Mọi sự may mắn trong đời đều có nhân quả
Hành thiện gặt quả thiện, hành ác gặt quả ác. Đã gieo hạt giống nào, người phải gặt quả nấy…
Vận mệnh là có mối quan hệ nhân quả, cuộc đời bạn tốt hay xấu hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn đã gieo hạt giống nấy, thì sẽ nhận được quả nấy
Vì vậy, cuộc sống có rất nhiều điều tốt đẹp, nhưng chúng ta không thể có được chỉ với đôi bàn tay không. Đằng sau bất kỳ cuộc đời tỏa sáng nào cũng có những nỗ lực không ngừng nghỉ tương ứng với nó. Những người chỉ biết há miệng chờ sung, cuối cùng sẽ chẳng gặt hái được gì.
Nếu bạn muốn cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn đã gieo nhân gì. Mọi sự may mắn trong đời người đều có nhân quả trong đó cả.
1. Lòng tốt sẽ luôn mang đến những điều bất ngờ
Có câu: “Ái xuất giả ái phản, phúc vãng giả phúc lai”, đại ý là: khi bạn đối đãi với người khác bằng tình yêu thương, người khác cũng sẽ yêu thương bạn; khi bạn trao phước lành cho người khác, bạn cũng sẽ nhận được phước lành.
Đối với những người lấy thiện niệm làm nền tảng, chăm làm điều thiện, ngay cả khi bạn không đòi hỏi sự báo đáp, thời gian cũng sẽ gửi tặng bạn những điều tốt đẹp nhất.
Triết gia Bertrand Russell, từng nói: “Thiện lương chính là một loại từ trường tích cực, nó giúp bạn thu hút nhiều may mắn và hạnh phúc hơn”.
Người sống lương thiện, nhìn vào thì thấy như đang chịu thiệt trước mắt, nhưng cuộc sống sẽ luôn trao tặng anh ta những món quà bất ngờ trong tương lai. Một ngày nào đó bạn sẽ thấy rằng lòng tốt mà bạn trao đi đó vừa khéo lại trở thành cái thẻ đổi lấy phúc báo cho bạn.
Có một câu chuyện như vậy. Vào một buổi chiều của hơn 100 năm trước, nơi đồng ruộng của một làng quê nước Anh, một ông lão nông dân nghèo khổ tên là Fleming đang làm việc, bỗng nghe thấy tiếng kêu cứu từ xa vọng lại… từ cái đầm lầy gần đó. Ông vội chạy đến nơi thì nhìn thấy một cậu bé đang bị sa lầy trong đó, sình ngập đến đầu. Cậu đang giãy giụa gào khóc.
Người nông dân ngay lập tức cứu cậu bé lên bờ.
Hôm sau, một cỗ xe sang trọng đi tới căn lều của Fleming. Một quý ông ăn mặc sang trọng bước ra, tự giới thiệu mình là Randolph Henry Spencer Churchill, cha của cậu bé mà được ông cứu sống ngày hôm qua. Ông ta nói: “Tôi đến để cảm ơn và hậu tạ anh đã cứu mạng con trai tôi!”.
Ông Fleming đáp: “Không có chi. Đây là chuyện nên làm và ông không cần phải hậu tạ, thưởng công. Tôi quyết không nhận đâu”.
Ngay lúc đó, cậu con trai khoảng 10 tuổi của ông Fleming bước vào lều. Nhà quý tộc hỏi: “Đây là con trai anh phải không?”.
“Thưa vâng”, ông Fleming trả lời đầy vẻ tự hào.
Nhà quý tộc ân cần hỏi cậu bé: “Khi lớn lên, cháu muốn làm gì?”.
Cậu bé nhỏ nhẹ thưa: “Thưa ông, chắc cháu sẽ tiếp tục nghề làm ruộng của cha cháu”.
Nhà quý tộc lại gặng hỏi: “Thế cháu không còn ước mơ nào lớn hơn nữa sao?”.
Cậu bé im lặng cúi đầu một lúc rồi mới trả lời: “Dạ thưa ông, nhà cháu nghèo thế này thì cháu còn biết ước mơ điều gì nữa đây?”.
Nhà quý tộc lại tiếp tục một câu hỏi chân tình: “Nhưng ta muốn biết, nếu cháu được phép mơ ước thì cháu sẽ ước mơ điều gì?”.
Và lần này cũng lại là một câu trả lời thật thà: “Thưa ông, cháu muốn được đi học, cháu muốn trở thành một bác sĩ!”.
“Vậy thì cho phép tôi đề nghị như thế này anh Fleming, hãy để tôi chu cấp việc học cho con trai anh hệt như tôi đã lo cho con trai mình. Nếu con trai anh mà giống tính cha nó thì tôi tin rằng ngày sau này cậu ấy sẽ trở thành một người mà cả hai chúng ta đều hãnh diện”.
Ông Fleming nhà nghèo nghe vậy thì đồng ý. Thế là từ đó cậu con trai của Fleming được theo học tại những trường danh tiếng và tốt nghiệp đại học Y khoa Stainte-Marie ở London.
Nhờ có hoài bão lớn lao, không ngừng phấn đấu, nhiều năm sau, con trai của người nông dân đã tốt nghiệp Học viện Y học Saint Mary ở Luân Đôn với thành tích xuất sắc, và những thành quả đóng góp cho y học của ông sau này được cả thế giới công nhận và biết ơn. Cậu ấy chính là bác sĩ lừng danh Alexander Fleming.
