Muốn được thảnh thơi nhẹ nhàng, đống rác trong lòng phải quẳng đi

Muốn được thảnh thơi nhẹ nhàng, đống rác trong lòng phải quẳng đi
Cuộc sống luôn phải tiến về phía trước, nếu bạn cứ nhìn lại phía sau, điều đó sẽ chỉ khiến tương lai của cuộc đời bạn lặp lại bi kịch của quá khứ. (Ảnh: freepik)

Những cảm xúc tồi tệ này, những hối tiếc nhỏ nhặt này, những người bất hảo và những điều không như ý này về bản chất cũng không khác gì rác; nhưng nhiều người vẫn thích cầm chúng trên tay mà không chịu đặt xuống, cuối cùng khiến bản thân bị ám mùi…

Một người đàn ông vẻ mặt buồn bã đang đi trên đường với mấy túi đồ trên tay, không để ý đến những ánh mắt dò xét của những người xung quanh.

Mấy túi đồ trên tay anh ta bốc ra mùi hôi thối khiến người đi ngang qua phải bịt mũi lại. Có người không chịu nổi, liền nhắc nhở anh ta. Lúc này, người đàn ông mới giật mình nhận ra, hóa ra mình vừa cầm theo mấy túi rác vừa đi đường. 

Trong cuộc sống, rất nhiều người chúng ta cũng từng có trải nghiệm “mang rác đi đường”. Ví dụ, nếu có điều gì tồi tệ xảy ra, bạn sẽ buồn bã, chán nản suốt mấy ngày liền. Sau khi trải qua một phen hối hận, đôi lúc bạn vẫn thầm cảm thấy buồn bã và không chịu buông bỏ. Khi gặp một người vô lý, bạn sẽ tranh cãi gay gắt với họ, quyết phân rõ đúng sai mới thôi...

Những cảm xúc tồi tệ này, những hối tiếc nhỏ nhặt này, những người bất hảo và những điều không như ý này về bản chất cũng không khác gì rác; nhưng nhiều người vẫn thích cầm chúng trên tay mà không chịu đặt xuống, cuối cùng khiến bản thân bị ám mùi hôi thối.

1. Đừng hao mòn bản thân chỉ vì thất bại nhất thời

Có câu nói như vậy: “Con người ta có thể gặp thất bại, nhưng tuyệt đối không nên có cảm giác thất bại”.

Cái gọi là cảm giác thất bại là chỉ con người ta khi đụng phải khó khăn hoặc thất bại, liền cảm thấy thất vọng, chán nản, tự trách móc bản thân hoặc ngã quỵ hoàn toàn.

Con người ta một khi rơi vào cảm giác thất bại, họ rất dễ bị thất bại đánh gục, từ đó ngã một cái hết đứng dậy, tinh thần sa sút, chán nản.

Ở đây, tôi xin được kể hai câu chuyện.

Nhân vật chính của câu chuyện đầu tiên là nhà văn người Mỹ tên Robert Ervin Howard. Ông say mê việc sáng tác tiểu thuyết, nhưng trong suốt một thời gian dài, nhiều tác phẩm ông viết liên tiếp đều bị các nhà xuất bản từ chối.

Đối mặt với đả kích này, Howard ngày đêm lo lắng không thôi, thậm chí còn chắc chắn rằng mình sẽ không thể viết ra được các tác phẩm xuất sắc nữa. Ngay khi nhận được lá thư từ chối cuối cùng, ông hoàn toàn gục ngã trước cuộc đời, kết quả ông đã trực tiếp kết thúc cuộc đời mình bằng một phát súng.

Câu chuyện còn lại là câu chuyện của nhà văn Thomas Carlyle. Khi Carlyle 40 tuổi, ông mới  viết tác phẩm đầu tiên trong cuộc đời của mình. Sau khi viết xong trang cuối cùng, ông xúc động không thôi, đến mức bản thảo vẫn chưa thu dọn xong, ông đã bỏ ra ngoài sân tản bộ để tâm trạng bình tĩnh lại.

Kết quả là sau khi ông rời khỏi phòng làm việc, một cơn gió mạnh ập đến thổi bản thảo của ông vào trong bếp lò. Khi Carlyle trở lại phòng, nhìn thấy tác phẩm của mình đã biến thành tro, ông đau đớn không thôi.

Nhưng sau khi rút kinh nghiệm đau thương, ông quyết tâm lật ngược tình thế và tiếp tục cống hiến hết mình cho những sáng tạo mới. Cuối cùng, sau khi tiếp tục làm việc chăm chỉ trong ba năm, ông đã trở nên nổi tiếng và trở thành nhà văn nổi tiếng thế giới.

Nhà văn trong câu chuyện đầu tiên rơi vào cảm giác thất bại sâu sắc, cuối cùng phải trả giá bằng mạng sống của mình; một nhà văn khác coi thất bại là trải nghiệm cuộc sống và ông đã dứt khoát xoay chuyển trải nghiệm đó để đạt được những thành tựu sau này.

