Người xưa đón Tết như thế nào và tại sao lại phải 'giả ngốc'?

Từ xưa đến nay, đón năm mới luôn là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng nhất, long trọng nhất, phong phú nhất và náo nhiệt nhất. Chỉ là, người xưa đón Tết như thế nào? Hãy cùng chúng ta điểm lại lịch sử, cảm nhận một chút hương vị Tết thời xưa nhé!
Đốt pháo tre
Nhắc đến cảnh tượng đón Tết của người xưa, chắc chắn không thể bỏ qua bài thơ "Trừ nhật" của nhà thơ Vương An Thạch thời Tống:
Tiếng pháo nổ vang tiễn năm cũ,
Gió xuân ấm áp đưa hương rượu.
Muôn nhà rực rỡ ánh ban mai,
Thi nhau cắm đào thay bùa cũ.
Bài thơ quen thuộc này đã mô tả chân thực khung cảnh đón năm mới của người dân thời Tống.
Ngày nay, tục lệ đốt pháo Tết của người dân được cho là bắt nguồn từ truyền thống đốt pháo tre của người xưa. Vậy tại sao người xưa lại đốt pháo tre? Theo ghi chép trong tập truyện thần quái "Thần dị kinh" thời Hán, ở vùng núi sâu phía Tây có một loài quái thú tên là Sơn Sao. Nếu con người gặp phải nó sẽ mắc bệnh sốt rét. May mắn thay, Sơn Sao có một điểm yếu là sợ tiếng tre nổ, vì vậy người ta đã dùng lửa đốt tre, tạo ra tiếng nổ để xua đuổi nó. Về sau, với sự phát minh ra thuốc súng, người ta phát hiện ra rằng việc cho thuốc súng vào ống tre rồi đốt sẽ tạo ra tiếng nổ lớn hơn. Tục lệ đốt pháo tre cổ xưa bắt đầu thay đổi, và pháo ra đời.
Lì xì
Lì xì là một phong tục truyền thống ngày Tết, cũng là hoạt động mà tất cả trẻ em mong chờ nhất trong dịp năm mới. Lì xì còn được gọi là tiền để trấn áp tà ma, ngăn chặn những điều không may mắn xảy ra, để những người nhận được lì xì có thể bình an vượt qua một năm.
Vào cuối thời nhà Thanh, Lâm Chiêm Mai trong bài thơ Ất Sửu trừ tịch đoàn viên ca đã miêu tả cảnh ông lì xì cho con cháu: "Chia cho tiền lì xì, đồng thời răn dạy đừng phóng túng". Trong đêm giao thừa đoàn viên, khi lì xì cho con cháu, Lâm Chiêm Mai cũng không quên dặn dò con cháu phải theo khuôn phép, nỗ lực vươn lên, không được phóng túng, phải kế thừa tốt gia phong.
Thời nhà Minh - Thanh, tiền lì xì thường được xâu bằng chỉ đỏ, trao cho trẻ em. Trẻ em khi nhận được tiền lì xì được xâu bằng chỉ đỏ đều cẩn thận cất giữ.
Người thời nhà Nguyên là Ngô Đương trong bài thơ Trừ tịch hữu cảm - Kỳ 2 đã miêu tả đêm giao thừa, đồng thời cũng cho thấy hình ảnh trẻ em mong chờ lì xì: "Hoa cái phù dung xanh tựa trời, cao đường áo gấm nhớ năm dài. Người nhà cùng nhau canh rượu đón xuân, trẻ nhỏ tranh nhau chia tiền lì xì."
Trẻ em còn bàn bạc với nhau về việc mua pháo, sáo và các loại đồ chơi khác. Sự phấn khích và háo hức của trẻ nhỏ cũng khiến người lớn cảm nhận được không khí Tết đậm đà.
Tặng danh thiếp
Người hiện đại thường trao đổi thiệp chúc mừng vào dịp Tết để truyền tải những lời chúc tốt đẹp. Thực ra, phong tục tương tự đã có từ xa xưa. Theo ghi chép, ngay từ thời nhà Tống, việc sử dụng danh thiếp để chúc Tết đã rất phổ biến, được gọi là phi thiếp. Vào dịp Tết, mỗi nhà sẽ dán một túi giấy đỏ trước cửa, giống như một hộp thư nhỏ, trên đó viết chữ tiếp phúc, dùng để đựng những tấm danh thiếp chúc mừng.
Vào dịp Tết, khi đến nhà bạn bè, người xưa nếu gặp trường hợp chủ nhà đi vắng, họ sẽ để lại một tấm thiếp để thể hiện rằng mình đã đến chúc phúc. Còn những người có địa vị cao sang, quan hệ rộng rãi, vào dịp Tết có thể không thể đích thân đến thăm hỏi từng người bạn, nên sẽ phái người hầu mang thiếp đi chúc Tết. Cách chúc Tết bằng danh thiếp của người xưa có phải cũng có nét tương đồng với việc gửi tin nhắn hàng loạt ngày nay không?
Trẻ em 'bán ngốc'

“Bán ngốc” có thể khiến nhiều người cảm thấy kỳ lạ và khó hiểu. Thực ra, trong xã hội xưa, có một tục lệ gọi là "bán si ngốc" cho trẻ con. Bán ở đây không phải là bán thật sự, mà mang ý nghĩa tượng trưng là loại bỏ sự ngốc nghếch và khờ dại của trẻ nhỏ. Người xưa tin rằng, làm như vậy sẽ giúp trẻ em trở nên thông minh, lanh lợi hơn.
Tục lệ này phản ánh mong muốn của các bậc cha mẹ ngày xưa về việc con cái mình sẽ khôn lớn, giỏi giang. Có thể họ quan niệm rằng, trẻ con sinh ra vốn dĩ ngây thơ, chưa hiểu biết nhiều, nên cần phải trải qua một nghi thức mang tính biểu tượng như bán si ngốc để đánh dấu sự trưởng thành về trí tuệ.
Đêm giao thừa, mọi người thức đón năm mới, đến tận nửa đêm vẫn chẳng hề buồn ngủ, háo hức chờ đợi khoảnh khắc bước sang năm mới. Bọn trẻ con chạy ra đường, vừa đi vừa rao "Bán khờ nào, bán dại nào!". Nhưng có vẻ như hai thứ ấy chẳng ai thiếu, từ đầu ngõ này đến cuối ngõ kia cũng chẳng có ma nào mua, gặp nhau là chúng lại cười phá lên. Lúc ấy, có một ông lão xuất hiện hỏi giá, lũ trẻ ngây thơ đáp: "Nếu ông mua thì không cần tiền, cứ ghi nợ thôi ạ!". Thật là ngây thơ, trong sáng và thú vị biết bao.
Theo Secretchina
Minh Nguyệt