Nơi nương tựa lớn nhất của đời người không phải là quyền thế địa vị, mà là 2 chữ này
Một vấn đề rất thực tế: Đối với người bình thường, nơi nương tựa thực sự rốt cuộc là gì? Có người nói, nơi nương tựa thực sự là tiền tài; có người nói là quyền thế; có người nói là địa vị; lại có người nói là quan hệ... Mỗi người một ý.
Những thứ này quả thực có thể đảm bảo cho người ta tạm thời yên ổn. Thế nhưng, có thể lâu dài được như vậy hay không thì rất khó nói. Xét cho cùng, những thứ vật chất đều không tồn tại mãi mãi.
Tiền tài dù nhiều đến mấy cũng chưa chắc giữ được; quyền thế dù lớn đến mấy rồi cũng có ngày mất đi; địa vị dù cao đến mấy cũng chưa chắc đã bình an; quan hệ dù rộng đến mấy cũng có khả năng tan đàn xẻ nghé.
Người thường xem tiền tài, quyền thế, địa vị, quan hệ là nơi nương tựa. Nhưng nào biết rằng, tất cả những thứ này đều là con dao hai lưỡi, khoảnh khắc này có thể bảo vệ bạn, khoảnh khắc tiếp theo có thể làm bạn bị thương.
Từ xưa đến nay, đều là như vậy. Dưới ánh mặt trời không có gì mới mẻ.
Nhiều tiền bạc có thực sự đảm bảo một cuộc sống an nhàn vô lo không? Chưa chắc
Thạch Sùng, người giàu nhất thời nhà Tấn, có khối tài sản đủ để mua cả hai kinh thành đông tây. Nhưng bất hạnh thay, ông ta bị người khác nhòm ngó, lại đứng sai phe, cuối cùng cả nhà bị tịch thu tài sản, chết không có chỗ chôn.
Thẩm Vạn Tam, người giàu nhất đầu thời nhà Minh, đã bỏ tiền bạc và công sức ra giúp Chu Nguyên Chương xây dựng thành Nam Kinh. Chu Nguyên Chương được lợi, liền bắt Thẩm Vạn Tam bỏ tiền ra khao thưởng quân Minh. Ngay khi Thẩm Vạn Tam dốc hết tiền của, lập tức bị đày đi biệt xứ, phải chết nơi đất khách quê người.
Điều này nói lên điều gì? Tiền bạc, nhiều nhất cũng chỉ đảm bảo cho bản thân được ăn no mặc ấm. Còn những thứ khác thì khó nói. Càng nhiều tiền, càng có nhiều người dòm ngó, rủi ro càng lớn.
Những người lấy tiền bạc để bảo toàn tính mạng, cuối cùng cũng sẽ bị chính tiền bạc đó phản phệ, kết cục bi thảm.
Về vấn đề này, có người sẽ nói, vậy thì có quyền thế, địa vị, chẳng lẽ không thể bảo toàn bản thân cả đời sao? Chưa chắc.
Đường Huyền Tông tên thật là Lý Long Cơ bị Dương Quốc Trung và An Lộc Sơn lừa gạt, lại còn mơ mơ hồ hồ. Sau khi loạn An Sử bùng nổ, càng thêm hoang mang không biết gì. Đến khi cửa ải Đồng Quan bị phá, Lý Long Cơ chạy trốn đến Ba Thục, lại vì biến loạn mà buộc phải giết chết ái phi Dương Quý Phi.
Lý Hanh, con trai của Lý Long Cơ, thừa lúc Lý Long Cơ bỏ trốn, trực tiếp lên ngôi ở Linh Vũ, tôn Lý Long Cơ làm Thái thượng hoàng. Sau đó, dù Lý Long Cơ có trở về Trường An, cũng đã mất hết tất cả, ngay cả những nô bộc thấp hèn cũng dám bắt nạt ông ta.
Tiền tài, quyền thế, địa vị, đều là những thứ người phàm theo đuổi cả đời, nhưng cuối cùng tại sao vẫn không thể bền lâu?
Chỉ có một đáp án, tất cả những thứ này đều là phù du nơi trần thế. Người phàm dựa vào những thứ phù du này, ngoài việc bị phản phệ, rỗng tuếch, thì còn có thể nhận được gì?
Nếu tất cả đều không đáng tin cậy, vậy thì thứ gì đáng tin cậy? Xem ba trường hợp sau, bạn sẽ hiểu.
