Một phần san sẻ với người, chính là khoản tiết kiệm may mắn cho mình

Một phần san sẻ với người, chính là khoản tiết kiệm may mắn cho mình
Một phần san sẻ với người, chính là khoản tiết kiệm may mắn cho mình. (Ảnh: Pixabay)

Có một chàng trai trẻ nuôi cá cho ông chủ ngoài biển, thỏa thuận rằng mỗi tháng ông chủ sẽ trả cho anh ta một số tiền vào cuối tháng (khoảng 17 triệu đồng), còn anh ta phải tự lo việc ăn uống của mình.

Ông chủ nuôi tổng cộng 500 bè cá trên biển. Hàng ngày, chàng trai chèo thuyền cho cá ăn một lần vào buổi sáng sớm, nghỉ ngơi trên thuyền vào buổi trưa và cho ăn lại khi mặt trời lặn vào buổi chiều. Công việc không quá nặng nhọc, cũng khá nhàn hạ.

Ông chủ cũng không thường xuyên đến kiểm tra, chỉ là đầu tháng, giữa tháng và cuối tháng ghé qua giao thức ăn cho cá, xem xem cá phát triển thế nào và nhân tiện cũng mang một ít thực phẩm cho chàng trai.

Hai năm sau, lô cá do ông chủ nuôi này bán được với tổng giá trị khoảng 1,4 tỷ đồng.

Ông chủ rất lấy làm vui sướng, thưởng cho chàng trai trẻ 2 tháng lương (35 triệu đồng) và cho anh về quê thăm họ hàng trong một thời gian, ông còn giúp anh khoản chi phí đi lại nữa.

Bà vợ của ông chủ rất lấy làm khó hiểu, hai bên rõ ràng đã thỏa thuận mức lương 17 triệu đồng mỗi tháng, vậy mà mỗi tháng ông không chỉ trả lương, mà còn cung cấp đồ ăn và mua thẻ điện thoại cho anh ta, còn làm cái gì là tiền thưởng cuối năm, bao luôn cả chi phí đi lại? Có phải đầu óc ông có vấn đề rồi không, hay tiền nhiều đến mức không biết tiêu vào đâu nữa?

Ông chủ bèn kể cho vợ nghe câu chuyện về những quả hồng

Ở một thôn làng nhỏ, cứ đến mùa đông, người dân lại hái hết hồng trên cây, không chừa một quả nào.

Có một năm, mùa đông đặc biệt lạnh giá, tuyết rơi dày đặc, hàng trăm con chim ác là không tìm được thức ăn đã bị chết cóng trong một đêm.

Mùa xuân năm sau, cây hồng lại đâm chồi nảy lộc, ra hoa kết trái. Nhưng ngay lúc này, một loại sâu bọ không rõ tên bỗng bùng phát thành dịch bệnh. Hồng vừa mới to bằng ngón tay cái đã bị sâu bọ ăn sạch.

Năm đó, những vườn cây này không thu hoạch được một quả hồng nào. Mãi đến lúc này, người ta mới nhớ ra những chú chim ác là, nếu có chim ác là, thì sẽ không xảy ra tình trạng sâu bệnh.

Từ đó trở đi, vào mỗi mùa thu khi thu hoạch hồng, người dân đều để lại một số quả hồng làm thức ăn cho chim ác là qua đông.

Những quả hồng còn lại trên cây thu hút rất nhiều chim ác là đến đây để trú đông, chim ác là như cũng biết ơn, mùa xuân cũng không bay đi, cả ngày bận rộn bắt sâu trên cây ăn quả, từ đó đảm bảo thu hoạch hồng bội thu hàng năm.

"Bà nói xem việc để lại mấy quả hồng cho chim khách ăn, đó có phải là việc làm ngu ngốc hay không?”.

Nghe vậy, vợ ông chủ bỗng hiểu ra, để lại quả trên cành cây, thực ra là để người khác cũng có thể chia sẻ thành quả lao động của mình, đồng thời yên tâm làm việc tốt hơn, cho nhân viên hiểu rằng họ cũng có công sức trong đó.

Vào mùa gặt hái, đừng quên để lại một số "quả hồng" trên cây, những quả hồng còn lại này thường là để lại cho chính mình cơ hội và hy vọng.

Theo Secretchina
Thiện Quân biên dịch

Đọc tiếp