Những sự kiện lịch sử có thật mà thoáng nghe tưởng bịa đặt

Những sự kiện lịch sử có thật mà thoáng nghe tưởng bịa đặt
Caesar bị cướp biển bắt cóc đòi tiền chuộc. (Ảnh: Wikimedia)

1. Ceasar yêu cầu cướp biển tăng giá tiền chuộc mình

Vào năm 75 tr.CN, Julius Caesar, khi ấy 25 tuổi, đang trên đường đến đảo Rhodes để học hùng biện thì bị một đám cướp biển bắt cóc.

Caesar cảm thấy bị xúc phạm trước khoản tiền chuộc 20 talent và khăng khăng yêu cầu đám cướp biển nâng giá lên 50 talent để phù hợp hơn với địa vị của ông; tùy tùng của Caesar cũng nhanh chóng đi quyên góp tiền ở các thành phố địa phương xung quanh. Caesar hoàn toàn không cư xử như một con tin, ông thậm chí còn đe dọa đám cướp biển, nói rằng sẽ đóng đinh chúng sau khi tự do. Đám cướp biển chỉ coi đó như một trò đùa, chúng nghĩ ông là một kẻ ngông cuồng. Sau 38 ngày, tiền chuộc được trả và Caesar được thả ra.

Caesar bị cướp biển bắt cóc đòi tiền chuộc. (Ảnh: Wikimedia)

Ngay lập tức, Caesar tập hợp một hạm đội với lượng nhỏ binh lính để truy lùng đám cướp. Sau khi bắt được, ông đã đóng đinh chúng như lời hứa, tuy nhiên để tỏ ra khoan hồng, trước đó ông cho cắt cổ để chúng có một cái chết ít dày vò.

2. Thuyền trưởng Đan Mạch - Na Uy hỏi xin quân địch đạn dược

Peter Tordenskjold là một sĩ quan nổi tiếng với lòng dũng cảm và sự táo bạo của Hải quân Hoàng gia Đan Mạch - Na Uy .

Peter Tordenskjold. (Ảnh: Wikimedia)

Có vô số câu chuyện về sự anh hùng và thành tích của ông, nhưng câu chuyện thú vị nhất diễn ra vào ngày 26 tháng 7 năm 1714. Ngày hôm đó, khi đang treo cờ Hà Lan trên tàu chiến Løvendals Gallej của mình, Tordenskjold tình cờ gặp một khinh hạm tên là De Olbing Galley treo cờ Anh khi đi gần Lindesnes. De Olbing Galley là tàu chiến được trang bị ở Anh để bàn giao cho người Thụy Điển với 28 khẩu đại bác, đang trên đường đến Gothenburg và được chỉ huy bởi một thuyền trưởng người Anh tên là Bactmann.

Khi De Olbing Galley ra hiệu cho Løvendals Gallej, Tordenskjold đã giương cờ Đan Mạch. Thấy thế, thuyền trưởng người Anh Bactmann lập tức tấn công. Trận hải chiến nổ ra giữa hai con tàu, và Tordenskjold nhanh chóng nhận thấy Bactmann là một đối thủ tầm cỡ. Trận chiến kéo dài cả ngày, và khi De Olbing Galley cố gắng trốn thoát, Løvendals Gallej giăng thêm cánh buồm, tăng tốc truy đuổi để tiếp tục giao đấu.

Cuộc chiến dừng lại một thời gian ngắn vào ban đêm và được nối lại vào sáng hôm sau. Sau 14 giờ chiến đấu, cả hai tàu đều bị hư hại nặng và Tordenskjold sắp hết đạn. Vì vậy, ông đã cử một phái viên đến De Olbing Galley, thân mật cảm ơn thuyền trưởng người Anh của con tàu về một trận đấu gay cấn đẹp mắt, đồng thời xin mượn một số đạn để tiếp tục chiến đấu. Tất nhiên, yêu cầu của ông đã bị từ chối.

Hai thuyền trưởng uống rượu chúc sức khỏe nhau rồi mỗi người cho tàu đi một ngả.

Hai thuyền trưởng nâng cốc, kết thúc hải chiến. (Ảnh: Wikimedia)

3. Chết vì uống rượu trong trận lụt whiskey

Vào ngày 18 tháng 6 năm 1875, một đám cháy bùng phát tại kho mạch nha và kho chứa rượu của Malone trên phố Chamber, thành phố Dublin. Hơn 5.000 thùng rượu whiskey được cất giữ ở đó. Mặc dù không rõ nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn nhưng người ta tin rằng nó bắt đầu đâu đó trong khoảng từ 4 giờ 35 phút chiều đến 8 giờ tối (là khi chuông báo động vang lên). Ngọn lửa bên trong nhà kho đã đốt các thùng rượu whiskey đến mức chúng phát nổ khiến ngọn lửa lan rộng và càng lúc càng tồi tệ hơn.

