Mỹ - Trung sẵn sàng cho chiến tranh ở eo biển Đài Loan vào năm tới?

Mỹ - Trung sẵn sàng cho chiến tranh ở eo biển Đài Loan vào năm tới?
Mỹ - Trung sẵn sàng cho chiến tranh ở eo biển Đài Loan vào năm tới? (Ảnh chụp màn hình youtube của ntdtv.com)

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn được biết đến với tên Đối thoại Shangri-La (SLD) lần thứ 21 với sự tham dự của hơn 20 quốc gia đã được tổ chức tại Singapore vào ngày 2/6. Trọng tâm của cuộc đối thoại này vẫn là hai nước Hoa Kỳ và Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và Trung Quốc đã hội đàm trong cuộc họp, nhưng lập trường của hai bên lại khác xa nhau, thậm chí còn có sự đối đầu. 

Trước hiện trạng quốc tế ngày càng phức tạp, đặc biệt là tình hình eo biển Đài Loan ngày càng căng thẳng, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều hiểu rõ tình hình châu Á - Thái Bình Dương ra sao? Hai bên đã có kế hoạch và sự chuẩn bị gì? Trong hai năm tới, liệu Trung Quốc có phát động chiến tranh khắp eo biển Đài Loan không? 

Bắc Kinh đưa ra lời lẽ gay gắt tại Hội nghị Shangri-La 

Cựu trung tá Hải quân Trung Quốc là ông Diêu Thành, cho biết trong chương trình “Tinh Anh Luận Đàm”  rằng xu hướng nguy hiểm của chiến tranh ở eo biển Đài Loan ngày càng trở nên nghiêm trọng. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc là ông Đổng Quân, đã có bài phát biểu rất mạnh mẽ tại Đối thoại Shangri-La, đặc biệt là về eo biển Đài Loan. Ông Đổng tuyên bố rằng việc Đài Loan ly khai sẽ không được như ý muốn. Các tướng lĩnh tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc và một số người khác cũng nói như vậy, chúng ta có thể thấy được những móng vuốt sắc nhọn của Bắc Kinh trong câu nói này.

Ông Diêu cho biết, gần đây ông đang thực hiện nghiên cứu trong lĩnh vực này và ông đã nhận được một số thông tin hữu ích và đáng tin cậy. Theo ông, Quân ủy Trung ương tiến hành nghiên cứu về việc thống nhất quân sự Đài Loan từ năm 2019, Trung Quốc sẽ một loạt hành động nhằm tấn công Đài Loan từ cả hai đầu là Đài Bắc và Cao Hùng. Kế hoạch của họ chính là tập trung lực lượng đánh chiếm Đài Bắc, sau khi chiếm được Cao Hùng, họ sẽ thành lập Chính quyền tỉnh Đài Loan tại Đài Bắc, chuyển Chính phủ lâm thời từ Phúc Kiến sang và tiếp tục nắm quyền kiểm soát thực tế. 

Kế hoạch xâm chiếm Đài Loan này đã có từ năm 2019. Bước đầu tiên chính là phải đến đúng giờ để phối hợp tác chiến, vì nguyên tắc đầu tiên của hoạt động tác chiến phối hợp chính là phải đến đúng giờ, và lần này họ đã làm được điểm này. Điểm thứ hai  là đã tăng thêm hai cứ điểm mới là Nghi Lan và Liên Hoa ở Đài Loan, phải nói là sửa đổi kế hoạch tác chiến ban đầu, vì hiện tại họ cân nhắc đến việc lực lượng liên minh Mỹ-Nhật có thể đổ bộ, cuộc đổ bộ này không thể thực hiện ở bên này của eo biển Đài Loan. Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ đổ bộ ở phía đông. Phía đông có hai cảng có thể đổ bộ, một là cảng Tô Áo ở Nghi Lan, và một cảng nữa chính là Hoa Liên. Do vậy, năm nay hai địa bàn diễn tập rất gần nhau. Đây là sự điều chỉnh trong kế hoạch tác chiến năm 2019.

