Lý do nào tạo nên sự thù địch giữa Hồi giáo và phương Tây Cơ Đốc?
Những vó ngựa rung chuyển mặt đất
Những tiếng thét xung trận đồng loạt vang lên như sấm
Một rừng gươm cong lấp lánh khua tròn trên đầu những chiến sĩ
Những khuôn mặt sạm nắng râu ria xồm xoàm chiếu ra tia nhìn cũng loang loáng như gươm.
Một đoàn hùng binh Hồi giáo chăng? Phải. Nhưng không phải trên sa mạc Ả Rập, mà là ở tận dãy núi Pyrenees nước Pháp. Đó là vào năm 732, đế chế Umayyad Hồi giáo ở giai đoạn đầu tiên xâm chiếm Châu Âu đã thọc sâu vào phía nam nước Pháp sau khi đã vượt qua phần lớn lãnh thổ Nam Âu.
11 cuộc Thập tự chinh từ năm 1095 đến 1291 là đón đáp trả của Châu Âu Cơ Đốc với thế giới Hồi giáo.
Bắt đầu từ thế kỷ 15, các vùng Nam và Trung Âu mà hiện nay là Hy Lạp, Venezia, Bulgaria, Nam Tư, Hungary, vùng Balkan v.v. lần lượt bị đế chế Ottman theo đạo Hồi tái chiếm.
Nhưng Châu Âu lại quật khởi từ cuối thế kỷ 17, đẩy Ottoman lui dần. Đến cuối thế kỷ 19, Anh, Pháp đã chiếm thuộc địa Bắc Phi của Ottoman và sau năm 1923, khi Ottoman hoàn toàn sụp đổ thì Anh, Pháp tiếp quản vùng Trung Đông của người Hồi giáo. Và suốt từ đó đến nay là sự thắng thế của phương Tây. Sau năm 1948, vùng Trung Đông lại thêm một nhân tố mới: nhà nước Do Thái.
Tuy thế, người Hồi giáo đã chuyển sang hình thức chiến đấu mới. Ngày 11/9/2001, tòa tháp đôi ở New York - Hoa Kỳ rung chuyển; Afghanistan trở thành nghĩa địa của đế chế Liên Xô năm 1979 và của Hoa Kỳ suốt 20 năm từ 2001 đến 2021; Nhà nước Hồi giáo ISIS khủng bố giữa lòng Châu Âu. Mỹ bận rộn hậu thuẫn nhà nước Do Thái Israel chống đỡ Hamas, Hezbollah và các nhóm phiến quân Hồi giáo… Cho đến khi Houthi ở Yemen quấy rối trên Biển Đỏ những ngày gần đây.
Và mới nhất, ngày 11/1/24 lực lượng Mỹ, Anh không kích Houthi để răn đe nhưng vô hiệu, Houthi đe dọa đáp trả quyết liệt hơn. Cuộc chiến phương Tây - Hồi giáo suốt hơn nghìn năm lịch sử phải chăng lại có bước ngoặt mới?
Cuộc xung đột của hai ý chí phương Tây - Hồi giáo
Tờ báo mạng TheGlobalist.com xây dựng một cuộc phỏng vấn giả tưởng với tổng thống Bush con và với thủ lĩnh Al Qaeda là Osama Bin Laden, dựa trên những phát biểu trước đây của họ về nhau vào năm 2001, 2002. Như sau:
Tổng thống Bush, quan điểm của ông về Osama bin Laden là gì?
"Cái ác."
Ông nghĩ thế nào về Tổng thống Mỹ, ông Osama Bin Laden?
“Pharaoh của thời đại này.”
Thưa Tổng thống Bush, ông nghĩ tại sao nước Mỹ bị tấn công?
“Họ ghét sự tự do của chúng tôi.”
Thưa ông Bin Laden, ông biện minh thế nào cho cuộc chiến chống Mỹ của mình?
“Tại sao sự sợ hãi, giết chóc, tàn phá, di tản, mồ côi và góa bụa tiếp tục là số phận của chúng tôi - trong khi an ninh, ổn định và hạnh phúc là số phận của các vị?”
Thưa ông Bush, nguyên tắc nào dẫn đường cho Hoa Kỳ?
“Quốc gia này - trong chiến tranh thế giới và chiến tranh lạnh - chưa bao giờ cho phép những kẻ tàn bạo và vô pháp luật điều khiển tiến trình lịch sử.”
Thưa ông Bin Laden, còn gì nữa không?
