Người biết đủ mới là người giàu có

Người biết đủ mới là người giàu có
Lão Tử nói: "Tri túc giả phú". Người biết đủ mới là người giàu có. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Lão Tử nói: "Nhiều tích trữ ắt mất mát lớn." Càng tích góp nhiều, càng đánh mất nhiều. Chướng ngại lớn nhất của đời người, không gì hơn chữ "Tàng". Mắc kẹt trong chữ này, sẽ khó có được một cuộc sống hạnh phúc.

1. Giấu giếm là tham lam

Thủ phụ nội các triều Minh, Nghiêm Tung, tổ chức sinh nhật, toàn bộ quan lại văn võ đến chúc mừng. Quà tặng chất thành núi. Lúc đó Nghiêm Tung bán quan bán tước, Nghiêm Thế Phiên nắm giữ Bộ Công, tích lũy của cải, vượt xa quốc khố.

Yến tiệc kéo dài đến nửa đêm, khách khứa đều đã về, nhà họ Nghiêm đóng cửa cài then. Lúc đó đúng vào mùa đông, trời rất lạnh, không may có một vị Ngự sử lạc đường, ở trong sân lạnh run cầm cập. Quản gia của nhà họ Nghiêm liền mời ông đến chỗ ở của mình, tiếp đãi một đêm. Ngự sử rất cảm kích.

Vị quản gia này nói: Bây giờ là tôi giúp ông, nhưng sau này có thể cần ông giúp tôi, ông nợ tôi một ân tình, sau này xin hãy tha cho tôi một mạng. Ngự sử rất ngạc nhiên, Nghiêm các lão như mặt trời ban trưa, thân phận của ông cũng tôn quý vô cùng, đâu cần đến tôi tha mạng cho ông.

Kết quả, vài năm sau, Nghiêm Tung sụp đổ, Nghiêm Thế Phiên bị giết, nhà họ Nghiêm bị tịch thu gia sản. Vị quản gia đó cũng vì tham ô hối lộ mà vào tù, lúc tuyên án, vị Ngự sử này đã giúp ông giảm nhẹ tội danh. Cuối cùng không bị tội chết, bị đày đi biên ải.

Phùng Mộng Long nói: Nghiêm Tung, Nghiêm Thế Phiên đọc bao thi thư, nhưng kiến thức lại không bằng một quản gia, thân chết nhà tan, còn gì đáng tiếc nữa.

Trăng tròn rồi khuyết, nước đầy rồi tràn. Thịnh rồi suy, là lẽ trời. Không biết kiềm chế, chỉ có thể tự chuốc lấy diệt vong.

Gia huấn họ Nhan có nói: "Sơn Cự Nguyên bị chế giễu vì tích trữ quá nhiều, đi ngược lại với tinh thần 'càng chất chứa nhiều, càng mất mát lớn' trong sách vở."

Hòa Thân thời nhà Thanh, nắm quyền hai mươi năm, tham ô 1,1 tỷ lạng bạc trắng, đất đai mấy nghìn khoảnh, nhà cửa mấy trăm nơi. Tài sản của ông ta vượt quá tổng thu nhập tài chính của cả nước trong 15 năm.

Nhưng rồi Hòa Thân ngã xuống, Gia Khánh no đủ. Gia Khánh cho ông ta một dải lụa trắng, kết liễu mạng sống của ông ta. Đến ngày nay, Hòa Thân, chẳng qua chỉ là một câu chuyện cười, một đề tài bàn tán mà thôi.

2. Cất giấu là chiếm hữu

Chiếm hữu càng nhiều, con người càng bất hạnh. Ông Chu Quốc Bình từng kể một câu chuyện.

Có một chú thỏ trắng, yêu thích vẻ đẹp của thiên nhiên. Cô đặc biệt thích mặt trăng, trong mắt cô, trăng tròn, trăng khuyết, trăng non đều mang một vẻ đẹp riêng. Vì vậy, vị vua của các vị thần triệu kiến cô, nói rằng cô có tài thưởng trăng độc đáo, quyết định ban mặt trăng cho cô. Từ đó về sau, mặt trăng không còn là mặt trăng của mọi người nữa, mà chỉ thuộc về cô thỏ trắng này.

