Loại bỏ khí chất nghèo nàn

Loại bỏ khí chất nghèo nàn
Loại bỏ khí chất nghèo nàn. (Ảnh: Pixabay)

Shakespeare từng nói: "Tiền bạc là một người lính giỏi, có nó sẽ khiến người ta can đảm gấp trăm lần." Từ xưa đến nay, con người chưa bao giờ ngừng theo đuổi sự giàu có, ai cũng mong muốn bản thân có thể thành đạt, phú quý.

Nhưng dù đã trải qua hàng ngàn hàng vạn năm tiến hóa và phát triển, trong xã hội loài người, vẫn luôn tồn tại sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo. Nhiều người cho rằng sự khác biệt giàu nghèo giữa người với người chỉ là sự nhiều ít của tài sản, nhưng thực tế lại không chỉ đơn giản như vậy.

Người giàu sở dĩ có thể giàu có, ngoài việc có xuất phát điểm cao hơn, thì về mặt nhận thức và phẩm chất cá nhân cũng vượt xa người nghèo. Còn người nghèo sở dĩ khó có thể đổi đời, không chỉ là do số phận bất công, mà còn bởi vì trên người họ thường mang 3 loại "khí chất nghèo" này.

Thói quen than vãn: Biểu hiện của sự nghèo nàn trong suy nghĩ

Cuộc sống vốn dĩ không hề bằng phẳng, ai cũng phải đối mặt với những khó khăn, thử thách, bất kể giàu nghèo.

Có người sẽ dựa vào nỗ lực của bản thân, hoặc nhờ sự giúp đỡ từ bên ngoài, sau một phen xoay sở sẽ vượt qua được nguy hiểm, đồng thời tăng thêm năng lực cho mình.

Nhưng có những người chỉ biết than vãn không ngừng, oán trách ông trời bất công với mình, khiến mình phải chịu những đả kích nặng nề đến mức không thể gượng dậy nổi.

Trong những lời than vãn liên miên, họ đánh mất cơ hội tốt để lật ngược tình thế, thậm chí còn rơi vào vòng luẩn quẩn tồi tệ hơn. Đó là lý do tại sao người ta thường nói "oán giả cố cùng", người hay than vãn, quanh thân luôn vây quanh khí nghèo túng, bị những việc nhỏ nhặt quấy nhiễu.

Giống như danh tướng khai quốc triều đại nhà Tùy là Hạ Nhược Tất, cha của ông là Hạ Nhược Đôn từng vì lời nói không cẩn thận, bị người khác nắm thóp, bị kết án tử hình.

Trước khi hành hình, Hạ Nhược Đôn đã dùng dùi đâm thủng lưỡi con trai, nhắc nhở ông sau này nhất định phải cẩn thận lời nói, đừng nói năng bừa bãi. Nhưng Hạ Nhược Tất sau khi công thành danh toại, lại quên mất lời vàng ngọc của cha, thường xuyên sau lưng oán trách hoàng đế đối xử bất công.

Nhưng sự oán trách đầy bụng của ông ta cũng khiến cho Tùy Văn Đế chán ghét, và bị giáng xuống làm thường dân, không lâu sau lại bị xử tử.

Như Tam Mao đã nói: "Thỉnh thoảng than phiền về cuộc sống một lần cũng không sao, nhưng quen than vãn mà không tìm cách thay đổi, chính là người không thông minh."

Mọi việc trên thế gian này, sẽ không vì vài lời oán trách của bản thân mà xảy ra thay đổi long trời lở đất, chỉ khiến cho bản thân thêm phiền não. Thay vì đứng yên một chỗ than thân trách phận, chi bằng thu dọn tâm trạng, bình thản đối mặt, dùng hành động thực tế để nỗ lực thay đổi hiện trạng.

Vẻ nghèo hèn trên mặt: Chỉ coi trọng thể diện

Người ta sống vì sĩ diện, cây sống vì vỏ, là người thì cần phải có thể diện, chỉ có như vậy khi sống trên đời mới an tâm và vững vàng. Nhưng trong thực tế, lại có một hiện trạng rất kỳ lạ: Người càng nghèo khó, càng thích giữ thể diện mỏng manh của mình.

Họ luôn cố tỏ ra mình giàu có, rõ ràng bản thân lực bất tòng tâm với nhiều việc, nhưng vẫn cố gắng làm, khiến mình tiến thoái lưỡng nan. Cho dù phải trả giá đắt, nhưng chỉ cần nghĩ đến việc có thể được khen ngợi và nổi tiếng, họ liền không tiếc tiền của để làm.

Chương trình nổi tiếng 'Tiến gần khoa học' đã từng có một nhân vật dị như vậy, đó là chú Đồng. Ban đầu chú chỉ là một thợ điện nước bình thường, ngày thường hay khoe khoang với mọi người xung quanh rằng mình thích uống nước sôi 100 độ C.