Điều này làm tôi nhớ đến hai trạng thái cuộc sống được đề cập trong cuốn sách có tên “Khả năng cải thiện nghịch cảnh”: Loại người đầu tiên khi đụng phải chuyện không như ý sẽ rơi xuống đất như một quả cầu pha lê và vỡ tan thành từng mảnh. Còn loại người kia sẽ giống như một quả bóng cao su, không những không bị vỡ khi rơi xuống đất mà còn nảy lên cao hơn.

Vậy nên nói, sau khi bị những thăng trầm của cuộc đời đẩy rơi xuống đất, trái tim bạn sẽ vỡ vụn hay bật trở lại tùy thuộc vào việc chúng ta lựa chọn như thế nào.

Những người thực sự thông minh luôn biết cách tiến về phía trước và nhìn về phía trước, không để bản thân đắm chìm trong sự thất bại.

Và nếu bạn không muốn lẩn quẩn trong sự thất vọng, thì hãy nhanh chóng thoát khỏi gánh nặng tiêu hao bản thân, và chọn cho mình một thái độ sống khác “càng thất bại thì càng mạnh mẽ hơn”.

2. Đừng mãi tiếc nuối quá khứ

Có một triết gia ở Ấn Độ được một người phụ nữ vô cùng ái mộ.

Một ngày nọ, người phụ nữ mạnh dạn đến gặp vị triết gia và nói rằng cô muốn gả cho ông. Vị triết gia nói rằng hãy cho ông thời gian suy nghĩ. Kết quả là vị triết gia đã suy nghĩ suốt mười năm mới hạ quyết tâm muốn cưới người phụ nữ đó.

Lúc này, người phụ nữ sớm đã kết hôn và đã có ba đứa con. Sau khi triết gia này biết được, ông gần như đã suy sụp hoàn toàn. Hai năm sau, ông đã qua đời vì u buồn.

Trước khi chết, ông đã ném tất cả những bài viết của mình vào trong đống lửa, chỉ để lại một lời chú giải về cuộc đời như sau:

Nếu chúng ta chia cuộc đời làm hai, thì triết học cuộc đời nửa đời trước của chúng ta rất có thể chính là “không do dự”, còn triết học cuộc đời nửa đời sau của chúng ta rất có thể chính là “không hối tiếc”. 

Chúng ta phải cố gắng hết sức để nắm bắt và cứu vãn cuộc đời trước khi quá muộn. Nhưng nếu mọi chuyện đã là quá khứ, thì bạn hãy cố gắng buông bỏ và ngừng việc lấy những ký ức trong quá khứ ra để dày vò bản thân của hiện tại.

Nữ diễn viên Hồng Kông Lý Nhược Đồng ngay khi sự nghiệp đang thăng tiến đã lựa chọn dừng diễn xuất trong vòng 10 năm để một lòng chăm lo cho người đàn ông mà cô hết lòng yêu thương, nhưng tất cả những gì cô nhận được lại là công dã tràng.

Hứng chịu đả kích lớn như vậy, cô suốt ngày chìm đắm trong những cảm xúc đau khổ và ít quan tâm đến gia đình hơn.

Cũng chính trong đoạn thời gian này, bố cô bất ngờ lâm bệnh nặng, một năm sau, ông đã rời xa nhân thế.

Lý Nhược Đồng vì điều này mà ân hận không thôi, cô viết trong cuốn tự truyện "Hãy sống tốt" rằng: “Bởi vì tôi đắm chìm trong sự đau khổ của việc thất tình, nên đã không đồng hành tốt với bố mình”.

Cái chết của bố khiến cô nhận ra rằng khi một người chìm đắm trong nỗi tiếc nuối của sự mất mát, người đó sẽ bỏ lỡ cơ hội trân trọng quá nhiều thứ khác.

Trong cuộc sống luôn có những điều tiếc nuối nếu không buông bỏ kịp thời sẽ đưa đến mất mát nhiều hơn. Những người không thể quên, những điều làm không thành, quá khứ không thể quay trở lại sẽ chỉ cản trở cuộc sống hiện tại của chúng ta mà thôi.

Cuộc sống luôn phải tiến về phía trước, nếu bạn cứ nhìn lại phía sau, điều đó sẽ chỉ khiến tương lai của cuộc đời bạn lặp lại bi kịch của quá khứ.

Nhà văn Mạc Ngôn từng nói: “Cuộc đời cũng tựa như một cuốn sách, bạn lật từng trang một. Làm người nên nhìn về phía trước và tránh tưởng nhớ lại những chuyện buồn đã qua”.

Bạn càng chìm đắm trong sự hối tiếc, thì nó sẽ càng khiến bạn đau đớn hơn mà thôi.

Học cách buông bỏ, biết cách quên đi, đó mới là sự cứu rỗi tốt nhất cho chính mình.