Ông Diêu cho rằng kế hoạch xâm chiếm Đài Loan của Bắc Kinh về cơ bản được chia thành ba bước. Đầu tiên là phong tỏa Đài Loan tạo thành áp lực khủng bố, sau đó không ngừng thu hẹp không gian của Đài Loan và để Đài Loan nổ phát súng đầu tiên. Sau khi Đài Loan nổ phát súng đầu tiên, TQ có thể cao giọng hô hào với người dân trong nước rằng Đài Loan đã nổ phát súng đầu tiên, và họ  cũng có thể nói với quốc tế rằng Đài Loan đã nổ phát súng đầu tiên, sau đó tiếp tục xô xát và tấn công. Giai đoạn thứ hai chính là pháo kích với bệ phóng tên lửa tầm xa, máy bay không người lái và tên lửa nhằm tiêu diệt các cơ sở quân sự ở Đài Loan, đặc biệt là ở phía bắc và phía nam. Giai đoạn thứ ba là tác chiến đổ bộ.

Bài phát biểu lần này của ông Đổng Quân có ý nghĩa rất quan trọng, bởi vì trước khi đánh trận thì đầu tiên phải có một cuộc Tổng động viên. Đặc biệt khi quân đội, người dân và thậm chí cả nội bộ chính quyền TQ chưa thật sự đoàn kết lắm, thì việc thống nhất tư tưởng là rất quan trọng. Mà bài phát biểu này của ông Đổng, trên thực tế chính là một khâu quan trọng trong việc động viên chiến tranh. Ông ta đang nói cho người dân Trung Quốc nghe.

Phần thứ hai của công tác chuẩn bị trước chiến tranh là trang bị hệ thống chỉ huy, tức là thành lập đội tình huống chiến đấu. Sau Phiên họp toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương TQ khóa 20, Quân ủy Trung ương đã có những điều chỉnh lớn. Trận chiến ở eo biển Đài Loan phải do hải quân tiến hành. 

Hiện tại chúng ta thấy trong Quân ủy không có một người nào của Hải quân cả, Tổng tư lệnh vẫn chưa có người của Hải quân. Những ngày gần đây, khi chúng ta nhìn vào Hải quân, thì thấy một số người đang chuẩn bị được điều động đến Bắc Kinh. Điều này có nghĩa là sau Phiên họp toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương TQ khóa 20, đội tình huống chiến tranh phải được trang bị đầy đủ, sẵn sàng và mạnh mẽ, bởi vì cuộc chiến trong tương lai sẽ là một cuộc tác chiến liên hợp với nhiều quân chủng và vũ khí; nếu không có đội chỉ huy thật sự lớn mạnh và chuyên nghiệp, đó là điều không thể. 

Vì vậy, mọi người có lẽ đã thấy rằng việc huy động chiến tranh đã bắt đầu, và bước tiếp theo sẽ là chuẩn bị các đội tình huống chiến tranh sau khi Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương kết thúc. Đây thực sự là lúc phải hành động chống lại Đài Loan.

Chính sách cứng rắn của Bắc Kinh khiến nhiều nước tăng cường liên minh

Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns đã công khai tuyên bố rằng Mỹ ủng hộ cạnh tranh hòa bình với Trung Quốc và tránh tranh chấp trong các cuộc cạnh tranh trong tương lai, nhưng chính sách ngày càng “hung hăng” của nước này đang khiến nhiều quốc gia lựa chọn tăng cường liên minh với Mỹ. Ông cho biết mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã “trở lại một số trạng thái bình thường”, nhưng sự liên lạc đó vẫn cần thiết để quản lý mối quan hệ cạnh tranh chiến lược lâu dài này.

Tờ South China Morning Post (SCMP) của Hồng Kông đưa tin, ông Nicholas Burns, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, khi tham dự một sự kiện đối thoại do Hiệp hội Châu Á (Asia Society) tổ chức cho ông vào hôm thứ Năm tuần trước (ngày 6/6) đã công khai tuyên bố rằng Mỹ hạn chế xuất khẩu các công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc là để phản ứng trước hành vi ngày càng “hung hăng” của Bắc Kinh, đặc biệt là thái độ với các nước láng giềng.

