Lòng người nghĩ một ý niệm, trời đất đều biết

Lòng người nghĩ một ý niệm, trời đất đều biết
Lòng người nghĩ một niệm, trời đất đều biết. (Ảnh: Public Domain)

Người xưa thường dùng câu 'Lòng người sinh một ý niệm, trời đất đều biết; Thiện ác nếu không được báo ứng, trời đất ắt có điều bất công' để khuyên răn những người sống trong mê muội về đạo lý thiện ác có báo ứng, như hình với bóng.
Thực ra, thiện ác của con người không chỉ thể hiện ở hành vi mà còn ở lời nói, ngay cả một ý nghĩ cũng có quả báo thiện ác."

Câu chuyện sau đây sẽ minh chứng cho điều này:

Miệng nói một đằng, lòng nghĩ một nẻo - Thần tiên ghét nhất

Vương Dụng Dư là một nhà nho ở Nghi Châu thời nhà Minh, ông là người đôn hậu, ít nói, rất sùng đạo và kính Phật. Du Lân và Chu Cát đều là bạn học của ông. Nhìn bề ngoài, Du Lân là một người nho nhã, hiếu thuận, luôn tự cho mình là người có đức; Chu Cát là người yếu đuối nhất trong số các thí sinh, văn chương cũng không xuất sắc, nhưng lại đỗ đầu kỳ thi Hương, khiến mọi người đều ngạc nhiên.

Một hôm, Vương Dụng Dư nằm mơ thấy một vị thần tiên, bèn hỏi về tương lai thi cử của Du Lân. Thần tiên nói với ông rằng Du Lân sẽ không đỗ đạt, bởi vì anh ta luôn "phỉ báng" (miệng không nói ra nhưng trong lòng lại chỉ trích), nghĩa là bề ngoài làm tốt nhưng trong lòng không có một chút thiện niệm nào, khác xa với hành vi bề ngoài của mình.

Thần tiên còn nói, Du Lân đối với cha mẹ cũng vậy, bề ngoài miễn cưỡng đồng ý, nhưng trong lòng thờ ơ. Hơn nữa còn thích nói xấu người khác một cách cay nghiệt, không hợp tình hợp lý; luôn giả vờ là người quân tử có đức. Thần tiên nói, loại người hai mặt, đạo đức giả này là điều mà thần ghét nhất, cho nên ông trời sẽ trừng phạt anh ta không đỗ đạt.

Tổ tiên làm việc thiện không làm điều ác, con cháu được hưởng phúc báo

Vương Dụng Dư lại hỏi thần tiên về lý do Chu Cát đỗ Giải Nguyên. Thần tiên nói với ông rằng, ông nội và cha của Chu Cát đều làm quan, nhưng họ chưa bao giờ tham ô hay làm điều bất chính, cũng chưa bao giờ cưỡng bức phụ nữ, cả ba đời nhà họ Chu đều như vậy, chưa bao giờ nói xấu hay bêu rếu ai.

Hơn nữa, cụ cố của Chu Cát còn viết "Bách Nhẫn Thuyết" để khuyên người ta hướng thiện, rất nhiều người đã được cảm hóa, vì vậy con cháu của ông được hưởng phúc báo hơn sáu mươi năm. Mặc dù không ai biết họ đã làm những việc tích đức này, nhưng ông trời thấu suốt tất cả, đã ban thưởng và ban phước cho họ, định sẵn cho ba đời họ được thịnh vượng. Và nói rằng Chu Cát năm nay đỗ Giải Nguyên, đây chỉ là sự khởi đầu của phúc báo của anh ta!

Vương Dụng Dư lại hỏi thần tiên về tương lai của mình, thần tiên nói với ông:

Chỉ cần tâm niệm, lời nói và hành động hướng thiện, tự nhiên tương lai sẽ tươi sáng; ngược lại, nếu tâm niệm, lời nói và hành động hướng ác, thì tương lai tự nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn.

