Người du hành hai cõi Âm Dương tiết lộ căn nguyên họa phúc và lợi ích của việc tín Phật
Trên thế giới có không ít người sở hữu năng lực siêu thường, có thể ra vào Âm giới, Thiên giới, nhìn thấy những điều người khác không thấy. Những người này dường như có một sứ mệnh chung, đó là thông qua những tiên đoán mà cảnh tỉnh thế nhân…
“Vô thường” trong truyền thuyết là chỉ sứ giả câu hồn của địa phủ. Có những người sống được Âm phủ phái đi làm quỷ sai, làm vô thường, nguyên thần, cũng chính là linh hồn của họ có thể tự do đến đi lại giữa hai cõi Âm Dương, được gọi là “tẩu vô thường” hoặc là “sống vô thường”. Trong cuốn sách “Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký” của học giả Kỷ Hiểu Lam đời nhà Thanh cũng có nhiều câu chuyện về "tẩu vô thường", họ đi lại giữa hai cõi Âm-Dương.
Những người này dường như có một sứ mệnh chung, đó là thông qua những tiên đoán mà cảnh tỉnh thế nhân. Dưới đây là một vài câu chuyện về những trường hợp này.
Câu chuyện 1: Tại sao lại làm vợ lẽ của gia đình phú quý? Trong mệnh không có con cái có thể cải biến không?
Trong gia đình họ Tào ở thị trấn Khánh Trạch, Thiên Tân có một bà lão tẩu vô thường. Bà lão này thường xuyên qua lại với gia quyến của một số quan chức gần đó.
Một ngày nọ, mấy thê thiếp nhà quan đến tìm bà hỏi chuyện. Trong đó một người hỏi trước rằng: “Mấy người chúng tôi vào nhà phú quý làm vợ lẽ của người ta, việc này là do nhân quả đưa đến?”.
Bà lão đáp: “Trong luật âm gian, việc thiện nhỏ cùng việc ác nhỏ có thể bù đắp cho nhau, nhưng thiện lớn và việc ác lớn thì không thể như vậy. Các cô đều là vì quá khứ đã tích lũy được một chút thiện quả nho nhỏ, do đó kiếp này có thể bước vào gia đình phú quý; nhưng đồng thời cũng vì một số ác nghiệp đã tạo chưa tiêu sạch, vậy nên trong vận mệnh vẫn có lưu lại một số tiếc nuối.
Nếu đời này có thể tu nhiều thiện nghiệp, vậy thì ác nghiệp có thể được trả sạch, thiện nghiệp còn có thể tiếp tục tích lũy, đến kiếp sau thì sẽ tốt đẹp. Nhưng nếu kiếp này lại tạo ác nghiệp, vậy thì thiện nghiệp sẽ tiêu hết, ác nghiệp tăng thêm, kiếp sau sẽ phải hoàn nghiệp thế nào thật là khó đoán trước được. Tuy nhiên, tu thiện nghiệp không chỉ là những việc như thắp hương bái Phật, mà là hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính người vợ cả, hòa thuận gia đình, mới là chân chính tu thiện, tích phúc thật sự”.
Một người thiếp khác lại hỏi: “Trong mệnh có con hay không con, tất là trong mệnh đã định. Bà có thể kiểm tra giúp tôi một chút, nếu trong sổ âm tào không có ghi tôi có con nối dõi, thì tôi cũng không dám mộng tưởng nữa”.
Bà lão nói với nàng: “Không cần tra hỏi, chỉ cần cô thường xuyên làm chuyện tốt, cho dù trong sách âm tào đã chủ định là không có con, cũng sẽ đổi thành có con. Trái lại, nếu thường xuyên làm chuyện xấu, trong sách âm tào chủ định là có con, thì cũng sẽ đổi thành không con”.
Ông cố ngoại của Kỉ Hiểu Lam là Trương Tuyết Phong vốn là con rể của gia đình họ Tào ở thị trấn Khánh Trạch, ông bình sinh nghiêm túc chính trực, ghét nhất ba cô sáu bà (chỉ những người phụ nữ làm nghề bất chính, lừa đảo. Ba cô trong đó có đạo cô, cô đồng. Sáu bà gồm bà mối, bà lang, mẹ mìn, chủ nhà chứa...) buôn chuyện từ nhà này sang nhà khác, đặc biệt là những người tự xưng là bà đồng có thần thông. Nhưng những lời nói và việc làm của bà lão tẩu vô thường này, đặc biệt là việc bà không bao giờ khuyên các quan bà giàu có bố thí để lấy lòng Thần Phật, mà trái lại dẫn dắt người ta đi con đường ngay chính, dạy người hướng thiện, thì thường thường có được Trương Tuyết Phong công nhận.
