“Phúc khí lớn nhất của một gia đình là gì?” Đáp án khiến nhiều nhiều giật mình xem lại bản thân
Pháp sư Huệ Luật từng nói: “Hạnh phúc không phải điều có thể cầu mà được, chỉ có vui vẻ, thiện lành sống qua năm tháng mới chiêu mời được phúc khí”...
Khi một người đau khổ truy cầu hạnh phúc, thường là vì hạnh phúc đang cách anh ta rất xa, hoặc thậm chí không sao với tới được. Hạnh phúc thực sự có thể đạt được một cách dễ dàng, cho dù công việc rất mệt mỏi nhưng tâm không mệt, mà rất nhẹ nhàng và tràn đầy sức sống.
Hạnh phúc của một gia đình không phải do một người quyết định mà là tất cả các thành viên của cả gia đình cùng quyết định. Người sống ở đời, điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời là có nhà để về, có cơm để ăn, có người để quan tâm, lo lắng.
Phúc khí lớn nhất của một gia đình là gì? Mỗi người đều tìm được vị trí chính xác của mình, đàn ông làm chủ bên ngoài, đàn bà làm chủ bên trong, con cái ngày càng biết tự lập, đặc biệt là các thành viên trong gia đình đều biết tu dưỡng bản thân, trọng đức hành thiện.
1. Khí chất và khuôn mẫu của người chồng quyết định sự “hòa thuận” của một gia đình
Có nhà văn từng nói rằng: “Bi kịch của một người, thường là do tính cách tạo thành, còn bi kịch của một gia đình thường là sản phẩm của cá tính”. Trong một gia đình, nếu mỗi người đều khư khư ôm giữ cái tôi, thì sẽ gây ra tình trạng “thủy hỏa bất dung”. Phụ nữ, suy cho cùng vẫn thích được yêu thương, chiều chuộng. Vì vậy, các thành viên trong gia đình có thể bao dung lẫn nhau hay không, chủ yếu là đàn ông làm khuôn mẫu, dựa vào khí chất của người đàn ông trong gia đình.
Trong một gia đình, một chuyện nhỏ nhặt như lông gà vỏ tỏi cũng đều có thể gây ra cãi vã, nếu hai người không muốn cho qua thì mâu thuẫn sẽ theo đó mà leo thang. Ví dụ, quần áo của người chồng bị bẩn, người vợ phàn nàn: "Tại sao quần áo bẩn thế? Làm sao giặt được? Anh tự đi mà giặt". Người chồng bèn tức giận: "Cô ở nhà suốt ngày mà không giặt quần áo, còn có thể làm cái gì? Có giỏi thì cứ đi kiếm tiền xem!". Cứ thế lời qua tiếng lại, không thể ngăn lại được. Nhưng nếu người đàn ông không tức giận, chỉ cười và nói: “Được rồi, anh xin em đấy, coi như nốt lần này, lần sau anh sẽ chú ý!". Kết cục của sự việc liền sẽ khác.
Trong một gia đình hạnh phúc, có người đàn ông biết bao dung người khác, anh ấy sẽ thường “kiên nhẫn chịu đựng” và sống rất “tầm thường”. Nhưng anh ta dùng sự nhẫn nại của mình để đổi lấy sự hòa thuận của gia đình. Tục ngữ có câu: “Gia hòa vạn sự hưng”. Gia đình hòa thuận, làm bất cứ việc gì cũng dễ thành công hơn, ngày càng thịnh vượng hơn.
2. Người phụ nữ có giáo dưỡng quyết định "ấn tượng" của một gia đình
Khi bạn nhìn thấy một đứa trẻ quần áo bẩn thỉu, điều đầu tiên bạn nghĩ đến là "mẹ của đứa trẻ ăn ở luộm thuộm, quần áo cũng giặt không sạch". Một người đàn ông, khi đi ra ngoài quần áo luộm thuộm, bạn có thể nghĩ rằng người đàn ông này chưa lập gia đình. Bề ngoài của một gia đình mang đến cho bạn ấn tượng như thế nào, thường là do người phụ nữ quyết định.
