Người sắp được Trời độ sẽ có 3 dấu hiệu này

Người sắp được Trời độ sẽ có 3 dấu hiệu này
Photo by abhijeet gourav / Unsplash

Tăng Quốc Phiên có câu nói nổi tiếng rằng: “Người quân tử chỉ cần cố gắng hết sức làm tốt việc của mình, đừng quá để tâm đến mệnh trời, bởi mệnh trời đã nằm trong việc mình làm”. 

Nếu một người muốn nhận được sự giúp đỡ từ ông Trời, trước tiên người đó phải làm một người tốt đã. Khi bạn làm được tốt rồi, vận may chính là đang trên đường đến với bạn. Đúng như câu nói: “Khi trời muốn độ bạn, đều sẽ có dấu hiệu”. Khi trên người bạn bắt đầu sở hữu được 3 đặc điểm này, nó đang nói với bạn rằng thời điểm đổi vận đang sắp đến.

01, Ngày càng trở nên thiện lương hơn

Trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” có nói: “Hết thảy phước điền, chẳng rời tấc lòng”. Ruộng phước trong tâm, trồng dưa thì gặt dưa, trồng đậu thì được đậu, gieo xuống “thiện duyên”, ta mới có được “thiện quả”.

Tương truyền vào thời nhà Minh, Cử nhân Bành Giáo đến kinh thành để tham gia kỳ thi, đi cùng với ông còn có một thư đồng. Buổi tối, cả hai dừng chân tại một quán trọ, ở đây, thư đồng vô tình nhặt được một cây trâm bằng vàng.

Sau đó, hai người lại đi mất mấy hôm. Bành Giáo tính toán lộ phí, yêu cầu thư đồng chú ý chi tiêu tiết kiệm. Nhưng thư đồng lại lấy ra cây trâm vàng hôm nọ nhặt được, nói rằng chúng ta vẫn còn tiền. Bành Giáo nhìn thấy liền nói: "Không được, chúng ta phải trả lại cây   trâm này càng sớm càng tốt”. Thư đồng thấy vậy lại không chịu, bởi nếu quay trở lại chắc chắn sẽ chậm trễ thi cử.

Bành Giáo thấy vậy, liền giải thích: "Cây trâm này rất có thể là vật dụng của một cô gái. Một khi cha mẹ nàng ta không thấy nó nữa, họ sẽ cho rằng cô ấy đã tự ý quyết định việc chung thân với người khác. Điều này sẽ vô tình làm mất đi sự trong sạch của người ta”. Thư đồng nghe vậy chợt hiểu ra, vội cùng Bành Giáo trở lại quán trọ.

Khi cả hai vội vàng quay lại quán trọ, thì cô con gái chủ quán trọ vì bị mất cây trâm cài tóc mà bị cha mẹ trách mắng thậm tệ, đang lúc muốn quyên sinh. Lúc này, Bành Giáo đã trả lại cây trâm, nhờ vậy mà bảo toàn được mạng sống và danh tiếng của thiếu nữ. 

Lại nói về hội trường thi ở Bắc Kinh, nơi đây bất ngờ xảy ra hỏa hoạn khiến hơn 90 cử nhân thiệt mạng. Bành Giáo lại vì đến muộn nên cuối cùng may mắn sống sót.

Sau đó, kỳ thi được mở lại vào tháng 8, Bành Giáo đậu vị trí thứ hai, trong kỳ thi đình (kỳ thi cuối cùng ở cung điện do nhà vua chủ trì) sau đó, ông được vua ban chức trạng nguyên.

Hành tẩu nơi thế gian này, thiên lương thường là lá bùa hộ mệnh tốt nhất của một người.

Người xưa có câu: “Người làm việc thiện, dù phúc chưa đến, thì tai họa cũng đã tránh xa; người nếu làm điều ác, họa tuy chưa đến, nhưng phúc cũng đã rời xa”.

Vạn sự vạn vật trên cõi đời này không ngừng thay đổi, nhưng mọi thứ đều có vòng tuần hoàn nhân quả. Trên thực tế, khi làm việc thiện, chúng ta thường chỉ làm theo sự mách bảo của lương tâm, chứ không hề nghĩ sẽ được đền đáp.