Ông Burns cho biết quyết định hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc các chất bán dẫn tiên tiến, bộ xử lý trí tuệ nhân tạo, thiết bị sản xuất chất bán dẫn và một số máy tính xách tay xuất phát từ đánh giá của Washington rằng Bắc Kinh có thể quân sự hóa các công nghệ này. Ông trích dẫn các hành động hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, bao gồm việc cải lấp biển và tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, là ví dụ về cái gọi là thái độ cứng rắn này.

Ông Burns nói: “Chúng tôi lo lắng về việc các nước láng giềng của chúng tôi ở Biển Đông và Biển Hoa Đông bị Trung Quốc bắt nạt”. Ông cũng nói thêm rằng không dễ để hiểu được động cơ đằng sau các chính sách cứng rắn của Bắc Kinh, cũng như xu hướng phát triển trong tương lai của họ. “Nhưng chúng ta đang chứng kiến ​​sự hung hăng tiếp tục diễn ra.”

Ông Burns chỉ ra rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc ngày càng thu hút sự chú ý của nhiều nước, không chỉ Mỹ mà còn cả Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Ông đặt ra câu hỏi về kiểu hành xử của Bắc Kinh khiến nhiều nước tức giận, bởi vì nó dường như đi ngược lại lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Ông cũng cho rằng sự tự tin của Trung Quốc vào sức mạnh của chính mình có thể là một yếu tố.

Đại sứ Mỹ nhớ lại thời kỳ Trung Quốc hợp tác với Mỹ trong các vấn đề quốc tế, chẳng hạn như việc Trung Quốc gia nhập WTO, các biện pháp trừng phạt đối với Iran và phản đối các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, ông nói mọi thứ hiện đã thay đổi và thái độ của Trung Quốc cũng đã thay đổi.

Ông Burns tin rằng các cơ hội hợp tác hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc không còn như trước nữa và điều này có liên quan đến những thay đổi trong ban lãnh đạo của Trung Quốc. “Nếu bạn nhìn khắp thế giới, Trung Quốc vào năm 2024 đang hành xử hoàn toàn khác, hung hăng, coi thường một số nước láng giềng và đàn áp nhiều hơn ở trong nước.”

Về vấn đề Đài Loan, ông Burns cho rằng “Chính sách Một Trung Quốc” của Mỹ không thay đổi kể từ khi nó được đưa ra vào năm 1972 và Mỹ vẫn tuân thủ chính sách này, “Vì vậy, một số quan điểm cho rằng hành động của Mỹ đã làm hiện ra những thái độ khác nhau của Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ lại ngược lại.”

Ông chỉ ra rằng một chính sách “phá hoại” khác là việc Trung Quốc hỗ trợ Nga xâm chiếm cơ sở công nghiệp của Ukraine. Chính sự hỗ trợ của Bắc Kinh đã kích hoạt cơ chế trừng phạt của Mỹ và cũng khiến Mỹ và Liên minh châu Âu xích lại gần nhau hơn.

Mặc dù thừa nhận sự khác biệt giữa hai nước, nhưng ông Burns nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại để giảm bớt căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông nói: “Trong tương lai, điều quan trọng là chúng ta phải làm mọi thứ có thể để giảm thiểu khả năng hoặc tỷ lệ xảy ra xung đột”.

Đại sứ Burns đã bị gián đoạn 2 lần trong 3 phút khi chỉ trích nhận thức về sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga tại sự kiện này. Trong video về sự kiện không thể nghe rõ người phụ nữ bên dưới khán đài đang nói gì. Ông Burns sau đó nói: “Mọi người đều có quyền có quan điểm khác nhau, và chúng tôi yêu thích nước Mỹ ở điểm này, mọi người có thể đứng lên và bày tỏ những ý kiến ​​​​khác nhau trong một cuộc họp như thế này, vì vậy tôi không nghĩ điều đó là tiêu cực.”