“Những gì nước Mỹ đang nếm trải bây giờ chỉ là thứ gì đó không đáng kể so với những gì chúng tôi đã nếm trải trong nhiều năm”.
Thưa Tổng thống, phản ứng của ông thế nào?
“Chúng tôi không yêu cầu thử thách hiện tại này - nhưng chúng tôi chấp nhận nó.”
Ông Bin Laden, ông đánh giá thế nào về quyết tâm của Mỹ?
“Cuộc chiến của chúng tôi chống lại người Mỹ lớn hơn nhiều so với cuộc chiến của chúng tôi chống lại người Nga”.
Tổng thống Bush, điều đó có làm ông lo lắng không?
“Những người không tôn trọng sự sống không bao giờ được phép điều khiển những công cụ tối thượng của cái chết.”
Điều gì thúc đẩy ông và những người ủng hộ ông, Bin Laden?
“Với những khả năng nhỏ bé và với niềm tin của mình, chúng tôi có thể đánh bại sức mạnh quân sự lớn nhất thời hiện đại”.
Ông Bush, ông thấy Osama Bin Laden thế nào?
“Sâu thẳm trong trái tim tôi, tôi biết người đàn ông đó đang chạy trốn – liệu anh ta có còn sống hay không.”
Thưa ông , kho vũ khí của ông có sánh được với quân đội Mỹ không?
“Nếu tôi thực sự có được vũ khí hạt nhân thì tôi cảm ơn Chúa vì đã cho phép tôi làm điều đó.”
Tổng thống Bush, ông nghĩ làm thế nào ông có thể vượt qua mối đe dọa Al Qaeda?
“Đất nước chúng ta rất mạnh. Những hành động khủng bố có thể làm lung lay nền móng của những tòa nhà lớn nhất của chúng ta - nhưng chúng không thể chạm tới nền tảng của nước Mỹ.”
Còn ông Bin Laden?
“Mỹ yếu hơn nhiều so với vẻ ngoài của nó.”
Trong một điều tra vào năm 2006 của trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ tiến hành tại 15 nước, gồm Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia, Nhật Bản, Jordan, Nigeria, Nga, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Mỹ… cho thấy thái độ của người Hồi giáo và người phương Tây đối với nhau. Người Hồi giáo coi người dân ở phương Tây, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu, là ích kỷ, vô đạo đức và tham lam. Trong khi đó, người Mỹ và châu Âu cho rằng người Hồi giáo ngạo mạn, ưa bạo lực và cố chấp.
Andrew Kohut, giám đốc trung tâm nghiên cứu Pew, phát biểu rằng: "Người dân các nước phương Tây cho rằng người Hồi giáo có lỗi, còn người dân Hồi giáo tại các nước theo đạo Hồi và trong những cộng đồng Hồi giáo tại châu Âu thì cho rằng người phương Tây có lỗi".
Việc rốt cuộc là thế nào? Trước hết hãy thử tìm hiểu tâm lý của người Hồi giáo từ góc độ tín ngưỡng đạo Hồi.
Thái độ của Hồi giáo với phương Tây - 3 ghét, 1 coi thường
Đầu tiên phải nói rằng đây không phải là thái độ của tất cả người Hồi giáo - nhưng là những lực lượng Hồi giáo chủ trương bạo lực chống Mỹ và phương Tây. Và nó cũng không giới hạn ở con số 3 ghét,1 coi thường.
Thứ hai là, mặc dù chúng ta đang nói về cuộc tranh chấp Hồi giáo & phương Tây theo Cơ Đốc giáo, nhưng thực sự thì phương Tây đã nhạt nhẽo với Cơ Đốc giáo từ lâu. Hoạt động đi nhà thờ của rất nhiều Cơ Đốc nhân ở phương Tây lâu nay chỉ được coi là một hành động văn minh, không còn là tu tập đúng nghĩa. Người phương Tây có thể tự do đùa cợt về tín ngưỡng của mình. Nhưng người Hồi giáo thì hoàn toàn khác - vì đó là một sự báng bổ.
Người Hồi giáo vẫn gắn bó mạnh mẽ với đạo Islam, họ xem mình là những người gìn giữ duy nhất chân lý của Thượng đế, được Thượng đế giao cho nhiệm vụ mang chân lý này đến những kẻ vô đạo - là thế giới bên ngoài chưa đi theo tín ngưỡng Islam.
