Mạnh Tử: Những câu châm ngôn xử thế dạy người đời thấm thía
Được hậu thế phong làm “Á Thánh”, chỉ đứng sau Khổng Tử trong Nho gia, Mạnh Tử để lại cho đời rất nhiều tinh hoa trí tuệ. Trong những lời giảng của Mạnh Tử, từ cách tu thân, tề gia đến đối nhân xử thế, ở đâu người ta cũng có được thu hoạch.
Mạnh Tử (khoảng 372 – 289 TCN), là một học giả lỗi lạc thời Chiến Quốc ở Trung Hoa. Thời đại của ông chứng kiến sự nở rộ của các tư tưởng triết học với hàng loạt trường phái và những đại biểu xuất sắc. Đó chính là thời đại “bách gia tranh minh” (trăm nhà đua tiếng) nổi tiếng trong lịch sử.
Cả đời Mạnh Tử theo đuổi lý tưởng về thiện tính của con người, cho rằng “Nhân chi sơ tính bản thiện” (người ta sinh ra tính vốn thiện). Ông giỏi lập luận, có tài hùng biện. Những châm ngôn của Mạnh Tử, sau hàng nghìn năm vẫn có sức truyền cảm hứng lớn.
1. Phải biết có những điều không được làm, rồi sau mới biết có những điều được làm.
Nguyên văn: “Nhân hữu bất vi dã, nhi hậu khả dĩ hữu vi“.
Chính là nói về sự ước thúc đạo đức. Những điều không được làm đương nhiên là điều trái với đạo đức, trái với lương tâm. Chỉ khi con người biết dùng đạo đức để ức chế hành vi, tư tưởng của mình thì mới có thể làm được những việc to lớn khác mà không sợ xảy ra lầm lẫn nào.
2. Làm mà chẳng đạt, đều phải quay lại xét mình. Thân mình ngay thẳng thì thiên hạ cũng quy thuận theo.
Nguyên văn: “Hành hữu bất đắc giả, giai phản cầu chư kỷ, kỳ thân chính nhi thiên hạ quy chi“.
Đây là cách đối nhân xử thế rất độc đáo. Tìm nguyên nhân ở mình tức là “hướng nội”, hướng vào tâm mình tìm điểm sai sót rồi điều chỉnh lại hành vi, tư tưởng bản thân. Khi tâm mình ngay thẳng, hành vi đoan chính thì không sợ gì người trong thiên hạ chê cười, bất phục vậy.
3. Nói ra những điều bất thiện của người khác, không sợ cái vạ về sau hay sao?
Nguyên văn: “Ngôn nhân chi bất thiện, đương như hậu hoạn hà?“.
Khi nói về chuyện xấu của người khác, nếu lời này gây phiền phức về sau thì bạn phải đối đãi thế nào? Người hay trách móc người khác thì nhận lại lời trách móc. Người hay châm biếm người khác thì nhận lại sự châm biếm. Người hay giúp đỡ người khác thì nhận lại cử chỉ giúp đỡ. Người hay yêu mến người khác cũng nhận lại tình yêu mến.
Cuộc đời vẫn luôn có người thích bới móc, ly gián, bôi nhọ, vu khống người khác. Những kẻ càng vô liêm sỉ, bất tài, bất trung lại càng thích biến những điều trên thành phương thức sống của mình.
4. Kẻ vào lúc không thể dứt bỏ mà vội dứt bỏ thì việc gì cũng dám từ bỏ. Kẻ bội bạc người đáng được hậu đãi thì đối với ai cũng dám bội bạc. Kẻ ấy lúc tiến thì thật nhanh mà lúc rút lui cũng rất chóng.
Nguyên văn: “Vu bất khả dĩ nhi dĩ giả, vô sở bất dĩ. Vu sở hậu giả bạc, vô sở bất bạc dã. Kỳ tiến duệ giả, kỳ thoái tốc“.
Một người sớm vứt bỏ nỗ lực ở thời điểm lẽ ra không nên kết thúc thì phàm làm việc gì cũng đều có thể bỏ dở giữa chừng. Kẻ không hậu đãi, coi trọng những người lẽ ra nên được hậu đãi thì tất cũng sẽ khinh thường bất kỳ ai. Người như vậy khi tiến về phía trước thì khí thế hừng hực, khi gặp phải khó khăn lại rút lui vô cùng nhanh chóng.