Cũng giống như trong cuộc sống, khi chứng kiến cảnh tượng thê thảm, trong lòng chúng ta đều sẽ thổn thức; con tim chúng ta vẫn thường tê tái, xót xa khi thấy sự bất hạnh của người khác và phẫn nộ khi nhìn thấy sự bất công.

Nhưng “thiện lương” có thể lại có thể mang đến sự cộng hưởng ở cùng một tần số. Bạn từng giúp đỡ những ai, từng giúp đỡ những việc gì, cuối cùng những việc thiện đó đều sẽ trở thành phần thưởng dành cho bạn. Trên thế giới này, hầu hết những điều bất ngờ và may mắn mà bạn gặp được thực chất đều là lòng tốt mà bạn đã tích lũy được.

02, Tăng thêm lòng biết ơn

Nhà Phật có giảng về duyên phận, mọi thứ trên thế gian đều do nhân duyên hội tụ, mọi người đều vì ta, ta đều vì mọi người. Vì vậy, chúng ta cần có lòng cảm ân.

Người sống ở thế gian, mỗi người đều tiến về phía trước trong sự cho đi và nhận lại. Cha mẹ ban cho chúng ta sự sống và nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn thành người; bạn bè cho chúng ta sự giúp đỡ, sưởi ấm cuộc sống của chúng ta; người bạn đời đồng hành cùng chúng ta, giúp chúng ta xua tan nỗi cô đơn; con cái mang lại niềm vui, trọn vẹn cuộc sống của chúng ta.

Nhưng khi những thứ này vẫn luôn tồn tại như ánh Mặt trời, chúng ta sẽ quen với hơi ấm mà đối phương mang lại, quên đi lòng cảm ân, mà cho đó là điều đương  nhiên. Đây chính  là đạo lý “Đấu gạo dưỡng ân, gánh gạo dưỡng thù”.

Biết ơn và đền ơn luôn là một phẩm đức quý giá. Người xưa có giảng: Không việc thiện nào lớn hơn việc biết ơn và đền ơn.

Trương Cư Chính thời còn trai trẻ đã tài hoa hơn người, được người đời gọi là tài tử Giang Lăng. Lần đầu tiên ông tham gia kỳ thi hương đã hoàn thành bài thi sớm nhất, quan chủ khảo là Cố Lân rất tán thưởng ông, nhưng lại lo ông tuổi trẻ ngạo mạn, không thể đi xa, nên đã cố tình không cho ông đậu.

Sau khi kết quả được công bố, Trương Cư Chính thấy mình không có tên trong danh sách, đã rất tức giận. Nhưng Cố Lân lại tìm đến ông, nói rằng, “Chính là tôi đã kiên quyết đánh rớt cậu”. 

Trương Cư Chính sau khi biết được chuyện này, từ trong lời nói của Cố Lân cảm nhận được sự khổ tâm của đối phương. Cuối cùng, Trương đã gạt bỏ sự tức giận và chuyên tâm nghiên cứu học thuật, nền tảng kiến thức của ông càng thêm vững chắc. Ông coi Cố Lân như người thầy và quý nhân trong cuộc đời mình.

Nhiều năm sau, Cố Lân bị kẻ gian hãm hại, Trương Cư Chính đã nhiều lần không màng nguy hiểm đứng ra giúp đỡ Cố Lân. Sau khi Cố Lân qua đời, Trương Cư Chính đã đích thân viết thư cho con cháu của ông và chi trả học phí cho họ.

Chính lòng cảm ân của Trương Cư Chính đã làm phong phú thêm kiến ​​thức của ông, càng khiến mọi người khâm phục đức hạnh của ông, từ đó nhận được sự ủng hộ từ nhiều mối quan hệ cho những cải cách của ông sau này. 

Người xưa có câu: “Cho một quả đào, trả lại một quả mận”, lại nói: Cá biết ân đức của nước, đó là cội nguồn của hạnh phúc.

Chừng nào còn sống, chúng ta nên ghi nhớ lòng tốt của người khác, và báo đáp nó một cách kịp thời. Trong tâm một người có thể ghi nhớ bao nhiêu ân tình của người khác, trong mệnh sẽ có bấy nhiêu phúc báo.

