Những con số bí ẩn trong Tây Du Ký ẩn chứa ý nghĩa thú vị nào?

Trong Tây Du Ký có rất nhiều con số thú vị, ví dụ như mười vạn tám nghìn dặm, số ngày Đường Tăng đi thỉnh kinh là năm nghìn không trăm bốn mươi tám ngày, và chín chín tám mươi mốt nạn trên đường thỉnh kinh, v.v. Những con số này ẩn chứa ý nghĩa đặc biệt nào?
Chín chín tám mươi mốt nạn
Ví dụ như chín chín tám mươi mốt nạn, chính là chỉ những khổ nạn mà thầy trò Đường Tăng gặp phải trên đường đi thỉnh kinh. Ai đã xem Tây Du Ký đều biết, Đường Tăng khi lấy được chân kinh vừa đúng trải qua tám mươi nạn, khi ông tưởng rằng đã viên mãn, không ngờ Quan Âm Bồ Tát lại nói còn thiếu một nạn, kết quả khi qua sông Thông Thiên, vì không thực hiện lời hứa với lão rùa, bị lật úp xuống dòng sông xiết.
Vậy tại sao Đường Tăng nhất định phải trải qua chín chín tám mươi mốt nạn, thiếu một nạn cũng không được? Chín chín quy nhất vốn là thuyết của Đạo gia, nó nhấn mạnh sự phát triển và biến hóa của vạn vật đều quy về một bản thể căn bản. Phật gia cũng có quan niệm tương tự, cho rằng Phật tính chính là căn nguyên này. Tây Du Ký là một tác phẩm kinh điển dung hợp Nho, Phật, Đạo, cho nên nó mượn lời nói của Đạo gia để thể hiện trí tuệ của Phật gia.
Nói một cách đơn giản, con số "chín chín tám mươi mốt" tượng trưng cho sự viên mãn và trọn vẹn trong quá trình tu hành. Đường Tăng phải trải qua đủ số nạn này mới có thể đạt được sự giác ngộ hoàn toàn và trở thành Phật.
Con số thần kỳ 5048
Trong Tây Du Ký có một con số kỳ diệu là 5048, đây là số ngày mà Đường Tăng đi thỉnh kinh. Thực ra Đường Tăng chỉ mất 5040 ngày, nhưng Quan Âm Bồ Tát nói: "Tổng cộng mất mười bốn năm, tức là năm nghìn lẻ bốn mươi ngày, còn thiếu tám ngày, không hợp với số tạng." Sau đó, Đường Tăng trên đường trở về lại mất tám ngày, tổng cộng vừa đúng 5048.
Phật giáo có khái niệm "nhất tạng chi giáo". Tạng vốn có nghĩa là tổng hợp kinh điển của Phật giáo. Như Lai khi truyền kinh đã nói câu này: "Ta nay có kinh Tam tạng, có thể siêu thoát khổ não, giải thích tai ương. Tam tạng: có Pháp nhất tạng nói về trời, có Luận nhất tạng nói về đất, có Kinh nhất tạng độ quỷ." Chân kinh mà Đường Tăng thỉnh được chính là ba bộ này, tổng cộng 5048 quyển, cho nên Đường Tăng cũng được gọi là Đường Tam Tạng. Trọng lượng binh khí của Bát Giới và Sa Tăng cũng phù hợp với số lượng của một tạng, đều là 5048 cân.
Nhưng Như Ý Kim Cô Bổng của Tôn Ngộ Không lại nặng 13.500 cân, vậy con số 13.500 này có ý nghĩa gì? Trung Quốc cổ đại có một cuốn sách y học tên là Hoàng Đế Nội Kinh, theo ghi chép trong sách, số lần thở của một người mỗi ngày tổng cộng là 13.500 lần. Vì vậy, con số 13.500 có nghĩa là Kim Cô Bổng giống như hơi thở của Tôn Ngộ Không, có thể tương thông với tâm ý của mình, do đó có thể lớn nhỏ, dài ngắn biến hóa tùy ý.
Cân Đẩu Vân mười vạn tám nghìn dặm
Còn có Cân Đẩu Vân của Tôn Ngộ Không, một lần nhào lộn là mười vạn tám nghìn dặm, mà khoảng cách từ Đông Thổ đến Tây Thiên cũng là mười vạn tám nghìn dặm. Có nghĩa là Tôn Ngộ Không chỉ cần lộn một vòng là có thể đến Tây Thiên. Vì vậy có người nói nếu một lần nhào lộn có thể giải quyết, vậy tại sao còn phải lặn lội đường xa đi thỉnh kinh? Trong kinh Phật có câu nói như thế này: "Trước tiên trừ mười điều ác, tức là đi mười vạn; sau đó bỏ tám điều tà, mới qua tám nghìn."
Cái gọi là mười điều ác tám điều tà, thực ra chính là tạp niệm và dục vọng trong lòng, chỉ có trải qua ma luyện mới có thể loại bỏ, trở về với bản tâm, cho nên con đường thỉnh kinh, thực chất chính là con đường tu tâm.
Một lần Cân Đẩu Vân tuy có thể đi mười vạn tám nghìn dặm, nhưng không thể đến được thế giới Cực Lạc chân chính, cho nên phải thông qua mười vạn tám nghìn dặm dưới chân để ma luyện tâm tính, mới đủ tu thành chính quả.
Theo Secrecchina
Minh Nguyệt