Một vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể đã thất bại

Một vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể đã thất bại
Một vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể đã thất bại

Quân đội Hàn Quốc (26/6) cho biết, một vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể đã thất bại. Vụ phóng một tên lửa đạn đạo hướng về phía vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông Bán đảo Triều Tiên.

Một động thái răn đe thất bại

Đây được xem là động thái phản đối việc triển khai gần đây của một tàu sân bay Mỹ trong khu vực, để tham gia cuộc tập trận quân sự ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Triều Tiên hồi đầu tuần đã chỉ trích việc triển khai một tàu sân bay Mỹ tham gia các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời cảnh báo về "một cuộc biểu tình răn đe mới, áp đảo".

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo từ khu vực thủ đô của nước này vào khoảng 5h30 sáng thứ Tư. Và cho biết vụ phóng tên lửa thất bại rõ ràng bắt nguồn từ xung quanh Bình Nhưỡng. 

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết một vật thể được cho là tên lửa đạn đạo của Triều Tiên dường như đã rơi xuống. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tên lửa đã bay tới độ cao khoảng 100 km (62 dặm) và tầm bắn đạt hơn 200 km (124 dặm). Hãng thông tấn Yonhap dẫn một nguồn tin quân sự giấu tên cho biết, đây dường như là một cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh thất bại. Vụ phóng tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên là vào ngày 30/5.

Vụ phóng tên lửa diễn ra một ngày sau lễ kỷ niệm 74 năm ngày bắt đầu Chiến tranh Triều Tiên. Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết, có một cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức tại Bình Nhưỡng để kỷ niệm ngày này, gọi đây là ngày "đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ" và gọi Mỹ là kẻ thù không đội trời chung.

Theo quân đội Hàn Quốc, Bình Nhưỡng cũng triển khai một nhóm lớn binh lính để xây dựng các công sự mới trong khu vực biên giới được trang bị vũ khí mạnh mẽ với Hàn Quốc. Gần đây, Triều Tiên đã thả hàng trăm quả bóng bay chở rác về phía miền Nam, sự việc này vừa được tiếp tục hôm thứ Ba (25/6). 

Triều Tiên đã tiến hành một loạt các vụ phóng khinh khí cầu chở rác về phía Hàn Quốc kể từ cuối tháng 5 trong cái mà họ gọi là phản ứng ăn miếng trả miếng đối với các nhà hoạt động Hàn Quốc thả truyền đơn chính trị bằng khinh khí cầu của họ.

Vào ngày 9 tháng 6, Hàn Quốc đã khởi động lại chương trình phát thanh tuyên truyền từ loa phóng thanh biên giới lần đầu tiên sau nhiều năm để đáp trả. Quân đội Hàn Quốc cho biết hôm thứ Hai đầu tuần rằng họ đã sẵn sàng bật lại loa phóng thanh .

Tham mưu trưởng liên quân cho biết cơ quan tình báo Hàn Quốc và Mỹ đang phân tích chi tiết về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Nhưng họ không giải thích ngay tại sao họ tin rằng vụ phóng thất bại.

Cuộc tập trận “Freedom Edge” Hàn Quốc-Mỹ-Nhật Bản

Tàu USS Theodore Roosevelt đã đến Hàn Quốc vào thứ Bảy tuần trước và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã lên tàu sân bay vào thứ Ba (25/6). Ông Yoon là tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hàn Quốc lên tàu sân bay Mỹ kể từ năm 1994.

Tàu sân bay Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận Hàn Quốc-Mỹ-Nhật Bản, được mệnh danh là “Freedom Edge”. 

Yoon nói với quân đội Mỹ và Hàn Quốc trên tàu sân bay rằng liên minh giữa hai nước là mạnh nhất thế giới và có thể đánh bại bất kỳ kẻ thù nào. Ông cho biết tàu sân bay Mỹ sẽ khởi hành vào thứ Tư để tham gia cuộc tập trận Hàn Quốc-Mỹ-Nhật Bản, được mệnh danh là “Freedom Edge”. 

Cuộc huấn luyện nhằm mục đích nâng cao khả năng phản ứng tổng hợp của các nước trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau, bao gồm trên không, trên biển và không gian mạng.

Thứ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kim Kang Il hôm thứ Hai gọi việc triển khai tàu sân bay Mỹ là “liều lĩnh” và “nguy hiểm”. Triều Tiên trước đây gọi cuộc tập trận lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc là diễn tập xâm lược và phản ứng bằng các vụ thử tên lửa.

Các quan chức Seoul cho biết cuộc huấn luyện sắp tới giữa Hàn Quốc-Mỹ-Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng ứng phó của ba nước trước các mối đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng của Triều Tiên vào thời điểm Triều Tiên đang thúc đẩy quan hệ đối tác quân sự với Nga.

Trong hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một thỏa thuận yêu cầu mỗi nước cung cấp viện trợ nếu bị tấn công và cam kết sẽ tăng cường hợp tác khác. Các nhà quan sát cho rằng hiệp định này thể hiện sự kết nối mạnh mẽ nhất giữa hai nước kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Hoa Kỳ và các đối tác tin rằng Triều Tiên đã cung cấp cho Nga những vũ khí thông thường rất cần thiết cho cuộc chiến ở Ukraine để đổi lấy sự hỗ trợ về quân sự và kinh tế.

Vụ phóng tên lửa được cho là của Triều Tiên là cuộc trình diễn vũ khí đầu tiên kể từ khi ông Kim Jong Un giám sát việc bắn các bệ phóng tên lửa đa năng có khả năng hạt nhân để mô phỏng một cuộc tấn công phủ đầu vào Hàn Quốc. Cuộc tập trận diễn ra vài ngày sau khi nỗ lực đưa vệ tinh do thám thứ hai của Triều Tiên vào quỹ đạo thất bại, tên lửa mang vệ tinh đó phát nổ giữa không trung ngay sau khi phóng.

Kể từ năm 2022, Triều Tiên đã tăng mạnh tốc độ thử nghiệm vũ khí nhằm tăng cường khả năng tấn công hạt nhân nhằm đối phó với cái mà họ gọi là mối đe dọa quân sự ngày càng sâu sắc của Mỹ. Các chuyên gia nước ngoài cho rằng Triều Tiên cuối cùng muốn sử dụng kho vũ khí hạt nhân lớn hơn của mình để giành được những nhượng bộ lớn hơn từ Mỹ khi hoạt động ngoại giao được nối lại.

Bảo Thư biên dịch

Đọc tiếp