Mùng Bốn Tết: Trong nhà có 4 thứ này, vừa giàu có vừa thịnh vượng
Gia đình, như nguồn nước, như gốc cây, là nơi trú ẩn vĩnh viễn của mỗi chúng ta. Một gia đình muốn sống cuộc sống sung túc, muốn làm cho cuộc sống thịnh vượng, cần phải có bốn điều này.
1. Lòng bao dung
Trong một gia đình, điều gì là quan trọng nhất? Không phải là gấm vóc lụa là, cũng không phải là giàu sang phú quý. Mà là gia đình hòa thuận, người thân đoàn kết, cùng chung chí hướng, đồng lòng nỗ lực.
Tục ngữ có câu, răng và lưỡi còn có lúc xô lệch. Sống chung một nhà, khó tránh khỏi những va chạm, xích mích, thêm một chút bao dung, bớt đi một chút so đo, tự khắc sẽ thân thiết, hòa thuận.
Đại sư Tinh Vân nói: "Người có năng lực, không so đo hơn thua về cảm xúc, chỉ chuyên tâm vào công việc; người bất tài, không chuyên tâm vào công việc, chỉ so đo hơn thua về cảm xúc."
Các thành viên trong gia đình nên đối xử với nhau bằng thái độ hòa nhã, vui vẻ, có khó khăn cùng nhau đối mặt, có việc cùng nhau bàn bạc, không cần thiết phải tranh giành đúng sai, hơn thua.
Cái gọi là "nhân tâm tề, Thái Sơn di" (lòng người đồng lòng, núi Thái Sơn cũng dời). Gia đình chỉ khi đồng lòng hiệp lực, cuộc sống mới ngày càng tốt đẹp hơn.
2. Gia phong tốt
Con cái là tương lai của một gia đình, muốn nuôi dạy con cái thành người có tài, nhất định phải có gia phong tốt. Gia phong, chính là văn hóa và tinh thần của một gia đình.
Gia phong tốt chú trọng sự kế thừa, lời nói và hành động của cha mẹ đều ảnh hưởng sâu sắc đến con cái. Một gia đình coi trọng giáo dục, con cái cũng sẽ chăm chỉ học hành. Một gia đình ham ăn lười làm, con cái cũng sẽ không cầu tiến.
Bát đại gia thời Đường Tống, Tô Môn tam học sĩ. Tô Tuân, Tô Thức và Tô Triệt, ba cha con đều là nhà văn nổi tiếng thời Bắc Tống, và điều này có được là nhờ gia phong tốt.
Sau khi làm cha, Tô Tuân lấy thân làm gương, chăm chỉ đọc sách. Mẫu thân của Tô Thức từ nhỏ đã giáo dục hai con phải hiếu thảo, từ ái, nhân hậu, không tham của cải bên ngoài.
Trong suốt hàng ngàn năm, con cháu nhà họ Tô ở Mi Sơn tuân theo gia phong "Đọc sách làm nghiệp, hiếu thảo từ ái, không lấy của phi nghĩa, làm quan thanh liêm", truyền từ đời này sang đời khác, dòng tộc hưng vượng.
Nguồn gốc thành công của một người nằm ở gia huấn ngay chính; nền tảng hưng vượng của một gia đình nằm ở gia phong thuần chính.
3. Đức tính cần kiệm
Trong Tăng Quảng Hiền Văn có câu: "Hưng gia do như kim thiêu thổ, bại gia do như thủy thôi sa" - Xây nhà như kim châm đất, phá nhà như nước đẩy cát. Từ xưa đến nay, việc phá hoại gia đình thì dễ, còn xây dựng gia đình thì khó.
Cần kiệm tiết kiệm, gia đình dù nghèo khó đến đâu cũng có thể ngày càng hưng thịnh; hoang phí lãng phí, dù có nhiều của cải đến đâu cũng sẽ nhanh chóng bị phá sạch.
Xa xỉ là liều thuốc độc ngon ngọt, khiến người ta sa đọa trong ngọt ngào; cần kiệm là liều thuốc đắng, giúp người ta trưởng thành trong cay đắng.