Điều ghét thứ nhất: Các cuộc Thập tự chinh của phương Tây
Đúng ra, mãi đến tận thế kỷ 19, người Hồi giáo mới thực sự quan tâm về các cuộc Thập tự chinh khi xưa của Cơ Đốc giáo, vì khi ấy nổi lên việc tranh chấp của các quốc gia phương Tây về Jerusalem và quyền cai quản các Thánh tích Cơ Đốc ở đó. Trước lúc ấy, người Hồi giáo chỉ coi đó là cuộc chiến chống lại bọn vô đạo từ phương Tây. Sau thế kỷ 19, họ bắt đầu nhận thức rõ ràng Thập tự chinh là hình thức sơ khai của chủ nghĩa bành trướng đế quốc của phương Tây vào Hồi giáo. Thái độ của Osama Bin Laden đối với Thập tự chinh thể hiện rõ trong “Tuyên bố của Mặt trận Hồi giáo thế giới kêu gọi thánh chiến chống lại bọn Do thái và Thập tự chinh” vào ngày 23/2/1998 trên tờ báo tiếng Ả Rập là Al-Quds al-‘Arabi, xuất bản tại Luân đôn. Tuyên bố mở đầu bằng những đoạn văn trích dẫn trong kinh Qur’an kèm theo những lời dạy của Tiên tri Muhammad. Sau đó có đoạn viết:
“Kể từ khi Thượng đế dựng nên bán đảo A-Rập, có sa mạc, có biển bao quanh, thì chưa hề có tai họa nào giáng xuống cho đến khi bọn Thập tự chinh ào đến như châu chấu, nhung nhúc trên mặt đất, ăn sạch hoa màu, phá hủy màu xanh; và đây là lúc mà các nước chống lại người Hồi giáo như bọn đói ăn xâu xé giành nhau 1 bát cơm” .
Điều ghét thứ hai: Nỗi ô nhục trăm năm trước
Bin Laden, Saddam Hussein hay các thủ lĩnh Hồi giáo khác rất hay trích dẫn lịch sử, trong khi đó, đa số người Mỹ không coi lịch sử là điều gì đáng quan tâm và mức hiểu biết lịch sử của quốc gia non trẻ này cũng không phải một điều đáng tự hào. Tiếc rằng, thiếu đi sự hiểu biết lịch sử, rất khó để phương Tây có thể cắt nghĩa được lối tư duy của những người Hồi giáo.
Một trong những dẫn chứng gây ấn tượng nhất được nêu ra trong cuốn băng video ngày 7/10/2001 của Bin Laden, về ”sự ô nhục và tủi hổ mà đạo Hồi đã phải gánh chịu trên 80 năm qua”.
Nó là cái gì vậy? Hãy quay lại thời điểm năm 1918, khi đế chế hùng mạnh cuối cùng của Hồi giáo là Ottoman bị đánh bại và phần lớn lãnh thổ của Hồi giáo bị Anh và Pháp chia nhau. Ngay từ trước đó, là năm 1916, trước khi Ottoman sụp đổ, nhà ngoại giao Anh là Đại tá Sir Mark Sykes nhặt lên một cây bút sáp và vạch đại một đường trên bản đồ Trung Đông. Nó chạy từ Haifa bên bờ Địa Trung Hải trong vùng đất thuộc Israel ngày nay đến Kirkuk (hiện thuộc lraq) ở phía đông bắc. Đường vạch đó đã trở thành cơ sở của thỏa thuận bí mật giữa Mark Sykes với đối tác người Pháp Francois Georges Picot nhằm chia khu vực thành hai vùng ảnh hưởng. Phía bắc của đường vạch đặt dưới sự kiểm soát của Pháp, phía nam thuộc quyền chi phối của Anh.
Rắc rối bắt đầu rồi đây!
Trước khi có đường chia Sykes-Picot thì không có Syria, Lebanon, Jordan, lraq, Arab Saudi, Kuwait, Israel hay Palestine. Ở phương Tây, một quốc gia chia nhỏ thành nhiều tôn giáo, nhưng ở Trung Đông Hồi giáo thì ngược lại, một tôn giáo là Hồi giáo chia nhỏ thành nhiều vùng lãnh thổ. Các đế chế Hồi giáo trong lịch sử từ Umayyad đến Ottoman đã chia đế chế của họ thành từng vùng lãnh thổ căn cứ vào nơi sinh sống của các bộ tộc theo chi phái Hồi giáo khác nhau, là Sunni hay Shia hay là các chi phái nhỏ khác nữa.
