Muốn vun đắp các mối quan hệ tốt đẹp, hãy ghi nhớ 6 câu châm ngôn cổ xưa này
Để thành công trong cuộc sống, không thể lúc nào cũng chỉ làm việc một mình. Mở cửa hàng, cần có nhân viên và khách hàng; làm ruộng, cần gặp thương lái; đi làm thuê, cũng có đồng nghiệp; ngay cả khi bạn quét rác, cũng có cấp trên quản lý. Vậy câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để chúng ta có thể xây dựng mối quan hệ tốt với người khác?
Mời cơm, tặng quà là cách làm truyền thống. Nhưng ngày nay đời sống người dân được nâng cao, họ không còn quá coi trọng một bữa ăn, thậm chí bận rộn đến mức không có thời gian, từ chối các buổi tiệc tùng; quà tặng đến tay, ngược lại trở thành thứ khó xử lý. Người xưa có để lại mấy câu cổ huấn, nếu có thể hiểu và làm được thì đã tìm ra cách thức giao tiếp ứng xử.
1. Gặp ai cũng chỉ nên nói ba phần lời, chớ vội trao trọn cả tấm lòng
Ít nói, kiệm lời, im lặng là vàng. Trong một tập thể, nhiều người thường mắc sai lầm là "vội vàng thể hiện bản thân", lại còn nói to. Họ cho rằng quan điểm của mình độc đáo, sẽ thu hút sự chú ý của người khác; chủ động phát biểu, nịnh nọt vài câu sẽ kéo gần mối quan hệ; bộc lộ tâm tư sẽ thể hiện sự nhiệt tình... Nhưng tất cả những điều này chỉ là suy nghĩ chủ quan của bạn.
Hãy quan sát những cuộc họp lớn, bạn sẽ phát hiện ra rằng người phát biểu cuối cùng thường là bậc trưởng bối đáng kính. Họ có thể dựa trên những thảo luận trước đó, đưa ra quan điểm rõ ràng, nhận được sự đồng tình của mọi người. Hãy thử nghĩ xem, nếu bạn nghe thấy tiếng quạ kêu không ngừng bên tai, tiếng dế kêu không ngớt ở góc nhà, bạn có cảm thấy khó chịu không? Nghe một đám người huyên thuyên cũng giống như vậy.
Tục ngữ có câu: "Muối nhiều thì mặn, lời nhiều thì phiền". Muốn để lại ấn tượng tốt cho người khác, vậy thì hãy nói ít đi một chút, đồng thời lịch sự lắng nghe người khác. Càng không nên phơi bày tất cả, chuyện nhà, chuyện riêng của bạn, người khác có thể chẳng quan tâm. Lời nói ít đi, thời gian suy nghĩ nhiều hơn, cách đối nhân xử thế cũng sẽ trở nên tao nhã, ung dung hơn.
2. Nghèo ở chợ đông không ai hỏi, giàu trong núi thẳm vẫn có bạn
Hãy bớt trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác, tập trung vào việc nâng cao bản thân mình. Nhiều người thấy họ hàng mang quà đến thăm nhà giàu mà không phải mình, liền sinh lòng oán trách.
Thực ra, không cần phải như vậy, hành động của họ hàng chỉ ra một điều - quan hệ giữa người với người, phần lớn là sự trao đổi giá trị. Nếu bạn không có giá trị, dù có tặng quà cho người khác cũng vô ích, mời người ta ăn cơm, người ta cũng có thể không đến.
Nếu bạn có giá trị, tự nhiên sẽ có người tìm đến bạn, cũng sẽ có những mối quan hệ cùng có lợi. Nếu bạn muốn được mọi người săn đón, hãy trở thành mặt trời, tràn đầy năng lượng tích cực, mang đến ánh sáng cho mọi người; nếu bạn muốn được mọi người yêu mến, hãy trở thành bông hoa, tỏa hương thơm ngát.
Khi thấy những người có quan hệ tốt, được nhiều người yêu quý, bạn đừng ghen tị và thù ghét, mà hãy quan sát xem họ có những điểm mạnh nào đáng để bạn học hỏi.
