Ngọn lửa chống Nhật trên mạng xã hội Trung Quốc bùng phát ngoài tầm kiểm soát

Ngọn lửa chống Nhật trên mạng xã hội Trung Quốc bùng phát ngoài tầm kiểm soát
Ngọn lửa chống Nhật trên mạng xã hội Trung Quốc bùng phát ngoài tầm kiểm soát. (Ảnh: bazaarvietnam)

Người Nhật Bản và những người nước ngoài khác cư trú tại Trung Quốc gần đây đã trở thành mục tiêu tấn công. Điển hình là vụ việc xảy ra tại một trạm xe buýt trường học ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô.

Sự thật đằng sau mỗi cuộc tấn công vẫn chưa rõ ràng. Nhưng một chuyên gia về vấn đề Trung Quốc đã đề cập đến sự lan truyền nhanh chóng của chủ nghĩa dân tộc bài Nhật và bài Mỹ trên khắp Trung Quốc. 

Chuyên gia này nhận định, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhu cầu thu hút nhiều người theo dõi hơn để nổi tiếng trên mạng của người Trung Quốc, và sau đó sẽ tận dụng sự nổi tiếng này để thực hiện các quảng cáo hoặc kiếm doanh thu bằng nhiều cách. Và việc nhắm mục tiêu vào Nhật Bản là một trong những cách nhanh chóng nhất.

Trạm xe buýt nơi xảy ra vụ tấn công hai người Nhật Bản - Ảnh: Nikkei/Kyodo

Vụ tai nạn xe buýt trường học kinh hoàng ngày 24 tháng 6

Một người đàn ông đã tấn công và làm bị thương một bà mẹ Nhật Bản ngoài 30 tuổi và đứa con trai đang học mẫu giáo của bà bằng dao. 

Theo Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Thượng Hải, vụ việc xảy ra vào chiều hôm 24/06 tại Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, khi chiếc xe buýt của Trường Nhật ngữ Tô Châu đến điểm đón học sinh trên đường đi học về, một người đàn ông khoảng 50 - 60 tuổi đã bất ngờ dùng dao tấn công, khiến một học sinh và mẹ của học sinh này bị thương.

Hai nạn nhân ngay sau đó đã được đưa đến điều trị tại một bệnh viện gần đó, vết thương được cho là không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, một phụ nữ là nhân viên phục vụ xe buýt của trường, đã bị đâm và đang trong tình trạng nguy kịch. Người này qua đời hai ngày sau đó, và đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc đã treo cờ rủ để tỏ lòng thương tiếc.

Chính quyền địa phương cho biết kẻ tấn công bằng dao, thất nghiệp và ngoài 50 tuổi, tình nghi là có động cơ "bất bình với xã hội".

Vụ tấn công xảy ra sau một vụ việc tương tự ở Tô Châu vào tháng 4, khi một người đàn ông Nhật Bản cũng bị một người lạ mặt tấn công bằng dao.

Người Mỹ cũng là đối tượng được nhắm tới

Người Nhật không phải là những cư dân nước ngoài duy nhất bị nhắm tới. Vào ngày 10 tháng 6, bốn người đàn ông Mỹ, tất cả đều là giảng viên của trường Cornell College ở tiểu bang Iowa của Hoa Kỳ, đã bị đâm bằng dao tại một công viên ở thành phố Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc. 

Tại thành phố lớn thứ hai của tỉnh Cát Lâm có dân số hơn 4 triệu người và là nơi có nhiều trường đại học. Chính quyền đã bắt giữ một nghi phạm là người đàn ông thất nghiệp ngoài 50 tuổi.

Như một số chuyên gia về vấn đề Trung Quốc chỉ ra, điều không thể bỏ qua như một yếu tố chính đằng sau những sự cố này là sự tồn tại của những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Những người này có bài đăng thu hút lượng người theo dõi lớn, cho phép họ tạo ra doanh thu bằng cách quảng bá sản phẩm hoặc được trả tiền từ các nền tảng mà họ đăng bài. Nếu số lượng người theo dõi đủ lớn, họ có thể kiếm được thu nhập khổng lồ.

Quan điểm chống Nhật Bản và chống Hoa Kỳ là hai trong số rất ít quan điểm chính trị có thể được nêu ra một cách an toàn trong một xã hội Trung Quốc hiện tại. Và điều này khiến chúng trở thành chủ đề hấp dẫn đối với những người dùng mạng xã hội muốn nhanh chóng tăng lượng theo dõi.