Việc phương Tây tùy tiện tạo lập các “quốc gia dân tộc” cho người Ả Rập mà cấu thành từ những bộ tộc không quen chung sống với nhau trong một khu vực, chỉ dẫn tới xung đột và bất ổn. Các nhà lãnh đạo quốc gia mới ở đây có khuynh hướng thiên vị bất kỳ chi phái Hồi giáo (và bộ tộc) nào cùng xuất thân với họ, bất công và xung đột vì thế mà leo thang. Nỗi bất mãn trào ra theo tiếng thét của các chiến binh của nhà nước Hồi Giáo (IS) vào năm 2014 “Chúng ta đã phá vỡ hiệp ước Sykes – Picot!”.
Điều ghét thứ ba: chủ nghĩa đế quốc phương Tây
Vào đầu thế kỷ 20, các quốc gia phương Tây thắng trận trở thành kẻ ra luật chơi ở Trung Đông. Hầu như toàn bộ thế giới Hồi giáo đã được sáp nhập vào 4 nước châu Âu là Anh, Pháp, Nga và Hòa lan - họ trở thành những nước đế quốc theo quan điểm của người Hồi giáo.
Do vậy, các chính quyền và phe nhóm Trung đông cũng chơi trò mượn sức đế quốc này để chống đế quốc kia. Đó là vì sao, để chống Anh, Pháp, trong Thế chiến 2, họ hợp tác với người Đức phát xít. Thế chiến 2 kết thúc, nước Đức phát xít bại trận, Mỹ dẫn đầu phương Tây, hậu thuẫn cho nhà nước Do Thái mới thành lập năm 1948, lại khiến chính sự Trung Đông càng thêm phức tạp.
Nên người Hồi giáo lại mượn tay Liên Xô để chống Mỹ.
Nhưng Liên Xô cũng chỉ là đồng minh giai đoạn. Nước này vốn vô Thần, không thể chia sẻ hệ giá trị với Hồi giáo. Nên khi Liên Xô tấn công Afghanistan năm 1979, thì Bin Laden chính là lại lợi dụng nước Mỹ để chống Liên Xô, cho nên Bin Laden do CIA đào tạo.
Liên Xô sụp đổ, nước Mỹ trở thành siêu cường duy nhất và cũng là kẻ thù lớn nhất trong khối phương Tây của nhiều lực lượng Hồi giáo. Theo Hồi giáo quan niệm, đó vốn là những kẻ vô đạo, nhẽ ra phải được cải hóa theo đức tin Hồi giáo, mà giờ lại can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Từ cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, đến chiếm đóng Afghanistan năm 2001, đến cuộc tấn công Iraq năm 2003, đến cuộc xung đột Israel - Palestine v.v. Mỹ và liên minh phương Tây đều gây nên sự bực tức cho thế giới Hồi giáo. Đó là lý do mà Bin Laden gọi tổng thống Bush con là Pharaoh theo cái nghĩa tên bạo chúa bức hại dân Do Thái của thánh giả Moses khi xưa.
Chúng ta không kết luận ai sai ai đúng, mà chỉ nhìn sự việc dưới góc độ tâm lý tín ngưỡng của người Hồi giáo. Dưới góc độ này, thì sự quay ngoắt sang chống Mỹ từ năm 1990 của Bin Laden mới có thể giải thích được. Vì năm 1990 là năm mà Mỹ bắt đầu đặt căn cứ của mình trên đất Arab Saudi, nơi có hai ngôi đền thiêng ở Mecca và Medina, cũng gọi là đất Thánh. Theo trường phái giáo luật Hồi giáo được nhà nước Arab Saudi và lực lượng của Osama Bin Laden công nhận, thì ngay cả việc đặt chân lên đất Thánh đối với người không theo Hồi giáo là một sự vi phạm nặng. Tại những nơi còn lại trong vương quốc này, người không theo Hồi giáo tuy được phép đến như du khách tạm thời, cũng không được phép thường trú hoặc thực hành tôn giáo của mình.
Ấy thế mà, không chỉ có sự hiện diện của nước Mỹ “vô đạo”, theo quan điểm Hồi giáo, mà sự hiện diện này còn làm hư hỏng dân Hồi giáo vì học theo lối sống phương Tây, đó là điều nhiều người Hồi giáo coi thường nhất.
Điều coi thường lớn nhất: lối sống phóng túng, buông thả của phương Tây hiện đại
Chúng ta hãy nhớ lại những điều nghiêm cấm trong luật Hồi giáo được dẫn ở kỳ trước, trong đó có nghiêm cấm ngoại tình, cấm gian dâm và quan hệ trai gái trước khi cưới hỏi. Trong khi đó, nước Mỹ và phương Tây nói chung lại quá tự do phóng túng về tình dục, đồng thời có những biến thái về mặt đạo đức, giới tính v.v.