Minh họa thảm họa whiskey 1875 ở Dublin. (Ảnh: Wikimedia)

Đến 10 giờ tối, một dòng sông rượu whiskey sâu 15cm đã chảy dài 400m xuống Phố Mill và đến tận Coombe. Khi chuồng chăn nuôi gần đó bốc cháy, lợn bắt đầu kêu ré lên và âm thanh đó đã đánh động đến người dân. Ngọn lửa đã nuốt chửng mọi thứ nó tiếp xúc và đến nay vẫn là một trong những thảm họa ghê gớm nhất mà Dublin từng chứng kiến.

Cuối cùng, đội cứu hỏa đã dập tắt được ngọn lửa bằng cách phủ rất nhiều cát và phân động vật lên đường phố. Vụ hỏa hoạn đã gây thiệt hại chỉ tính riêng về rượu whiskey là 54.000 bảng Anh vào thời điểm đó, tương đương hơn 7 triệu USD ngày nay. Các tòa nhà đông đúc trên Phố Mill, Phố Ardee, Phố Chamber và Phố Cork đã bị phá hủy cùng với các cơ sở kinh doanh gần đó, khiến nhiều gia đình phải di dời. Vụ việc kéo dài chỉ trong một đêm này cũng đã gây ra tổn thất về người. Nhưng đáng ngạc nhiên là không có nạn nhân nào thiệt mạng do lửa hay hít phải khói.

Hóa ra, khi khu vực này đang được sơ tán, đám đông đã tụ tập quanh rìa dòng sông rượu rực lửa và cố gắng hôi đồ uống miễn phí bằng tất cả thứ gì có thể, kể cả mũ và ủng. Kết quả là 8 người được đưa đến Bệnh viện Meath trong tình trạng hôn mê; 12 người đến Bệnh viện Phố Jervis; 3 người đến Bệnh viện Stevens; và 1 thanh niên đến Bệnh viện Mercer. Sau đó đã có 13 người thiệt mạng.

4. Chết vì mật rỉ đường

Chết vì mật đường – nghe có vẻ điên rồ nhưng nó đã xảy ra!

Rỉ đường, rỉ mật hay mật rỉ đường là chất lỏng màu đen sánh được cô đọng, kết tinh trong quá trình sản xuất đường từ mía. Đây là một loại gia vị không thể thiếu trong chế độ ăn hiện đại và là nguyên liệu để sản xuất rượu rum. Mật rỉ đường có thể được lên men để sản xuất ethanol. Nhưng vào thời điểm những năm 1910, với việc ban hành luật cấm rượu, nhiều nhà máy sản xuất rượu buộc phải đóng cửa.

Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh Thế giới thứ Nhất kết thúc, nhu cầu sử dụng rượu trong các ngành công nghiệp của các nước tăng mạnh, để đáp ứng nhu cầu sản xuất rượu, một công ty công nghiệp Mỹ đã mua lại công ty Boston vào năm 1917 và tiếp tục sử dụng mật mía để sản xuất etanol công nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển và tồn trữ, công ty quyết định xây dựng một bể chứa mật mía lớn tại khu dân cư North End, bể chứa cao 15 m, đường kính 27 m, có thể chứa 14.000 tấn mật.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng mật rỉ đường không chỉ tạo ra etanol mà còn tạo ra khí cacbonic trong quá trình lên men. Khi lượng khí cacbonic trong bình kín đạt đến một mức nhất định sẽ gây ra sự chênh lệch áp suất lớn giữa bên trong và bên ngoài bình mật, dưới sự chênh lệch áp suất rất lớn, bình kín sẽ bị nổ.

Thảm họa nổ rỉ mật ở Boston 1919. (Ảnh: Wikimedia)

Vào ngày 15/1/1919, thời tiết Bắc bán cầu đã sang đông, tuy nhiên thời tiết ở Boston vào ngày này hơi bất thường, nhiệt độ cao nhất ngày hôm đó lên tới 4 độ độ C, phá kỷ lục về nhiệt độ cao nhất trong những năm trước. Chúng ta biết rằng trong các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lên men thì yếu tố quan trọng nhất là nhiệt độ, nhiệt độ càng cao thì tốc độ lên men càng nhanh, nhiệt độ càng thấp thì tốc độ lên men càng chậm, thậm chí là ngừng lên men.

