Philippines, Hoa Kỳ, Úc và Canada lần đầu tiên tập trận quân sự trên Biển Đông

Philippines, Hoa Kỳ, Úc và Canada lần đầu tiên tập trận quân sự trên Biển Đông
Tàu Philippines ( phía trước) cùng các tàu khác trên Biển Đông (Ảnh: @CavasShips/X)

Philippines, Hoa Kỳ, Úc và Canada đã khởi động cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên tại Biển Đông vào thứ Tư (7/8). Cuộc tập trận được thực hiện với mục đích tăng cường khả năng phối hợp tác chiến giữa lực lượng quân đội bốn nước.

Cuộc tập trận dự kiến kéo dài hai ngày, có sự tham gia của các đơn vị hải quân và không quân. Đây là cuộc tập trận đầu tiên của bốn quốc gia. Vào tuần trước, tại khu vực đang có tranh chấp tại Biển Đông, đã diễn ra cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Philippines và Nhật Bản. 

Hoa Kỳ, một đồng minh hiệp ước của Philippines, cũng đã tổ chức các cuộc tập trận tương tự với các quốc gia khác trên tuyến đường thủy đang tranh chấp này, sau khi tiến hành các cuộc tập trận với Manila và Nhật Bản vào hồi tháng 6.

Philippines, Hoa Kỳ, Úc và Canada cho biết trong một tuyên bố rằng họ muốn bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Bốn quốc gia đồng thời nói khẳng định rằng các đơn vị hải quân và không quân sẽ hoạt động cùng nhau trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Manila để tăng cường hợp tác và khả năng tương tác.

Tuyên bố viết: "Chúng tôi sát cánh cùng nhau để giải quyết những thách thức chung về hàng hải và nhấn mạnh sự tận tâm chung trong việc duy trì luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên luật lệ".

Trung Quốc vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, một tuyến đường vận chuyển hàng hóa trị giá khoảng 3 nghìn tỷ đô la Mỹ hàng năm, bất chấp các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh từ Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.

Manila và Bắc Kinh đã nhiều lần xung đột ở Biển Đông, cáo buộc nhau có hành vi hung hăng liên quan đến tàu thuyền của nhau và gây tổn hại đến môi trường biển.

Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague (La Hay) tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Và phán quyết này đã bị Bắc Kinh đã bỏ qua.

Theo Asia One, Reuters
Bảo Thư