Nếu bạn rộng lượng, chắc chắn sẽ có phúc khí
Rộng lượng là một loại khí phách có thể chứa trăm sông, ôm mặt trời mặt trăng, một loại khí chất điềm tĩnh, tự nhiên, tự tin, một loại phong thái trưởng thành, khoan dung, yên bình và hài hòa.
Như câu nói cổ đã nói: "Khoan dung với tấm lòng rộng lớn, thì vạn vật đều được cứu giúp." Rộng lượng, thường quyết định bố cục cuộc đời của một người, bố cục lớn, may mắn sẽ đến!
1. Lòng dạ khoáng đạt, đối đãi rộng lượng, không so đo tính toán
Tạ Hiền từng nói: "Chỉ có sự rộng lượng mới dung chứa được người khác, chỉ có sự độ lượng mới gánh vác được mọi vật."
Người có lòng dạ khoáng đạt, nội tâm bao dung, đối đãi với người khác rộng lượng, có thể chịu đựng những điều người thường không chịu đựng được, dung chứa những điều người thường không dung chứa được.
Thời Tam Quốc, ở Thục Hán, sau khi Gia Cát Lượng qua đời, hoàng đế đã bổ nhiệm Tưởng Uyển làm tể tướng, chủ trì triều chính. Ông có một thuộc hạ tên là Dương Hí, tính cách cô độc, không giỏi ăn nói.
Mỗi khi Tưởng Uyển bàn bạc việc triều chính với ông ta, Dương Hí luôn chỉ đáp lại mà không nói gì thêm. Có người không hài lòng với thái độ lạnh lùng của Dương Hí, bèn nói nhỏ với Tưởng Uyển: "Dương Hí đối xử với ngài như vậy thật là quá đáng!"
Không ngờ, Tưởng Uyển lại mỉm cười, nói: "Con người mà, ai cũng có tính cách riêng của mình. Để Dương Hí nói lời khen ngợi tôi trước mặt, đó không phải là bản tính của anh ta; để anh ta nói xấu tôi trước mặt mọi người, anh ta sẽ cảm thấy tôi mất mặt. Vì vậy, anh ta chỉ còn cách im lặng. Thực ra, đây chính là điều đáng quý ở con người anh ta."
Về sau, có người khen Tưởng Uyển "trong bụng tể tướng có thể chở cả thuyền", để hình dung người có lòng dạ khoáng đạt.
Trong cuộc sống, nhường một bước là cao, lùi một bước là vốn để tiến một bước; đối đãi với người khác rộng lượng một chút là phúc, làm lợi cho người khác thực chất là làm lợi cho chính mình.
Nhìn lại lịch sử, nhiều người thành công luôn có thể nhìn người tinh tường, hóa thù thành bạn, không bao giờ phủ nhận tài năng của người khác chỉ vì khác phe phái, mà có thể phát hiện ra điểm sáng của đối phương, tận dụng cho mình.
Người có lòng dạ khoáng đạt, trong cách đối nhân xử thế luôn có cái nhìn và kiến thức độc đáo, đối xử với người khác chân thành, thấy người hiền thì noi theo.
Cùng nhau hợp tác vì mục tiêu chung, cùng nhau nỗ lực trong sự hợp tác, cùng nhau phát triển trong sự tin tưởng lẫn nhau, con đường đời tự nhiên sẽ ngày càng rộng mở.
2. Sống phóng khoáng, đối mặt mọi việc nhẹ nhàng, không bao giờ chìm đắm trong đó
Lâm Thanh Huyền từng nói: "Cuộc sống có đến tám, chín phần mười là không như ý, hãy thường nghĩ đến một, hai phần tốt đẹp, đừng bận tâm đến tám, chín phần còn lại."
Một đời người, gặp phải quá nhiều chuyện. Những cú đánh bất ngờ, những thất bại không lường trước, những tai họa từ trên trời rơi xuống, những món lợi nhỏ dễ dàng có được, bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra những điều không thể đoán trước.
Nhưng dù chuyện lớn hay nhỏ, tốt hay xấu, cũng không cần quá để tâm. Nếu cứ gặp chuyện là chìm đắm trong đó, chỉ khiến bản thân bị đè bẹp.
Chi bằng hãy làm một người phóng khoáng, gặp bất cứ chuyện gì cũng có thể bình tĩnh, không rối lòng, không vướng bận tình cảm.
Có một câu chuyện về người thầy và chậu lan như sau:
Trên núi, có một vị sư phụ nuôi một chậu lan. Vì yêu thích, ông chăm sóc chậu lan thanh nhã này rất chu đáo, ngày ngày tỉ mỉ quan tâm. Nhờ vậy, cây lan phát triển rất khỏe mạnh, tươi tốt, khiến sư phụ càng thêm vui mừng, thỉnh thoảng lại đến chiêm ngưỡng.
Một lần, sư phụ phải ra ngoài gặp bạn, nên giao chậu lan cho đệ tử chăm sóc. Người đệ tử rất có trách nhiệm, chăm sóc lan cẩn thận như sư phụ, cây lan tiếp tục lớn lên mạnh mẽ.
