Mạn đàm về mở đầu và kết thúc trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hồng Lâu Mộng, Thuỷ Hử

Mạn đàm về mở đầu và kết thúc trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hồng Lâu Mộng, Thuỷ Hử
Mạn đàm về mở đầu và kết thúc trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hồng Lâu Mộng, Thuỷ Hử. (Ảnh: Public Domain)

Cổ nhân giảng: "Văn dĩ tải đạo" nghĩa là:  lấy văn học để nâng đỡ cái đạo, văn học giống như là “chiếc xe”, “đạo” tức là những mặt hàng được chở trên xe, văn học là biện pháp và công cụ để truyền bá cái “đạo” của Nho gia.

Bởi vậy tất cả các tác phẩm văn học kinh điển đều không tách xa rời chữ "Đạo", biểu hiện tập trung và cụ thể trong phạm vi nhỏ chính là cảm ngộ trong quá trình sống đối với lĩnh ngộ về tôn trọng đạo đức và tu dưỡng bản thân. Nó bao hàm quan niệm về vận mệnh và đạo đức của văn hoá truyền thống Trung Hoa làm phương hướng chỉ rõ mục đích sống cho sinh mệnh. 

Một tác phẩm văn học xuất sắc thường có cấu trúc chặt chẽ, mở đầu hấp dẫn và kết thúc có ý nghĩa. Bài thơ mở đầu của bài viết nêu bật chủ đề và chỉ ra trực tiếp ý nghĩa của sự kiện cần biểu đạt. Nó đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong bài viết và có sức gây chấn động lòng người. Bài thơ kết thúc khiến mọi người hiểu được và cảm nhận được “lời thì hữu hạn nhưng ý thì vô hạn”, khiến toàn bộ tác phẩm tràn đầy hàm súc tiềm ẩn và đặc trưng của sáng tác văn chương. 

Thủy Hử, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hồng Lâu Mộng là những tác phẩm vô cùng quen thuộc với mọi người. Tuy nhiên những gì có trên màn ảnh chỉ là tình tiết và bối cảnh mà thôi, những tinh hoa chân chính đều nằm trong nguyên tác. Mà điều sâu sắc và hiển nhiên nhất chính là phần mở đầu và kết thúc của mỗi danh tác này.

1. Tam Quốc Diễn Nghĩa

Khái niệm "Diễn nghĩa" đã tồn tại từ thời cổ đại. Người xưa coi trọng việc kể lại lịch sử, không chỉ là kể lại những câu chuyện lịch sử mà còn tường thuật lại lịch sử để lưu giữ ý nghĩa của nó. Họ nhấn mạnh vào việc trình bày các ý tưởng và nguyên tắc chính thống, và tập trung vào "diễn nghĩa". Sau này, người ta thường gọi sự diễn giải lịch sử này là "diễn nghĩa".

Tam Quốc Diễn Nghĩa" là một điển hình thành công về mặt nghệ thuật của một tiểu thuyết diễn nghĩa lịch sử. Toàn bộ cuốn sách đều nói về chữ “nghĩa”, tuyên dương trung hiếu tiết nghĩa, thiên mệnh thiên lý, trị quốc bình thiên hạ. Tuy nhiên trongg đó cũng chứa đựng những mưu lược và trí tuệ, đồng thời làm nổi bật khái niệm về thiên mệnh trong văn hóa truyền thống.

Truyện Tam Quốc từ khi bắt đầu tới khi kết thúc, kỳ thực đều là một vòng tuần hoàn nhân trước quả sau lặp lại mãi không thôi. Trong truyện có tâm cơ, nhưng ngoài truyện thì lại có thiên cơ…

Sự khởi đầu cũng là kết thúc

Tam Quốc đã mượn một bài thơ của Dương Thận, một nhà học vấn đại tài thời Minh, cho phần mở đầu của mình:

Lâm giang tiên
Cổn cổn Trường Giang đông thệ thuỷ,
Lãng hoa đào tận anh hùng.
Thị phi thành bại chuyển đầu không.
Thanh sơn y cựu tại,
Kỷ độ tịch dương hồng.
Bạch phát ngư tiều giang chử thượng,
Quán khan thu nguyệt xuân phong.
Nhất hồ trọc tửu hỉ tương phùng.
Cổ kim đa thiểu sự,
Đô phó tiếu đàm trung.