Các nhà thờ ở Mỹ thì hoạt động như kinh doanh, mục sư như doanh nhân, không giống nơi điện đường trang nghiêm của một chính giáo. Một trí thức Ả Rập thập niên 60 của thế kỷ trước là Sayyid Auth viết về cảnh sinh hoạt trong nhà thờ Mỹ mà ông ta chứng kiến như sau: ”Tiếng nhạc từ máy hát làm điệu nhảy khích động hơn, sàn nhảy trở thành nơi quay cuồng giữa gót chân, và đùi, tay quấn lấy hông, môi ngực kề nhau, bầu không khí đầy vẻ dâm dật“. Cần biết rằng Sayyid Auth là nhà tư tưởng chủ đạo của phong trào chính thống Hồi giáo và là một thành viên tích cực của tổ chức “Các huynh đệ Hồi giáo” rất có ảnh hưởng ở Trung Đông.
Dễ thấy vì sao những tên khủng bố sùng đạo lại coi các vũ sảnh, hộp đêm và những nơi khác có thanh niên nam nữ tụ tập là các mục tiêu hợp logic. Và giờ chúng ta có thể cắt nghĩa câu trả lời của tổng thống Bush trong cuộc phỏng vấn giả tưởng trên kia, đó là: “Họ ghét sự tự do của chúng tôi.”
Nước Mỹ dưới con mắt của nhiều người Hồi giáo còn không đáng tin cậy, sẵn sàng hậu thuẫn, nhưng cũng sẵn sàng bỏ rơi đồng minh. Một dẫn chứng hay được sử dụng đó là việc Mỹ hậu thuẫn vua Shah lật đổ chính phủ Mossadeg của Iran năm 1953, nhưng khi cách mạng Iran nổ ra năm 1979 thì vua Shah bị lật đổ và Mỹ, Anh đều làm ngơ, thậm chí Mỹ còn không cho vua Shah tị nạn.
Tất cả những điều trên đều được những tổ chức Hồi giáo chủ trương bạo lực coi là sự yếu đuối của nước Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn do John Miller, đài ABC News, vào ngày 28 /5/1998, Bin Laden nói:
“Chúng ta đã từng thấy trong thập niên vừa qua sự suy yếu của chính quyền Mỹ và sự yếu đuối của lính Mỹ, kẻ sẵn sàng gây chiến tranh lạnh nhưng không hề chuẩn bị cho những chiến tranh lâu dài. Điều này được chứng minh tại Beirut, chỉ với 2 vụ nổ, lính thuỷ đánh bộ Mỹ đã tháo chạy, cho thấy rằng họ có thể cuốn xéo trong vòng 24 giờ, và điều này cũng đã lặp lại tại Somalia… Thanh niên chúng tôi ngạc nhiên khi thấy tinh thần của lính Mỹ thấp đến thế… Chỉ sau vài cú đánh đấm, là họ bỏ chạy vì thua… Họ quên mất mình là người lãnh đạo thế giới và lãnh đạo trật tự thế giới mới. Họ rút lui, kéo theo các xác chết binh sĩ và sự thất bại đầy nhục nhã.”
Điều này lý giải cho phát biểu của tướng Abdul Salam Jahaf của Houthi sau cuộc tấn công của Mỹ, Anh ngày 11/1 vừa qua:
"Họ đang cầu xin xuống thang căng thẳng. Họ nổ phát súng đầu tiên và chúng tôi sẽ là những người định đoạt cục diện trận chiến. Chúng tôi không nằm trong số những người lo lắng hay sợ hãi nước Mỹ".
Thái độ 3 ghét 1 coi thường cũng có thể phát triển thành 30 ghét, 10 coi thường hoặc hơn thế. Dẫu sao, “nắng mưa là việc của Trời, yêu ghét là việc của người thế gian”, điều ấy cũng thường tình. Tuy vậy, cách đối đãi với tình cảm yêu ghét mới lại là điều đáng nói. Các lực lượng Hồi giáo chống Mỹ và phương Tây hiện nay đang theo đuổi biện pháp bạo lực, thậm chí cả khủng bố. Họ viện dẫn rằng đó là họ áp dụng Thánh chiến Jihad, có ghi lại trong Kinh Qur'an. Thế nhưng sự diễn giải những khái niệm trong kinh sách có xác đáng hay không lại là vấn đề đáng nói, nó có thể dẫn đến những hành động khác biệt cũng như kết quả hay hậu quả rất khác nhau.
Nguyên Vũ