Cuối hội nghị, ông Burns chia sẻ rằng Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc có một tài khoản công khai trên mạng xã hội Trung Quốc. Khi chia sẻ một số nội dung về chính sách của Hoa Kỳ, các bài phát biểu của quan chức và các cuộc phỏng vấn người nổi tiếng, nội dung này thường bị “tường lửa mạng” của Trung Quốc kiểm duyệt và không thể đăng lên được. “Chúng tôi chỉ muốn thể hiện khía cạnh dân chủ, tự do ngôn luận và sự đối đầu giữa các ý tưởng của Mỹ,” ông Burns nói, “Rõ ràng, ở Trung Quốc, điều này không xảy ra”.

Giữa hai làn sóng

Đánh giá từ Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Australia, “Cuộc đối đầu thường niên ở Singapore giữa các bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc và Mỹ đã có ít tiếng gầm gừ hơn một chút, nhưng lại có phần gay gắt hơn”.

Trên bề mặt, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bắt đầu với câu nói quen thuộc trong quan hệ với Trung Quốc: “Đối thoại không phải là phần thưởng; đó là một điều cần thiết”. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific), nêu bật những tiến triển đạt được trong việc tăng cường an ninh, ổn định và tương lai của khu vực. Ông cũng khẳng định cam kết của Mỹ đối với sự tăng trưởng và thịnh vượng của khu vực, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu hợp tác trong việc giải quyết các thách thức an ninh và đầu tư vào các năng lực thúc đẩy an ninh và ổn định lâu dài. "Bất chấp những cuộc đụng độ lịch sử ở châu Âu và Trung Đông, Indo-Pacific vẫn là nơi hoạt động ưu tiên của chúng tôi", ông nói.

Đồng thời, ông Austin nêu bật Chiến lược hội tụ mới của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo đó tập hợp các quốc gia xung quanh các nguyên tắc và giá trị chung để đối phó với các mối đe dọa và thách thức, từ biến đổi khí hậu đến bóng ma của bệnh dịch, từ mối nguy hiểm hạt nhân đến chủ nghĩa khủng bố và bất ổn ở Trung Đông... Theo ông, mô hình “trung tâm và nan hoa” cho an ninh tại Indo-Pacific giờ đây sẽ được thay thế bằng “sự hội tụ mới” của “tập hợp các sáng kiến và thể chế bổ sung cho nhau, được thúc đẩy bởi một tầm nhìn chung và ý thức chung về nghĩa vụ chung”.

Nhưng, trong sâu thẳm, thông điệp năm nay của người đứng đầu Lầu Năm Góc bị giới quan sát đánh giá là dừng lại ở mức độ trấn an vừa đủ, không có quá nhiều điểm đột phá đáng chú ý, đặc biệt là khi đặt vào bối cảnh tình hình Biển Đông cũng như biển Hoa Đông đang có nhiều biến chuyển đáng lo ngại. Điều đó là bởi, như chính ông thổ lộ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã có cuộc gặp riêng với người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân và “Washington không muốn có quan hệ gây tranh cãi với Bắc Kinh”. Thực ra, theo The Strategist, chuyện hai bộ trưởng quốc phòng của hai đại cường đã có cuộc gặp riêng kéo dài 75 phút có thể xem là “những bước tiến nhỏ”.

Tuy nhiên, kể cả như vậy, những phản ứng dành cho bài phát biểu của Bộ trưởng Lloyd Austin, từ phía đoàn Trung Quốc, cũng vẫn mang màu sắc “đanh thép” và “cáu kỉnh”, cho dù là phiếm chỉ. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không cho phép chủ nghĩa bá quyền làm suy yếu lợi ích của châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ ai mang xung đột địa chính trị hoặc bất kỳ cuộc chiến tranh nào, dù nóng hay lạnh, đến khu vực của chúng tôi”. Không để ai cần phải suy diễn, ông nhấn mạnh: “Ai dám tách Đài Loan khỏi Trung Quốc sẽ bị nghiền nát!”.

