Một số quy luật bất biến của tự nhiên, nhận ra sẽ hưởng lợi cả đời
Con người có ngàn phương kế, trời chỉ có một, người dù thông minh đến đâu cũng không thể tính toán hơn trời. Cái gọi là "thiên đạo kỵ xảo", một người càng khôn ngoan, càng tự cho mình là đúng, thì cuộc đời thường càng không thuận lợi, kết quả càng bi thảm. Ngược lại, những người bình thường, chất phác, chân thật, thường sống càng ngày càng tốt.
Mỗi người chúng ta, chỉ là một phần tử của nhân loại, nhân loại lại là một phần tử của muôn loài trên trái đất, mà trái đất lại là một phần tử của trời đất vũ trụ. Vì vậy, chúng ta không phải là độc lập, chúng ta và vạn vật trong vũ trụ là một thể thống nhất. Chúng ta cần phải hiểu rõ quy luật vận hành của vũ trụ, thuận theo thiên đạo, chứ không phải nghĩ cách thay đổi, mới có thể vạn sự hanh thông.
1. Có được ắt có mất
Thiên đạo là gì? Người xưa gọi là Đạo, nói theo cách thông thường của chúng ta, chính là lực tự nhiên, lực cân bằng. Thiên đạo chính là để cho vạn sự vạn vật duy trì trạng thái cân bằng, trong Đạo Đức Kinh có câu: "Thiên chi đạo, tổn hữu dư dĩ bổ bất túc", ý nói cái gì nhiều thì bớt đi một chút để bù vào chỗ thiếu. Cho nên dù gặp phải chuyện gì, chúng ta cũng nên giữ tâm thế bình thường, có được ắt có mất, có mất ắt có được.
2. Vô tâm sinh đại dụng
Con người càng nhiều dục vọng, thì càng nhiều phiền não, thanh tâm quả dục, thuận theo tự nhiên, mới có thể duy trì trạng thái tốt nhất, mới có thể thường xuyên thu hoạch những điều bất ngờ. Câu nói " hữu tâm trồng hoa hoa chẳng nở, vô tâm cắm liễu liễu lại xanh" ý nói bạn càng cố ý làm, kết quả thường lại càng không tốt, mà những việc bạn vô tình làm, ngược lại thường mang đến những điều bất ngờ thú vị.
3. Yêu thương cho đi là yêu thương nhận lại
Tình yêu thương bạn dành cho người khác, sớm muộn gì cũng sẽ quay trở lại với bạn. Lòng người đều là thịt, tình yêu thương bạn dành cho người khác, có thể lúc đó không thấy được gì, người ta không biểu hiện gì, cũng không nói ra, nhưng đối phương nhất định sẽ ghi nhớ trong lòng, muốn quên cũng không quên được.
4. Chịu thiệt là phúc
Thiên đạo công bằng, làm gì có thiệt thòi gì mà chịu? Cái mà bây giờ bạn cho là thiệt thòi, có thể là trước đây bạn nợ người ta, hoặc là bạn không nợ họ, mà là họ đang nợ bạn, sớm muộn gì cũng phải trả. Cho dù họ không trả được, thì ông trời cũng sẽ bù đắp cho bạn từ những phương diện khác, hơn nữa còn có cả lãi, cái được sẽ nhiều hơn cái mất rất nhiều.
5. Vật cực tất phản
Đạo là vận động theo hướng ngược lại. Quy luật của thiên đạo, chính là vĩnh viễn không ngừng tuần hoàn, vạn sự vạn vật trên thế gian, đều là vật cực tất phản, thịnh cực tất suy, sẽ không đi một con đường đến cùng, đi đến cuối rồi, thì nên quay đầu trở lại. Nóng quá sinh ra lạnh, lạnh quá sinh ra nóng, chính là đạo lý này.
6. Kiêu binh tất bại
Đánh trận không chỉ là so sánh thực lực, mà còn có tâm lý của con người, nếu dựa vào thực lực để quyết định thắng thua, thì không cần phải đánh nữa. Một người chỉ cần kiêu ngạo, sẽ sinh ra tự mãn, khinh thường đối phương, từ đó dẫn đến chủ quan, gặp phải thất bại.
7. Họa phúc tương y
Tái ông thất mã, yên tri phi phúc? Họa và phúc chuyển hóa lẫn nhau, không có gì là nhất định, khi bạn gặp tai họa, biết đâu tiếp theo chính là phúc báo giáng lâm; khi bạn vận may liên tục, biết đâu đang chờ đợi bạn, chính là một tai họa lớn.
8. Thượng thiện nhược thủy
Cảnh giới cao nhất của thiện, là mọi thứ thuận theo tự nhiên, vô tâm mà làm. Giống như nước, âm thầm lặng lẽ nuôi dưỡng vạn vật, chưa từng có một chút yêu cầu, một chút toan tính nào.
9. Uốn mình để vẹn toàn
Cây cao trong rừng, gió ắt sẽ thổi gãy. Cây cao thẳng tắp, vừa giòn vừa cứng, ví dụ như cây dương, khi gặp gió lớn, rất dễ bị gãy, còn những cây tương đối mềm dẻo, ví dụ như cây du, cây liễu, cây thông, v.v., cho dù có bị uốn cong, cũng sẽ không bị gãy. Làm người cũng vậy, nếu quá cứng nhắc, sẽ dễ gặp phải trắc trở, nếu có thể nhẫn nhịn chịu thiệt một chút, ngược lại có thể bảo toàn được bản thân.
10. Quá nhiều là không đủ
Bất cứ việc gì, cũng phải nắm vững một chừng mực, phải vừa đủ, nếu làm quá, ngược lại sẽ không tốt. Cho nên các bậc thánh hiền xưa dạy chúng ta, làm người xử thế, phải đi theo con đường trung đạo, không thể đi theo chủ nghĩa cực đoan, như vậy mới an ổn nhất, lâu dài nhất.
Theo 163.com
Minh Nguyệt