03, Trở nên lạc quan cởi mở

Trong “Hồng Lâu Mộng” có câu: “Xuân hận thu bi giai tự nhã”, đại ý là: Xuân hận thu buồn đều do tự mình chiêu mời cả. Tất cả trong một đời này của người ta, ví như niềm vui, giận dữ, đau buồn, vui vẻ, bi quan, sợ hãi, lo lắng, v.v… kỳ thực không liên quan gì đến những thứ bên ngoài, tất cả đều bắt nguồn từ chính bản thân mình.

Tâm thái của bạn quyết định phong cảnh quan bạn có thể nhìn thấy. Vậy nên, nhà văn Dư Quang Trung từng nói: "Nếu tôi đi du lịch, tôi sẽ tìm Tô Đông Pha, ông ấy là một người rất thú vị”.

Vào năm 1079, Tô Thức, người nổi tiếng trong giới chính trị một thời, đã bị nhiều quan chức cùng nhau luận tội, muốn đẩy ông vào chỗ chết. Tuy nhiên, dưới sự giúp đỡ nhiều người thân quen, cuối cùng ông thoát khỏi tội chết, nhưng từ đó cũng bắt đầu cuộc đời giáng chức, lưu đày suốt một đời của ông.

Lần đầu tiên ông bị giáng xuống Hoàng Châu, 10 năm sau, ông lần lượt bị giáng xuống Hàng Châu, Dĩnh Châu;  5 năm sau, lần nữa bị giáng xuống Huệ Châu, Đam Châu. Nhưng dù thân đang ở đâu, Tô Đông Pha cũng không bao giờ chán nản vì điều này; thay vào đó, thời gian này ông đã sáng tác nhiều tác phẩm bất hủ xem nhẹ kiếp nhân sinh.

Định phong ba (Mạc thính xuyên lâm đả diệp thanh)

Mạc thính xuyên lâm đả diệp thanh,
Hà phương ngâm khiếu thả từ hành.
Trúc trượng mang hài khinh thắng mã,
Thuỳ phạ!
Nhất thoa yên vũ nhậm bình sinh.

Liệu tiễu xuân phong xuy tửu tỉnh,
Vi lãnh,
Sơn đầu tà chiếu khước tương nghinh.
Hồi thủ hướng lai tiêu sắt xứ,
Quy khứ,
Dã vô phong vũ dã vô tình.

Tạm dịch: 

“Cứ mặc lá rừng lát xát rơi
Hãy thư thả bước, vịnh ngâm chơi
Gậy trúc, giầy rơm hơn vó ngựa
Ai sợ!
Chiếc tơi mưa gió kệ thây đời
Heo hắt gió xuân, men rượu tỉnh
Hơi lạnh
Mặt trời chếch núi đón chào ngươi
Ngoái cổ lại nhìn nơi hiu quạnh
Về rảnh
Cũng không mưa gió, chẳng hong trời.

Số phận đã mang đến buồn khổ cho ông, nhưng ông lại ban cho cuộc đời mình sự lạc quan. Sự nhiệt tình và bình thản trước cuộc sống đã khiến cả đời ông đều đang độ chính mình. Tâm thái lạc quan, cởi mở và điềm tĩnh của ông cũng đã cứu vớt vô số người thân đang  trong nghịch cảnh.

Trong cuộc sống, c vì bản thân, có những điều chúng ta cần phải học cách bình thản đối mặt, điềm tĩnh đón nhận. Cuộc sống đã giáng cho bạn một đòn cảnh tỉnh, vậy tại sao chúng ta lại làm khó bản thân mình. Một đời này của con người ta, chỉ cần có tấm lòng bao dung, thì mọi việc sẽ trở nên tầm thường; chỉ cần có tâm hồn cởi mở, thì mọi điều bất hạnh sẽ vượt qua.

Người có tâm thái tốt, cuộc sống chắc chắn sẽ trở nên tốt đẹp.

Trong “Thi Kinh” có câu: “Vĩnh ngôn phối mệnh, tự cầu đa phúc”, đại ý là: Vĩnh viễn hành sự theo Thiên mệnh, tự mình cầu được nhiều phúc báo.  Con đường ở dưới chân bạn, bạn gieo nhân gì thì sẽ gặt được quả đó.

Theo Secretchina
Thiện Quân biên dịch

Đọc tiếp