Người lành lắm tai ương, người tốt đoản mệnh? Tìm hiểu những bí ẩn của nhân quả
Cổ nhân có câu: "Người lành thường gặp nhiều tai ương, người tốt thường đoản mệnh". Quả thực, trong đời sống thường nhật, không ít người chưa từng làm điều ác, chỉ làm việc thiện, lại gặp phải vận mệnh long đong, trắc trở, thậm chí có lúc hoài nghi chính cuộc đời mình. Điều này rốt cuộc là vì sao? Chúng ta hãy cùng xem qua hai câu chuyện sau đây.
Vì sao "Người lành thường gặp nhiều tai ương"?
Vào cuối đời nhà Thanh, tại vùng Kính Đông, Lư Long, có một vị đại gia họ Triệu tên là Đức Phương, cả người và của đều hưng thịnh, ăn sung mặc sướng. Hai vợ chồng già có ba người con trai, tất cả đều đã yên bề gia thất.
Nhân dịp đại thọ 60 tuổi, vị đại gia này kể với ba người con trai rằng, ông đã từng dùng một chiếc cân đã được độn chì, cân thiếu đi để lừa gạt rất nhiều người, làm ăn bất chính để kiếm tiền, thậm chí còn lên kế hoạch hãm hại một thương nhân bán bông và một thương nhân bán thuốc, những người khác bị lừa gạt thì nhiều vô kể. Nay lương tâm thức tỉnh, nghĩ đến những thương nhân đã bị lừa, ông cảm thấy như ngồi trên đống lửa, ăn không ngon ngủ không yên. Ông quyết định từ bỏ cái ác làm điều thiện, và từ đó về sau, ông đã làm rất nhiều việc tốt.
Nhưng những điều bất hạnh lại liên tiếp ập đến. Trong vòng một tháng, người con trai cả đột ngột qua đời, con dâu cả đi bước nữa; tiếp theo là người con trai thứ hai cũng đột ngột qua đời, con dâu thứ hai cũng đi bước nữa; cuối cùng là người con trai thứ ba cũng đột ngột qua đời, con dâu thứ ba vì đang mang thai nên không thể đi bước nữa.
Những tang sự liên tiếp xảy ra trong gia đình khiến Triệu Đức Phương vô cùng đau buồn. Ông không hiểu tại sao trước đây làm việc xấu lại con cháu đầy đủ, phát tài phát lộc, còn bây giờ tích đức hành thiện, lại rước họa vào thân. Ông bắt đầu hoài nghi về luật nhân quả báo ứng.
Một ngày nọ, người con dâu thứ ba của ông Triệu sắp sinh, nhưng đã ba ngày ba đêm vẫn chưa sinh được. Đã mời rất nhiều bà đỡ nhưng đều bó tay. Đúng lúc này, một nhà sư đi ngang qua cửa xin ăn. Nghe chuyện, nhà sư nói rằng có thuốc an thai, uống vào đảm bảo sẽ sinh ngay.
Ông Triệu vội vàng mời nhà sư vào. Người con dâu thứ ba uống thuốc của nhà sư quả nhiên sinh được một bé trai. Triệu Đức Phương nghe tin có cháu trai, vui mừng khôn xiết, cảm tạ nhà sư rối rít, bày tiệc mời nhà sư. Trong bữa tiệc, vị đại gia hỏi nhà sư tại sao ông từ bỏ điều ác làm điều thiện lại gặp phải nhiều tai ương như vậy.
Nhà sư nghe xong cười lớn và nói: "Quả báo của thiện ác đúng là như hình với bóng, không sai một ly. Ta nói cho ngươi biết, con trai cả của ngươi chính là người thương nhân bán thuốc mà ngươi đã hại chết, nó đầu thai vào nhà ngươi là để đòi nợ ngươi; con trai thứ hai của ngươi là người thương nhân bán bông mà ngươi đã lừa gạt, nó đầu thai vào nhà ngươi là để phá gia chi tử; con trai thứ ba của ngươi cũng là do nghiệp chướng mà ngươi đã gây ra, nó vốn định gây ra tai họa lớn cho ngươi, và cuối cùng ngươi sẽ bệnh tật nghèo đói mà chết. Nhờ ngươi đã thay đổi điều ác làm điều thiện, thay đổi số phận của mình, ông trời thương xót ngươi, đã lần lượt đưa ba đứa con trai phá gia chi tử của ngươi đi, ngươi mới có thể hóa nguy thành an, gặp nạn thành may. Bây giờ nghiệp chướng của ngươi đã được trả hết. Đứa cháu trai này của ngươi, sau này sẽ làm rạng danh dòng họ, thay đổi gia môn. Đây là phúc báo mà ngươi đã tích đức làm thiện mà có được."
Triệu Đức Phương nghe xong, như bừng tỉnh khỏi giấc mộng, càng hiểu rõ hơn về luật nhân quả báo ứng.