Nhiệt độ cao làm tăng tốc độ lên men trong bể chứa mật, ngoài ra cấu tạo của bể chứa không chắc chắn khiến bể mật tự phát nổ. Lúc nổ, khối mật khổng lồ tràn ra với tốc độ 56 km/h. Dòng mật còn cao hơn các tuyến phố xung quanh 2,5-4,5 mét không chỉ khiến toàn bộ tuyến phố ngập trong mật rỉ đường mà còn khiến một đoàn tàu gần đó trật bánh.

Vụ nổ mật chỉ là tai nạn đầu tiên, thảm họa sau đó khiến người dân nơi đây tuyệt vọng. Rỉ mật rất dính, những người sống sót rất khó đứng dậy sau khi bị rỉ mật dính vào người. Một số bị lấp kín trong mật, giống như côn trùng rơi vào nhựa cây, không thể di chuyển được. Cuối cùng chỉ có thể từ từ đông lại.

Rỉ mật cũng khiến cơ thể con người khó thở. Theo lời kể của người sống sót Anthony Di Stacio, cậu đã bị một làn sóng mật cuộn lên trên đường đi học về. Cậu nghe thấy tiếng mẹ gọi tên mình, nhưng cổ họng bị tắc nghẽn và không thể trả lời.

Sau vụ nổ mật, cảnh sát địa phương, bác sĩ, y tá và quân đội nhanh chóng triển khai các hoạt động cứu hộ, nhưng độ dính tăng lên sau khi mật mía nguội, thậm chí đông đặc nên công tác cứu hộ khó thực hiện. Sau 4 ngày làm việc vất vả, công việc cứu hộ cuối cùng cũng kết thúc.

Theo báo cáo, có tổng cộng 21 người chết và 150 người bị thương trong vụ tai nạn này, một số lượng lớn động vật đã chết, xác của chúng bị bao phủ bởi mật rỉ đường và không thể nhận dạng được.

5. Gián điệp trộm trà làm chao đảo kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu trà sang châu Âu vào những năm 1600. Vào thời đó, Trung Quốc là nhà sản xuất trà duy nhất trên thế giới và họ cung cấp số lượng đủ lớn để đáp ứng nhu cầu toàn cầu đang tăng nhanh.

Khi thức uống này xâm nhập vào nước Anh, nó trở nên phổ biến trong giới thượng lưu và là món hàng xa xỉ đối với người dân bình thường. Người Anh dần dần mua trà với số lượng lớn và thức uống này nhanh chóng trở thành mặt hàng thương mại quan trọng nhất mà Anh nhập khẩu từ Trung Quốc.

Một phần nhờ vào thế độc quyền xuất khẩu trà, Trung Quốc nhanh chóng trở thành thế lực kinh tế lớn nhất thế giới đầu thế kỷ 19. Cuối những năm 1880, Trung Quốc sản xuất khoảng 250.000 tấn trà mỗi năm, 53% trong số đó được xuất khẩu. Trà chiếm tới 62% tổng lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, thế độc quyền của họ đã bị phá vỡ bởi một nhà thực vật học người Scotland Robert Fortune. Năm 1842, khi Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất giữa Anh và Trung Quốc kết thúc, Fortune được Hiệp hội Thực vật Hoàng gia Anh ủy nhiệm thực hiện một cuộc thám hiểm, thu thập thực vật 3 năm ở Trung Quốc.

Robert Fortune. (Ảnh: Wikimedia)

Trong chuyến công du, Fortune chứng kiến những vườn trà tuyệt đẹp của Trung Quốc nhưng ông cũng phải vật lộn với chứng say sóng và đối mặt với những cuộc tấn công liên tục từ cướp biển. Ông ghi lại toàn bộ hành trình của mình trong cuốn sách được xuất bản năm 1847.

Công ty Thương mại Đông Ấn của Anh chú ý đến công việc của Fortune. Họ tin rằng nếu có thể thu được những cây giống tốt nhất và bí mật sản xuất từ Trung Quốc, họ có thể trồng trà tại thuộc địa Ấn Độ và kiểm soát một lĩnh vực thương mại thống trị kinh tế thế kỷ 19. Vì vậy, công ty ủy thác Robert Fortune đến Trung Quốc để trộm cây chè.

Chính quyền Trung Quốc thời bấy giờ cấm người nước ngoài mua cây chè. Đây là một công việc đầy rủi ro nhưng với thù lao 624 USD - gấp 5 lần mức lương của Fortune và hứa hẹn về quyền sở hữu thương mại đối với bất kỳ loại cây nào ông thu được trong chuyến đi, nhà khoa học khó có thể cưỡng lại cám dỗ.

