Mối quan hệ này của Bảo Ngọc nếu trọn vẹn, có lẽ sẽ thực sự thay đổi bi kịch của Hồng Lâu Mộng

Trong "Hồng Lâu Mộng" của Tào Tuyết Cần, Giới phụ nữ là những đóa hoa muôn hồng nghìn tía, mười hai chiếc thoa vàng mỗi người mỗi vẻ khiến người đọc say mê không dứt. Giới đàn ông thì ngược lại: đa số đều bạc bẽo, vô tình. Một trong những người đàn ông “ít xấu” nhất trong tác phẩm là Giả Chính, cha đẻ của Bảo Ngọc, song ấn tượng của người đọc với ông đại đa số khá mờ nhạt. Hành động đáng nhớ nhất của Giả Chính trong toàn bộ câu chuyện có lẽ là lúc ông đánh Bảo Ngọc một trận thừa sống thiếu chết.
Giả Chính có ba người con trai: Giả Châu (mất sớm), Giả Bảo Ngọc và Giả Hoàn. Trong số đó, chỉ có mối quan hệ cha con giữa "Bảo Ngọc và cha cậu" là được miêu tả sâu sắc. Tôi tin rằng nhiều phụ huynh khi đọc những tình tiết liên quan tới Bảo Ngọc và Giả Chính, trong lòng chắc chắn cũng sẽ có suy nghĩ rằng, nếu như hai cha con họ có thể dành nhiều thời gian bên nhau hơn và có nhiều tác động tư tưởng hơn sớm hơn, họ có thể hàn gắn mối quan hệ gia đình. Nếu vậy, cái kết của "Hồng Lâu Mộng" có thể sẽ được thay đổi, và sẽ không có kết cục bi thảm như chúng ta thấy ngày nay.
Khi các nhà bình luận thảo luận về sự hưng thịnh và suy tàn của Vinh quốc phủ, đều luôn nhắc đến con trai thứ của Giả Đại Thiện là Giả Chính, điều này cho thấy địa vị của Giả Chính rất quan trọng. Giả Chính và Giả Xá là hai anh em ruột. Hai anh em nhà họ Giả được xây dựng theo mô tuýp trái ngược, người này là đối trọng của người kia. Giả Xá là con người xảo trá, tham lam, hiếu sắc. Giả Chính thì “từ bé ham học, được ông yêu, muốn cháu thi đỗ làm quan.” Khi lớn lên, Giả Chính được thăng làm Viên ngoại lang, con gái lớn Nguyên Xuân được tuyển vào cung làm Hiển Đức phi, coi giữ cung Phượng Tảo. Con trai là Bảo Ngọc thì đẹp đẽ, là hòn ngọc trong mắt Giả mẫu.
So với người anh trai Giả Xá, người kế thừa chức quan nhưng không có thành tựu gì đặc biệt, Giả Chính thành công hơn trong quan trường. Cho nên, Giả Mẫu nắm quyền hành ở Vinh Quốc Phủ, còn người chủ trì và phát ngôn về các vấn đề đối ngoại là Giả Chính. Nếu Giả Xá tiêu biểu cho việc để cái tôi tung hoành đến mức lấn át đạo lý, thì Giả Chính là một trường hợp đè nén bản tính con người. Chữ “Chính” trong tên của ông có hai nghĩa, vừa là cai trị, khuôn phép (như chính quyền, nhiếp chính), vừa là chính trực. Người xưa hay nhắc đến mấy việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Trong mấy việc đó, may ra chỉ có giữ mình trong sạch là Giả Chính làm tròn. Giả Chính là người luôn được mọi người cung kính, chính trực, khiêm tốn và tốt bụng, nhưng nhiều người bình luận lại cười nhạo tính cổ hủ của ông, nói rằng ông là người cha không biết lắng nghe tiếng nói của con trai, quá độc đoán và luôn kìm kẹp, kiềm chế Bảo Ngọc. Ngay cả những người chưa đọc "Hồng Lâu Mộng" cũng có thể nhận ra từ những bình luận này rằng Giả Bảo Ngọc là một nhân vật hoàn toàn khác biệt so với cha mình.
Đúng vậy! Giả Bảo Ngọc, nhân vật nam chính của "Hồng Lâu Mộng", là một chàng công tử đẹp trai và phóng đãng. Anh được Giả Mẫu nuông chiều, được coi là "Hỗn thế ma vương", đồng thời cũng được mọi người xung quanh bảo vệ. Tuy nhiên, "hỗn thế ma vương" đó lại rất sợ cha mình.