Nhà sư lại hỏi: "Ngươi có biết tại sao cân lại dùng mười sáu lạng không? Mười sáu lạng này, đại diện cho bảy sao Bắc Đẩu, sáu sao Nam Đẩu, cộng thêm ba sao Phúc Lộc Thọ, cho nên, ngươi bớt cho người khác một lạng là tổn phúc, bớt hai lạng là tổn lộc, bớt ba lạng là tổn thọ, cho người khác càng ít, tổn hại cho mình càng nhiều. Ngươi nghĩ xem, một chiếc cân gian đã tạo ra bao nhiêu tội ác?"
Triệu Đức Phương nghe xong, chỉ cảm thấy mồ hôi lạnh sau lưng chảy ròng ròng, da đầu tê dại, cảm thấy sợ hãi. Một lần nữa thành tâm cảm ơn sự khai sáng và chỉ dạy của nhà sư.
Vì sao "Người tốt thường đoản mệnh"?
Tương truyền, vào thời nhà Tống có một thiếu niên mồ côi cha mẹ, tật nguyền, sống bằng nghề ăn xin, nhưng cậu có tấm lòng nhân hậu, thường xuyên giúp đỡ người khác. Có một con sông chảy xiết ở địa phương không có cầu rất nguy hiểm, mỗi khi nước lên thì không thể qua lại được, khiến người dân địa phương rất khổ sở. Chứng kiến cảnh này, chàng trai muốn xây cầu đá, bèn ngày ngày nhặt đá, bất chấp sự chế giễu của người khác, ngày qua ngày, năm này qua năm khác, đá chất thành núi.
Mọi người đều cảm động, cùng nhau bắt tay xây cầu đá. Trong một lần đục đá, chàng trai bị mù cả hai mắt, mọi người than trời bất công. Nhưng chàng trai không hề oán trách, vẫn cố gắng hết sức giúp đỡ người khác. Cây cầu vừa mới xây xong, mọi người đang ăn mừng thì chàng trai bị sét đánh chết.
Bao Công nghe chuyện, phẫn nộ vô cùng, viết lên câu đối của chàng trai: "Thà làm ác, đừng làm thiện".
Không lâu sau, hoàng tử nhà Tống ra đời, khóc không ngừng, các thái y đều bó tay. Vậy là Bao Công được giao nhiệm vụ tìm cách, Bao Công thấy làn da đứa trẻ trắng như tuyết, trên bàn tay nhỏ bé có ẩn hiện vài chữ, nhìn kỹ, hóa ra là những chữ mình viết cho chàng trai, ông giật mình, vội vàng lau đi, chữ viết biến mất ngay lập tức, đứa bé nhìn thấy Bao Công thì không khóc nữa.
Sau đó, Bao Công thông qua giấc mộng tiên đã hiểu rõ nhân duyên của chàng trai, hóa ra kiếp trước chàng trai làm nhiều việc ác, tội lỗi rất lớn, phải trả ba kiếp mới hết. Thần linh đã sắp đặt, kiếp thứ nhất là một người tàn tật cô độc; kiếp thứ hai là một người mù cả hai mắt; kiếp thứ ba bị sét đánh chết giữa đồng không mông quạnh.
Đứa trẻ đầu thai ở kiếp thứ nhất nghèo khó tật nguyền, nhưng đã biết hối cải, chỉ muốn làm việc tốt cho người khác. Vì vậy, thần linh đã để cậu ta trả nghiệp hai kiếp trong một kiếp, khiến cậu bị mù cả hai mắt. Nhưng đứa trẻ không oán trời trách người, chỉ âm thầm làm việc tốt cho người khác. Vậy là thần linh đã mang nghiệp của kiếp thứ ba đến để cậu trả hết trong một kiếp, cho nên cậu bị sét đánh chết. Cuối cùng, ba kiếp đáng lẽ phải chịu khổ đã được trả hết trong một kiếp, kiếp sau được sắp đặt đầu thai vào nhà đế vương, hưởng vinh hoa phú quý, không bao giờ hết.
Qua việc này, Bao Công cũng được thức tỉnh, nhìn nhận vấn đề không thể chỉ nhìn bề ngoài. Nhân quả báo ứng, không sai một ly.
Đến đây, câu hỏi tại sao "Người lành thường gặp nhiều tai ương, người tốt thường đoản mệnh" hẳn đã có câu trả lời trong lòng mỗi chúng ta.
Sống ở trên đời, ai có thể thoát khỏi luật nhân quả? Nhưng số phận có thể lựa chọn, sau khi có lựa chọn đúng đắn, thuận theo tự nhiên thì có thể thay đổi được. Quả theo nhân mà thay đổi, báo ứng rõ ràng.
Theo Secretchina
Tùng Anh biên dịch