Một video lan truyền gần đây được quay tại Tokyo. Video cho thấy một người đàn ông được cho là công dân Trung Quốc đang phun sơn graffiti lên một cột đá tại Đền Yasukuni. Video được đăng trên Xiaohongshu, một nền tảng chia sẻ video của Trung Quốc. Người Trung Quốc coi ngôi đền này là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt thời chiến của Nhật Bản và người đăng tải video này đã trở thành nổi tiếng..

Xu hướng chống Nhật và chống Mỹ cũng có thể được coi là kết quả của chính sách ngoại giao "chiến lang" của Trung Quốc đối với Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.

Người Nhật và người Mỹ không phải là mục tiêu duy nhất của xu hướng này, mà còn có những mục tiêu là người Trung Quốc bản địa. Vào năm 2022 tại Tô Châu, cảnh sát đã tiếp cận một phụ nữ trẻ Trung Quốc trên phố và bắt giữ cô. Tội của cô ấy là gì? Cô ấy mặc “yukata”, một loại kimono mùa hè truyền thống của Nhật Bản.

Những người biểu tình phản ném chai nước về phía Đại sứ quán Nhật Bản - Bắc Kinh ngày 18 tháng 9 năm 2012 - Ảnh: AP

Sau vụ tấn công bằng dao tại trạm xe buýt trường học ở Tô Châu hôm 24/6, một số bài viết bắt đầu xuất hiện nhiều trên các trang blog nhỏ của Trung Quốc. Chúng đề cập nội dung rằng: "Một video mang tính dân tộc chủ nghĩa kêu gọi người Trung Quốc dạy cho người Nhật một bài học đã trở nên phổ biến trong cộng đồng …"

Tệ hơn nữa là nhiều người chỉ đăng tải các nội dung trên theo trào lưu mà không hề am hiểu về chính trị hoặc các sự kiện chống Nhật của những thập kỷ trước. Đối với những ngôi sao mạng xã hội, việc đăng nội dung chống Nhật hoặc chống Mỹ là cách để thể hiện mình là người hợp thời, thu hút người theo dõi và trong một số trường hợp là kiếm được doanh thu mà thôi. Và thông điệp của họ sẽ được khuếch đại khi những người dùng mạng xã hội khác chia sẻ lại cáci nội dung của họ.

Kết quả là, các nội dung cực đoan lan truyền chỉ vì các lợi ích thương mại. Và nếu chính quyền Trung Quốc đột nhiên muốn kiểm soát đám cháy này, họ sẽ không thể dễ dàng làm được. Điều này có lẽ tốt hơn cho nhà cầm quyền Trung Quốc hiện tại. Vì nó sẽ giúp người dùng mạng xã hội bớt tập trung vào nỗi thất vọng hay bất bình xã hội về tình trạng thất nghiệp cao, cắt giảm lương đáng kể và các vấn đề kinh tế khác.

Tình hình hiện nay tại Trung Quốc dường như hoàn toàn trái ngược với những gì đã thấy vào năm 2012, khi một làn sóng biểu tình lớn lan rộng khắp Trung Quốc để phản đối việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku, một quần đảo do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Trong những cuộc biểu tình đó, có những lời kêu gọi biến Nhật Bản thành một tỉnh của Trung Quốc. Các cửa hàng và nhà máy của một số công ty Nhật Bản hoạt động tại nước này đã bị phá hoại.

Nhưng không có trường hợp tử vong nào được báo cáo do các cuộc tấn công trực tiếp vào người Nhật đang làm việc, học tập hoặc sinh sống tại Trung Quốc, bất chấp việc cờ Nhật Bản đã bị xé khỏi xe của đại sứ Nhật Bản khi ông đang đi làm ở Bắc Kinh.

Vào thời điểm đó, nền kinh tế Trung Quốc đang bùng nổ. Thế vận hội Olympic Bắc Kinh đã diễn ra bốn năm trước đó, tiếp theo là Expo 2010 Thượng Hải. Số lượng cư dân nước ngoài tại Trung Quốc, bao gồm cả người Mỹ và người Nhật, cao hơn nhiều so với bây giờ. Trung Quốc vẫn kiểm soát tình hình tốt, và các kênh truyền thông của họ đều truyền đi thông điệp rằng cuộc sống ở Trung Quốc với người nước ngoài rất an toàn.