Sự thật đúng là như vậy, Vương Dụng Dư sau này đỗ đạt cao, còn Du Lân vẫn không có thành tựu gì. Thực ra, số mệnh đã được định sẵn, "họa phúc không có cửa, chỉ do con người tự tạo ra", làm người chỉ có một lòng hướng thiện mới là con đường đúng đắn, giống như "kẻ đạo đức giả" Du Lân, bề ngoài và bên trong khác nhau, chỉ có thể tự lừa dối mình, làm sao có thể lừa dối được ông trời.

Dân thường Lý Giác buôn bán bằng chữ tín, tích đức lên tiên giới

Lý Giác là chủ tiệm gạo thời nhà Đường, tính tình ngay thẳng, siêng năng, giữ đúng bổn phận. Tiệm gạo vốn do cha ông kinh doanh, khi ông mới mười lăm tuổi, cha ông có việc phải đi xa, từ đó giao cho Lý Giác tiếp quản việc buôn bán. Bất kể người nông thôn đến bán lúa hay người thành phố đến mua gạo, Lý Giác đều đưa đấu đong cho khách tự đong gạo, không bao giờ so đo giá gạo lúc đó đắt hay rẻ.

Mỗi lần bán gạo, ông chỉ lấy hai đồng tiền lời để nuôi sống gia đình, nhưng lại có thể ăn sung mặc sướng. Điều này khiến cha ông cảm thấy kỳ lạ, lo lắng ông có mánh khóe gì, bèn tò mò hỏi, ông cũng thành thật trả lời. Cha ông nói: “Các tiệm gạo thông thường, đều là đấu lớn mua vào, đấu nhỏ bán ra, ta mua vào bán ra cùng một đấu đã là tốt rồi. Con lại đưa đấu cho người ta tự đong, con còn hơn cả ta. Con chỉ lấy chút ít lợi nhuận, nhà ta lại có thể ăn ngon mặc đẹp, có thể thấy ông trời có mắt, âm thầm có thần linh phù hộ.”

Trong triều đình cũng có một Lý Giác, từng làm tể tướng vào thời Đường Văn Tông, Đường Vũ Tông, sau đó ra ngoài triều kiêm nhiệm Tiết độ sứ Hoài Nam. Lý Giác người dân thường nghe nói Tiết độ sứ mới đến cũng tên Lý Giác, để tránh trùng tên, bèn đổi tên thành Lý Khoan.

Lý Giác tể tướng kiêm Tiết độ sứ, có một đêm nằm mơ, đến “Hoa Dương động thiên”, nơi đó hoa tươi rực rỡ, lầu các san sát. Lý Giác tể tướng đi dạo dưới lầu các, thấy có vách đá nhẵn bóng, trên đó khắc chữ vàng lớn, tên là Tiên tịch bảng, trong danh sách những người được liệt kê lại có tên Lý Giác.

Tể tướng nghĩ thầm: Ta giữ chức quan trọng, công đức cao ngất trời, nay thật sự được ghi tên vào tiên ban rồi! Ông ta vui mừng khôn xiết. Lúc này có hai vị tiên đồng từ hai bên vách đá bước ra, nói: “Lý Giác này không phải tể tướng, mà là một người dân ở Giang Dương dưới quyền cai quản của ngài.”

Ngày hôm sau Lý Giác tỉnh dậy, liền tìm cách đi tìm Lý Giác kia, sau cùng cũng tìm được người hiện tên Lý Khoan, nguyên tên Lý Giác. Lý tể tướng dùng xe ngựa đón Lý Giác về nhà, mời ông ta nghỉ ngơi ở căn phòng tĩnh chuyên dùng để tu hành, sau đó tự mình trai giới tắm rửa rồi mới lễ bái yết kiến, gọi ông ta là đạo huynh. Và bảo cả nhà cung kính hầu hạ, sớm tối vấn an.

