Mỹ công bố lệnh trừng phạt mới đối với Nga, viện trợ thêm cho Ukraine

Mỹ công bố lệnh trừng phạt mới đối với Nga, viện trợ thêm cho Ukraine
Ngày 23 tháng 8 năm 2024, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với hàng trăm công ty và tổ chức tài chính bị cáo buộc hỗ trợ cuộc chiến của Nga với Ukraine. (Ảnh: dẫn theo AP)

Ngày 23/8, Mỹ đã công bố một loạt lệnh trừng phạt lớn đối với Nga, trong khi Tổng thống Joe Biden công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine giữa lúc giao tranh tăng nhiệt trên các mặt trận.

Các lệnh trừng phạt từ Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ đã ảnh hưởng đến gần 400 cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước Nga. Bộ Tài chính Mỹ cho biết "động thái này cũng nhắm tới các công ty công nghệ tài chính của Nga cung cấp phần mềm và giải pháp CNTT cần thiết cho ngành tài chính của Nga".

Đồng thời, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết "đang nhắm mục tiêu vào các thực thể và cá nhân có liên quan đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu năng lượng, kim loại và khai khoáng trong tương lai của Nga".

Mỹ viện trợ thêm vũ khí cho Ukraine

Theo thông báo của Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 23/8, Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ sự ủng hộ vững chắc của Mỹ với người dân Ukraine, đồng thời khẳng định rằng Ukraine sẽ vẫn là một "quốc gia tự do, có chủ quyền và độc lập".

Ông Biden cũng cho biết, Mỹ sẽ công bố một gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine. "Gói viện trợ này bao gồm tên lửa phòng không để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine; thiết bị chống máy bay không người lái và tên lửa chống tăng để chống lại các chiến thuật đang thay đổi của Nga trên chiến trường; cũng như đạn dược cho binh lính tiền tuyến và hệ thống tên lửa di động bảo vệ họ", ông Biden nói.

Tổng thống Zelensky hoan nghênh gói viện trợ quân sự mới của Mỹ, đồng thời cho biết Ukraine cần vũ khí mới "khẩn cấp".

"Tôi hoan nghênh gói viện trợ quân sự mới của Mỹ và nhấn mạnh rằng Ukraine cần các gói viện trợ được chuyển giao nhanh chóng, đặc biệt là các hệ thống phòng không bổ sung, để bảo vệ các thành phố, khu dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi", ông Zelensky cho biết.

Mỹ là quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra cách đây hơn 2 năm. Gói viện trợ mới của Mỹ được công bố trong bối cảnh các cuộc giao tranh khốc liệt đang nổ ra ở vùng Kursk của Nga và mặt trận miền Đông Ukraine.

Moscow cũng cảnh báo cứng rắn việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga.

Nga cáo buộc Ukraine đã phá hủy ít nhất 3 cây cầu bắc qua sông Seym khi lực lượng Kiev tiến công ở Kursk. Ukraine tuyên bố kiểm soát hơn 1.000km2 lãnh thổ Nga sau hơn 2 tuần đột kích qua biên giới.

Tư lệnh Không quân Ukraine Mykola Oleshchuk ngày 22/8 xác nhận Không quân Ukraine đã dùng bom lượn GBU-39 của Mỹ để tập kích cầu phao ở Kursk.

Trước đó, hôm 21/8, Lực lượng tác chiến đặc nhiệm của Ukraine cũng xác nhận đã phá hủy các cây cầu ở Kursk bằng vũ khí do Mỹ sản xuất, trong đó có hệ thống tên lửa HIMARS.

Khi được yêu cầu bình luận về việc lực lượng Ukraine sử dụng vũ khí do Washington cung cấp trong cuộc đột kích vào vùng Kursk của Nga, Phó Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh tuyên bố "chính sách của Mỹ cho phép Ukraine tiến hành phản công, để tự vệ trước các cuộc tấn công của Nga qua khu vực biên giới đó".

Trong cuộc phỏng vấn với Channel One hôm 22/8, khi được hỏi liệu có lý do gì để tin rằng Mỹ đã được thông báo trước về kế hoạch của Ukraine nhằm tấn công vùng biên giới Nga, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết ông "hoàn toàn tin tưởng" rằng Kiev đã được Washington chấp thuận từ trước cho mọi hành động của mình.

Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) cáo buộc các nước NATO, trong đó có Mỹ, đã giúp Ukraine lên kế hoạch và thực hiện cuộc đột kích vào vùng Kursk.

Tùng Anh
Theo Reuters. VOA

Đọc tiếp