Nguồn gốc của Ngày Valentine: Khi việc yêu đương và kết hôn bị cấm theo luật
![Nguồn gốc của Ngày Valentine: Khi việc yêu đương và kết hôn bị cấm theo luật](/content/images/size/w1200/2025/02/angel-1655378_1280.jpg)
Ngày 14 tháng 2 hằng năm, Lễ Tình Nhân là một ngày lãng mạn và ấm áp. Hoa, sô cô la và đủ loại quà tặng, cùng với một bữa tối dưới ánh nến, khiến ngày này trở nên vô cùng hạnh phúc và ngọt ngào. Tuy nhiên, khi chúng ta tìm hiểu về nguồn gốc của Lễ Tình Nhân, chúng ta phát hiện ra rằng nó không hề ấm áp và ngọt ngào như vậy, mà thay vào đó còn đi kèm với nỗi buồn và sự giết chóc.
Lễ Tình Nhân bắt nguồn từ đâu? Tại sao nó được gọi là Valentine's Day? Và nó liên quan đến những ai? Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu câu chuyện về Lễ Tình Nhân.
Nguồn gốc của ngày Valentine
Có một vài phiên bản về nguồn gốc của ngày Valentine, bài viết này sẽ kể về hai trong số đó.
Câu chuyện phổ biến nhất bắt đầu từ thời kỳ Đế chế La Mã cổ đại vào thế kỷ thứ ba. Năm 268, nhà cai trị của Đế chế La Mã là Claudius II. Vào thời kỳ này, đất nước phải đối mặt với những khó khăn trong và ngoài nước, chiến tranh liên miên. Claudius II, để thực hiện giấc mơ đế chế hùng mạnh của mình, cũng như để giải quyết cuộc khủng hoảng quốc gia, đã ra lệnh cho tất cả đàn ông độc thân phải nhập ngũ, không được phép kết hôn, và yêu cầu họ trung thành với chiến tranh, ngay cả những người đã đính hôn cũng bị buộc phải hủy bỏ hôn ước.
Claudius tin rằng, những người đàn ông chưa kết hôn có thể trở thành những người lính giỏi hơn trên chiến trường. Ông đã sử dụng các biện pháp cứng rắn, trưng dụng một số lượng lớn người dân nhập ngũ, nhưng cũng mang lại nhiều sự oán giận hơn từ người dân, đặc biệt là những người lính trẻ, rất tức giận về điều này, nhưng không dám chống lại.
Lúc bấy giờ, có một giám mục Cơ đốc giáo tên là Valentine, rất bất mãn với cách làm cực đoan này của Claudius. Vì vậy, khi có những cặp tình nhân trẻ tuổi cầu xin ông, ông đã bí mật tổ chức lễ cưới cho họ. Tin đồn lan truyền từ người này sang người khác, dưới sự giúp đỡ của Valentine, rất nhiều người đã kết thành đôi lứa, và những người đàn ông trẻ tuổi nhờ đó đã tránh được số phận phải nhập ngũ.
Lửa không thể gói được trong giấy, cuối cùng tin tức cũng đến tai Claudius, ông ta tức giận lôi đình. Trong lòng nghĩ: Phản rồi! Chẳng phải cố ý đối đầu với ta sao! Thế là ông ta ra lệnh bắt giữ Valentine, tống vào ngục tối, tra tấn dã man. Vào ngày 14 tháng 2 năm 270, Valentine bị xử tử.
Vậy còn Claudius thì sao? Thời gian ông ta ở ngôi, tính đi tính lại chắc chỉ khoảng hai năm, từ năm 268 đến năm 270. Vài tháng sau khi Valentine qua đời, Claudius phải chịu quả báo, ông ta mắc bệnh dịch hạch - đậu mùa (small pox). Đây là một trong những bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao nhất vào thời điểm đó, bệnh tình nghiêm trọng, lây lan mạnh. Rất nhanh sau đó Claudius chết, quân đội của ông ta cũng vì trận dịch bệnh này mà bị tổn thất nặng nề.