Câu chuyện 2: Công chính hay không, cả âm gian và dương gian đều cùng một đạo lý
Một đêm tháng bảy năm Ất Mão niên hiệu Ung Chính, có một người đàn ông đậu thuyền ở phía nam Tĩnh Hải. Trên trời ánh trăng mờ ảo, ông đang tản bộ trên bờ biển, nhìn thấy hai người đang ngồi dưới gốc cây liễu nói chuyện.
Vì lòng hiếu kỳ, ông liền bước tới, hai người vui vẻ mời ông ngồi cùng. Lắng nghe kỹ cuộc trò chuyện của họ, ông thấy nội dung câu chuyện đều là những việc liên quan đến thế giới âm phủ, điều này khiến ông sinh nghi, nghĩ rằng mình đã gặp quỷ, lòng sợ hãi không thôi, muốn đứng dậy bỏ chạy.
Nhưng hai người kia đã ngăn ông lại và nói: “Đừng ngạc nhiên, chúng tôi không phải quỷ. Một người là sứ giả tẩu vô thường, còn vị kia là người có thể nhìn thấy quỷ”.
Người đàn ông này hỏi: “Sao ông có thể nhìn thấy quỷ được?”.
Người nhìn thấy quỷ trả lời: “Tôi sinh ra vốn đã như vậy, chính tôi cũng không biết tại sao”.
Người đàn ông này lại hỏi người kia: “Vậy tại sao ông lại trở thành sứ giả tẩu vô thường?”.
Người tẩu vô thường đáp: “Tôi trong mộng bỗng thấy mình được gọi đi làm công việc này, tôi cũng không biết nguyên nhân tại sao”.
Cả ba trò chuyện đến tận nửa đêm, chủ yếu là những chuyện xoay quanh nhân quả báo ứng. Thế là, người này lại hỏi: “Khi minh ti xét xử là dựa theo đạo lý của Nho gia, hay là đạo lý của Phật gia?” .
Người nhìn thấy quỷ đáp: “Tôi thấy được quỷ, nhưng lại không thể chuyện trò với quỷ, câu hỏi này tôi không trả lời được”.
Còn người tẩu vô thường thì đáp: “Ông không cần lo lắng như thế, chỉ cần tự hỏi lòng mình. Chỉ cần không thẹn với lòng thì là thiện trong âm luật; còn thẹn với lòng thì ác trong âm luật. Công chính hay không, thì âm phủ và dương thế đều là cùng đạo lý, hà tất phải phân chia Nho gia hay Phật gia làm gì?”.
Câu chuyện 3: Tín Phật rốt cuộc có chỗ gì tốt?
Quê nhà của Kỉ Hiểu Lam có một bà lão họ Trương, bà này từng là “tẩu vô thường”. Trước đây khi bà xuống địa phủ từng hỏi viên quan nhỏ ở địa phủ rằng: “Tín Phật rốt cuộc có chỗ gì tốt?”.
Viên quan trả lời: “Đức Phật khuyên người ta sống thiện và làm điều thiện, người làm điều thiện tự nhiên sẽ được phước báo. Vì vậy, phước báo phải do tự mình tu được, chứ không phải là cầu Phật ban cho. Nếu mục đích cúng dường Đức Phật là cầu Phật ban phước, thế bà hãy nghĩ xem: Ngay cả quan viên liêm chính nhất ở nhân gian cũng không nhận hối lộ, lẽ nào Thần Phật lại nhận hối lộ ư?”.
Bà Trương lại hỏi: “Nếu người đã tạo ác nghiệp, thì sám hối có ích gì không?”.
Quan viên trả lời: “Nếu muốn sám hối thì tất phải thật lòng sám hối, không được tái phạm nữa, hơn nữa cần phải dũng mãnh tinh tấn, hành thiện tích đức, cố gắng bù đắp những sai lầm. Con người thời nay sám hối trước Phật chỉ là giống như tội phạm tự thú để xin miễn tội, làm vậy thì có ích gì?”.