Có một thực tế không ai, không quốc gia nào trong khu vực có thể né tránh: Nước Mỹ, kể từ đầu thiên niên kỷ mới, đã xem Trung Quốc chính là đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu. Do đó, mọi nỗ lực “xoay trục” về châu Á - Thái Bình Dương (gần đây được mở rộng thành Indo-Pacific) của Washington là không thể đảo ngược. Nghĩa là, màn so kè giữa hai cường quốc này vẫn sẽ còn tiếp diễn, với hệ lụy tất yếu là sự xuất hiện thêm nhiều những “vùng xám” phức tạp.

Việc giảm leo thang căng thẳng giữa các siêu cường lại là điều đa số các quốc gia trong khu vực mong đợi, để tiếp tục phát triển, hướng tới hòa bình, ổn định, thịnh vượng... Song, không chỉ vậy, còn có những kịch bản dù cực kỳ u ám, nhưng vẫn được thực tế đặt ra, như cách The Strategist dẫn lời nhà phân tích hàng đầu của Jakarta - Dewi Fortuna Anwar: “Nếu Washington và Bắc Kinh lại đàm phán chặt chẽ với nhau, đồng thời thực hiện các chính sách cưỡng chế ở Biển Đông, thì cơ chế quản lý việc này sẽ là như thế nào? Bởi vì, chúng tôi cũng lo lắng: Nếu các bạn (nghĩa là các đại cường) quá thân mật, chúng tôi cũng sẽ bị giẫm đạp”.

Đó thật sự là câu hỏi chưa thể được trả lời, ít nhất là trong hiện tại. Tuy vậy, điều tích cực là nó đã được nói lên ở diễn đàn quân sự quốc tế quan trọng này, đại diện cho tâm tư bất an của không ít nước nhỏ, trước nguy cơ bị cuốn vào những cuộc “tranh bá đồ vương”, trên tiến trình tái định hình một trật tự thế giới mới.

Và, ít nhất, khi những quan điểm đa chiều được bộc lộ rõ ràng, việc biết được rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xem “Xung đột hay chiến tranh với Trung Quốc không phải là điều không thể tránh khỏi”, cũng như chuyện các cuộc đối thoại giữa hai thế lực toàn cầu vẫn có nhiều cơ hội tiếp diễn, sẽ là những dữ liệu định hướng quý báu, cho công tác hoạch định chính sách của bất cứ quốc gia nào.

Mỹ - Trung sẵn sàng đối đầu ở eo biển Đài Loan

Theo ông Thạch Sơn - Biên tập viên cao cấp kiêm Tổng biên tập của Thời báo Epoch Times, thì trên thực tế, tại Đối thoại An ninh Shangri-La lần này, tất cả những thứ khác đều không đáng bận tâm, thậm chí cả cuộc chiến Nga-Ukraine cũng không đáng quan tâm đến như vậy. Ông Thạch cho rằng trọng tâm của vấn đề hiện nay ngày càng chuyển sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, eo biển Đài Loan và Biển Đông, mà chủ yếu vẫn là eo biển Đài Loan. Vì vậy, lần này Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ là ông Lloyd Austin đã nói một câu. Ông Austin nói rằng chỉ khi khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an toàn, thì Hoa Kỳ mới có thể an toàn. Điều này rất thú vị khi ông đã hoàn toàn kết nối an ninh quốc gia của Mỹ với an ninh của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, kỳ thực chính là an ninh ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Điều này cho thấy mức độ coi trọng của Mỹ đối với khu vực này đã vượt xa những nơi khác, và thậm chí hơn cả Châu Âu. Trước đó, một số báo cáo của Mỹ cho rằng thời điểm nguy hiểm nhất ở eo biển Đài Loan có thể là từ năm 2027 đến năm 2030.

Phóng viên cấp cao của Thời báo Epoch Times ở Washington là ông Terry Wu, cho biết rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã chính thức được triển khai dưới thời cựu Tổng thống Trump kể từ năm 2019. Chính quyền Biden hiện tại cũng rất coi trọng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Vào tháng 2 năm 2022, chính quyền Biden đã phát động chiến lược đặc biệt dành cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tất nhiên, hai tuần sau, Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Vì vậy, lần này ông Austin cũng đề cập rằng an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là cốt lõi trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ và là khu vực tác chiến ưu tiên của an ninh Mỹ.