Vào năm 1927, bác sĩ Alexander Fleming là người đã chế ra thuốc kháng sinh penicilline cứu mạng được không biết bao nhiêu người trên thế giới. Năm 1945 ông được trao giải Nobel về y học. Trước đó một năm, ông được Hoàng gia Anh phong tước Hiệp sĩ năm 1944.
Còn công tử quý tộc cũng dần trưởng thành, trong thời gian Đại chiến thế giới lần thứ hai mắc bệnh viêm phổi nặng, nhưng may mắn nhờ vào thuốc penicillin, anh đã khỏi bệnh rất nhanh. Vị công từ quý tộc đó sau này trở thành một vĩ nhân, là người mà cả nước Anh đều tự hào và hãnh diện. Đó chính là Thủ tướng trứ danh của nước Anh – Winston Churchill.
Cuộc đời như một tiếng vọng. Khi bạn gieo xuống những hạt giống thiện lành, bạn cũng sẽ thu về cho mình những hoa trái thiện lành. Những lời chúc được gửi đi một cách vô tình không biết chừng sẽ mang đến cho bạn những điều tốt đẹp ở một thời điểm nào đó trong tương lai, hoặc giúp bạn có được bước ngoặt trong nghịch cảnh.
Nhà văn người Pháp Romain Rolland đã nói: “Âm nhạc đẹp nhất của tâm hồn chính là tấm lòng thiện lương”.
Nếu tâm tồn thiện niệm, ngay cả khi bạn không được sang giàu, bạn vẫn sẽ có được phúc khí sống những ngày tháng yên bình và hạnh phúc.
2. Lạc quan sẽ giúp ta chiến thắng khổ nạn
Có câu nói như vậy: “Cuộc sống rất khổ (đắng), nhưng tôi có những viên kẹo ngọt”.
Cuộc sống quả thực không dễ dàng chút nào, có thể ngày nào chúng ta cũng đầu tắt mặt tối, nhưng vẫn không được no bụng; đôi khi chúng ta đã dốc cạn sức lực cố gắng leo lên trên, nhưng cuối cùng vẫn giậm chân tại chỗ.
Tuy nhiên, chỉ cần chúng ta vẫn còn niềm hy vọng trong tâm, chúng ta vẫn có thể mong đợi một tương lai tươi sáng.
Hẳn chúng ta đều biết đến tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng", một truyện ngắn của nhà văn người Mỹ O. Henry.
Sue và Johnsy là hai nữ họa sĩ trẻ sống trong một khu nhà trọ. Cụ Behrman là một họa sĩ già cũng sống ở đó, cả đời cụ khao khát vẽ được một kiệt tác nhưng chưa thực hiện được.
Mùa đông năm ấy, Johnsy bị bệnh sưng phổi rất nặng. Bệnh tật khiến cô tuyệt vọng. Nằm trên giường bệnh với hơi thở thoi thóp, không một chút sức lực, Johnsy đã mấy lần nghĩ đến cái chết
Sue vô cùng lo lắng và hết lòng chạy chữa cho bạn nhưng vô ích. Một lần, trong lúc trò chuyện, Sue vô tình phát hiện còn có một sức mạnh khác tiếp thêm hy vọng sống cho cô bạn. Johnsy kể rằng, mỗi ngày, cô đều âm thầm đếm từng chiếc lá thường xuân bên ngoài cửa sổ, và nói rằng khi chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống sẽ là lúc cô lìa đời.
Biết được ý nghĩ điên rồ đó của Johnsy, cụ Behrman ban đầu mắng um lên nhưng sau đó lại âm thầm thức suốt đêm mưa gió bão bùng để vẽ chiếc lá thường xuân. Chiếc lá cuối cùng giống như thật. Nó đã không rụng trong đêm bão lớn khiến Johnsy suy nghĩ lại, cô bùng cháy hy vọng và muốn được sống, được sáng tạo. Johnsy từ cõi chết trở về nhưng cụ Behrman lại chết vì bệnh sưng phổi sau đêm sáng tạo kiệt tác chiếc lá cuối cùng để cứu Johnsy.
Lạc quan là sức mạnh để con người vượt qua khó khăn. Dù toàn thân bạn không còn chút sức lực nào, chỉ cần bạn vui vẻ, bạn sẽ mở ra cho mình một cuộc đời hạnh phúc.
Tâm thái của một người thực sự rất quan trọng, khi bạn luôn giữ được tâm trạng vui vẻ, thần may mắn sẽ chiếu cố cho bạn, cuộc đời bạn sẽ trở nên suôn sẻ, ngay cả khi bạn ở trong nghịch cảnh cũng có thể trùng sinh. Có được tâm trạng tốt, cuộc sống của bạn tự nhiên sẽ ngập tràn hạnh phúc.
Mọi việc trong đời đều có nhân quả, nhân quả tuần hoàn, đó là điều không ai có thể tránh được. Nếu trong tâm bạn ôm giữ thiện niệm, thì dù có mất đi cũng sẽ tìm lại được. Mọi thứ đều có quy luật của nó, quan trọng là bạn đối đãi như thế nào.
Nếu bạn có thể làm một người thiện lương, tích lũy phúc đức, cuộc sống tự nhiên ngập tràn hạnh phúc.
Có một câu nói như thế này: “Tháng 3, tháng 4 gieo hạt giống, tháng 7, tháng 8 có thu hoạch”. Chỉ cần bạn gieo xuống hạt giống thiện lành, chắc chắn bạn sẽ thu về cho mình những điều tốt đẹp trong tương lai.
Theo Taoroudan
Thiện Quân biên dịch