3. Đừng lấy sự tổn thương từ người khác để trừng phạt chính mình

Có một vấn đề như vậy: “Nếu bạn vô tình bị rắn cắn khi đang đi trên đường, bạn sẽ dừng lại và xử lý vết thương trước, hay bạn sẽ dùng gậy đuổi theo con rắn và đập chết nó?”.

Thiết nghĩ rất nhiều người sẽ chọn cách xử lý đầu tiên.

Tuy nhiên, cũng tương tự như vậy, nếu đặt trong các tình huống khác của cuộc sống, rất nhiều người sẽ không chọn như vậy.

Trong cuốn tiểu thuyết “Hận thù sai trái” có câu chuyện như vậy:

Một nữ công nhân trong một nhà máy sản xuất dược liệu Trung y là Triệu Yến đã phải sống một cuộc sống rất khó khăn vì chồng mất sớm.

Khi phải vất vả để chèo chống gia đình, cô cũng gặp không ít trở ngại trong công việc. Giám đốc Điền của nhà máy đã bí mật chơi khăm cô, ông đã tăng lương cho tất cả mọi người ngoại trừ cô. Khi Triệu Yến biết được, cô đã rất tức giận. Sau đó, cô không còn tập trung vào công việc nữa, mà dành phần lớn thời gian nguyền rủa Giám đốc Điền.

Nhưng dù ngày đêm oán hận, chửi bới, điều đó cũng không ảnh hưởng gì đến Giám đốc Điền, đối phương vẫn đang sống một cuộc sống sung túc. Tuy nhiên, bản thân Triệu Yến đã bị mắc kẹt trong sự oán giận trong một thời gian dài và sức khỏe của cô ngày càng xấu đi, cuối cùng còn bị đau tim và phải nhập viện.

Nhà văn Oscar Wilde từng nói: “Nếu không buông bỏ được hận thù, bạn sẽ để gai góc đâm vào tim mình”.

Những tổn hại mà người khác gây ra cho bạn chỉ là tạm thời, nhưng nếu bạn trước sau không chịu buông bỏ, cuối cùng bạn sẽ làm tổn thương chính mình.

Học cách quên đi nỗi đau, tha thứ cho người khác, kỳ thực đây cũng là bỏ qua cho chính mình.

Nhà triết học Jacques Rousseau thời còn trẻ, vợ chưa cưới của ông đã hối hận về cuộc hôn nhân của mình và đã chọn kết hôn với một người đàn ông khác. Rousseau vì điều này mà hứng chịu đả kích nặng nề đến mức phải rời bỏ quê hương.

Nhiều năm sau, Rousseau trở nên nổi tiếng nhờ tài viết lách, áo gấm về làng. Khi bạn bè nhắc đến vị hôn thê đó, nói rằng cô ấy hiện giờ sống rất khốn khổ. Mọi người đều nghĩ rằng Rousseau sẽ vui mừng vì điều này, bởi người phản bội ông năm xưa giờ đã phải nhận sự trừng phạt thích đáng. Rousseau mỉm cười nói rằng ông đã buông bỏ từ lâu, giờ cũng đã không còn oán hận gì nữa.

Trên đời này có ai mà không từng bị tổn thương hay bị phụ lòng? Nhưng nếu lấy sự tổn hại của người khác để trừng phạt chính mình, đây thật là hành vi ngu ngốc.

Một người thực sự tỉnh táo sẽ dành thời gian cho những việc có ý nghĩa thay vì lãng phí nó vào những mối quan hệ đã cạn kiệt.

Như người ta thường nói, núi không thay đổi thì nước sẽ thay đổi, nước không thay đổi thì con người cũng sẽ thay đổi. Chỉ khi thay đổi suy nghĩ, buông bỏ những thứ cần buông bỏ, quên đi những điều cần lãng quên, bạn mới có thể sống một cuộc sống minh bạch hơn sau khi đã chữa lành những tổn thương do người khác gây ra.

Một người mà tấm lòng đủ rộng lớn, người đó sẽ không chìm đắm trong những chuyện rất chi vặt vãnh, tầm thường.

Đường đời dài đằng đẵng, chúng ta còn một chặng đường dài phía trước cần phải đi, còn rất nhiều điều cần phải trải nghiệm.

Với mọi điều tồi tệ gặp phải trên đường, nếu bạn đều giữ chặt trong lòng, thì sẽ khó mà tiến về phía trước. Vậy chi bằng hãy vứt bỏ mọi thứ rác rưởi khiến bạn cảm thấy khó chịu và rũ bỏ những cảm xúc tiêu cực đang làm ô nhiễm cơ thể và tâm trí bạn, như vậy, chúng ta có thể có được không gian để đón nhận vẻ đẹp của cuộc sống,  giúp thân tâm của mình được bình thản, an yên.

Theo Aboluowang
Thiện Quân biên dịch

Đọc tiếp