Theo ông Terry Wu, liên minh mà Hoa Kỳ hiện đang hình thành ở châu Á-Thái Bình Dương chưa phải là một liên minh toàn cầu chống lại Trung Quốc, nhưng thực sự có một nhóm của các quốc gia đã xác nhận rằng nếu phải lựa chọn thì họ sẽ ưu tiên chọn Hoa Kỳ thay vì chọn Trung Quốc. Do vậy, đối với Bắc Kinh mà nói, đây đã là một vấn đề rất lớn. Trên thực tế, lần này Bắc Kinh đã cảm nhận được cuộc khủng hoảng về phương diện này, vậy nên mới có một số quan chức của họ đã công khai đưa ra câu hỏi với ông Austin rằng: Liệu Hoa Kỳ có đang xây dựng NATO ở châu Á-Thái Bình Dương không?

Chính quyền Trump và chính quyền Biden nhất quán trong chiến lược đối với Trung Quốc. Hiện tại, có nhiều sự đồng thuận hơn rằng, Hoa Kỳ phải ưu tiên đối phó với TQ chứ không phải châu Âu. Israel về cơ bản đã có thể chiến đấu độc lập với Hamas, còn Ukraine thì đã có sự hỗ trợ của NATO, một quan chức cấp cao từng làm việc trong Bộ Quốc phòng nhiều năm cho biết rằng, nếu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương xảy ra chuyện, và TQ phát động cuộc chiến chống lại Đài Loan, thì Mỹ nhất định phải là quốc gia đi đầu. Sẽ không có quốc gia nào khác đứng ra ủng hộ bàn cờ đó, vì vậy không thể bỏ qua trách nhiệm của Mỹ trong vấn đề này.

Ông Terry Wu cho biết, điều mà mọi người hiện đang lo lắng là ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đã bị thu hẹp mạnh. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng năm 2022, 90% tên lửa đến từ ba nguồn, và để giảm chi phí, các công ty này hiện đang áp dụng mô thức sản xuất theo thời gian thực, về cơ bản giảm lượng tồn kho xuống mức tối thiểu. 

Hơn nữa, hiện giờ có rất nhiều nguyên liệu thô trong ngành công nghiệp quốc phòng, ví như chuỗi cung ứng kim loại quý, đều do Trung Quốc kiểm soát. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Vì vậy, vào tháng 1 năm nay, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ lần đầu tiên ban hành chiến lược công nghiệp quốc phòng, muốn tăng cường ngành sản xuất quốc phòng bản địa. 

Trong Đối thoại An ninh Shangri-La, Mỹ cũng tuyên bố trọng tâm của họ là tăng cường hợp tác với ngành công nghiệp quốc phòng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm hợp tác với Nhật Bản và Úc về kiến ​​trúc chống tên lửa, cùng sản xuất động cơ máy bay chiến đấu với Ấn Độ, v.v. Tình hình mới nhất được tiết lộ bởi một cố vấn ở Washington chuyên về việc bán vũ khí cho  Đài Loan, rằng Hoa Kỳ tồn đọng khoảng 20 tỷ USD doanh số bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng vị cố vấn này tin rằng sẽ không có sự chậm trễ nào nữa. Nếu không chậm trễ, hơn một nửa số vũ khí, bao gồm chiến đấu cơ F16, xe tăng Abrams và hệ thống tên lửa đất đối hạm Harpoon sẽ được chuyển tới Đài Loan vào cuối năm 2026. Bởi vì đối với Hoa Kỳ mà nói, thì năm 2027 là thời điểm rất quan trọng đối với nước này.

