Nghị sĩ Mỹ gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, Trung Quốc chỉ trích gay gắt

Nghị sĩ Mỹ gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, Trung Quốc chỉ trích gay gắt
Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ đã chỉ trích cuộc gặp, họ nói rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma "không phải là một nhân vật tôn giáo thuần túy, mà là một người lưu vong chính trị tham gia vào các hoạt động ly khai chống Trung Quốc dưới vỏ bọc tôn giáo" (Ảnh: AFP)

Một nhóm các nhà lập pháp cấp cao của Hoa Kỳ, trong đó có cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, hôm qua (19/6) đã đến gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma và chính phủ Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ. Sự kiện này làm dấy lên làn sóng chỉ trích nặng nề từ Trung Quốc.

Nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng của Hoa Kỳ, do Nghị sĩ Michael McCaul và Bà Pelosi dẫn đầu, đã đến thăm nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng (88 tuổi) tại nơi ở của ông ở thị trấn đồi Dharamsala phía bắc Ấn Độ vào thứ Tư (19/6).

Trong một bài phát biểu được đài truyền hình Tây Tạng (của chính phủ lưu vong) thực hiện, Bà Pelosi nói với đám đông người Tây Tạng rằng, thật sự là một "vinh dự" khi được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Chuyến thăm diễn ra sau khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua một dự luật nhằm khuyến khích Bắc Kinh tổ chức các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo Tây Tạng. Mối quan hệ này vốn đã bị đóng băng kể từ năm 2010.

Bà Pelosi nói: “Dự luật này là một thông điệp gửi tới chính phủ Trung Quốc rằng chúng tôi có suy nghĩ và hiểu biết rõ ràng về vấn đề tự do của Tây Tạng”. Bà Pelosi cho biết thêm dự luật trên "sẽ sớm được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký".

Cáo buộc hoạt động ly khai chống Trung Quốc

Trước chuyến thăm, đại sứ quán Trung Quốc tại New Delhi đã chỉ trích cuộc gặp. Họ nói rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma "không phải là một nhân vật tôn giáo thuần túy, mà là một kẻ lưu vong chính trị tham gia vào các hoạt động ly khai chống Trung Quốc dưới vỏ bọc tôn giáo".

Nhiều người Tây Tạng lưu vong lo ngại Bắc Kinh sẽ chỉ định người kế vị đối thủ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, để củng cố việc kiểm soát đối với vùng đất này.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phải trốn chạy khỏi thủ đô Lhasa của Tây Tạng khi ngài mới 23 tuổi, và vượt qua dãy Himalaya đầy tuyết để vào Ấn Độ. 

Đức Đạt Lai Lạt Ma từ chức người đứng đầu chính trị nhân dân vào năm 2011, và chuyển giao quyền lực thế tục cho một chính phủ được lựa chọn một cách dân chủ bởi khoảng 130.000 người Tây Tạng trên khắp thế giới.

Bà Pelosi nói: “Nền dân chủ của cộng đồng người Tây Tạng lưu vong rất quan trọng đối với chúng tôi”.

Penpa Tsering, một Sikyong hay người đứng đầu chính phủ Tây Tạng lưu vong cho biết họ không tìm kiếm sự độc lập hoàn toàn cho Tây Tạng mà theo đuổi chính sách "Trung đạo" - phương pháp do Đức Đạt Lai Lạt Ma đề xuất để giải quyết vấn đề Tây Tạng. Penpa Tsering nói rằng họ muốn tìm kiếm quyền tự chủ lớn hơn và "giải quyết xung đột Trung Quốc -Tây Tạng thông qua đối thoại".

Đại sứ quán Trung Quốc cáo buộc chính quyền Tây Tạng đang tìm cách ly khai. Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ viết trên mạng xã hội vào cuối ngày thứ Ba: “Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ hoàn toàn thừa nhận bản chất ly khai chống Trung Quốc của nhóm Đạt Lai Lạt Ma”. Họ nhắc lại quan điểm được lặp đi lặp lại của mình rằng Tây Tạng “luôn là một phần của Trung Quốc kể từ thời cổ đại”.

Theo trtworld
Bảo Thư biên dịch

Đọc tiếp