Sự sợ hãi của Bảo Ngọc với cha mình thể hiện trong hồi thứ 17 và 18 "Đề câu đối trong vườn Đại Quan, thử tài Bảo Ngọc. Về thăm nhà ở phủ Vinh Quốc, gặp tiết nguyên tiêu" có thể thấy được đầu mối. Trong Hồi thứ 17, 18 khi Bảo Ngọc đang nói về các loại hoa cỏ, nói chưa dứt lời, Giả Chính thét lên:
- Ai hỏi đến mày? Bảo Ngọc sợ hãi lùi xuống, không dám nói nữa".
Tuy nhiên, khi nghe thấy tiếng già Lưu cười nói, Bảo Ngọc không sợ hãi, e ngại mà "chạy vào ôm chặt lấy Giả Mẫu", khiến Giả Mẫu cười vui và gọi cậu là "Cục cưng". Nếu nói Bảo Ngọc có những hành động như vậy với Giả Chính, có lẽ ngàn vạn lần cậu không thể làm được.
Nói cách khác, độc giả chỉ cần đọc một vài miêu tả đơn giản của Tào Tuyết Cần là biết mối quan hệ giữa cha con vô cùng căng thẳng. Chúng ta hãy lấy một miêu tả khác trong tác phẩm làm ví dụ!
"Chưa nghe dứt lời, Giả Chính giận quá, mặt xám lại, quát to: “Lôi thằng Bảo Ngọc đến đây!” Ông ta vừa nói vừa chạy vào thư phòng, quát lên:
– Hôm nay ai còn đến ngăn, thì ta sẽ mang hết cả mũ áo, cân đai và gia tài giao cho người ấy với thằng Bảo Ngọc. Ta đành chịu là người có tội, cạo trọc mớ tóc phiền não này đi, tìm đến nơi thanh vắng để khỏi nhục đến tiền nhân, vì đã đẻ đứa con ngỗ nghịch này!
Những môn khách và người hầu thấy Giả Chính như thế, biết ngay là vì ông ta giận Bảo Ngọc, nên ai nấy đều trợn mắt lè lưỡi, chạy đi ra ngoài cả. Giả Chính thở hồng hộc, ngồi ưỡn người trên cái ghế tựa, nước mắt giàn giụa, quát lên mấy tiếng: “Lôi thằng Bảo ra đây! Mang thừng gậy ra đây! Đóng hết cả các cửa lại! Hễ đứa nào mà báo tin cho nhà trong biết, thì ta đánh chết ngay lập tức!”
Bọn người hầu thấy vậy, đành phải vâng lời đứng yên. Có mấy người chạy đi bắt Bảo Ngọc.
Tôi tin rằng độc giả có thể hiểu được sự căng thẳng giữa Giả Chính và Bảo Ngọc sau khi đọc xong. Nhưng, chuyện gì đã xảy ra sau đó? Giả Chính có thực sự đánh Bảo Ngọc không?
Giả Chính trông thấy Bảo Ngọc, mắt đỏ ngầu lên, không kịp hỏi đến những tội, như đi ra ngoài thì đùa bỡn bọn chèo hát, trao tặng của riêng, ở trong nhà thì bỏ học hành, cưỡng gian đầy tớ gái của mẹ, chỉ thét: “Khóa miệng nó lại, đánh cho chết đi!”
Bọn người hầu không dám trái lệnh, đành phải dằn Bảo Ngọc xuống cái ghế dài, cầm gậy to, đánh độ mười cái. Bảo Ngọc biết rằng mình có van cũng chẳng được tha, đành khóc rống lên. Giả Chính cho là đánh khẽ quá, đá thằng cầm gậy, rồi giật lấy gậy, đánh thật mạnh mấy cái
Chính vì mối quan hệ cha con giữa Giả Chính và Bảo Ngọc không tình cảm ấm áp hoạt nên các chuyên gia giáo dục hiện đại đã bình luận rằng cách dạy bảo Bảo Ngọc của Giả Chính chắc chắn có vấn đề. Trên thực tế, độc giả đọc cẩn thận sẽ thấy qua một số tình tiết, dù nhiều hay ít Giả Chính cũng không bao giờ đánh giá cao tài năng và thành tựu trong thơ ca của Bảo Ngọc, một người có ngoại hình và tính khí nổi bật. Nếu không, Giả Chính đã không nhiều lần la mắng Bảo Ngọc trước mặt mọi người và yêu cầu anh viết thơ hoặc câu đối ngay tại chỗ trước mặt khách.
Thật không may, giữa Giả Chính và Bảo Ngọc từ lâu đã có những bất đồng to lớn và không thể hòa giải. Ví dụ, Bảo Ngọc, người chỉ thích đùa gió trêu trăng, đã nhiều lần nhấn mạnh tình yêu của mình đối với phụ nữ và coi thường những người học hành vì mục đích thi cử. Vì vậy, ngay cả khi Bảo Ngọc vừa mở lời được mọi người xung quanh tán thưởng, cũng không thể tránh khỏi việc bị Giả Chính chỉ trích hoặc mắng mỏ một cách gay gắt. Những lời chế nhạo, khinh thường vì vậy luôn khiến Bảo Ngọc cúi đầu chán nản, tổn thương.