Tháng 9/1848, Fortune đi từ Thượng Hải qua Hàng Châu đến các vùng trồng chè ở Chiết Giang và An Huy trong chuyến đi gian nan kéo dài ba tháng với hai phụ tá. Fortune bắt chước diện mạo của người dân địa phương bằng cách cạo tóc, gắn tóc giả phía sau gáy và mặc trang phục của một quý tộc địa phương hoặc thương gia giàu có.

"Tôi là người Trung Quốc đến từ một tỉnh vượt ra ngoài Vạn Lý Trường Thành", ông nói với những người dân địa phương bằng tiếng Trung.

Tháng 10/1848, ông đến một xưởng sản xuất trà xanh, chứng kiến quy trình và còn biết rằng các nhà sản xuất địa phương đã thêm chất phụ gia độc hại để khiến sản phẩm trông hấp dẫn hơn. Ông khám phá ba vùng trồng trà xanh khác nhau, thu thập các mẫu và ghi chú đầy đủ trước khi quay trở lại Thượng Hải vào tháng 1/1849. Tại đây, ông liên lạc với công ty ở London bằng thư: "Tôi rất vui mừng khi thông báo rằng tôi đã mua được một lượng lớn hạt giống và cây non mà tôi tin tưởng sẽ đến Ấn Độ an toàn".

Fortune thu thập được 13.000 cây và 10.000 hạt nhưng chúng phải được vận chuyển trong mùa đông đến vùng dãy Himalaya của Ấn Độ thông qua Hong Kong và Calcutta. Fortune đã tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề: bình Wardian. Vào những năm 1830, tiến sĩ Nathaniel Bagshaw Ward khám phá ra rằng nếu để cây vào một bình thủy tinh kín thì cây có thể sống sót và phương pháp này được sử dụng để vận chuyển thực vật qua khoảng cách lớn.

Fortune dành nhiều tuần để đóng gói cây giống vào hộp thủy tinh và thử một số phương pháp để đóng gói hạt giống trước khi chuyển toàn bộ lô hàng đến Hong Kong. Hành trình tiếp theo là một thảm họa nhưng vài tháng sau ông mới biết tin.

Tháng 5/1849, ông đến một vùng trồng trà đen của tỉnh Phúc Kiến. Đây là nhiệm vụ quan trọng hơn vì trà đen được ưa chuộng hơn trà xanh ở phương Tây. Khi trở về Thượng Hải vào cuối mùa thu năm đó, Fortune nhận được tin tức từ Ấn Độ rằng chỉ 1.000 hạt giống sống sót sau hành trình và hầu hết đều bị nấm mốc. Một quan chức quá nhiệt tình đã quyết định mở các bình thủy tinh để kiểm tra cây giống nên hầu hết cũng đã chết.

Không nản lòng, Fortune quyết định thử nghiệm đặt hạt giống vào bình thủy tinh để chúng nảy mầm và sinh trưởng trên đường vận chuyển. Cuối cùng, phương thức này thu được kết quả tích cực và hạt trà đen được được vận chuyển thành công đến các đồn điền Ấn Độ do công ty Đông Ấn kiểm soát.

Fortune thậm chí còn đưa cả những nông dân trồng chè đi cùng. Bằng cách đó, người Anh có thể học được cách trồng chè, thậm chí có được cả các công cụ canh tác và công cụ điều chế.

Trong vòng một thế hệ, ngành công nghiệp trà ở vùng dãy Himalaya của Ấn Độ vượt xa Trung Quốc về chất lượng, khối lượng và giá cả.

Đế quốc Anh đã thành công trong việc trồng, thu hoạch và sản xuất trà ở Ấn Độ, phá vỡ thế độc quyền lâu năm của Trung Quốc. Lượng trà Trung Quốc sản xuất giảm đáng kể xuống còn 41.000 tấn, trong đó chỉ có 9.000 tấn được xuất khẩu. Trung Quốc tụt lại phía sau trong khi người Hà Lan và người Mỹ theo chân Anh, đến các vùng trồng trà của Trung Quốc để "học lỏm".

Lượng trà được sản xuất tại Trung Quốc đã không thể phục hồi cho đến những năm 1950. Khoảng 170 năm sau khi bị trộm bí mật thương mại, Trung Quốc mới giành lại được vị thế là nhà xuất khẩu trà lớn nhất thế giới.

Hữu Đức

Đọc tiếp