Tin tức này nhanh chóng lan truyền khắp nơi, đến cả nhân viên của chương trình cũng muốn tìm hiểu sự thật, bèn tìm đến chú để xác minh. Đối mặt với câu hỏi của phóng viên, chú Đồng thao thao bất tuyệt, nói rằng không biết vì sao uống nước sôi lại không thấy nóng, càng uống càng thấy ngon.

Thế là, phóng viên liền rót ngay một cốc nước sôi cho chú thử, chú Đồng cắn răng uống cạn, nóng đến chảy nước mắt, nhưng vẫn cứng miệng nói không nóng. Uống liên tiếp ba cốc, chú Đồng thực sự không chịu nổi nữa, bác sĩ kiểm tra phát hiện khoang miệng của chú đã bị bỏng nhiều chỗ.

Hành vi cố giữ thể diện mà chuốc lấy khổ sở như vậy, thực ra đã không còn xa lạ xung quanh chúng ta, nhưng vẫn có rất nhiều người "ngựa quen đường cũ", thích lặp lại sai lầm.

Cái nghèo trong tâm hồn: Thích chiếm tiện nghi

Sự nghèo khó của nhiều người không chỉ là sự thiếu thốn về điều kiện vật chất kinh tế, mà còn là sự nghèo nàn về nội tâm và tinh thần, sống một cách rẻ rúng. Chỉ cần trước mắt có chút lợi lộc nhỏ nhặt, họ cũng bất chấp tất cả để chiếm hữu, hoàn toàn không có mục tiêu và suy nghĩ lâu dài.

Bởi vì trong tâm hồn tràn ngập cái nghèo, khiến họ luôn thích chiếm tiện nghi của người khác, hoàn toàn không quan tâm đến lợi ích chung. Cũng chính vì sự thiển cận của bản thân, khiến họ chỉ có thể dậm chân tại chỗ trong phạm vi nhỏ hẹp của mình, khó mà có thêm không gian để tiến xa hơn.

Người thực sự có tầm nhìn và kiến thức, sẽ không bao giờ phí sức lao tâm khổ tứ vì chút lợi ích nhỏ nhoi không đáng kể, làm những việc tốn công mà không được việc. Mà là có thể luôn giữ vững giới hạn của mình, không tùy tiện làm hỏng danh tiếng của bản thân, mãi mãi làm người một cách kiên định, làm việc một cách trung thực.

Trên một con phố ẩm thực nổi tiếng ở Yên Đài, Sơn Đông, có hai quán thịt nướng cạnh nhau khai trương, nhưng tình hình kinh doanh của họ lại rất khác nhau. Quán thịt nướng mở sau, để có thể thu được nhiều lợi nhuận hơn, luôn gian lận trong khâu nướng, qua đó giảm chi phí.

Ban đầu, việc kinh doanh của hai quán không khác nhau là mấy, nhưng dần dần mọi người đều phát hiện ra có một quán đang ăn bớt nguyên liệu, dần dần lựa chọn từ bỏ.

Còn quán kinh doanh chân chính kia, tuy lợi nhuận ngắn hạn thấp hơn một chút, nhưng lại giành được nhiều khách hàng quen hơn. Trên đời này không có bữa trưa nào miễn phí, chiếm được tiện nghi, đánh mất chính là nhân phẩm của mình, hủy hoại chính là cuộc đời mình.

Như trong Thái Căn Đàm có câu: "Không cầu phúc phận không phải của mình, không tham của cải không có lý do." Đôi khi sống mơ hồ một chút, đừng quá khôn ngoan, chịu thiệt một chút cũng không phải là chuyện gì to tát, ngược lại có thể nhân cơ hội đó xoay chuyển vận mệnh.

Khổng Tử có câu: "Trời đất vận động mạnh mẽ, người quân tử lấy sự tự cường không ngừng làm gương; đất rộng lớn bao la, người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật."

Nghèo khó nhất thời không đáng sợ, đáng sợ là cả đời sống trong tư duy nghèo nàn mà không tự biết. Không có tiền chỉ là một dạng của nghèo, còn nhiều cái nghèo hơn là do tư tưởng nghèo nàn, nhân phẩm tồi tệ tạo thành.

Chỉ có xuất phát từ lời nói và việc làm, giữ vững giới hạn của nhân tính, nâng cao sự rộng lượng của nội tâm, bạn mới có thể khiến cuộc sống của mình không ngừng tăng giá trị.

Học cách từ bỏ cái nghèo trên người, ít nói lời oán trách, buông bỏ sĩ diện, bỏ ra hành động thiết thực. Khi bạn dùng tấm lòng chân thành, trung thực, làm việc một cách thiết thực, bạn sẽ từng bước tiến gần đến cuộc sống mà mình mong muốn.

Theo Aboluowang
Minh Nguyệt