Hãy tiếp thu trí tuệ từ những người xuất sắc, rồi nâng cao bản thân. Khi đó, bạn cũng sẽ trở thành người xuất sắc, tự nhiên có được những mối quan hệ xã hội tốt đẹp. Đọc sách, chăm chỉ làm việc, kiếm tiền, vun vén gia đình, đều có thể là nền tảng cho các mối quan hệ xã hội.
3. Thường đem lúc có nghĩ lúc không, chớ đem lúc không làm lúc có
"Lạnh miếu thắp hương" - vun đắp quan hệ trước khi cần. Nhiều người có thói quen như thế này: khi một người họ hàng nào đó được thăng chức, liền vội vàng mang quà đến thăm hỏi; khi một người bạn nào đó phát tài, liền lập tức liên lạc và mời ăn uống, mong muốn có thể "hưởng ké". Tuy nhiên, khi người khác đã thành công, vượt xa bạn một khoảng lớn, bạn mới bắt đầu giao thiệp, mối quan hệ này sẽ không bình đẳng, đối phương thậm chí sẽ cho rằng bạn "quá thực dụng".
Cuộc đời mỗi người không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, có lúc ở thung lũng, cũng có lúc trên đỉnh cao. Người thông minh, khi ở đỉnh cao sẽ suy nghĩ cách ứng phó khi xuống dốc; khi ở thung lũng, sẽ lên kế hoạch làm sao để làm giàu, bước lên đỉnh cao. Trong "Hoàng Đế Nội Kinh" có câu: "Giống như lúc khát mới đào giếng, lúc đánh nhau mới đúc giáo, chẳng phải đã quá muộn sao!". Đợi đến khi người khác đã đạt đến đỉnh cao, bạn mới đi nịnh bợ, thì đã quá muộn rồi. Bạn chẳng khác nào đang "đào giếng lúc khát".
Cách thức giao tiếp tốt đẹp, chính là "lạnh miếu thắp hương". Có nghĩa là, khi người khác gặp khó khăn, bạn hãy đưa tay giúp đỡ, dù chỉ là vài lời động viên khích lệ. Sự ấm áp của bạn, sẽ khiến đối phương vô cùng cảm động. Khi người khác có được tất cả, tự nhiên sẽ nhớ đến sự giúp đỡ và khích lệ của bạn trước đây, mối quan hệ này mới có thể duy trì lâu dài.
Ví dụ, một người họ hàng nghèo muốn đi làm ăn xa, đến tiền xe cũng lo lắng. Bạn giúp đỡ họ một ít tiền lộ phí. Đợi đến khi người họ hàng đó phát đạt, bạn sẽ trở thành ân nhân của họ. Cách thức giao thiệp dựa vào quyền thế đã lỗi thời rồi, hơn nữa thường bị những người thực sự có thành tựu chán ghét, chi bằng "lạnh miếu thắp hương".
4. Gặp nhau cứ như lần đầu mới quen, đến già cũng chẳng hề có lòng oán hận
Trong giao tiếp giữa người với người, hãy giữ trạng thái tốt đẹp ban đầu, duy trì thiện cảm với nhau ở một mức độ nhất định. Tránh giao tiếp quá nhiều và quá thân thiết, để không gây ra sự phản cảm. Nên nhớ rằng, quân tử chi giao đạm như nước.
Ví dụ: Sáng sớm bạn gặp một người quen, hai người chào hỏi nhau "Chào buổi sáng" và cảm thấy vui vẻ. Nhưng nếu cả ngày bạn gặp người quen đó nhiều lần, từ chào hỏi buổi sáng, ăn trưa cùng nhau, gặp gỡ tình cờ vào buổi tối, thậm chí gặp lại ở hành lang vào ban đêm, thì sẽ có chút "ngượng ngùng".
Giữ khoảng cách thích hợp với những người cần giao tiếp: Thỉnh thoảng hỏi thăm, xem có cần giúp đỡ gì không; vào dịp lễ Tết nên đến thăm hỏi để thể hiện sự lịch sự. Đừng hỏi quá nhiều về tình hình gia đình của đối phương.