5. Có kẻ chẳng biết lo nghĩ mà được khen, có người luôn cầu toàn mà lại bị chế nhạo.
Nguyên văn: “Hữu bất ngu chi dự, hữu cầu toàn chi hủy“.
Đôi khi, kẻ khờ khạo không biết lo nghĩ, tính toán lại nhận được những lời khen tụng không ngờ tới. Trong khi những người luôn lo liệu chu đáo trước sau lại phải đối mặt với sự công kích, phỉ báng vô cùng hà khắc.
6. Tự xét mình mà thấy không ngay thẳng, dù đối diện với người mặc áo thô rộng ta chẳng lo sợ sao? Tự xét mình mà thấy ngay thẳng, dù có ngàn vạn con người ta vẫn đi như thường.
Nguyên văn: “Tự phản nhi bất súc, tuy hạt quan bác, ngô bất chúy yên. Tự phản nhi súc, tuy thiên vạn nhân ngô vãng hĩ“.
Tự xem lại mình, nếu thấy bản thân không có đạo lý thì dẫu đối diện với thường dân áo vải ta cũng không thể không sợ hãi tới giật mình kinh hãi hay sao? Ngược lại, nếu khi tự xét lại, thấy mình đường hoàng ngay chính, không hổ thẹn với lương tâm, đạo lý thì dẫu đối mặt với ngàn vạn binh mã, ta cũng vẫn dũng cảm lao về phía trước, quyết không từ nan.
7. Chí là nguyên soái điều khiển cái khí, khí là phần sung mãn lưu thông trong thân thể. Cao nhất là cái chí, rồi tới cái khí. Cho nên nói rằng: Giữ cho bền cái chí, đừng làm hư hoại cái khí.
Nguyên văn: “Phu chí, khí chi soái dã. Khí, thể chi sung dã. Phu chí chí yên, khí thứ yên. Cổ viết: “Trì kỳ chí, vô bạo kỳ khí”.
Người sống trong đời quý là ở chỗ có chí khí cao rộng, bền bỉ. Người có chí lớn, khí chất ngạo nghễ ắt là làm nên đại nghiệp. Đôi khi anh hùng và kẻ tầm thường chỉ khác nhau ở điểm ấy mà thôi.
8. Nghe lời thiên lệch biết kẻ ấy có điều mờ mịt, nghe lời dâm đãng biết kẻ ấy có điều chìm đắm, nghe lời quanh co biết kẻ ấy đang đuối lý.
Nguyên văn: “Bí từ tri kỳ sở tế, dâm từ tri kỳ sở hãm, tà từ tri kỳ sở li, độn từ tri kỳ sở cùng“.
Bậc minh trí biết được chỗ không toàn diện của những lời bàn luận bất công, biết được chỗ phạm phải sai lầm trong những lời bàn luận quá khích, biết được những chỗ đi ngược với chính nghĩa trong những lời bàn luận tà ác, bị bóp méo, biết được những chỗ vô lý trong những lời bàn luận lập lờ.
9. Lấy đức thu phục người thì người ta vui vẻ trong tâm mà thành thực quy phục.
Nguyên văn: “Dĩ đức phục nhân giả, trung tâm duyệt nhi thành phục dã“.
Xưa nay người nhân đức chính là kẻ vô địch. Thu dụng lòng người, lấy Thiện đãi người, khiến bách tính vui vẻ, đồng thuận mà đi theo, há chẳng phải là con đường xây thành đại nghiệp của bậc quân vương đó sao?
10. Vạn vật đầy đủ ở nơi ta. Xét chính mình mà mọi lẽ đều thành thực thì không gì vui hơn. Gắng sức lo nghĩ cho người khác, muốn cầu nhân đức chẳng gì gần hơn điều đó vậy.
Nguyên văn: “Vạn vật giai bị ư ngã. Phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên. Cường thứ nhi hành, cầu nhân mạc cận yên“.
Sẽ có lúc ta tự hỏi rằng bản thân đã đủ thành thực, trầm tĩnh hay chưa? Sẽ có khi ta nhìn lại chính mình và phát hiện rằng niềm vui lớn nhất chính là được sống tự nhiên, thành thực, là khoan dung, nhân hậu mà đối đãi với người. Người như thế, liệu có bao giờ gặp phải chuyện muộn phiền đây?
Minh Nguyệt