Đầu thời nhà Hán, có ba nhân vật kiệt xuất là Tiêu Hà, Trương Lương và Hàn Tín.
Sau khi thiên hạ thái bình, Tiêu Hà biết Lưu Bang đã thay đổi, lập tức thay đổi sách lược đối nhân xử thế của mình, không chỉ tự làm hoen ố thanh danh mà còn cùng với Lã hậu hợp sức trừ khử Hàn Tín. Nhờ vậy mà bình an cả đời.
Sau khi thiên hạ thái bình, Trương Lương thấu hiểu đạo lý "công thành thân thoái", nói với Lưu Bang rằng mình không màng danh lợi, chỉ muốn ẩn cư. Lưu Bang vui vẻ đồng ý, Trương Lương được chết yên lành.
Hàn Tín đã vì nhà Hán mà lập vô số công lao to lớn, một đời anh hùng, chí khí ngút trời. Ví như câu nói: “Thỏ khôn hết thì chó giỏi bị nấu, chim cao hết thì cung tốt bị cất, nước địch bị phá thì mưu thần hết đời”, bởi Hàn Tín lại là “công cao quá chủ” nên sau cùng phải nhận về một cái kết bi thương.
Nơi nương tựa lớn nhất của đời người không phải là quyền thế địa vị, mà là hai chữ này - Nhân quả
Tiêu Hà tự làm hoen ố thanh danh, đây là nhân, Lưu Bang tha cho ông, đây là quả; Trương Lương hoàn thành công lao, chủ động ẩn cư, đây là nhân, Lưu Bang tha cho ông, đây là quả; Là một kỳ tài quân sự, Hàn Tín khó tránh có lúc kiêu ngạo, những người có thể khiến ông bái phục chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông từng nói với Lưu Bang rằng: “Ngài nhiều nhất chỉ có thể chỉ huy mười vạn binh mã, nhưng Hàn Tín ta lại không có giới hạn”, chính là nhân. Cuối cùng Lưu Bang giết ông, đây là quả.
Cái gọi là nhân quả, không phải là thứ gì kỳ quái, mà là "sự lựa chọn trước đó, dẫn đến kết quả sau này".
Lấy "nhà giàu mới nổi" làm ví dụ: Có người thông qua một cách nào đó, trở thành nhà giàu mới nổi. Có tiền rồi, họ kiêu ngạo tự đại, không chỉ đắc tội với người khác, còn lựa chọn sai lầm, một bước sai, bước bước sai, toàn bộ đều thua, cuối cùng một đêm trở nên nghèo khó, tường đổ mọi người đẩy.
Kiêu ngạo tự đại, đắc tội với người khác, lựa chọn sai lầm, đây là nguyên nhân; cuối cùng một đêm trở nên nghèo khó, chúng bạn xa lánh, đây là kết quả.
Có thể thấy, mọi phúc họa, vào khoảnh khắc chúng ta lựa chọn làm gì, đã được định sẵn rồi.
Gieo nhân xấu, gặt quả xấu; gieo nhân tốt, gặt quả tốt. Bản thân nhân quả, không phải tiền tài, quyền thế, địa vị nơi trần tục có thể thay đổi.
Phần kết
Điều xuyên suốt cuộc đời một con người, không phải là hư danh phù phiếm nơi trần thế, mà là luật nhân quả của chính bản thân họ.
Một cộng một, mãi mãi bằng hai, chứ không bao giờ bằng không. Xuân hạ thu đông, mãi mãi tuần hoàn luân chuyển, chứ không bao giờ dừng lại giữa chừng. Đó là quy luật khách quan của tự nhiên.
Bạn hãy nhìn những kẻ giàu xổi hống hách, ngạo mạn, coi trời bằng vung, cuối cùng cũng đụng phải tấm thép cứng, bị người ta chơi cho khuynh gia bại sản, trắng tay, đầy bi ai.
Ngoài kia còn có người giỏi hơn ta, trên trời còn có trời cao hơn. Đừng nghĩ mình là giỏi giang, người phàm chẳng có gì đáng để tự mãn.
Cẩn thận từng li từng tí, giữ lòng dạ ngay thẳng, thuận theo quy luật, tôn trọng nhân quả, mới là con đường lâu dài.
Theo 163.com
Minh Nguyệt