Kỉ Hiểu Lam cảm thấy những lời này không thể nào là do một bà đồng bịa ra được, dường như có ai đó đã chỉ điểm cho bà.
Những câu chuyện về “tẩu vô thường” ở trên chỉ đơn giản giải thích rõ ràng căn nguyên của họa phúc trong đời, không hề giống những ngôn luận của mấy ông đồng bà cốt. Có lẽ chính năng lực đi xuyên hai cõi Âm Dương đã giúp họ phá giải được cái mê của nhân sinh, càng có khả năng là điểm hóa của sinh mệnh cao tầng đối với nhân loại, mượn miệng của họ để nhắc nhở người khác và người đời sau.
Câu chuyện 4: Người giữ giới niệm Phật ở Chiết Giang sống lại cứu độ thân quyến
Vào cuối nhà Thanh, đầu Trung Hoa Dân Quốc, tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Chiết Giang có một vị tiên sinh tên Lâm Thanh Tùng, tự Bội Hi. Ông sống tại thôn Lâm Gia, trấn Bích Hồ, trì giới niệm Phật hơn mười năm, làm việc thiện không mệt mỏi. Ông qua đời vào ngày 27/2 năm 1935. Hơn một tháng trước khi ông qua đời, không ngừng có những dị tượng và điềm lành xuất hiện.
Ông Lâm liên tiếp giữ chức vụ hiệu trưởng Trường Dâu tằm tơ huyện Ôn Lĩnh và Trường Nông nghiệp huyện Xứ Châu. Năm 1924, ông làm trợ giảng tại Trường Dâu tằm tơ Hàng Châu, có duyên tiếp xúc với đạo Phật, ông chợt nhận ra nỗi khổ của luân hồi nên nhất tâm hướng Phật. Bởi vì ông thành tâm niệm Phật, nên thường xuyên có thể cảm ứng với Thần linh.
Vào ngày 21 tháng Giêng Âm lịch năm 1935, ông Lâm đột ngột bất tỉnh, trải qua một ngày đêm mới tỉnh dậy với tâm trạng khác thường. Ông nói với vợ cũng là một người sùng kính Phật Pháp, rằng: “Tôi đã du ngoạn đến thế giới Tây phương Cực Lạc và nhìn thấy ao Thất Bảo, bên trong ao có hai đóa hoa sen vàng và bạc, lớn như bánh xe, nó chính là đối ứng với tôi và bà ở nhân gian”.
Ông Lâm cũng nói rằng, Phật A Di Đà đã giúp ông tạm thời trở lại nhân gian, hiển lộ thần thông để cứu độ thân quyến. Sau đó, ông tìm gặp tất cả cô dì chú bác, anh chị em trong gia đình và ân cần khuyến thiện từng người một. Tất cả những việc xấu mà họ đã làm trong cuộc đời, dù là ẩn trong góc tối không ai biết, ông đều kể ra một cách chi tiết, giống như tận mắt chứng kiến vậy. Người trong cuộc sau khi nghe ông nói, tất cả đều kinh hãi và cúi đầu.
Ông Lâm khuyên người thân nên niệm Phật sám hối, nếu không khi đại nạn ập đến thì hối hận cũng đã quá muộn. Ba ngày trước khi ông Lâm qua đời, căn phòng ông bỗng tỏa ra mùi thơm kỳ lạ.
Người xưa có câu: “Nếu muốn người không biết, trừ phi mình đừng làm”, cũng chính là để nói rằng “Trời cao có mắt”. Mỗi suy nghĩ, hành động của con người đều nằm dưới sự soi xét của Thần. Làm việc thiện hay ác, quả báo sẽ đến như bóng với hình. Chư Thần từ bi thông qua các sứ giả của mình mà cảnh tỉnh con người để biết đường mà mau mau sám hối, sửa đổi. Trong Phật giáo giảng “thân người khó được”, một khi mất đi thân người thì khó mà có lại được, nếu tạo quá nhiều nghiệp ác thì sẽ bị đọa địa ngục, thậm chí bị tiêu hủy. Vậy nên, nhân lúc còn sống hãy làm nhiều việc thiện, tinh tấn tu hành thoát khỏi biển khổ luân hồi, đó mới là sáng suốt nhất.
Theo Epochtimes
Thiện Quân biên dịch