Một phiên bản khác về ngày Valentine, cũng là câu chuyện về một người tên là Valentine. Vào thời kỳ Đế chế La Mã, người ta tin vào thần thoại La Mã và các vị thần La Mã. Trong đế chế, Cơ đốc giáo bị đàn áp, và Valentine là một Cơ đốc nhân, vì vậy ông cũng bị giam vào tù.
Một thẩm phán tên là Asterius, nhận nuôi một cô con gái tên là Julia, cô bị mù cả hai mắt, chưa từng nhìn thấy thế giới tươi đẹp này. Mặc dù là con nuôi, nhưng thẩm phán vẫn coi cô như con ruột của mình. Vì quá thương con gái, ông ta đã đưa cô con gái bé bỏng này đến trước mặt Valentine, và nói: Nếu ông có thể phục hồi thị lực cho con gái tôi, tôi nguyện giúp ông làm bất cứ điều gì!
Thế là Valentine thành tâm cầu nguyện cho cô gái, mong Chúa mang lại ánh sáng cho cô. Sau đó, ông đặt tay lên mắt Julia, Julia thực sự đã khôi phục được thị lực! Một phép màu như vậy, khiến Julia vô cùng ngạc nhiên và vui mừng.
Người cha thẩm phán nước mắt lưng tròng, khiêm tốn hỏi Valentine: Ông muốn tôi làm gì cho ông? Valentine trả lời: Tất cả các bức tượng khác được thờ trong nhà thẩm phán đều nên bị phá bỏ. Sau đó, thẩm phán nên nhịn ăn ba ngày và chấp nhận lễ rửa tội Cơ đốc giáo. Thẩm phán nghe theo sự sắp xếp của Valentine, đã tiến hành nhịn ăn và cầu nguyện, ông và Julia cùng với 44 người thân, người hầu đều đã làm lễ rửa tội, trở thành Cơ đốc giáo đồ. Thẩm phán cũng đã thả tất cả các tù nhân Cơ đốc giáo thuộc quyền tài phán của mình.
Sau khi ra tù, Valentine tiếp tục truyền bá phúc âm, nhưng lại bị bắt một lần nữa, lần này ông bị đưa đến chỗ Claudius II. Claudius ra lệnh cho Valentine từ bỏ tín ngưỡng của mình, từ chối Đấng Christ, nếu không, sẽ bị đánh bằng gậy và chặt đầu. Valentine từ chối. Vào ngày 14 tháng 2 năm 269, Valentine bị xử tử.
Tương truyền rằng, vào buổi sáng trước khi Valentine bị hành hình, ông đã viết một bức thư tuyệt mệnh cho Julia, bày tỏ rằng mình vô tội, đồng thời cũng bày tỏ tình yêu sâu sắc của mình dành cho Julia, tình ý miên man, ở phần cuối thư có ghi "Từ Valentine của em". Người ta cho rằng đây cũng là lý do vào ngày Valentine, mọi người tặng nhau những bức thư lãng mạn.
Mặc dù cả hai vị thánh Valentine đều phải chịu đựng sự đàn áp tàn bạo và mất đi mạng sống, nhưng sau khi họ qua đời, họ đều được Kitô giáo phong thánh. Để tưởng nhớ Thánh Valentine, vào năm 496 sau Công nguyên, Giáo hoàng Gelasius I đã chọn ngày mất của cả hai người, tức là ngày 14 tháng 2, làm ngày lễ Thánh Valentine (Saint Valentine's Day, còn được gọi là Lễ Thánh Valentin hay Lễ Thánh Valentine), và mọi người gọi đó là "Ngày Tình yêu" (Valentine's Day)."
Ngày lễ Tình nhân hiện đã trở thành một trong những lễ hội truyền thống của các nước phương Tây và ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Câu chuyện về những người tên Valentine vì tín ngưỡng mà giữ vững lòng trung thành, thậm chí hy sinh cả tính mạng của mình, đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác và được mọi người ca ngợi...
Theo Soundofhope
Minh Nguyệt