Trung Quốc coi Thời kỳ cửa sổ (Window period), eo biển Đài Loan nguy hiểm nhất trong hai năm tới

Ông Diêu Thành cho biết, thời điểm có khả năng TQ tấn công Đài Loan nhất là từ năm 2025 đến năm 2027, bởi vì mọi người đều biết rằng năm 2027 là thời kỳ mang tính bước ngoặt, Đại hội lần thứ 21 của TQ, và một điều khác nữa chính là TQ thành lập quân đội 100 năm. Một yếu tố quan trọng hơn nữa là ông Lại Thanh Đức của Đảng Tiến bộ Dân chủ sẽ tái tranh cử vào năm 2028. TQ sẽ không bao giờ để ông ta tái đắc cử, và không thể để ông ta sống sót qua năm 2027. Đây là tình hình ở Trung Quốc và cả hai bên eo biển Đài Loan. 

Một yếu tố rất quan trọng khác chính là Hoa Kỳ. Như mọi người có thể thấy từ những sự kiện gần đây ở Hoa Kỳ, chính trị đang rất hỗn loạn và nền kinh tế đang gặp phải lạm phát. Hiện vẫn còn vài ba nơi trên thế giới đang có chiến tranh và họ đều không thể tách khỏi Hoa Kỳ, điều này phần nào đã hãm chân Hoa Kỳ. TQ đã thấy được Thời kỳ cửa sổ cho việc tấn công Đài Loan, nếu đã qua năm 2027, thì chiến tranh Nga-Ukraine đã kết thúc, Trung Đông cũng sẽ yên ổn. Chính phủ Mỹ đã ổn định, Trung Quốc sẽ rất khó tấn công Đài Loan thêm nữa. Điều quan trọng nhất trong chiến tranh là máy bay chiến đấu; Trước năm 2027 chính là một Thời kỳ cửa sổ, đây là thời điểm yếu nhất và bất lực nhất của Hoa Kỳ, do vậy TQ nói chung sẽ không đợi đến sau năm 2027. Vì vậy theo ông Diêu, thì khả năng xảy ra chiến tranh giữa năm 2025 và 2027 là rất cao.

Ông Thạch Sơn cũng chia sẻ rằng, năm 2025 và năm 2026 thực ra chỉ còn cách hiện giờ 1 đến 2 năm nữa thôi, chỉ trong nháy mắt là đến, và chúng ta có thể tưởng tượng rằng nhiều điều sẽ xảy ra ở Hoa Kỳ trong thời gian 2 năm này. Đối với TQ mà nói, có thể họ cho rằng đó là một cơ hội chỉ có trong nháy mắt, và TQ cũng đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị. Đánh giá từ nhiều khía cạnh khác nhau, kể cả khi chúng ta quan sát nền kinh tế và kiểm soát xã hội của Trung Quốc, chúng ta đều thấy rằng, nó đang nhanh chóng chuyển đổi thành một Thể chế thời chiến. Điều này đã rất rõ ràng. Nếu không xem xét những vấn đề này trong bối cảnh chiến tranh, thì chúng ta hoàn toàn không thể hiểu được vấn đề này trước đó. Theo ông Thạch, các dấu hiệu khác nhau hiện nay đã rất rõ ràng, rất có thể chiến tranh ở eo biển Đài Loan sẽ nổ ra vào năm 2025 hoặc năm 2026.

Vì vậy, chúng ta hãy quay lại và nhìn vào cái gọi là đối thoại an ninh ở Shangri-La. Trên thực tế, TQ chưa bao giờ sẵn lòng tham gia, họ luôn tin rằng đối thoại an ninh Shangri-La thực sự là việc của các nước phương Tây và không liên quan gì đến họ. Sở dĩ Trung Quốc cử người đến đó chỉ để chừa lại thể diện cho đối phương, hoặc để điều chỉnh một chút, hoặc khiến người ta bối rối. TQ có mục đích riêng của mình. Vì vậy, tình hình hiện nay, khi chiến tranh ngày càng đến gần, đối với tất cả mọi người mà nói là điều rất nguy hiểm. Tất nhiên, chúng tôi vẫn hy vọng rằng mọi nhận định của chúng tôi đều là sai lầm, và chúng tôi thật sự hy vọng rằng không có chiến tranh nào xảy ra cả. 

Nguồn Ntdtv
Trung Kiên biên dịch

Đọc tiếp