Không ngờ một hôm mưa bão ập đến, gió lớn thổi đổ chậu lan, làm nó vỡ tan. Đệ tử nhìn thấy cành lá ngổn ngang, rất đau lòng và sợ sư phụ trách mắng. Vài ngày sau, sư phụ trở về, đệ tử kể lại chuyện cây lan và chuẩn bị nhận sự khiển trách.
Không ngờ sư phụ không nói gì, đệ tử cảm thấy rất bất ngờ, vì đó là chậu lan sư phụ yêu quý nhất. Sư phụ chỉ mỉm cười nhẹ nhàng, nói: "Ta nuôi lan, không phải để tức giận." Cây lan đã mất, trách móc thêm cũng chẳng ích gì, chi bằng xem nhẹ, dành tâm sức cho những điều đáng trân trọng hơn, sống tự tại, biến cuộc sống thành một bài thơ.
Lão Tử từng nói: "Phúc là nơi họa dựa vào, họa là nơi phúc nương náu." Vạn sự trên đời, có bóng tối ắt có ánh sáng, chỉ cần rẽ một khúc quanh, xoay người lại, sẽ thấy được ánh sáng.
Nếu cứ mãi chìm đắm trong đó, chỉ khiến bản thân sa sút, chi bằng hãy đổi góc nhìn, sống phóng khoáng, cuộc đời tự nhiên sẽ tràn đầy ánh nắng.
3. Đối với người khác rộng lượng, đối với bản thân khoan dung, không bao giờ chấp nhặt
Trong Đạo Đức Kinh có câu: "Biết người là trí, tự biết mình là minh." Thực ra, mỗi chúng ta đều là kẻ thù của chính mình, và cả cuộc đời con người là một quá trình đấu tranh không ngừng với chính mình.
Có một chàng trai trẻ, sắp lên kinh thành dự thi. Trên đường lên kinh thành, khi có người khen ngợi anh, anh tự tin hơn hẳn; nhưng khi có người chê bai anh, anh lại buồn bã không thôi.
Vì vậy, anh rất bối rối và đi tìm một thiền sư để xin lời khuyên.
Chàng trai trẻ nói với thiền sư: "Thưa thầy, có người nói con là thiên tài, cũng có người mắng con là kẻ ngốc, theo thầy thì sao?"
Thiền sư hỏi lại: "Vậy con nhìn nhận bản thân mình như thế nào?"
Chàng trai trẻ ngơ ngác, suy nghĩ một lúc rồi nói: "Con cũng không biết."
Thiền sư nói: "Ví dụ như một cân gạo, trong mắt người làm bánh là bánh nướng, trong mắt người bán rượu là rượu, còn đối với người ăn xin, đó là một bữa cơm cứu mạng.
Gạo vẫn là gạo, nhưng đối với những người khác nhau thì có ý nghĩa khác nhau. Con là người như thế nào, không phải do người khác quyết định, mà do chính con quyết định."
Chàng trai trẻ chợt hiểu ra, vui vẻ đi thi.
Thực ra trong cuộc sống, rất nhiều khi chúng ta cũng gặp phải tình huống như vậy, điều khiến chúng ta phiền não không phải là thế giới bên ngoài, mà là xuất phát từ nội tâm của chính chúng ta.
Như trong "Lục Tượng Tiên truyện" có câu: "Trên đời vốn không có việc gì, chỉ là kẻ tầm thường tự làm khổ mình." Chỉ có thực sự buông tha cho bản thân, tự xem xét lại mình, cuộc sống mới có thể trở nên rộng lượng và ung dung.
Rộng lượng là một sự tiết chế. Không vì lợi ích nhỏ mà đánh mất nguyên tắc lớn, giữ vững nguyên tắc trong lòng, nhìn bề ngoài có vẻ mơ hồ nhưng nội tâm sáng tỏ.
Rộng lượng là một sự nhẫn nhịn. Có đức lớn thì nâng đỡ được vạn vật, tấm lòng rộng mở dung chứa người khác, lấy đức báo oán, không dễ dàng dùng sự tu dưỡng của mình để thách thức sự nông cạn của người khác.
Rộng lượng là một sự ung dung. Tâm thái lạc quan, có thể cầm lên được thì cũng có thể đặt xuống được, nên tiến thì tiến, nên lùi thì lùi, vững vàng bình tĩnh, kiên cường bất khuất, núi Thái Sơn sụp đổ trước mặt cũng không đổi sắc.
Rộng lượng là một cảnh giới. Chiến thắng cái tôi nhỏ bé, hoàn thiện cái tôi lớn lao; làm việc cao thượng, làm người khiêm tốn; kiềm chế sự lười biếng, luôn nghĩ đến trách nhiệm; không kinh ngạc trước sự khen chê, kiềm chế sự kiêu ngạo và nóng nảy.
Sống rộng lượng là cảnh giới mà mỗi người đều nên theo đuổi, người rộng lượng sẽ trở thành người có khí phách lớn, người rộng lượng mới có thể đứng vững không bị đánh bại.
Theo 163.com
Minh Nguyệt