Thỏ trắng vẫn hàng đêm đến bãi cỏ trong rừng để ngắm trăng. Nhưng, thật kỳ lạ, tâm trạng thư thái trước đây đã biến mất, trong đầu chỉ còn một ý nghĩ: "Đây là mặt trăng của tôi!" Cô nhìn chằm chằm vào mặt trăng, giống như một người giàu có nhìn chằm chằm vào hầm vàng của mình. Mây đen che khuất mặt trăng, cô lo lắng bất an, sợ mất đi kho báu; trăng tròn bị khuyết, cô đau lòng như bị cướp. Trong mắt cô, trăng tròn, trăng khuyết không còn mang vẻ đẹp riêng nữa, mà thay vào đó là những nguy hiểm, gợi lên nỗi lo vô tận về được mất.

Khác với con người, nhân vật chính của chúng ta dù sao cũng còn chút thông minh, cuối cùng cô đã đến gặp vua của các vị thần, cầu xin ông rút lại quyết định hào phóng đó.

Ngày nay, nhiều người sưu tầm đồ cổ, khi mới bắt đầu, chỉ đơn giản là vì thích, lặng lẽ thưởng thức là đủ. Nhưng một khi bắt đầu mua bán, vẻ đẹp của đồ cổ đã bị che lấp bởi lợi ích. Dần dần, tâm tính cũng thay đổi. Vì những món đồ cổ có giá trị cao hơn, vì những món đồ ngọc đẹp hơn, họ từ bỏ sức khỏe của mình, từ bỏ bạn bè của mình, thậm chí từ bỏ cả nguyên tắc của mình.

Lão Tử nói: "Yêu quá thì phải trả giá đắt." Tham lam quá mức chắc chắn sẽ tổn thất lớn. Tất cả những thứ bên ngoài đều là phù du, quá chấp trước vào việc chiếm hữu, chỉ có thể lo được lo mất, đánh mất sự bình yên trong tâm hồn.

Một ngàn năm trước, Tô Đông Pha ở Xích Bích đã cảm thán như thế này: Gió mát trên sông, với trăng sáng trên núi. Tai nghe thành tiếng, mắt thấy thành sắc. Lấy không hết, dùng không cạn, là kho báu vô tận của tạo hóa. Gió mát trăng sáng chính là niềm vui lớn nhất của đời người, hà tất phải thuộc về mình?

3. Giấu là sự mê muội

Có đạo diễn từng cảm thán: "Năm qua tuổi năm mươi cuối cùng cũng hiểu ra, dỗ dành bản thân, làm cho mình vui vẻ mới là thật, còn lại đều là chuyện vớ vẩn." Thật không hiểu những người anh em đã kiếm được tiền tại sao vẫn ngày đêm kiếm tiền? Có mệt không? Kiếm bao nhiêu là đủ, có thể mang theo được không?

Đi Sơn Tây lấy cảnh, xem mười mấy ngôi nhà lớn trăm năm, chủ nhân đều không biết ở đâu, người cầm chìa khóa đều là người không liên quan. Sinh không mang đến, chết không mang đi. Cuộc sống mấy chục năm, hà tất quá để ý đến những vật ngoài thân này?

Lão Tử nói: "Tri túc giả phú". Người biết đủ mới là người giàu có. Họ không có những suy nghĩ quá đáng, không ham muốn quá cao xa, không bị dục vọng làm mờ mắt, không chiếm đoạt bất chính, họ không có lo lắng trong lòng, an bình và hạnh phúc.

Thế giới rộng lớn, muôn vàn cám dỗ, muốn có tất cả mọi thứ, sẽ khiến người ta kiệt sức, nên buông bỏ thì phải buông bỏ.

Có cơm ăn áo mặc là điều may mắn, không bệnh không tật là phúc lành. Cuộc sống, không có gì là không hạnh phúc, chỉ có không biết đủ.

Theo Secretchina
Minh Nguyệt

Đọc tiếp