Sự khác biệt quá lớn về giá trị sống giữa cha con nhà họ Giả đã gây ra khoảng cách giữa hai thế hệ và bi kịch xảy ra sau đó. Đáng tiếc, Giả Chính chưa từng cùng Bảo Ngọc thảo luận về cách duy trì giá trị của gia tộc họ Giả, phải làm thế nào để Vinh quốc phủ ngày càng phát triển, kết quả là khái niệm thừa kế gia tộc bị gián đoạn do thiếu người thừa kế. Hoặc có lẽ là gia tộc Giả không có truyền thống thừa kế như vậy. Do đó, khi gặp phải biến cố, gia tộc lớn không thể tiếp tục nữa, nhanh chóng diệt vong.
Người xưa có câu ‘Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật’ có nghĩa là buông dao đồ tể thì lập tức thành Phật. Trong tác phẩm, chỉ một đoạn ngắn ngủi trong hồi cuối cùng, Giả Chính đã làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn của người đọc:
"Một hôm đi đến trạm Côn Lăng, trời rét, tuyết xuống, thuyền đậu ở chỗ vắng vẻ. Giả Chính sai người lên bộ, đưa danh thiếp đi từ tạ bầu bạn, nói thuyền sẽ đi ngay, không dám phiền ai đến thăm hỏi. Khi ấy đầu thuyền chỉ để lại một đứa nhỏ để hầu. Giả Chính ở trong thuyền viết thư, định cho người đi bộ đem về nhà trước. Khi viết đến việc Bảo Ngọc, liền dừng bút lại, ngẩng đầu lên, bỗng thấy đầu thuyền lờ mờ có dáng một người trong bóng tuyết, đầu trọc chân trần, mình khoác chiếc áo đi mưa bằng lông vượn màu đại hồng, ngoảnh vào Giả Chính và sụp xuống lạy. Giả Chính chưa nhìn được rõ, vội ra đầu thuyền, muốn đến đỡ dậy để hỏi. Người ấy lạy bốn lạy, rồi đứng dậy chào theo lối nhà Phật. Giả Chính còn muốn vái đáp, chợt nhìn thấy trước mặt mình không phải ai lạ mà chính là Bảo Ngọc. Giả Chính kinh ngạc vô cùng, vội hỏi:
– Có phải Bảo Ngọc không ?
Người ấy không nói gì, như mừng như tủi. Giả Chính lại hỏi:
– Nếu mày là Bảo Ngọc, thì sao lại ăn mặc như thế mà đến chỗ này ?
Bảo Ngọc chưa kịp trả lời, bỗng thấy một nhà sư, một đạo sĩ đến đầu thuyền. Hai người nắm tay Bảo Ngọc nói:
– Tục duyên đã hết, không đi nhanh lên à ?
Nói rồi, ba người vùn vụt lên bờ đi. Giả Chính không kể đất trơn, vội vàng chạy theo. Thấy ba người đi trước, nhưng không sao theo kịp"
Mấy chữ ngắn ngủi: “Giả Chính không kể đất trơn, vội vàng chạy theo" đã khắc họa đầy đủ tình cảm cha con ẩn dấu của Giả Chính. Ông thoát khỏi lớp vỏ cứng nhắc lạnh lẽo – tình cảm với đứa con trai rốt cuộc đã sưởi ấm trái tim ông, biến ông ta từ một “hòn đá” thành một người cha đích thực. Giả Chính đã giác ngộ. Ông ta đã được cứu rỗi bởi tình yêu.
Nếu như Giả Chính cố gắng hiểu Bảo Ngọc sớm hơn, dành nhiều thời gian và công sức hơn để dạy dỗ cậu, giao tiếp và phối hợp với cậu, sửa chữa và xây dựng mối quan hệ cha con tốt đẹp, ấm áp và quan tâm hơn, thì mối quan hệ của họ có lẽ sẽ không căng thẳng và trở nên lãnh đạm như vậy, và tất nhiên bi kịch của cả gia đình cũng có thể được đảo ngược. Đến lúc đó, cái kết của "Hồng Lâu Mộng" sẽ rất khác.
Tình cảm cha mẹ dành cho con cái là thứ tự nhiên nhất trên đời, nó không thể bị chịu sự sai khiến của bất kỳ thứ giáo lý nào, cũng không thể bị dập tắt. Những dấu chân trên tuyết của Giả Chính còn mãi trên trang sách Hồng Lâu Mộng là minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của tình thương đó.
Theo Secretchina
Bình Nhi