Bản dịch của Hoàng Tâm:

Trường giang cuồn cuộn chảy về đông,
Sóng trắng cuốn phăng mọi anh hùng.
Đúng sai, thành bại, đều mây khói.
Núi xanh lặng đón bóng dương hồng.
Ngư tiều tóc bạc trên bến sông,
Quen với trăng thu gió xuân nồng.
Rượu đục tương phùng vui say bước.
Cổ kim bao chuyện, tiếng cười trong.

Bài thơ được dùng trong bối cảnh của Tam Quốc quả là vô cùng phù hợp. Chúng ta dường như đang nhìn thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, từng lẫy lừng một thời, đã nếm trải hết thảy mọi thành bại trên thế gian, đứng ở mũi thuyền đang rời bến, nâng ly rượu nồng, cất tiếng hát bài ca này.

Nếu cả đời ngược xuôi vì công danh, thì dẫu là những vị anh hùng khuấy đảo trời đất trong Tam Quốc, cuối cùng vẫn sẽ rơi vào cảnh tranh đấu, chẳng thể vượt thoát. Mỗi người chúng ta, trong vòng xoáy hiện thực này há chẳng phải cũng giống như vậy hay sao?

Nhưng chí ít chúng ta cũng hiểu được đạo lý rằng: Đốn ngộ là phải nhảy thoát, vượt lên những ràng buộc của muôn trùng danh lợi, dục vọng; giống như một người ngoài cuộc nhìn những thị phi thành bại trong Tam Quốc trở về không, nhìn những con sóng bạc đầu trong lịch sử lần lượt đưa tiễn các vị anh hùng. Chỉ khi ấy chúng ta mới có thể cười nói dưới trăng thu gió mát. Tiếc thay, thế nhân khi tranh giành cũng chỉ giống những người đang mê đắm trong cuộc mà thôi.

Vậy làm thế nào mới có thể nhảy thoát khỏi vòng danh lợi, tranh đấu nơi thế gian? Cần quan sát nhân tâm, quan sát con người, quan sát thế gian, quan sát tự tại. Tam quốc bắt đầu từ một nơi cao, rồi nhẹ nhàng và mạnh mẽ bày đặt ra trước mắt chúng ta chuyện hợp tan nơi nhân thế.

Kết thúc cũng là sự khởi đầu

Khép lại Tam Quốc là một bài thơ rất dài kể tường tận về thời đại anh hùng trong gươm đao giáo mác. Sâu sắc nhất là câu cuối cùng:

Phân phân thế sự vô cùng tẫn,
Thiên sổ mang mang bất khả đào.
Đỉnh túc tam phân dĩ thành mộng,
Hậu nhân bằng điếu không lao tao.

Dịch thơ của Phan Kế Bính:

Ngẫm thế sự bời bời ngán nỗi,
Cuộc tang thương biến đổi khôn lường.
Tam phân một giấc mơ màng,
Viếng đời gọi có mấy hàng hôm nay…

Điều này khiến chúng ta nhớ đến câu cuối cùng trong cuốn chính sử (không phải tiểu thuyết) “Tam Quốc Chí – Gia Cát Lượng Truyện”: “Cái thiên mệnh hữu quy, bất khả dĩ trí lực tranh dã”, nghĩa là: “Thiên ý đã định, chẳng thể dùng trí mà tranh”. Đây gọi là số trời.

Vậy chúng ta lại càng hiểu thêm về ý nghĩa của bài thơ phần mở đầu: Một người thông đạt như vậy, đã từng nếm trải, đã từng vượt thoát, và họ còn nhìn thấy và minh bạch “số trời”.

Cổ nhân có câu “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, “Thiên mệnh chẳng thể trái”, và còn nói với chúng ta rằng: “Tận nhân sự, an thiên mệnh”, hãy gắng hết sức và thuận theo an bài của số mệnh. Những gì con người có thể làm được, chỉ là nỗ lực hết sức mình, không thể và cũng không nên quá trăn trở tới kết quả mà vướng bận trong tâm.