Trong Trị Gia Cách Ngôn có câu: "Tự phụng tất tu kiệm ước, yến khách thiết vật lưu luyến" - Đối đãi với bản thân phải tiết kiệm, chiêu đãi khách khứa chớ nên lưu luyến.
Cuộc sống hàng ngày của bản thân phải cần kiệm tiết kiệm, việc người khác mời ăn uống cũng không cần thiết phải lưu luyến không về. "Nhất cháo nhất phạn, đương tư lai chi bất dị; bán ti bán lũ, hằng niệm vật lực duy gian." - Một bát cháo, một bữa cơm, phải nghĩ đến không dễ dàng gì mà có; nửa sợi nửa chỉ, luôn nhớ đến vật lực khó khăn. Hiểu được trân trọng, mới có được hạnh phúc.
Nhỏ như cá nhân, lớn như quốc gia, tồn tại và phát triển đều không thể tách rời khỏi cần kiệm tiết kiệm. Cần dĩ trí phú, kiệm dĩ dưỡng đức. - Cần cù để làm giàu, tiết kiệm để dưỡng đức.
Siêng năng quyết định một gia đình có thể hưng thịnh hay không, tiết kiệm quyết định một gia đình có thể bền lâu hay không.
4. Ý nghĩa của Hiếu và Đệ
Hiếu là hiếu thuận với cha mẹ và người lớn tuổi; Đệ là đoàn kết với anh chị em. Thời gian trôi nhanh, tuổi trẻ không còn, chúng ta dần trưởng thành, cha mẹ dần già đi.
Điều hối tiếc lớn nhất trong đời là "con muốn phụng dưỡng nhưng cha mẹ đã không còn, cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng".
Trong Khuyến Hiếu Ca có câu: "Khổng Tử viết Hiếu Kinh, Hiếu là thuộc về đức. Cha mẹ đều gian khổ, đặc biệt là mẹ càng khó khăn hơn."
Hành hiếu cần làm càng sớm càng tốt, thường xuyên về thăm nhà, trò chuyện với cha mẹ về những chuyện vặt vãnh trong cuộc sống, tâm sự với người lớn tuổi về những chuyện gia đình.
Đưa cha mẹ đi du lịch, đáp ứng những mong muốn của họ, làm phong phú đời sống tuổi già của họ. Xã hội hiện nay có nhiều con một, có thể nhiều người thiếu đi trải nghiệm cùng anh chị em lớn lên bên nhau.
Nhưng đối với thế hệ người lớn tuổi, thường thì trong nhà có vài anh chị em, từ nhỏ đã lớn lên bên nhau, chăm sóc lẫn nhau. Một trong những dấu hiệu của sự hưng thịnh của gia tộc là con cháu đông đúc, mỗi dịp lễ Tết đều tề tựu đông đủ, náo nhiệt.
Có một câu nói rằng, tình cảm anh em không thể cắt đứt, dòng máu không thể chia lìa. Gia đình hòa thuận là ở chỗ anh chị em có thể đoàn kết một lòng.
Trong Kinh Thi có câu: "Vợ chồng hòa hợp, như gảy đàn sắt. Anh em thuận hòa, vui vẻ lại chan hòa." Ý chỉ rằng, vợ chồng tâm đầu ý hợp, giống như đàn sắt hợp tấu, du dương uyển chuyển. Anh chị em yêu thương nhau, mới có thể lâu dài hòa thuận, tốt đẹp.
Các thành viên trong gia đình giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương lẫn nhau mới có thể hưng vượng. Một khi vì lợi ích mà xảy ra xung đột, dẫn đến ly tâm ly đức, thì gia đình đó cũng tan vỡ.
Khi bối rối, mơ hồ, gia đình có thể giúp chúng ta lấy lại sự tự tin; Khi mệt mỏi rã rời, gia đình có thể giúp chúng ta chấn chỉnh lại tinh thần; Khi cô đơn, lạc lõng, gia đình có thể giúp chúng ta cảm thấy ấm áp. Cả đời chúng ta theo đuổi không gì khác ngoài: gia đình khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc.
Theo 163.com
Minh Nguyệt