Mạng xã hội Trung Quốc và sự mất kiểm soát

Vào năm 2012, chính quyền Trung Quốc đã dễ dàng kiểm soát được phong trào này. Đó là vì phần cốt lõi của các cuộc biểu tình là "do chính phủ tạo ra" – do chính quyền khởi xướng. Một số người biểu tình tụ tập trước đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh được đưa bằng xe buýt từ các tỉnh lân cận. Họ được cấp phát khẩu phần ăn hàng ngày và hộp cơm trưa.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, nếu chính quyền Trung Quốc đột nhiên muốn kiểm soát sự thù địch trên internet này sẽ không dễ dàng. Vì điều này có thể phản tác dụng, nó có thể khiến những người dùng mạng xã hội bắt đầu trút sự bực bội dồn nén của họ về những vấn đề thật sự của Trung Quốc hiện tại.

Mười hai năm sau sự kiện biểu tình phản đối việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku, tình hình Trung Quốc đã thay đổi đáng kể. Sau sự cố ngày 24 tháng 6 tại Tô Châu, một số gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ sẽ trấn áp các bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội của họ có nội dung kích động xu hướng chống Nhật Bản. Nhưng họ sẽ không dễ để xóa bỏ “xu hướng đang thịnh hành ở đất nước này” khi nó được hình thành bởi tình hình xã hội bất ổn và nền kinh tế bấp bênh.

Theo Katsuji Nakazawa, biên tập viên và nhân viên cấp cao của Nikkei, trong thập kỷ qua, nhiều người Trung Quốc đã thực sự hiểu sâu hơn về Nhật Bản, con người và xã hội của đất nước này thông qua các chuyến công tác hoặc tham quan đến Nhật Bản. Gần đây, nhiều người Trung Quốc đã định cư tại Nhật Bản. Tuy nhiên, việc phổ biến bản chất thực sự của mối quan hệ với Nhật Bản cho người Trung Quốc dường như rất khó khăn.

Sau sự kiện ngày 24 tháng 6, người Nhật và người Trung Quốc biết rằng có những người có thiện chí và lòng dũng cảm, chẳng hạn như trường hợp bà Hồ Hữu Bình. Vào ngày hôm đó khi phát hiện đối tượng cầm dao tại trạm xe buýt, bà Hồ ngay lập tức không màng đến bản thân chạy đến ngăn cản, và đã bị hung thủ đâm nhiều nhát.

Tin tức và dư luận tại Đại Lục ngay lập tức đảo chiều từ “người Trung Quốc đâm hai mẹ con người Nhật Bản” thành “người Trung Quốc dũng cảm cứu hai mẹ con người Nhật Bản”, cư dân mạng Đại Lục rầm rộ ca ngợi người phụ nữ Trung Quốc.

Bà Hồ Hữu Bình bị thương nặng và đã qua đời và đã được chính quyền truy tặng danh hiệu “tấm gương dũng cảm”. Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc đã hạ cờ rủ và nói họ tin rằng dũng khí và sự thiện lương của bà Hồ đại diện cho đông đảo người dân Trung Quốc. Tại thành phố Thiên Tân của Trung Quốc, một video ca ngợi hành động của bà Hồ đã được chiếu lên một tòa tháp mang tính biểu tượng.

Vào thời điểm xảy ra vụ việc, trên Internet có rất nhiều ngôn luận thù hận Nhật Bản, thậm chí còn chắc chắn rằng thủ phạm là người trung thành với đảng và nhà nước. Nhưng mọi thứ đã đột ngột đổi chiều sau đó. Vượt qua sự thù hận, người dân nhận ra nghĩa cử cao đẹp của người phụ nữ. 

Một học giả đặt vấn đề, chỉ trong 1 tháng, có 4 người Mỹ và mẹ con người Nhật bị đâm. Nguyên nhân chính là việc truyền bá tư tưởng thù địch lâu nay tại Trung Quốc. Và để giảm bớt căng thẳng ĐCSTQ đang khai thác hình ảnh ‘dám làm việc nghĩa’ của một người phụ nữ họ Hồ.

Theo Katsuji Nakazawa, đã đến lúc quan tâm đến sự an toàn của người dân tại Trung Quốc, bất chấp quốc tịch của họ đến từ đâu. Và vấn đề gốc rễ của những sự kiện đang xảy ra tại Trung Quốc cần phải được tìm ra và công khai sớm nhất. 

Theo Katsuji Nakazawa - biên tập viên cấp cao tại Nikkei có trụ sở tại Tokyo. Ông Katsuji Nakazawa có bảy năm ở Trung Quốc với tư cách là phóng viên và sau đó là trưởng văn phòng tại Trung Quốc, và là người nhận giải thưởng Nhà báo quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Theo
asia
Bảo Thư biên dịch

Đọc tiếp