Nguyên tắc sống của Tô Đông Pha: Không quên ơn người khác
Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, đủ cả chua cay mặn ngọt. Ghi nhớ ân huệ của người khác là điều tương đối dễ làm, bởi vậy nên tuy trên đời có kẻ vong ân bội nghĩa, nhưng vẫn có rất nhiều người quân tử biết ơn báo đáp.
Tuy nhiên, con người ta rất khó quên đi việc bị vu oan, gièm pha, nói xấu, dẫn đến việc cứ mãi canh cánh trong lòng, thậm chí là có thù tất báo, cuối cùng gây ra vòng luẩn quẩn oan oan tương báo, không có ngày kết thúc.
Trong xã hội hiện đại, có vô số vụ án oan sai, người tốt bị oan ức cũng không phải là hiếm. Mọi người sống trong sự mơ hồ, thật giả lẫn lộn, nhiều người cảm thấy mình bị oan ức, trong lòng chất chứa nỗi uất ức vô hạn. Đối mặt với những bất công trong cuộc sống, mỗi người có một cảnh giới tinh thần khác nhau.
Vào một đêm đông lạnh giá, tôi đến thăm một người bạn bị vu oan. Anh ấy không mấy để tâm đến lời an ủi của tôi, và nói rằng mình đã sớm buông bỏ rồi. Lúc này, anh ấy đứng dậy nghe điện thoại, tôi nghe ra là có người muốn nói cho bạn tôi biết ai là người đã hãm hại anh ấy.
Anh ấy lớn tiếng trả lời: "Anh đừng nói cho tôi biết người đó là ai, tôi không muốn biết!" Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, bạn tôi giải thích rằng, cuộc sống cần phải biết từ bỏ, quên đi cũng là một cách từ bỏ, hơn nữa là cách từ bỏ quan trọng nhất." Có những chuyện căn bản không cần phải biết, có những chuyện nhất định phải quên đi, tôi chỉ muốn nhớ đến những điều tốt đẹp mà người khác đã làm cho mình."
Tô Đông Pha nhiều lần trải qua sóng gió nhưng vẫn bao dung với người khác
Điều này làm tôi liên tưởng đến bài thơ "Lục nguyệt nhị thập nhật dạ độ hải" (Đêm hai mươi tháng sáu vượt biển) của Tô Đông Pha lúc về già:
Vân tán nguyệt minh thùy điểm chuế,
Thiên dung hải sắc bản trừng thanh
Tạm dịch: Mây tan trăng sáng ai điểm xuyết,
Sắc trời biển cả vốn trong xanh.
Tác giả mượn chuyến vượt biển đêm để thể hiện tính cách kiên cường khi về già và tấm lòng rộng mở. Câu thơ thoạt nhìn tả ánh trăng sáng, trời biển trong xanh, nhưng ẩn dụ rằng bản thân tuy từng bị kẻ thù chính trị vu cáo, nhưng bản chất trong sạch, cuối cùng cũng được minh oan, đồng thời thể hiện tâm cảnh trong sạch, cao thượng không sợ bị vu khống.
Nguyên văn bài thơ "Lục nguyệt nhị thập nhật dạ độ hải":
Tham hoành đấu chuyển dục tam canh,
Khổ vũ chung phong dã giải tình.
Vân tán nguyệt minh thùy điểm chuế,
Thiên dung hải sắc bản trừng thanh.
Không dư Lỗ sậu thừa phù ý,
Thô thức Hiên Viên tấu nhạc thanh.
Cửu tử Nam hoang ngô bất hận,
Tư du kỳ tuyệt quán bình sinh.
Nửa đầu bài thơ miêu tả cảnh vật, mượn cảnh tả tình; nửa sau bàn chuyện xưa nói chuyện nay, gửi gắm ý nghĩa sâu xa. Hai câu đầu liền mạch kết hợp việc tác giả luôn giữ mình trong sạch trong đấu tranh chính trị, cuối cùng vượt qua nguy hiểm một cách an toàn với sự thay đổi của thời tiết tự nhiên; câu tiếp theo phóng bút trực tiếp bày tỏ nỗi lòng, nói rõ tình cảm quên được mất, coi vinh nhục như nhau của bản thân trong vòng xoáy chính trị.
Thật là một câu "Cửu tử Nam hoang ngô bất hận"! Câu cuối cùng chính là chân dung thực tế về tấm lòng rộng lượng, bao dung với người khác của ông sau nhiều lần trải qua sóng gió. Toàn bộ bài thơ chứa đựng sức mạnh cảm động mãnh liệt.
Tô Đông Pha sống trong môi trường khắc nghiệt, nhưng vẫn ung dung tự tại
Tô Thức (Tô Đông Pha) là người khoáng đạt lạc quan, kiên cường bất khuất, hài hước hóm hỉnh. Ông từng nói: "Ta trên có thể bầu bạn với Ngọc Hoàng Đại Đế, dưới có thể bầu bạn với những kẻ ăn mày ngoài đồng." "Trong mắt ta, thiên hạ không có một ai là người xấu." (Theo Yết Sinh Tuỳ Sao của Giả Tự Đạo đời Tống).
Tô Đông Pha và Chương Đôn tuổi tác tương đương, thời trẻ từng là bạn tốt, sau này vì việc cải cách mà bất hòa. Năm Thiệu Thánh thứ nhất, Tống Triết Tông dùng Chương Đôn làm tể tướng. Nhớ lại việc bản thân từng bị phe đối lập công kích, đày ải, Chương Đôn vừa khôi phục thi hành tân pháp, vừa ra sức trả thù phe đối lập.