Khổng Xuyên, cháu đời thứ bảy của Khổng Tử, đã từng gặp nhà biện luận Công Tôn Long. Công Tôn Long thao thao bất tuyệt trình bày luận điểm "Bạch mã phi mã" của mình, đồng thời lấy ví dụ người hầu có ba cái tai, còn phân tích một phen về học thuyết của Khổng Tử. Khổng Xuyên không phản bác, chỉ lặng lẽ đứng dậy bỏ đi. Ngày hôm sau, Khổng Xuyên mới nói với Bình Nguyên Quân rằng: "Người có ba cái tai, đó là sự thật sao?". Sự nhiệt tình của Công Tôn Long cuối cùng khiến người ta phản cảm, chi bằng cứ giữ ở trạng thái "ngưỡng mộ đại danh" thì hơn.
Giữa người với người, điều đau lòng nhất là ở nơi bạn cho rằng mình nên nhận được thiện ý và tình bạn, thì lại gặp phải phiền não. Chi bằng cứ giữ sự lạnh nhạt, để việc gặp gỡ chia ly thuận theo tự nhiên.
5. Quân tử chi giao đạm như thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ
Dịch nghĩa: Giao tình của người quân tử nhạt như nước, giao tình của kẻ tiểu nhân ngọt như rượu. Câu này khuyên chúng ta nên giữ khoảng cách, tôn trọng sự riêng tư trong các mối quan hệ. Trong cuộc sống, chúng ta gặp gỡ nhiều kiểu người, có người thích gần gũi, có người lại muốn giữ khoảng cách. Với những người thích gần gũi, ta nên tỏ ra nhiệt tình vừa phải, tránh can thiệp quá sâu vào đời tư của họ. Còn với những người thích giữ khoảng cách, ta nên tôn trọng sự lựa chọn của họ, không nên ép buộc.
Giống như nước, có thể nuôi dưỡng vạn vật nhưng không xâm chiếm bất cứ không gian nào. Tình bạn giữa những người quân tử cũng vậy, có thể hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau nhưng không tạo áp lực cho đối phương. Ngược lại, tình bạn giữa những kẻ tiểu nhân giống như rượu ngọt, ban đầu thì ngọt ngào nhưng lâu dần sẽ biến chất, cuối cùng có thể làm tổn thương nhau.
Vì vậy, trong các mối quan hệ, chúng ta nên học cách giữ khoảng cách phù hợp, tôn trọng sự riêng tư của người khác, như vậy mới có thể xây dựng được mối quan hệ lâu dài và hài hòa.
6. Nói lời phải giữ lấy lời, hứa việc phải làm cho trọn
Chân thành là gốc, lời nói đi đôi với việc làm. Trong giao tiếp giữa người với người, chân thành là nguyên tắc cơ bản nhất. Chúng ta nên làm được điều mình nói, nói được điều mình làm, như vậy mới có thể giành được sự tin tưởng của người khác. Nếu một người luôn nói mà không giữ lời, thì người đó sẽ nhanh chóng mất đi bạn bè và đối tác.
Chân thành không chỉ là một lời hứa với người khác, mà còn là một yêu cầu đối với bản thân. Lời nói đi đôi với việc làm, có nghĩa là hành vi của chúng ta phải phù hợp với lời nói của chúng ta, không thể nói một đằng làm một nẻo. Thông qua sự chân thành và lời nói đi đôi với việc làm, chúng ta có thể xây dựng hình ảnh tốt đẹp trong giao tiếp giữa người với người, thiết lập mối quan hệ tin cậy lâu dài.
Giao tiếp là một kỹ năng sống, cần phải học hỏi và có kế hoạch lâu dài. Làm người, vừa phải chia sẻ lợi ích với người khác, vừa không được xu nịnh a dua; Vừa phải giao tiếp, vừa không được lấn át người khác;
Vừa phải hưởng thụ ẩm thực, vừa không cần thiết phải tham gia vào những bữa tiệc phức tạp; Vừa phải sẵn lòng giúp đỡ người khác, vừa không được làm thay việc của người khác. Vừa phải kết giao sâu sắc, vừa phải giữ khoảng cách; Vừa phải nói được làm được, vừa phải làm cho đến nơi đến chốn.
Học hỏi từ những lời dạy bảo của người xưa, có thể giảm bớt những lối đi quanh co, thấu hiểu được xu hướng phát triển của tình người và việc đời.
Ít nói nhiều nghe, nâng cao bản thân, chú trọng lâu dài, giữ khoảng cách thích hợp, lời nói và hành động vừa phải, ngược lại có thể duy trì mối quan hệ giữa người với người tốt hơn.
Theo 163.com
Minh Nguyệt