Người xưa làm thế nào chỉ dùng nửa cuốn sách mà thành công?

Người xưa làm thế nào chỉ dùng nửa cuốn sách mà thành công?
Triệu Phổ (Ảnh: Wikimedia.)

1. Triệu Phổ dùng nửa cuốn Luận Ngữ trị thiên hạ

Triệu Phổ, ban đầu là quan cấp dưới của Triệu Khuông Dẫn. Năm 960, Triệu Khuông Dẫn đưa quân lên phía bắc, khi quân đến Trần Kiều, Triệu Phổ đã đưa ra kế sách giúp Triệu Khuông Dẫn phát động binh biến ở Trần Kiều. Triệu Khuông Dẫn làm hoàng đế, kiến lập triều Tống, sử gọi là Tống Thái Tổ. Sau đó, Triệu Phổ lại phò tá Tống Thái Tổ thống nhất đất nước, và ông được phong làm Tể tướng. Sau khi Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn qua đời, em trai của ông là Triệu Khuông Nghĩa lên kế vị, sử gọi là Tống Thái Tông.

Dưới thời Tống Thái Tông, Triệu Phổ vẫn làm Tể tướng. Có người tâu với Tống Thái Tông rằng Triệu Phổ học thức nông cạn, sách mà ông ta đọc chỉ có một bộ Luận Ngữ của Nho gia, mà lại để ông ta làm Tể tướng là không thích hợp.

Có một lần, Tống Thái Tông hỏi Triệu Phổ: “Có người nói khanh chỉ đọc có một bộ Luận Ngữ, có đúng vậy không?”

Triệu Phổ thật thà trả lời: “Những gì thần biết, quả thật không vượt khỏi cuốn Luận Ngữ. Năm xưa thần dùng nửa bộ Luận Ngữ để phò trợ Thái tổ bình định thiên hạ, giờ đây thần dùng nửa bộ Luận Ngữ để phò trợ bệ hạ, giúp thiên hạ thái bình”.

Về sau Triệu Phổ qua đời vì bệnh, người nhà mở hòm sách của ông ra, bên trong quả thật chỉ có cuốn Luận Ngữ.

Nghe qua câu chuyện trên, có thể nhiều người chỉ đơn giản nghĩ cuốn Luận Ngữ ắt hẳn phải rất hay. Tuy nhiên, địch thủ của Triệu Phổ cũng đọc Luận Ngữ, sao lại thua Triệu Phổ? Vô số người cũng đều đã đọc Luận Ngữ, sao lại chẳng thành công như ông?

Triệu Phổ (Ảnh: Wikimedia.)

2. Người đời thất bại vì chỉ đọc một nửa cuốn sách

Thực ra, phần lớn người đời khi đọc sách, chỉ đọc một nửa cuốn. Nửa đó là nửa mà họ thấy kích động, hứng thú, thấy yêu thích, cũng là nửa mà họ nhận định rằng phù hợp với quan điểm bản thân. Với nửa cuốn còn lại có vẻ bình lặng, nhạt nhẽo, hoặc xung đột và không phù hợp với quan điểm bản thân, thì họ coi như đồ bỏ, lãng quên.

Đọc sách mà chẳng hề phát hiện ra. (Ảnh: Unsplash.)

Chúng ta thấy rất nhiều người đọc và bàn luận về “Tam Quốc Diễn Nghĩa”. Họ mổ xẻ, khen chê Lưu Bị, Tào Tháo, Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý v.v… Lúc gặp thời, đắc ý, họ ví von bản thân là “Ngọa Long, Phượng Sồ”. Nhưng đó mới là một nửa của cuốn Tam Quốc Diễn Nghĩa mà thôi. Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng đó còn có một nửa khác, với vô số những bài học khác. Ví như: Hoa Hâm ngụy quân tử bị Quản Ninh cắt chiếu tuyệt giao; Trương Tùng sơ suất mà mất mạng; Chung Hội, Đặng Ngải tuy giỏi, đạt được những chiến công hiển hách, nhưng không biết thời thế lòng người, quá tự tin vào tài năng của mình mà dẫn đến họa diệt thân v.v… Thử hỏi, mấy ai trên đời, dám nhìn thẳng, nhận định bản thân là tham lam, bất tài, so sánh mình với Đổng Trác, Viên Thiệu… để tự răn? Ai có trí tuệ đặt mình vào tất cả hoàn cảnh tướng lĩnh, mưu sĩ, đế vương trong thời đại ấy để có cái nhìn bao trùm sâu rộng, và nhận định khen chê cho chính xác?

Rõ ràng không chỉ “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, các tiểu thuyết còn lại trong “Tứ đại kỳ thư” cũng đều chịu cảnh bị đọc một nửa như vậy.

