran để hạ gục lãnh đạo Hamas ngay tại nơi ở của ông ta do chính quyền Iran thu xếp. Như vậy là tình báo Israel có thể đã lọt vào tận “trong nhà” của Iran và sắp xếp việc “xử lý” vị khách quý của chính quyền nước này ngay trước mũi họ. Có thể Israel đang đi nước cờ của Bố Già Corleone, thử nắn gân xem Iran có đủ cứng hay không chăng?
Đó có thể cũng là thông điệp mà Israel gửi cho các tổ chức tay chân của Iran như Hamas, Hezbollah và Houthi, rằng không đâu là an toàn với họ. Việc những lãnh đạo cấp cao của những tổ chức này còn sống không phụ thuộc vào việc Iran có bảo vệ họ hay không, mà phụ thuộc vào Israel sẽ ra tay lúc nào. Iran sẽ phản ứng theo cách nào đây? “Dốc túi” vào canh bạc chiến tranh toàn diện hay phản ứng chiếu lệ? Nếu phản ứng chiếu lệ, thì có thể đồng minh bỏ đi, kẻ địch coi thường, Iran phải từ bỏ tham vọng tiểu bá khu vực. Còn nếu phát động cuộc chiến toàn diện với Israel, thì liệu Iran có nắm chắc phần thắng hay không?
Đánh hay không đánh, đó là vấn đề
Theo các nguồn tin giấu tên, vào hôm 31/7, trong cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, lãnh tụ tối cao Iran là Ali Khamenei lệnh cho quân đội tấn công lãnh thổ Israel để trả đũa vụ ám sát thủ lĩnh Hamas và chuẩn bị kế hoạch phòng thủ. Cuộc tấn công này sẽ ở quy mô nào? Một cuộc chiến tổng lực như cuộc chiến sáu ngày của Israel và các nước Arab năm 1967? Hay đơn giản chỉ ở cấp độ tương tự vụ tấn công bằng UAV và hỏa tiễn như Iran đã thực hiện vào ngày 13/4 vừa rồi?
Iran có thể cũng không mạnh như người ta nghĩ. Mới đây, từ ngày 21/7 - 23/7, Trung Quốc đã chủ trì một hội nghị hòa giải giữa 14 phe phái Palestine để đạt được thỏa thuận thành lập "Chính phủ hòa giải dân tộc lâm thời" để quản lý Dải Gaza sau chiến tranh. Tổ chức Fatah đang điều hành Chính quyền Palestine hiện nay có thể sẽ đóng vai trò quan trọng hơn so với Hamas vốn gây nhiều ân oán. Đây cũng là động thái mà có thể là Bắc Kinh đang tìm lối thoát chính trị cho Hamas, qua đó giúp Tehran thoát khỏi thế kẹt trong mối quan hệ với tổ chức này. Song, sự kiện Israel ám sát thủ lĩnh Hamas là ông Haniyeh dường như đã đưa Iran vào lựa chọn khó khăn.
Đánh hay không đánh, đó là vấn đề với Iran lúc này, cũng là vấn đề với Trung Đông và nhân loại lúc này. Thực ra, việc đứng sau hậu thuẫn các tổ chức Hamas, Hezbollah, Houthi quấy rối Trung Đông khiến Iran có tiếng xấu và xứ Trung Đông chẳng có ngày nào yên. Nếu nhân cơ hội này, Iran và các tổ chức thân Iran e ngại mà lui binh như nhân vật Jack Woltz thì có thể “ngón điểm huyệt”, “đòn nắn gân” của Israel cũng phát huy tác dụng tốt. Ngược lại, nhân loại sẽ phải trả giá đắt, vì không chừng sẽ bùng nổ Thế chiến thứ 3 từ cuộc chiến này. Chúng ta cùng chờ diễn biến mới trong lúc cầu nguyện cho chiến tranh không xảy ra.
Nguyên Vũ