Đứa trẻ có giáo dưỡng hay không thường phản ánh người mẹ có giáo dưỡng hay không. Trong phần lớn các gia đình, phụ nữ giám sát việc học hành của con cái, dạy con làm người, cũng là người hướng dẫn về cuộc sống của con cái. Lần nọ tôi đang trên xe buýt, nhìn thấy một cậu bé vứt rác khắp nơi, mẹ cậu ấy ở bên cạnh nhưng không nói một lời nào. Khi xuống xe, người mẹ còn ném một túi vỏ hạt dưa xuống sàn xe rồi mới xuống xe. Quả đúng là, người mẹ như thế nào sẽ giáo dục ra người con như thế ấy.
Người xưa có câu: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”. Những thói quen ở nhà của một người thường được mang ra xã hội và ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác. Một gia đình hạnh phúc như tấm gương sáng bóng, như một người đều ăn mặc chỉn chu, khi đi ra ngoài đều rất có tinh thần.
3. Tương lai sáng sủa của con cái quyết định “hưng vượng” của một gia đình
Trong một gia đình, trách nhiệm học hành là thuộc về con trẻ, nếu con trẻ nghỉ học, thì gia đình ấy sẽ bị tụt hậu. Mỗi thế hệ có một cách sống, và chỉ bằng cách học tập chăm chỉ, thì thế hệ sau mới có thể tốt hơn thế hệ trước.
Điều đó không có nghĩa là chỉ cần con trẻ đọc sách, còn cha mẹ thì không, mà là nói, trẻ đọc sách là trách nhiệm chủ yếu, còn với cha mẹ là trách nhiệm thứ yếu. Những đứa trẻ có tiền đồ sáng sủa phần nhiều là những đứa trẻ ham mê đọc sách, còn về vấn đề công việc sau này, đó là sự tình cần cân nhắc sau khi lớn lên.
Một gia đình thịnh vượng, là bởi mỗi người đều có những người tài đức, chứ không phải là đời cha vất vả kiếm tiền, đời con thì tiêu xài hoang phí, trở thành đứa con phá của. Một gia đình, có một đứa con ngỗ nghịch, thì tất cả người trong gia đình đều sẽ bị kéo xuống. Có rất nhiều gia đình vốn giàu có, nhưng thường thích khoe khoang bản thân, nghĩ rằng mọi chuyện đều có thể giải quyết bằng tiền, và kết quả gia đạo ngày càng sa sút.
Trong một gia đình, con cái chăm chỉ học hành, sống có đạo đức, chính là phúc khí của cả gia đình. Con cái ngày càng tự lập và có thể tự mình gây dựng sự nghiệp, chính là càng làm tăng phúc khí cho gia đình, truyền thừa phúc phí của gia đình.
4. Tiền bạc quyết định "sức mạnh" của cả gia đình
Cuộc sống thường ngày, cơm, áo, gạo, tiền, học hành, thuốc men, đi lại, … tất cả đều là tiền. Tuy nói là thực dụng, nhưng trong xã hội ngày nay, không có tiền thì khó tiến một tấc, gia đình không có tiền thì thường xuyên cãi vã, vợ chồng rất khó hạnh phúc. Ví dụ, người vợ muốn mua quần áo, nhưng người chồng không làm ra tiền, điều này sẽ khiến người vợ chán nản; nhìn chị em, đồng nghiệp, bạn bè xung quanh ai ai cũng quần là áo lượt, son son phấn phấn, cuộc sống dư dả, rồi nhìn lại bản thân tất nhiên sẽ không khỏi chạnh lòng. Người chồng khi muốn hút thuốc, ăn nhậu với bạn bè, nhưng không có tiền, bèn hỏi xin tiền vợ, kết quả bị vợ mắng sa sả vào mặt, trách móc chồng kém cỏi, bất tài vô dụng, không lo nổi cho vợ con một cuộc sống đầy đủ. Một khi những lời sát thương này đã nói ra miệng, tình cảm sứt mẻ là điều khó tránh.