“Tây Du Ký” diễn giải rất nhiều đạo lý tu luyện của Đạo gia, Phật gia, trong đó có cả kết cấu thân thể người (ví như Tôn Ngộ Không nhảy một cái 10 vạn 8 ngàn dặm là ám chỉ khoảng cách từ thể tùng quả ra đến ấn đường; Quạt Ba Tiêu là ám chỉ về điều tức, khống chế hơi thở, khi quạt làm người ta bay 8 vạn 4 ngàn dặm chính là ám chỉ chiều dài chiếc lưỡi vốn dùng để bắc cầu hàm dưới lên hàm trên trong phép thở; nếu xét trên tỉ lệ thì rất đúng với giải phẫu học). Nhưng ngày nay người ta chỉ đọc một số những mẩu chuyện đánh yêu trừ quái sôi động. Mà những câu chuyện đánh yêu trừ quái, thực ra là minh họa cho việc người tu hành xả bỏ thất tình lục dục, hoặc bài trừ tính xấu cụ thể nào đó, thế nhưng người đời giờ đây chẳng để ý, chẳng nhận ra. Thêm vào đó, dưới sự bóp méo của điện ảnh trong xã hội đạo đức đã bại hoại, tác phẩm “Tây Du Ký” trong đầu óc thế hệ trẻ càng ngày càng biến dị, nông cạn, thậm chí ngược hẳn lại ý nghĩa ban đầu.

Đạo lý xuyên suốt trong “Thủy Hử” không phải là yêng hùng, chém giết, mà là “bách thiện hiếu vi tiên, vạn ác dâm vi thủ”. Về vế đầu, ngay từ hồi thứ nhất chúng ta đã thấy giáo đầu Vương Tiến chẳng màng chuyện hôn nhân bản thân, nhưng mẹ già thì nhất quyết không bỏ bễ, đi trốn cũng phải chở mẹ theo cùng; ngoài ra, Lý Quỳ khi được hưởng cuộc sống đầy đủ hơn, thì nghĩ ngay đến về nhà cõng mẹ lên Lương Sơn chung hưởng; Tống Giang cũng vì lo cho cha già mà chưa chịu làm phản v.v… Còn vế sau, chúng ta thấy trong “Thủy Hử”, tham quan có thể được tha, trộm cắp có thể được tha, thậm chí giết người cũng vẫn có thể được tha, nhưng tà dâm, cưỡng ép con gái nhà lành, tư thông vợ người khác, đặc biệt những kẻ đội lốt nhà sư, đạo sỹ để làm việc xằng bậy đó… thì 100% đều bị các vị anh hùng hảo hán tống tiễn xuống suối vàng. Liệu trên đời, được mấy ai đọc nửa này của Thủy Hử đây?

Mười hai cô gái được gọi là “Kim Lăng thập nhị thoa” trong “Hồng Lâu Mộng”, mỗi cô một loại trang sức, mỗi cô một số phận, trong đó ám chỉ mối liên hệ của vật chất, phong thủy với số mệnh đời người. Ví như Lâm Đại Ngọc từ bé đã đeo trang sức ngọc mang tính lạnh, nên gầy mòn, u uất; Tiết Bảo Thoa đeo trang sức vàng, nên đầy đặn, khỏe khoắn hơn. Nhưng chung quy, khi mà ai ai cũng bị giam hãm trong “ngôi nhà đỏ”, “ngôi nhà ảo tưởng”, thì sẽ không có người nào thực sự hạnh phúc. Người đời cố dùng các phương pháp phong thủy để cải mệnh, cầu tài lộc, bình an, rốt cuộc cũng không chèo chống thắng được phong khí đạo đức chung của xã hội. Thử hỏi mấy ai ngoài chuyện tình của Giả Bảo Ngọc, gắng công đọc thêm nốt nửa này của “Hồng Lâu Mộng”?

Biết bao nhiêu tác giả đã viết sách truyền động lực, sách dạy làm giàu; biết bao triệu phú, tỷ phú, người nổi tiếng đã chia sẻ về bí quyết thành công, rất nhiều những điều họ viết và chia sẻ ấy là trung thực, nhưng tại sao người đời ít ai học theo, làm theo được? Phải chăng người ta đọc thiếu một nửa cuốn sách - một nửa của kiên quyết bỏ thói quen xấu, rèn luyện thói quen tốt; một nửa của cay đắng, thất bại, chịu đựng, đau khổ? Không cần nói đến cả một quyển sách, rút gọn về đơn giản như một câu thành ngữ, ví như “lúa chín cúi đầu”, có người chú trọng vào vế “cúi đầu”, có người không sao ngăn được suy nghĩ về vế “lúa chín”, từ đó mà đưa đẩy số phận khác nhau một trời một vực.

Có nhà phê bình đã từng nói về cuốn sách “Nhà quý tộc tài ba Don Quijote xứ Mancha” của Cervantes: “Một là đọc trên những dòng chữ, và ta sẽ thấy toàn bộ pho sách là mũi nhọn tấn công vào tiểu thuyết kiếm hiệp; hai là đọc giữa những dòng chữ để tìm hiểu ý tứ sâu xa của tác giả và tác phẩm. Đọc theo cách thứ hai, ta sẽ thấy toát ra từ toàn bộ pho truyện một bài học nhẹ nhàng, ý nhị về chính nghĩa công lý tự do.”

Thực ra với rất nhiều cuốn sách, chúng ta không cần phải khổ công đi đào bới, soi mói từ ngữ, đoán xét ẩn ý của tác giả - đó cũng là một tác phong xấu được hình thành trong môi trường nghiên cứu khoa học. Cái chính là chúng ta có thể bình tĩnh, lý trí, hạ bỏ cái tôi cùng rất nhiều quan niệm cố hữu mà bản thân vẫn đinh ninh là chân lý tuyệt đối xuống, để đọc lại cuốn sách hay không.

Có thể nói, Triệu Phổ dùng nửa cuốn Luận Ngữ trị thiên hạ, ấy là ông đã dùng nửa mà thiên hạ không đọc để trị.

Hữu Đức

Đọc tiếp