Câu này thường rất hữu dụng với mỗi người chúng ta: “Đây là ý trời”. Nhờ vậy sinh mệnh mới bắt đầu ngộ đạo.

Khởi đầu cũng là kết thúc, kết thúc cũng là sự khởi đầu. Truyện Tam Quốc như một vòng tròn khép kín, những tranh đoạt nơi thế gian vốn cũng là một vòng tuần hoàn bất tận như vậy. Trong truyện có tâm cơ, ngoài truyện là thiên cơ, với những người muốn tìm chân đạo lại là thời cơ vậy.

2. Hồng Lâu Mộng

“Mộng” có nghĩa là mọi thứ đều là ảo ảnh; "Hồng lâu mộng" là ảo mộng nơi hồng trần..

Manh mối chính của "Hồng Lâu Mộng " là trải nghiệm của một hòn đá, được Mang Mang đại sư và Diểu Diểu chân nhân mang đến thế giới phàm trần, biến hóa thành cơ thể con người, sau đó lại rời xa đến cõi niết bàn.

Khúc cuối trong 14 khúc hát được tiên cô đưa cho Giả Bảo Ngọc là “Phi điểu các đầu lâm”:

Phi điểu các đầu lâm

Vi quan đích, gia nghiệp điêu linh;
Phú quý đích, kim ngân tán tận;
Hữu ân đích, tử lý đào sinh;
Vô tình đích, phân minh báo ứng;
Khiếm mệnh đích, mệnh dĩ hoàn;
Khiếm lệ đích, lệ dĩ tận:
Oan oan tương báo tự phi khinh,
Phân ly tụ hiệp giai tiền định.
Dục tri mệnh đoản vấn tiền sinh,
Lão lai phú quý dã chân nghiêu hạnh.
Khán phá đích, độn nhập không môn;
Si mê đích, uổng tống liễu tính mệnh.
Hảo nhất tự thực tận điểu đầu lâm,
Lạc liễu phiến bạch mang mang đại địa chân càn tịnh!

Bản dịch nhóm Nhóm Vũ Bội Hoàng:

Quan thì cơ nghiệp suy tàn
Giàu thì vàng bạc cũng tan hết rồi
Có ơn, chết để trốn đời
Rành rành báo ứng những ai phụ lòng
Mạng đền mạng đã trả xong
Lệ đền lệ đã ròng ròng tuôn rơi
Oan oan đừng lấy làm chơi
Hợp tan đã trốn được trời hay chưa?
Gian nan là bởi kiếp xưa
Giá mà phú quý là nhờ vận may
Khôn thì vào cửa “Không” này
Dại thì tính mệnh có ngày mất toi.
Như chim khi đã hết mồi
Bay về rừng thẳm đậu nơi yên lành.

Giữa chốn bách thái nhân sinh, dục vọng và con đường của con người cũng có ngàn vạn cảnh khác nhau. Nhưng kết cục dường như đều đi cùng hướng như một định mệnh: Cuối cùng đều sạch bong như bãi đất trống trải; như hoa trong gương trăng nơi đáy nước, tất cả đều về không, như bong bóng xà phòng trong ảo mộng thoáng qua như một giấc mộng.

Vậy thì chúng ta còn phải tranh vì thứ gì? Vui vì thứ gì, khóc vì thứ gì, đau vì thứ gì, giành vì thứ gì, chẳng thể buông được thứ gì nữa đây?

Có lẽ cuối cùng đôi mắt vẫn phải nhìn thấu cảnh vận đổi sao trời, trong tâm cuối cùng cũng phải nếm tận mọi nỗi thê lương, thì một vài việc mới không mãi vương vấn trong tâm. Điều này có lẽ được gọi là hành đạo. Kiếp người vốn như thế nào thì có lẽ chỉ có thể như thế này mà thôi. Nhưng chí ít thì trong tâm ta đã minh bạch.