Tuần trước, anh bạn cùng lớp của tôi đã mời một vài bạn học cũ ra ngoài ăn tối. Đến khi trả tiền, tôi thấy tiền trong thẻ không đủ chi trả nên đã gọi điện cho vợ. Kết quả là người vợ không những không chuyển tiền đến mà còn lớn tiếng mắng ông chồng qua điện thoại. Cuối cùng, một bạn học khác đứng ra chi trả hóa đơn, điều này khiến anh rất xấu hổ, nói rằng: "Ài, vợ tôi rất khắt khe trong chuyện tiền bạc, nhiều khi tôi cũng bó tay luôn!". Thực ra tôi cũng hiểu cho hoàn cảnh của anh, anh làm công việc lái xe, còn vợ là nhân viên của quầy thu ngân trong siêu thị, năm ngoái anh lại mua nhà, tiền nhà vẫn chưa trả hết, thành ra còn ôm cả đống nợ. Người vợ chửi lên chửi xuống, kỳ thực cũng là vì nhà nghèo, không thể không “keo kiệt”.
Một gia đình sống cảnh nghèo rớt mồng tơi, đoán chừng khi đi ra ngoài cũng cảm thấy mất mặt, không dám nhìn ai. Đứng trước người thân, bè bạn hoặc những người có tiền thì không khỏi tự ti, nói chuyện cũng không dám lớn tiếng. Trong một gia đình có phúc khí, trước tiên chính người đàn ông chăm chỉ kiếm tiền, trong nhà có tiền rồi thì cuộc sống cũng được đảm bảo.
5. Sách tốt quyết định “Tam quan” tốt xấu của một gia đình
Nhà văn người Pháp Voltaire từng nói: “Một gia đình không có sách bằng như một ngôi nhà không có cửa sổ”. Cửa sổ mang lại ánh sáng và gió mát cho ngôi nhà, cũng vậy, sách mang đến tri thức và định hình “Tam quan” (giá trị quan, thế giới quan, nhân sinh quan) cho một người. Nhưng không phải cuốn sách nào cũng đều mang trong nó những nội dung lành mạnh, tốt đẹp, vậy mới có câu “lựa sách mà đọc cũng như lựa bạn mà chơi, hãy coi chừng những người bạn xấu”.
Sách xấu tồn tại những thứ không tốt, dễ dàng phá hoại nhân cách và tâm hồn của người ta. Trong nhà mà để những sách với nội dung xấu, thì thật nguy hại cho những đứa trẻ đọc phải chúng.
Hãy nhớ rằng, đọc sách là tốt, vấn đề là chọn sách nào để đọc, để bạn trở thành người tử tế nhất có thể, chứ không phải là đọc chạy theo số lượng. Đọc nhầm sách còn đáng sợ hơn là không đọc sách
Chọn sách để đọc là cả một trí tuệ. Đọc sách tốt có thể biến hóa khí chất người ta, giúp cho ta mở mang tầm mắt, làm người có phong thái cao, biết nhường nhịn nhịn người khác, giàu có mà độ lượng, hướng cuộc đời theo chiều hướng tích cực hơn.
Trạng Diêu Văn Điền thời nhà Thanh từng nói: “Thế gian hàng trăm năm qua, việc nhà đơn giản là tích đức, việc tốt trong thiên hạ không có gì bằng đọc sách Thánh hiền”. Người trên khuôn mặt luôn hiển lộ phúc khí đẹp đẽ như đóa hoa, khẳng định là người ham đọc sách Thánh hiền.
Đúng là chỉ khi không ngừng đọc những cuốn sách quý để rèn luyện ý chí, tu dưỡng nhân cách bản thân, ngày một hoàn thiện chính mình thì vận mệnh mới có thể được cải thiện, khí chất ngày một cao quý và vượt qua thống khổ một cách bình an. Vậy mới nói, thật là phúc khi trong nhà có những cuốn sách Thánh hiền, những sách với nội dung lành mạnh, tốt đẹp.
Theo Aboluowang
Thiện Quân biên dịch