Vì Tô Đông Pha từng công khai phản đối biến pháp, nên cũng bị Chương Đôn liệt vào hàng ngũ đối lập, không hề nương tay. Vì vậy, Đông Pha bị đày đến Huệ Châu (nay là thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông), làm Ninh Viễn quân tiết độ phó sứ. Đông Pha đã quen với những ngày tháng bị đày ải, ông khai hoang trồng trọt, chép tay Kim Cang Kinh, nghiên cứu nấu nướng... Dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt đến đâu, ông vẫn ung dung tự tại.
Tài năng văn chương của Tô Đông Pha không ngừng tuôn chảy, thơ phú như suối nguồn. Ông từng làm thơ rằng: "Vì báo thi nhân xuân ngủ đủ, đạo nhân khẽ đánh chuông canh năm." (Trích "Đông Pha sự loại"). Chương Đôn thấy Đông Pha dù bị đày ải vẫn sống ung dung tự tại như vậy, trong lòng rất khó chịu, liền lập tức đày Đông Pha, khi ấy đã 61 tuổi, đến tận vùng đất xa xôi hải ngoại là Xương Hóa (nay là huyện tự trị dân tộc Lê Xương Giang, Hải Nam).
Thế nhưng đời người khó đoán, năm Nguyên Phù thứ nhất, Tống Triết Tông mất sớm, vị hoàng đế thứ tám của nhà Tống là Tống Huy Tông lên ngôi, phe biến pháp lại một lần nữa thất thế, Chương Đôn bị đày đến Lôi Châu, Lĩnh Nam (nay là thị xã Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông), cũng rơi vào bước đường cùng của cuộc đời.
Con trai của Chương Đôn là Chương Viện thi đỗ tiến sĩ khi Đông Pha làm chủ khảo bộ Lễ, coi như là học trò của Đông Pha. Chương Viện nhân dịp đến bán đảo Lôi Châu thăm cha bị đày, muốn vòng đường đến bái kiến Đông Pha, nhưng lại lo lắng thầy còn ghi hận cha mình, trong lòng băn khoăn, liền viết một bức thư dài gửi cho Đông Pha, bày tỏ lời xin lỗi, mong thầy có thể tha thứ cho cha mình.
Đông Pha hồi âm rằng: "Ta với Thừa tướng (Chương Đôn) kết giao hơn bốn mươi năm, tuy giữa chừng có lúc ra làm quan lúc lui về ở ẩn, nhưng tình giao hảo vốn không hề thêm bớt. Nghe tin ông ấy tuổi cao sức yếu phải sống nơi biển xa, nỗi niềm này có thể hiểu được. Nhưng nói về chuyện đã qua thì có ích gì? Chi bằng chỉ bàn đến những chuyện chưa xảy ra..." (Trích "Tô Thức tập"). Không có oán hận, không có thù hằn. Đông Pha cho rằng với Chương Đôn "bốn mươi năm giao tình vốn không hề thêm bớt", thậm chí còn nhớ năm xưa Chương Đôn từng can gián mình như những người bạn chí cốt. "Không quên cái tốt của người khác", đó chính là nguyên tắc làm người của Tô Đông Pha.
Chỉ khi bỏ qua những chuyện đã qua thì mới có thể sống thanh thản và hạnh phúc
Cuộc sống không như ý muốn đến tám chín phần mười, ngay cả người tài giỏi dũng mãnh như Quan Vân Trường cũng không tránh khỏi lúc sa cơ thất thế ở Mạch Thành; người trung nghĩa tận tâm như Nhạc Phi cũng không thể tránh khỏi việc bị hôn quân, gian thần hãm hại. Thành công trong quá khứ không đáng để khoe khoang mãi, mà cứ mãi day dứt về nỗi đau trong quá khứ, luôn mang vẻ mặt u sầu càng không nên. Lâu dần, cứ mãi so đo tính toán những chuyện nhỏ nhặt, mãi ôm hận những chuyện cũ đã qua, chỉ khiến tâm hồn thêm nặng trĩu.
Người khôn ngoan nói rằng, tức giận là lấy lỗi lầm của người khác để trừng phạt chính mình. Luôn ghi nhớ điều xấu của người khác, thực ra người chịu thiệt thòi nhất chính là bản thân. Người biết bỏ qua lỗi lầm của người khác mới là người vui vẻ, thoải mái. Cuộc sống cần biết nắm bắt, đôi khi càng cần biết buông bỏ. Đời người giống như một chuyến đi đường dài, trải nghiệm càng phong phú, áp lực mang theo sẽ càng lớn, chỉ có liên tục quên đi, mới có thể tiếp tục cuộc hành trình nhẹ nhàng.
Câu nói giản dị "Ghi nhớ điều tốt của người khác, quên đi điều xấu của người khác" đủ để khiến người ta suốt đời tâm đắc, ai làm được điều đó, người đó sẽ cảm nhận được sự ung dung tự tại của cuộc sống. "Mây tan trăng sáng ai điểm xuyết, sắc trời biển cả vốn trong xanh..." Ngẫm nghĩ câu thơ của Tô Đông Pha, trong lòng cảm thấy một vùng sáng rực.
Theo Aboluowang
Minh Nguyệt