Thừa tướng Lý Giác bái sư người trùng tên - Hỏi về con đường thành tiên

Dân thường Lý Giác đã là một ông lão bảy mươi tuổi, nhưng ông có vẻ ngoài thanh nhã, dung mạo tuấn tú, râu dài hơn một thước nhưng trắng đẹp đáng yêu. Ông được Lý Thừa tướng đối xử trọng thị như vậy, trong xã hội đã có một số lời bàn tán, có người nói: "Ông ta chỉ là một người mở cửa hàng gạo, có gì ghê gớm chứ?" Có người phản bác: "Mở cửa hàng gạo thì không có gì ghê gớm, nhưng nhân cách của Lý Giác mới là điều đáng nể."

Hơn một tháng sau, Lý Thừa tướng mới mở lời hỏi Lý Giác: "Xin hỏi đạo huynh, ngày thường tu luyện môn phái đạo thuật nào? Dùng tiên dược gì? Tôi từng mộng du tiên cảnh, thấy tên đạo huynh có trong danh sách tiên, nên tôi mới nghênh đón đạo huynh, lấy lễ thầy trò để đối đãi. Mong rằng ngài có thể truyền dạy đạo thuật cho tôi." Lý Giác nói: "Kẻ ngu muội này không biết đạo thuật là gì, cũng chưa từng dùng bất kỳ tiên dược nào." Lý Thừa tướng nhiều lần khẩn cầu, Lý Giác đành phải kể lại chuyện mình bán lương thực như thế nào.

Lý Thừa tướng cuối cùng đã hiểu ra nguyên nhân, cảm khái nói: "Ông để mọi người tự đong gạo, nhiều năm như một ngày, nhìn thì là việc nhỏ, nhưng thực sự rất khó làm. Đây không phải là điều người bình thường có thể làm được, âm đức tích lũy, không thể so sánh được!" Và nói rằng ông từ việc này ngộ ra:

"Trong nhân gian, mọi cử động, ăn uống, hít thở, trời đều biết rõ. Chỉ cần tích lũy công đức, dù thân phận thấp kém, cũng sẽ có thần linh phù hộ, tên được ghi vào danh sách tiên. Đây là lời cảnh tỉnh của thần dành cho thế nhân!"

Lúc đó, mọi người nói: "Lý Thừa tướng bái Lý Giác làm thầy: Thần kỳ quá!" Dân thường Lý Giác sống đến trăm tuổi, vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Sau khi chết ba ngày, ông để lại y phục, thân thể lột xác bay đi, thực sự thành tiên.

Kết luận

Từ đó có thể thấy, trong mắt thần, tất cả mọi người đều bình đẳng, thần chỉ nhìn vào lòng người là thiện hay ác, để phân biệt tốt xấu và cao thấp. Dù là Thừa tướng hay chủ cửa hàng gạo, đó tuyệt đối không phải là tiêu chuẩn mà thần dùng để đánh giá con người. Vì vậy, dù giàu hay nghèo, con người sống trên đời đều phải giữ lòng tốt, làm việc thiện không làm việc ác, như vậy kiếp sau nhất định sẽ có phúc báo, quan cao lộc hậu, tiền tài phúc phận sẽ chờ đón bạn.

Dù con người làm bao nhiêu việc tốt, luôn sẽ có người ghen ghét, bất mãn, cũng sẽ luôn có người chủ trì công đạo, nên "lòng dạ rộng lớn, dung chứa những việc thiên hạ có thể dung chứa; miệng luôn cười, cười những người đáng cười trên đời."

Ngoài ra, bất kỳ công việc, sự nghiệp bình thường nào, chỉ cần nghiêm túc làm bằng thiện tâm, đều có thể đạt được thành tựu, thậm chí tạo ra kỳ tích. Tâm tính của con người cao đến đâu, thành tựu hay kỳ tích tạo ra cũng lớn đến đó.

Theo Minh Huệ Net
Minh Nguyệt

Đọc tiếp