Hồng Lâu Mộng là mộng ảo, đời người có là mộng ảo hay chăng? Mộng trong, mộng ngoài, rốt cuộc vẫn chỉ là giấc mộng. Đại ngộ triệt để có lẽ là thứ quá xa xỉ. Nhưng vẫn có thể coi tất cả nỗi thống khổ, bi ai trong kiếp người như một vài món ăn giúp thế nhân thấu tỏ đạo trời.

3. Thuỷ Hử

Thủy Hử nghĩa đen là “bến nước”, dùng để chỉ vùng đầm lầy nơi 108 người chống triều đình đã tập hợp nhau lại sống ngoài vòng pháp luật.

"Thủy Hử" kể về sự thịnh suy và rối loạn trong thời kỳ biến đổi triều đại. Thủy Hử bản 70, từ hồi thứ nhất, thuật truyện Hồng Thái Úy mở cửa động “Phục Ma Chi Điện” thả 72 ngôi Địa Sát và 36 ngôi Thiên Cương, xuống trần đầu thai trở thành 108 hảo hán Lương Sơn Bạc. 108 thủ lĩnh Lương Sơn gồm có 36 vị sao Thiên Cương và 72 vị Địa sát, đứng đầu là Tống Giang và cuối cùng là Đoàn Cảnh Trụ. Đến thời Thanh thì chương thứ nhất này bị cắt bỏ.

Tuy nhiên chính chương mở đầu này lại cho người ta từ bên ngoài mà thấy trọn vẹn vở kịch, đứng ngoài mộng mà nhìn chuyện phong vân bên trong mộng: 108 vì tinh tú trốn khỏi phong ấn, gây họa loạn nhân gian, diễn hết một màn kịch ấy rồi, lại quay trở về vị trí cũ (quy vị).

Chúng tinh tú đều đã quy vị, nhưng nghĩ tới câu chuyện và kết cục của các vị anh hùng Lương Sơn, dường như phảng phất đâu đây một cảm giác tiếc nuối “trần quy trần, thổ quy thổ”, đất lại trở về với đất, cát bụi lại trở về với cát bụi.

Xã hội là như vậy nên người xưa mới muốn lánh đời. Vậy mới nói, chi bằng học theo Phạm Lãi, quân sư của Việt Vương Câu Tiễn, sớm biết sau khi giúp Câu Tiễn thành nghiệp bá thì sẽ “điểu tận cung tàng”, nên lướt thuyền về quy ẩn nơi sông nước mà tránh được họa sát thân. Đây là nỗi bất lực hay là muốn khuyên con người tỉnh mộng?

Cuối cùng thơ rằng:

Sinh đang đỉnh thực tử phong hầu,
Nam tử bình sinh chí dĩ thù.
Thiết mã dạ tê sơn nguyệt hiểu,
Huyền viên thu khiếu mộ vân trù.
Bất tu xuất xứ cầu chân tích,
Khước hỷ trong lương tác thoại đầu.
Thiên cổ Lục Oa mai ngọc địa,
Lạc hoa đê điểu tổng quan sầu.

Dịch thơ:

Sinh thời đỉnh vạc chết phong hầu
Hồ thỉ nam nhi sợ sạch làu
Ngựa sắt hí vang trăng núi rạng
Vượn đen kêu hú bóng đêm thâu
Chẳng cần xuất xứ tìm văn bản
Chỉ khoái trung lương soạn thoại đầu
Muôn thuở Lục Nhi vùi phú quý
Chim kêu hoa rụng chạnh lòng sầu.

Có lẽ đây chính là con người đã “tận nhân sự, quan thiên mệnh”, nghĩa là làm hết khả năng của mình với việc thế gian và vâng theo thiên mệnh. Nếu như không cam tâm tình nguyện, nếu như trong lòng vẫn còn những tiếc nuối và bi ai chẳng thể buông, thì vẫn là chưa thể nhảy thoát ra khỏi mộng cảnh đó.

Dư vị của cuộc sống vốn là như vậy. Huyền cơ của kiếp nhân sinh vốn khó có thể nắm bắt, chỉ đành dốc sức mà làm, hỏi lòng không hổ thẹn là được rồi.

Theo Soundofhope
Bình Nhi

Đọc tiếp