Philippines dự định ký kết thỏa thuận tiếp cận tương hỗ (RAA) để ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc

Philippines dự định ký kết thỏa thuận tiếp cận tương hỗ (RAA) để ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd J. Austin III gặp Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 ở Singapore. (Ảnh: Chad J. McNeeley, U.S. DoD U.S. Secretary of Defense/CC2.0)

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines hôm thứ Hai (22/7) cho biết Philippines đang tìm cách ký kết RAA với Canada, Pháp và New Zealand.

Các quan chức Philippines cho rằng nếu thỏa thuận này được ký kết, nó sẽ gần như tương đương với việc hình thành một liên minh phòng thủ. Động thái này được coi là nhằm ngăn chặn sự xâm lược và đe dọa của Trung Quốc.

Đầu tháng 7, Philippines vừa ký RAA với Nhật Bản, cho phép triển khai quân đội trên lãnh thổ của nhau để đối phó với sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Giới quan sát cho rằng điều này cũng đồng nghĩa với việc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể chính thức tham gia cuộc tập trận chung Mỹ-Philippines "Balikatan".

Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr. một lần nữa tuyên bố rằng nước này đang chuẩn bị đạt được các thỏa thuận tương tự với Canada, Pháp, New Zealand và các quốc gia khác.

Ông hy vọng các thỏa thuận này có thể được ký kết vào năm tới.

Ông Teodoro cho biết các thỏa thuận này sẽ cho phép khả năng tương tác lớn hơn, cho phép các lực lượng vũ trang của các quốc gia này hoạt động trên lãnh thổ Philippines và ngược lại.

Ông mô tả: "Điều này rất gần với việc hình thành một liên minh phòng thủ."

Canada, Pháp và New Zealand đều bày tỏ ủng hộ chủ quyền của Philippines trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, bao gồm cả Biển Tây Philippines. Brunei, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam và Indonesia cũng tuyên bố chủ quyền một phần đối với Biển Đông. Năm 2016, một tòa án quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc trong một vụ kiện do Philippines đệ trình, nhưng Bắc Kinh đã từ chối.

Trong một thời gian dài, một lực lượng nhỏ của Philippines đã đóng quân trên một tàu đổ bộ cũ kỹ "Sierra Madre" bị cố tình mắc cạn trên bãi cạn Second Thomas (Philippines gọi là Ayungin Shoal) để khẳng định chủ quyền của Manila đối với bãi cạn Second Thomas.

Trong những tháng gần đây, đã xảy ra một loạt các cuộc đối đầu và xung đột giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông. Các tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã nhiều lần cản trở việc Philippines tiếp tế cho lực lượng này.

Tháng trước, một binh sĩ Philippines đã mất một ngón tay trong một cuộc đụng độ, mà Manila mô tả là "một cuộc tấn công tốc độ cao có chủ ý" của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc.

Tuần trước, sau khi Hoa Kỳ tuyên bố sẽ "thực hiện các biện pháp cần thiết" để hỗ trợ chính quyền Philippines tiếp tục nhiệm vụ tiếp tế, Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines hôm Chủ nhật cho biết các nhiệm vụ tiếp tế cho quân đội Philippines trên bãi cạn Second Thomas tạm thời vẫn do Philippines thực hiện.

Phát ngôn viên quân đội Philippines hôm Chủ nhật cũng cho biết họ sẽ tìm kiếm sự can thiệp của nước ngoài trong việc thực hiện các nhiệm vụ tiếp tế sau khi "đã sử dụng mọi biện pháp".

Mỹ và Philippines bị ràng buộc bởi Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951, có thể được viện dẫn nếu quân đội, tàu hoặc máy bay Philippines bị tấn công vũ trang trên Biển Đông.

Hôm Chủ nhật, Bộ Ngoại giao Philippines đã đưa ra một tuyên bố cho biết Trung Quốc và Philippines đã "đạt được thỏa thuận về một thỏa thuận tạm thời" liên quan đến nhiệm vụ của "Sierra Madre".

Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) không cung cấp thông tin chi tiết về thỏa thuận này, chỉ cho biết hai bên cho rằng "cần thiết phải giảm leo thang tình hình ở Biển Đông và kiểm soát các bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn, đồng thời đồng ý rằng thỏa thuận này sẽ không gây phương hại đến lập trường của nhau ở Biển Đông".

Theo Epochtimes
Minh Nguyệt